"Nữ hoàng muối" Sénégal: Người mẹ “cứu” cả quốc gia bằng... muối
Marie Diouf, hiện mới 35 tuổi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, Diouf còn thay đổi cả nhận thức của Sénégal về muối i-ốt. Chỉ một mình cô đã khiến hệ thống quan niệm cổ hủ của Sénégal bị phá vỡ. Và cũng một mình cô, sức khỏe bà mẹ, trẻ em toàn quốc được cải thiện và nâng cao.
Sénégal là một quốc gia ở Tây Phi, có diện tích rơi vào tầm 197.000 km2 và dân số rơi vào khoảng 13 triệu người. Đáng ngại là dù sản xuất ra cả 500.000 tấn muối/năm, đất nước này vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thiếu i-ốt.
Chân dung "Nữ hoàng muối" Sénégal
"Khi thấy đàn ông có đất đai trong tay còn mình thì không, tôi tự hỏi tại sao lại thế," - Marie Diouf, 35 năm tuổi nhớ lại.
Sinh ra và lớn lên ở Ndiemou, một ngôi làng của người Serer (một nhóm dân tộc ở Tây Phi, chiếm 15% dân số Sénégal) trong vùng Fatick tại Bắc Sénégal, Diouf sớm nhận thức được sự bất bình đẳng giới tính.
Vốn dĩ, Serer là tộc người theo chế độ mẫu hệ. Suốt thế kỷ 19, họ kịch liệt chống lại sự bành trướng của đạo Hồi do quan niệm "trọng nam". Tuy nhiên, sau khi bị Pháp xâm lược vào thế kỷ 20, hầu hết người Serer đã chuyển sang Hồi giáo Sufi. Cũng kể từ lúc đó, phụ nữ Serer mất đi vai trò trụ cột, trở thành vô sản, hoàn toàn phụ thuộc vào cánh đàn ông trong gia đình.
Trong chiếc áo thụng màu đỏ thẫm, Diouf nổi bần bật trên cánh đồng muối trắng. "Khi tôi mới bắt đầu, cánh đàn ông trong làng đã cười cợt rằng tôi sẽ không thể nào trụ được lâu, bởi kinh doanh là việc chỉ có đấng mày râu như họ mới cáng đáng được," - cô kể. Nhưng bây giờ thì Diouf đang là "bà chủ lớn". Cô thuê hàng chục nam nữ nhân công, bao gồm luôn cả chồng mình, sản xuất 4-5 tấn muối/ngày.
Marie Diouf trước cánh đồng muối của mình
Nắm bắt cơ hội và tự mình làm chủ
"Ở nhà, chồng tôi là chủ nhưng ở đây, tôi mới là người lãnh đạo," – Diouf tự hào, nói xong rồi phá ra cười.
Các trai tráng này là nhân công của bà chủ Diouf
Vào năm 2000, khi Sénégal tiến hành tư hữu hóa đất đai, cô đã lập tức chớp lấy cơ hội, trở thành phụ nữ đầu tiên đứng ra thuê đất. Tính ra thì lúc ấy, Diouf mới chỉ có 16 tuổi. Không riêng gì trong làng Ndiemou mà với cả Sénégal, đó vẫn là một quyết định cực kỳ táo bạo.
Trong vùng Fatick, phụ nữ là lực lượng lao động làm muối chính. Bất chấp cái nóng có khi lên đến ngoài 40oC trong mùa cao điểm (tháng 2-4 hàng năm), họ vẫn xúc muối kết tinh vào giỏ, đội lên đầu mang tới nơi tập kết. Vất vả là thế song lại không chị em nào có lấy một mảnh ruộng muối cho riêng mình.
Cũng trong năm Diouf thực hiện "nước cờ" sẽ thay đổi cuộc đời cô, Sénégal ra sắc lệnh bắt buộc toàn bộ muối ở trong nước đều phải được i-ốt hóa.
Muối i-ốt thương hiệu Diouf
Đất nước thừa muối nhưng lại thiếu i-ốt
Chúng ta đều biết, i-ốt là chất cần thiết để ngăn ngừa bướu cổ, tăng trưởng chậm và suy giảm sự phát triển của trí não. Tuy nhiên tại Sénégal, nhận thức này vẫn chưa được phổ biến trong toàn dân.
Tiếng là quốc gia sản xuất muối lớn nhất Tây Phi, làm ra đến 500.000 tấn muối/năm, nhưng thiếu i-ốt vẫn là vấn đề nghiêm trọng hàng đầu của Sénégal. Nó không chỉ khiến chính phủ bất an mà còn gây lo ngại cho cả Mạng lưới I-ốt Toàn cầu (Iodine Global Network) và Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh dưỡng (Global Alliance for Improved Nutrition).
Công nhân tiến hành trộn muối
Mặc dù để làm ra 1 tấn muối i-ốt chỉ tốn có 170g i-ốt mà thôi, với giá khoảng $4,25 (xấp xỉ 100.000 vnđ). Vậy mà theo một khảo sát năm 2015, chỉ có đúng 37% các hộ gia đình ở Sénégal là sử dụng muối có i-ốt.
Cái đặc biệt quan trọng của i-ốt là nó cải thiện sự phát triển của não bộ trẻ nhỏ, nhất là trong thời kỳ thai nhi. Nếu thiếu i-ốt, người mẹ có thể bị sẩy thai hoặc sinh ra đứa trẻ bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Thế nhưng cũng theo kết quả khảo sát năm 2015, lại có đến 30% phụ nữ mang thai ở Sénégal bị thiếu i-ốt.
Thực chất, muối i-ốt không phải là nguồn cung cấp iốt duy nhất. Chúng ta có thể hấp thụ thêm iốt từ hải sản, sữa, ngũ cốc... Chỉ có điều là tại các vùng nông thôn của Sénégal, những thực phẩm như thế này không sẵn có. Chưa kể, phần lớn mọi người còn đang phải vật lộn với cái đói, cái nghèo. Muối iốt là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất.
Cứu cả quốc gia bằng... muối
Giữa cái nôi trì trệ ấy, "Nữ hoàng muối" Diouf đứng lên, thực hiện một cuộc đổi thay ngoạn mục.
Trong tiếng Serer thì Ndiemou, tên làng của Diouf cũng có nghĩa là "Muối". Nghịch lý là tại chính những nơi thu hoạch muối như ngôi làng này, lượng dân cư được tiếp cận với i-ốt chỉ chiếm có 11%.
Aby Faye, một bà mẹ trẻ ở Ndiemou, người đã được Diouf "khai sáng" về tác dụng của muối i-ốt
Hầu hết các cư dân Sénégal đều mua muối thẳng từ các tư nhân thu hoạch muối thủ công quy mô nhỏ giống như Diouf. Nếu gom tất cả lại, các tư nhân này chiếm hẳn 1/3 sản lượng muối hàng năm của Sénégal. Tuy nhiên, vì thiếu am tường về i-ốt, phần lớn họ thất bại trong việc làm ra muối i-ốt hiệu quả.
Hiểu được vấn đề, Diouf liền tiên phong tham gia sản xuất muối i-ốt đóng bao bì an toàn. Cô bắt tay với Adama Nguirane, đại diện của dự án muối i-ốt hóa Sénégal, khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức toàn dân. Rất nhanh, làng của Diouf được "cập nhật" hiểu biết về i-ốt. Phụ nữ được "khai thông" về tầm quan trọng chất thiết yếu này, vui vẻ mua muối i-ốt về nấu những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho chồng con.
Rồi thì cả Pape Coumb Ndoffene Faye, hiệu trưởng của trường tiểu học trong làng cũng khẳng định tác dụng thần kỳ của muối i-ốt. Nhờ có nó, trường của Faye đã vươn lên xếp thứ 4 trong 31 trường học được kiểm tra, xếp loại.
"Kể từ khi Diouf bắt đầu dự án, muối i-ốt cũng được dùng để nấu ăn trong trường học, và khả năng học tập của học sinh đã được cải thiện," – ông cho biết. Đó không chỉ là niềm tự hào của Ndiemou, mà còn là bằng chứng thực tế cho sự thiết yếu của i-ốt trong đời sống hàng ngày.
Tiếng lành đồn xa, người dân Sénégal bắt đầu tự nguyện mua muối i-ốt về dùng. Nắm bắt xu hướng, các nhà sản xuất muối nhỏ lẽ cũng tích cực học hỏi công nghệ i-ốt, hứa hẹn làm ra muối i-ốt hiệu quả nhất. Dù bây giờ Sénégal vẫn chưa được i-ốt hóa toàn bộ, nhưng sớm thôi, dự án của họ sẽ kết thúc bằng thắng lợi rực rỡ.
Về phần Diouf, cô đang đặt hết hy vọng vào con gái nhỏ Fatou. Cô bé hiện 13 tuổi, mỗi ngày đều chuyên cần dậy sớm, đi bộ 4km để tới trường cấp 2 ngoài làng. Diouf mong con gái sẽ lớn lên mạnh mẽ, có thể trở thành một nữ giám đốc thật "ngầu" trong tương lai, hoặc là nhà ngoại giao, thậm chí là nữ tổng thống nữa.