Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai nhiễm Covid-19: "Cùng làm trong nghề y, tôi rất thương các bác sỹ"
Sau gần một tháng điều trị, chờ đến ngày được công bố khỏi bệnh, nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai rất xúc động. Lời đầu tiên, dù hơi thở còn đứt quãng, chị muốn nói cảm ơn tới các y bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã luôn bên cạnh chăm sóc và động viên chị gần một tháng qua.
Bùi Thị Hạnh, 54 tuổi, điều dưỡng Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, là nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam dương tính với SASR-CoV-2.
Chị là bệnh nhân 86. Sau đó, Bộ Y tế công bố thêm 2 trường hợp, bệnh nhân 87 và 107, lần lượt là đồng nghiệp và con gái chị.
Trước đó, ngày 8/3, chị về Hà Nội sau khi kết thúc kỳ nghỉ cùng gia đình tại Côn Đảo. Hôm sau, chị đi làm bình thường, không có biểu hiện lâm sàng.
Ngày 11/3, nữ điều dưỡng có triệu chứng tức ngực, không ho, không sốt và nhập viện Viện Tim mạch thuộc Bệnh viện Bạch Mai (C4) điều trị theo hướng tăng huyết áp, đau thắt ngực trong 4 ngày.
Sáng ngày 19/3, chị được Viện Tim mạch cho xuất viện, sau đó lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc, tối cùng ngày cho kết quả dương tính.
23h đêm 19/3, bệnh nhân được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2, không kịp gặp gia đình.
Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai xúc động ngày được công bố khỏi bệnh.
Từ ngày đó đến 3/4, chị nằm điều trị tại Khoa cấp cứu, trước khi được chuyển lên Khoa Nội tổng hợp. Cơ thể mệt mỏi, chị xuất hiện triệu chứng khó thở nặng.
Ngày thứ 2, chị bắt đầu sốt 37 độ rưỡi. 5-6 ngày tiếp theo, đêm nào cũng sốt cao, 38-38.5 độ. Chị học cách vận động nhiều để tập thở, đồng thời cải thiện phổi. Dù kết quả chụp phổi thời điểm đó không được tốt, có chiều hướng xấu, nhưng được sự quan tâm của bác sỹ, theo sát diễn biến, hỗ trợ động viên tâm lý, chị đã vượt qua được khó khăn trong lúc nguy hiểm nhất.
"Nếu không, nguy cơ cao tôi phải can thiệp máy thở", chị nói.
Triệu chứng khó thở khiến nữ điều dưỡng không thể ăn và mệt mỏi. Lúc đó, một bệnh nhân người nước ngoài nằm cùng phòng trở nặng, các bác sỹ mặc đồ bảo hộ đặc biệt chạy vào cấp cứu, đặt ống. "Tôi sợ và căng thẳng, vì cũng trong nghề y, tôi biết đặt ống thở kéo theo nhiều vấn đề". Chứng kiến cảnh tượng như thế, chị gần như "bò dậy", với tay lấy một cốc cháo đã nguội, cố gắng ăn từng thìa dù vị giác không có cảm giác gì.
"Các bác sỹ đã dặn, nếu như không ăn sẽ không có sức để thở. Nên khi thấy một bệnh nhân nặng, tôi đã phải cố gắng, cứ làm sao nuốt được là tốt".
Một tuần sau khi nhập viện, đêm 26/3, chị nhận kết quả âm tính lần đầu. Trời tối, chỉ mới 1-2h sáng, nhưng chị vẫn thức vì căn bệnh khiến chị ngủ rất ít. Một vị bác sỹ đã đến phòng bệnh, giơ ngón tay ra làm kí hiệu "ok", thông báo kết quả.
"Dù không trao đổi với nhau được nhiều, nhưng khi anh ấy nói rằng tôi đã âm tính, tôi rất phấn khởi".
Chị Hạnh gửi lời cảm ơn tới đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Sau gần một tháng điều trị, chờ đến ngày được công bố khỏi bệnh, nữ điều dưỡng rất xúc động. Thật may mắn khi con gái chị (là bệnh nhân 107) cũng đã được xuất viện ngày 7/4. Được ra ngoài hít thở bầu không khí, đấy là điều hạnh phúc lớn lao nhất đối với chị. Lời đầu tiên, dù hơi thở còn đứt quãng, chị muốn nói cảm ơn tới các y bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
"Cùng làm trong nghề y, tôi rất thương các bác sỹ. Trong trang phục bảo hộ, họ phải làm việc rất vất vả. Có những lúc, tôi nhìn lên gương mặt họ, thấy mồ hôi làm mờ đi kính che mặt, nhưng họ vẫn quần quật, luôn đặt tính mạng và sức khoẻ bệnh nhân lên hàng đầu".
Ngày được công bố là "nhân viên y tế đầu tiên" hay "bệnh nhân Covid-19 đầu tiên liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai", tâm lý chị vô cùng nặng nề. Đến nay, khi đã khỏi bệnh, Bệnh viện Bạch Mai - nơi chị làm việc, sắp được gỡ phong toả, chị nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
"Tôi nhớ gia đình và đồng nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai. Tôi mong muốn có thể đồng hành cùng họ trong hành trình chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 sắp tới".