Novak Djokovic bị đuổi khỏi giải Australia Open vì không có giấy tờ tiêm vaccine Covid-19
Quá mệt mỏi vì giãn cách, Melbourne nới lỏng nhập cảnh để tổ chức Australia Open nhưng chính quyền trung ương không chịu đồng ý.
Theo hãng tin Bloomberg, tay vợt tennis số 1 thế giới Novak Djokovic đã bị từ chối nhập cảnh vào Australia sau hàng loạt những tranh cãi nảy lửa về quy định an toàn phòng dịch của nước này.
Hiện vận động viên Djokovic đã bị huỷ visa dù đã đến thành phố Melbourne để bảo vệ danh hiệu Australia mở rộng. Quyết định mới này khiến anh bị giam chân ở sân bay và phải chờ luật sư vào cuộc. Điều trớ trêu là trong khi Melbourne chấp nhận giấy tờ nhập cảnh của nhà vô địch thì chính quyền liên bang lại không đồng ý.
Trước đó, Djokovic đã đáp chuyến bay đến Australia để chuẩn bị bảo vệ ngôi vô địch giải Australia mở rộng 2022. Ban đầu nhà vô địch này được cho là sẽ được miễn trừ y tế để thi đấu tại nơi anh đã từng 9 lần đăng quang. Tuy nhiên phía Australia cho biết việc miễn trừ này chỉ cho phép Djokovic tham gia giải chứ không cho phép anh không tuân thủ các quy định về giấy tờ y tế để nhập cảnh.
Hệ quả là ngay khi đáp chuyến bay tới Melbourne, Djokovic đã bị đưa vào phòng cách ly với nhân viên an ninh canh giữ nghiêm ngặt, ngay cả điện thoại cũng bị tịch thu trong 3 tiếng và không thể liên lạc với bất kỳ ai trong khoảng thời gian này.
Phía lực lượng biên phòng Australia (ABF) cho biết nhà vô địch này đã cố tham dự giải Australia mở rộng mà không đưa ra được bằng chứng rõ ràng về việc đã tiêm vaccine như thế nào.
"Ông Djokovic đã không cung cấp bằng chứng thích hợp để đáp ứng các yêu cầu nhập cảnh Australia và thị thực của ông sau đó đã bị hủy bỏ. Những người không phải là công dân không có thị thực hợp lệ khi nhập cảnh hoặc đã bị hủy thị thực sẽ bị giam giữ và bị trục xuất khỏi Australia", phía ABF tuyên bố.
Mặc dù đã được cấp chứng nhận nhập cảnh vào bang Victoria nhưng phía chính phủ liên bang không đồng ý cũng như đặt câu hỏi về tình trạng tiêm chủng của nhà vô địch cũng như đòi hỏi anh tuân thủ các quy định về giấy tờ y tế trước khi tham dự giải đấu. Đây là nguyên nhân chính khiến các nhân viên an ninh giam giữ Djokovic nhiều giờ ở sân bay Melbourne.
Sau khi 3 tiếng không thể liên lạc với ai, luật sư của Djokovic đã xuất hiện và giúp anh chuyển đến một khách sạn gần sân bay để tiếp tục cách ly. Tuy nhiên sau 10 tiếng tranh cãi, phía Australia vẫn tiếp tục yêu cầu nhà vô địch này rời quốc gia của họ.
Ngay cả Thủ tướng nước Australia Scott Morrison cũng lên tiếng trên Twitter: "Thị thực của Djokovic đã bị hủy bỏ. Quy tắc là quy tắc, đặc biệt là khi liên quan đến biên giới của chúng tôi. Không ai ở trên các quy tắc này".
Với vụ việc này, nhiều khả năng Djokovic sẽ phải sớm rời Australia và không thể bảo vệ danh hiệu của mình tại đây. Đây là điều đáng tiếc cho tay vợt số 1 thế khi anh hy vọng sẽ trở thành tay vợt nam đầu tiên có được 22 danh hiệu Grand Slam.
Tranh cãi nảy lửa
Trên thực tế, câu chuyện của Djokovic đã làm dấy lên những tranh cãi giữa các tiểu bang và chính phủ liên bang Australia.
Tại một số bang đông dân nhất nước như New South Wales và Victoria, chính quyền địa phương đã nới lỏng nhập cảnh và cho cả du khách quốc tế nhập cảnh bất chấp biến thể Omicron đang hoành hành khiến số ca nhiễm mới tăng lên. Điều này trái với hướng dẫn của chính quyền trung ương khi muốn siết chặt giãn cách.
Melbourne hiện đang là thành phố giữ kỷ lục về giãn cách lâu nhất thế giới và mới được mở trở lại để tổ chức các giải đấu tennis, thu hút du lịch khôi phục kinh tế. Tính đến tháng 10/2021, thành phố này đã đóng cửa tròn 8 tháng và việc giãn cách quá lâu đã khiến người dân biểu tình nhiều ngày, qua đó buộc chính quyền địa phương phải mở cửa.
Tuy nhiên chính phủ liên bang lại không hài lòng với điều này khi chính quyền bang Victoria cấp phép đặc biệt cho các vận động viên tennis tham dự giải đấu giữa bối cảnh dịch lan tràn. Chính điều này đã khiến vụ của Djokovic xảy ra khi anh nhập cảnh được vào bang Victoria nhưng bị chặn ở sân bay Melbourne.
Theo hãng tin Bloomberg, Australia từng thành công khi theo đuổi chiến lược "Zero Covid" giống Trung Quốc, tuy vậy biến chủng Omicron cùng các đợt bùng dịch mới đã khiến quốc gia này buộc phải từ bỏ.
Người dân thành phố Melbourne biểu tình chống giãn cách
Trong khi đó, tờ The Guardian cho biết những nơi như thành phố Melbourne đã thành công khống chế dịch bệnh trong 5 đợt bùng phát dịch Covid-19 nhờ chiến lược cách ly chặt chẽ. Thế nhưng trong lần giãn cách toàn thành phố gần nhất, mọi thứ đã không còn suôn sẻ khi người dẫn đã quá mệt mỏi vì áp lực tinh thần lẫn kinh tế.
Tính trong ngày 5/1/2022, Australia đã ghi nhận hơn 64.000 ca nhiễm mới. Tại bang Victoria, nơi tổ chức Australia Open, chính quyền địa phương đã tiêm chủng 2 mũi cho 93% dân số từ 12 tuổi trở lên. Mặc dù vậy trong ngày 4/1/2022, bang này vẫn ghi nhận con số kỷ lục 21.997 ca nhiễm mới.