Vào một ngày thứ Năm yên bình của tháng 3/2020, ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới, có một cuộc gọi 911 đến Sở cảnh sát Palo Alto, một thành phố thuộc hạt Santa Clara, bang California, Mỹ. Người gọi nói với nhân viên điều phối rằng anh ta đã hạ sát bạn gái của mình, sau đó tự phong tỏa ngôi nhà từ bên trong. Trước khi cúp máy, anh ta đe dọa sẽ bắn bất kỳ sĩ quan cảnh sát nào đến quá gần.
Cảnh sát nhanh chóng lần ra địa chỉ và xác định rằng nó thuộc về Chris Eberle, một giám đốc điều hành cấp trung của nền tảng công nghệ Netflix. Khi các cuộc gọi lại không được trả lời, cảnh sát quyết định sẽ ập vào để bắt giữ. Các sĩ quan cảnh sát có vũ trang đã bao vây ngôi nhà gỗ cổ trên Đại lộ Moreno, đây là một khu phố yên tĩnh, nơi ưa thích của những người giàu có. Một trường tiểu học gần đó đã được lệnh khóa cửa. Những đứa trẻ bị giữ lại trong các lớp học đã khóa chốt trong, và toàn bộ rèm cửa sổ được kéo xuống.
Nhưng khi các sĩ quan ập vào ngôi nhà, họ chỉ thấy một gia đình bốn người đang khiếp sợ và hoang mang. Eberle, hóa ra, là người đã thuê căn nhà này trước đây. Nhưng anh ấy đã chuyển ra ngoài bảy năm trước. Các sĩ quan bối rối xin lỗi gia đình, những người cũng đang vô cùng bối rối để quay trở lại trụ sở ở trung tâm thành phố Palo Alto.
Một lúc sau, một người đàn ông cao ráo, hồng hào với mái tóc đỏ và bộ râu rậm bước vào đồn cảnh sát. Anh ta tên là Chris Eberle, và người này nói với nhân viên trực ban rằng anh ấy biết chuyện gì đang xảy ra.
Tất cả mọi chuyện là do tài khoản Instagram của anh.
Đêm hôm trước, khi Eberle đang chuẩn bị đi ngủ thì điện thoại của anh báo tin nhắn từ một số không xác định.
"Này Christopher. Tôi cần tài khoản @ginger trên Instagram", tin nhắn viết. "Việc quấy rối bạn và gia đình sẽ bắt đầu ngay bây giờ."
Eberle cười. Đây không phải lần đầu các tin nhắn đe dọa có liên quan tới tài khoản @ginger này xuất hiện. Chính anh đã chọn tên người dùng này trên cả Instagram và Twitter không lâu sau khi các nền tảng này ra mắt. Đó là một cụm từ hơi mỉa mai để nói về thứ từng là mục tiêu khiến anh bị trêu chọc thời thơ ấu: mái tóc đỏ. Từ một đứa trẻ thích chơi nhạc punk-rock nhưng nay đã trở thành một giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ dày dạn kinh nghiệm, Eberle hiểu rõ sức mạnh của mạng xã hội. Bây giờ ở độ tuổi cuối 40, anh đã làm việc ở nhiều công ty tên tuổi như gã khổng lồ công nghệ AOL và Facebook, hay cả công ty khởi nghiệp tiền điện tử Swarm. Vào năm 2019, anh đã nhận vị trí giám đốc tiếp thị tại Netflix.
Nhưng trong suốt những năm kể từ khi anh đăng ký tài khoản @ginger, tên người dùng mới này đã ngày càng trở nên được thèm muốn trên các phương tiện truyền thông xã hội. Vô số người đã đề nghị mua lại nó từ Eberle, và anh nghi ngờ rằng tin nhắn giữa đêm có thể là một trò đùa tương tự.
"Lol", anh nhắn lại. Đó là tiếng lóng của "laugh out loud" hay "lots of laughs", có nghĩa là "cười to" hoặc "cười lớn".
Câu trả lời xuất hiện ngay lập tức: "Haha, okay."
Nửa giờ sau, các cuộc gọi bắt đầu. Đầu tiên là người tài xế xe đầu kéo, gọi điện nói rằng anh ta đang ở bên ngoài ngôi nhà và hỏi chiếc xe nào cần kéo đi. Sau đó, có một cuộc gọi liên quan tới một đơn đặt hàng pizza mà Eberle chưa bao giờ đặt. Anh nhìn ra cửa sổ, nhưng không có ai ở đó. Người giao hàng đã được chỉ dẫn đến địa chỉ cũ của anh ta trên Đại lộ Moreno, cách đó khoảng 3 km. "Sự quấy rối" được hứa hẹn đã bắt đầu. Nhưng Eberle nhún vai, đặt điện thoại ở chế độ không làm phiền và đi ngủ.
Nhưng trong khi Eberle ngủ, kẻ nhắn tin ẩn danh lại rất bận rộn. Khi Eberle thức dậy vào sáng hôm sau, điện thoại của anh bị tràn ngập tin nhắn và thư thoại từ những người giao hàng đang bối rối và thất vọng khi tìm kiếm địa chỉ. Eberle không yên tâm, nhưng anh phải đi làm. Vị giám đốc công nghệ này leo lên chiếc Tesla màu đỏ của mình và đến văn phòng của Netflix ở thị trấn Los Gatos cách đó khoảng 30 km.
Nhưng trong suốt buổi sáng, các email xác nhận và các cuộc gọi giao hàng liên tục được gửi đến. Và các đơn đặt hàng không chỉ đến Palo Alto. Chúng cũng đến Chicago và New York, nơi em gái và mẹ của anh đang sống. Các tài xế giao hàng đã liên tục gọi cho bà mẹ đang rất bối rối của anh, nói rằng họ có một chiếc bánh pizza mà Chris Eberle đã đặt. Lúc này, Eberle đã nhận ra, kẻ bí ẩn không chỉ nhắm vào anh mà đang theo dõi cả gia đình. Sự lo lắng chuyển sang tức giận.
Chiều hôm đó, trong lúc đang dự một cuộc họp tại văn phòng, một cuộc gọi khẩn cấp từ vợ của Eberle đã vượt qua chế độ không làm phiền trên điện thoại của anh. Trường tiểu học của con trai họ đã đã bị phong tỏa vì "hoạt động không xác định của cảnh sát" trong khu phố. Khi cúp máy, Eberle nhận thấy điện thoại của mình hiển thị các cuộc gọi nhỡ từ Sở cảnh sát Palo Alto.
Một nỗi sợ hãi len lỏi ập đến. Xe kéo, pizza, cảnh sát gọi, và ngôi nhà cũ của anh chỉ cách trường học một quãng đường. Nó trông giống như cái gọi là "swatting", một trò chơi khăm nguy hiểm trên internet đã được sử dụng trong nhiều năm qua. Đó là khi những kẻ ẩn danh (gọi là Swatter) thực hiện các cuộc gọi lừa bịp đến sở cảnh sát địa phương, kích động các đội SWAT được vũ trang mạnh mẽ xông vào nhà của các nạn nhân. Rất nhiều người đã bị rơi vào vòng xoáy này, từ những streamer nổi tiếng trên Twitch đến các nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghệ, bao gồm cả giám đốc điều hành Facebook và người đứng đầu Instagram, Adam Mosseri. Thậm chí vào năm 2017, cảnh sát ở Wichita, bang Kansas, đã bắn chết một người đàn ông sau khi họ bị triệu tập đến bởi một cuộc gọi chơi khăm dạng này, nguyên nhân chỉ bởi các mâu thuẫn trong game bắn súng trực tuyến Call of Duty.
Bây giờ, có vẻ như ai đó - có lẽ là người đã nhắn tin từ đêm hôm trước - đã giả mạo số điện thoại của Eberle và đang sử dụng nó để quấy rối, khiến anh chấp nhận việc từ bỏ tài khoản Instagram @ginger.
Eberle rời văn phòng và lái xe đến đồn cảnh sát Palo Alto, nơi anh giải thích tình hình. Nhưng cảnh sát không thể làm được gì nhiều. Và Eberle vẫn chưa nhận ra rằng hàng loạt các cuộc gọi giao pizza chỉ là phần mở đầu trong một cơn ác mộng kéo dài sẽ ám ảnh cho anh và gia đình sau đó. Và đó là một câu chuyện kéo dài nhiều năm, nhấn mạnh việc các thông tin công khai có thể dễ dàng bị vũ khí hóa bởi những kẻ xấu trong kỷ nguyên internet, và làm thế nào mà một thứ tưởng chừng tầm thường như tên người dùng lại có thể phá hủy cuộc sống của một con người.
Tại sao một người nào đó lại quan tâm nhiều đến một cái tên người dùng trên mạng xã hội?
Trong thập kỷ qua, sự phổ biến tăng vọt của các nền tảng xã hội, đặc biệt là Instagram, đã tạo ra một thị trường ngầm mạnh mẽ cho cái gọi là "tài khoản OG" (Original Gangster). Nó là tiếng lóng mang hàm ý là “chúng tôi là người đầu tiên”, tức là những cái tên độc nhất, được đặt sớm nhất.
Instagram, Twitter, TikTok và các nền tảng lớn khác đều cấm mua bán tên người dùng, vì vậy các thị trường trực tuyến như OG Users và Swapd đã mọc lên, cho phép người bán quảng cáo sản phẩm của họ một cách hoàn chỉnh với các bài đánh giá theo phong cách của nền tảng thương mại điện tử Amazon về độ tin cậy và dịch vụ. Những tên người dùng Instagram có giá trị nhất - thường có hai chữ cái, hay những từ dễ nhớ như @ginger - có thể bán với giá hàng nghìn USD. Cái tên càng hiếm, ham muốn sở hữu nó của mọi người càng mạnh mẽ.
Những người bán hàng thậm chí đã dần trở nên cực đoan tới mức sử dụng mọi biện pháp có thể để sở hữu những cái tên mà họ muốn. Một số thậm chí đã viết các phần mềm tự động để giám sát các tài khoản có tên người dùng có giá trị trên Instagram và các nền tảng khác, sau đó tấn công bất kỳ tài khoản nào đang bị người dùng của nó bỏ rơi. Những người khác thì tìm kiếm các email và mật khẩu bị rò rỉ từ các vi phạm dữ liệu trên các trang web để thực hiện việc chiếm đoạt. Nếu họ tìm thấy một địa chỉ email không hoạt động và mật khẩu được liên kết với tài khoản Instagram không hoạt động, họ chỉ cần đăng ký lại và gửi yêu cầu đặt lại mật khẩu để chúng chuyển đến hộp thư mà họ hiện kiểm soát.
Nếu tài khoản được tìm kiếm vẫn đang hoạt động, mọi chuyện có thể phức tạp hơn. Thường thì các tay môi giới này sẽ thử cố gắng thuyết phục chủ sở hữu bán tài khoản cho họ, thường bằng một phần nhỏ so với giá trị thực của nó trên thị trường, sau đó tung nó lên mạng để kiếm lời. Nếu chủ sở hữu không muốn bán, các nhà giao dịch có thể cố gắng đánh cắp nó, hoặc tấn công chủ sở hữu bằng cách đặt lại mật khẩu giả mạo hoặc yêu cầu khôi phục tài khoản. Và nếu vẫn thất bại, luôn có lựa chọn cuối cùng: Đó là quấy rối chủ sở hữu cho đến khi họ chấp nhận buông tay.
Cuộc tấn công vào Chris Eberle đã diễn ra trong hai ngày. Sau đó, hàng loạt đơn đặt hàng và giao hàng đột ngột dừng lại. Eberle và vợ, lúc này đang cảm thấy có lỗi về vụ phong tỏa trường học, đã gửi email cho các phụ huynh khác tại trường của con trai họ để xin lỗi về vụ việc. "Chúng tôi rất tiếc vì điều này đang xảy ra và hiện tại nó đã ảnh hưởng đến tất cả các bạn", họ viết.
Rồi một đêm, khoảng một tháng sau đó, chuông cửa nhà Eberle vang lên. Đó đã là quá nửa đêm, và gia đình anh đã ngủ. Khi Eberle đi đến cửa trước, anh thấy một người giao pizza của hãng Papa John, đang tới đưa một đơn đặt hàng cho anh. Eberle lầm bầm xin lỗi, nhưng tim đập thình thịch trong lồng ngực: "Kẻ tấn công đã tìm ra nơi anh sống!"
Một trận đại hồng thủy mới bắt đầu, lần này là đến địa chỉ hiện tại của anh. Đồ ăn Nhật Bản, Mexico, Trung Quốc... dường như mọi lựa chọn bán hàng mang đi trên bán đảo San Francisco đều đột ngột tìm đường đến nhà của Eberle. Em gái của anh ở Brooklyn, New York, cũng bị ảnh hưởng bởi các đơn đặt hàng trả bằng tiền mặt. Sự việc tương tự diễn ra với con gái lớn của anh đang học cao học ở San Diego và vợ của anh ở Connecticut.
Eberle đã bị chấn động. Trường học của con trai từng bị phong tỏa, kẻ quấy rối không có dấu hiệu dừng lại, và anh vẫn không biết ai đứng sau mọi chuyện. Trong cơn tuyệt vọng, anh đã kể cho một đồng nghiệp cũ trên Facebook về những gì mình đã trải qua.
“Anh bạn, cậu cần nói chuyện với Ana”, nữ đồng nghiệp nói, ám chỉ một đồng nghiệp cũ khác trên Facebook. "Điều tương tự cũng đang xảy ra với cô ấy."
Ana, giám đốc điều hành tại một hãng công nghệ ở khu Bay Area, là chủ sở hữu của một tài khoản Instagram gồm hai chữ cái tương ứng với tên viết tắt của cô ấy. Cô đã sinh con trong bối cảnh đại dịch và đang hồi phục trong một phòng bệnh đặc biệt ở San Francisco. Và đó cũng là khi cô nhận được cuộc gọi đầu tiên về đơn hàng giao đồ ăn Thái Lan. Các đơn đặt hàng pizza đã nhanh chóng xuất hiện sau đó, cô giải thích với Eberle sau khi anh liên hệ, và anh trai và em họ của cô cũng đã nok nhắm đến.
Cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến một tuần sau đó. Vào đầu giờ sáng, khi đang chăm sóc cho đứa con sơ sinh, cô nhận được cuộc gọi từ một số không xác định. Đầu dây bên kia là một kẻ lạ mặt, đang mắng mỏ cô, với giọng điệu méo mó một cách giả tạo: "Tôi muốn tài khoản Instagram của cô."
Và không chỉ Ana và Eberle, trên khắp Thung lũng Silicon và nhiều nơi khác, hàng loạt những người kỳ cựu trong ngành công nghệ với những tên người dùng đặc biệt cũng đang bị dày vò. Các cuộc tấn công bắt đầu xảy ra vào tháng 1/2020. Một số nạn nhân đã bị nhắm mục tiêu bởi các cuộc điện thoại và tin nhắn đe dọa, nhiều người khác nhận được đơn đặt hàng thực phẩm đến nhà của họ và nhà của các thành viên khác trong gia đình. Một số không may mắn đã bị cuốn vào các rắc rối không đáng có.
Josh Williams là một trường hợp điển hình. Anh là một nhà thiết kế kỳ cựu với lý lịch đáng mơ ước, từng làm việc tại Facebook và Squarespace. Anh cũng sở hữu tài khoản @jw của mình không lâu sau khi nền tảng Twitter ra mắt vào năm 2006. Một buổi tối đầu tháng 4, trong khi Williams đang chuẩn bị dành một đêm yên tĩnh ở nhà để chơi trò chơi ghép hình với các thành viên khác trong gia đình, con gái anh nhận được tin nhắn từ một người bạn hàng xóm nói rằng đang có một vụ náo động ở sân trước. Bước ra ngoài, Williams bị lóa mắt bởi ánh đèn pha của cảnh sát. Ngôi nhà đã bị bao vây bởi hàng chục sĩ quan có vũ trang, và những con chó cảnh sát đang hung hăng hướng về phía anh, chỉ chực chờ dây xích được thả ra. Anh ấy đã bị "swatting".
Cảnh sát sau đó cho biết họ nhận tin báo rằng Williams đã sát hại vợ, sau đó nhốt các con trong phòng tắm và tẩm xăng cả ngôi nhà. Vợ của anh ấy sau đó đã tìm thấy một tin nhắn cảnh báo trong hộp thư trên Instagram của mình, nó viết: "Nếu bạn không thuyết phục chồng mình đưa cho tôi tên người dùng của anh ấy, @jw, tôi sẽ tiếp tục quấy rối bạn, chồng bạn và các con bạn."
Từng người một, thông qua lời truyền miệng, bao gồm Williams và Ana cùng những nạn nhân khác của việc quấy rối đã tìm thấy nhau. Họ không biết ai đứng sau các vụ tấn công, cũng như không biết làm thế nào để ngăn chặn chúng. Nhưng giống như những người lính sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến ngoài khả năng của họ, họ có chung một sự kết nối. Đó là lý do họ quyết định thành lập một mạng lưới không chính thức để hỗ trợ lẫn nhau, và gọi nó là "Handle Heroes".
Tại đây, Eberle nhanh chóng nhận ra hoạt động của nhóm gồm hai phần, phần trị liệu nhóm nhằm giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, và nửa còn lại là các hoạt động thu thập thông tin tình báo. Họ thường giao tiếp qua ứng dụng Messenger, thảo luận xem ai đã bị tấn công gần đây nhất, tìm kiếm điểm chung trong các cuộc tấn công và cố gắng tìm ra ai đứng sau. Họ cũng chia sẻ lời khuyên về cách tránh việc lừa đảo hoán đổi SIM, một kỹ thuật mà tin tặc sử dụng để đánh cắp số điện thoại. Họ cũng trao đổi các giả thuyết khác nhau để cố gắng xây dựng chân dung kẻ tấn công. Họ đã gọi cho những người quen biết tại Facebook, công ty sở hữu Instagram, nhằm tìm sự hỗ trợ và hướng giải quyết..
“Cảm giác thật an ủi, trong một trải nghiệm đáng sợ", một thành viên trong nhóm, người yêu cầu giấu tên chia sẻ. "Giống như việc tất cả chúng ta đều là con tin trên một chiếc máy bay, bạn biết đấy, rồi tất cả chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua."
Nhưng ở trong nhóm cũng có thể khiến nỗi sợ hãi của bạn thêm trầm trọng. Đối với những người như Ana, vốn không bị nhắm mục tiêu nhiều, mỗi lần nhóm tìm thêm được một thành viên lại là một ví dụ cho thấy mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn thế nào. Một chiếc bánh pizza không chỉ là một chiếc bánh pizza, nó là một lời nhắc nhở rằng kẻ tấn công biết nơi bạn sống và bất cứ lúc nào một đội SWAT cầm súng trường tấn công cũng có thể phá tan cửa trước nhà bạn.
Và vấn đề tồi tệ hơn là khi các thành viên trong nhóm thấy mình phải đối mặt với sự hoài nghi từ bạn bè, các thành viên gia đình và chính quyền. Khi Ana cố gắng giải thích với cảnh sát chuyện gì đang xảy ra với mình, cô đã bị cười cợt. Khi Josh Williams bị bắt, một người hàng xóm tò mò đã đăng trên Facebook rằng có một "nghi phạm cầm súng" trên phố, kẻ "có thể đã sát hại vợ anh ta". Sau đó, cha của một trong những người bạn của con gái anh sau đó đã tới và nói rằng: "Nếu điều đó thực sự xảy ra, không có ý xúc phạm, nhưng tôi sẽ giết anh."
Vào giữa tháng 4, một thành viên trong nhóm tên là Oscar đã nhận được một cuộc gọi với lời cảnh báo. "Từ bỏ tài khoản đó", kẻ ẩn danh nói, "hoặc nỗi đau sẽ tiếp tục". Mười ngày sau, vợ cũ của Oscar liên lạc với anh. Các nhân viên cảnh sát có vũ trang đã ập vào ngôi nhà mà cô và con gái mình đang ở. Cảnh sát đã nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là Oscar, thú nhận đã giết vợ mình và đe dọa sẽ giết tất cả những người khác trong nhà. Nhưng khi Oscar giải thích những gì đã xảy ra với cha mẹ vợ, họ không tin anh ấy. Tại sao cảnh sát lại lục soát nhà của họ trong một cuộc tranh cãi liên quan đến tài khoản mạng xã hội? Phải có nhiều vấn đề hơn nữa. Oscar có đang bí mật nợ ai đó tiền không?
Và sau đó là sự phức tạp của việc đối phó với vô số các vụ giao hàng giả mỗi ngày. Chúng lặp đi lặp lại, trong nhiều ngày và nhiều tuần liên tục, khiến mọi người phải liên tục giải thích với những người giao hàng đang thất vọng rằng: Không, xin lỗi, tôi đã không gọi bất kỳ món ăn nào và không thể trả tiền. Đó là một điều đặc biệt đau đớn đối với các nhà hàng, những cơ sở đang vật lộn để sống sót sau đại dịch. Eberle đã dùng đến cách là dán một mảnh giấy lên chuông cửa và đặt một tấm biển bên ngoài cửa trước của mình, viết: "Một kẻ lừa đảo đang đặt các đơn hàng không có thật và đã lừa đảo bạn. Xin lỗi, nhưng chúng tôi đã không yêu cầu bất cứ thứ gì. Xin đừng làm phiền."
Trong một nỗ lực để ngăn chặn những cuộc gọi liên tục về việc giao hàng, Eberle cũng đã bỏ số điện thoại di động cũ của mình. Nhưng điều đó lại gây ra một vấn đề bất ngờ: Số mới của anh hóa ra trước đây lại thuộc về một gái bán dâm, và không ít khách hàng của người này vẫn nhắn tin cho Eberle. Anh đã phải chặn hàng chục cuộc gọi đến trước khi số mới này cuối cùng có thể sử dụng được.
Nhiều tuần trôi qua, các thành viên trong nhóm vẫn tiếp tục tìm kiếm manh mối về việc ai đang nhắm mục tiêu họ, và làm thế nào kẻ tấn công đã có được thông tin của họ. Sau đó, vào tuần cuối cùng của tháng 4, một trong số họ đã tìm thấy bản danh sách.
Trên Doxbin - trang web đen chuyên cung cấp thông tin nhận dạng cá nhân - có một bản danh sách chi tiết về các chủ sở hữu của các tài khoản mạng xã hội hiếm và có giá trị. Một danh sách khác, cũng trên website này, chứa các địa chỉ email được liên kết với hầu hết mọi thứ của những tài khoản Instagram có thể có hai chữ cái và hai số, từ @00 đến @zz. Danh sách này bao gồm thông tin liên lạc của một số thành viên trong nhóm "Handle Heroes". Điều này làm dấy lên một khả năng, đó là ngay cả khi nhóm đang cố gắng ngăn chặn một kẻ quấy rối không rõ danh tính, ai đó có thể dễ dàng phát động một cuộc tấn công mới bất cứ lúc nào.
Chán nản với việc thiếu phản hồi từ các sở cảnh sát địa phương, các thành viên nhóm đã liên hệ với FBI. Sau khi Josh Williams bị bắt nhầm, anh đã được liên lạc với một đặc vụ FBI tên là Shannon Hickman. Hickman sau đó đã trở thành một nhân vật cố vấn theo kiểu ngẫu hứng cho nhóm, người nhận các cuộc gọi đầy kích động của họ vào mọi giờ cả ngày lẫn đêm, cũng như thu thập các thông tin mà họ tìm thấy.
Vào đầu tháng 5, không lâu sau khi mọi người tìm thấy danh sách "tống tiền", Hickman đã gửi email đính kèm một tin tốt. Cô nói với họ rằng cơ quan thực thi pháp luật đã bắt giữ một kẻ "liên quan đến vụ án này". Tuy nhiên, cô cảnh báo, "vẫn có thể có những người khác tiếp tục tham gia vào hành vi này."
Vài tuần sau, Hickman nói cho Ana biết tên của kẻ tình nghi: Shane Sonderman.
Cách Bay Area gần 650 km về phía bắc, nơi mà hầu hết các thành viên trong nhóm Handle Heroes sinh sống, một phụ nữ ở bang Oregon đang trải qua quãng thời gian địa ngục.
Bắt đầu từ tháng 12/2019, cô ấy đã bị quấy rối liên tục bởi các cuộc gọi, tin nhắn và các đơn đặt hàng không mong muốn từ một người đang thèm muốn tài khoản Instagram của mình. Mẹ của cô, sống ở Ohio, cũng bị quấy rối.
Nhưng đối với các đặc vụ liên bang, trường hợp của người phụ nữ này đã mang lại một thông tin hữu ích. Một số điện thoại được liên kết với Sonderman, một thiếu niên ở Tennessee vừa tròn 18 tuổi.
Sonderman, theo hồ sơ tòa án, là một phần của một bằng nhóm những kẻ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có được các "tài khoản OG". Thanh niên này sống ở Ripley, một thị trấn nhỏ yên tĩnh của bang Tennessee, với một "tuổi thơ đầy sóng gió" và tiền sử gia đình mắc "bệnh tâm thần nặng". Nhóm của cậu, thường làm việc với nhau qua ứng dụng trò chuyện Discord, đã sử dụng cơ sở dữ liệu trực tuyến về thông tin liên hệ để phát động các làn sóng quấy rối vào các mục tiêu. Họ gửi những tin nhắn đe dọa, đặt hàng núi bánh pizza và gọi đến các dịch vụ bảo vệ trẻ em với những lời phàn nàn giả mạo. Tất cả đều nhằm đe dọa nạn nhân, khiến họ giao ra tên người dùng trên mạng xã hội. Các nhà điều tra đã thu được nhật ký trên Discord trong đó Sonderman khoe khoang về việc bán tài khoản hiếm với giá hàng nghìn USD.
Sau đó, vào cuối tháng 4/2020, mọi thứ trở nên trầm trọng. Theo các công tố viên, một trong những mục tiêu của Sonderman là một lập trình viên máy tính tên là Mark Herring, người sở hữu tài khoản @Tennessee trên Twitter. Vào ngày 27/4, một trong những đồng phạm của Sonderman đã gọi điện cho cảnh sát và nói với họ rằng Herring đã sát hại một phụ nữ và đặt bom trong ngôi nhà của anh ở thị trấn Bethpage thuộc bang Tennessee. Một đội SWAT đã đến nhà của Herring và chạm trán với cụ ông 60 tuổi trên hiên nhà. Nhưng khi cảnh sát yêu cầu giơ tay lên, Herring đã lên cơn đau tim, gục xuống và qua đời.
Vài ngày sau, Sonderman bị bắt tại nhà.
Các thành viên nhóm Handle Heroes cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng họ vẫn phải tiếp tục cố gắng, và điều đó không hề dễ dàng. Nhiều người đã liên tục bị sợ hãi và giật mình khi nghe thấy một tiếng gõ cửa bất ngờ, hoặc một cuộc gọi từ một số không xác định. Một điều dù nhỏ nhất cũng có thể kích hoạt một lượng adrenaline lớn và khiến họ hoảng loạn. Internet đã từng là sân chơi, và các tài khoản của họ từng là một dấu hiệu của niềm tự hào. Bây giờ, chúng giống như một cái bia ngắm bắn mà họ luôn phải đeo sau lưng.
Tuy nhiên, sự quấy rối đã kết thúc. Những chiếc bánh pizza không còn xuất hiện nữa. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Chris Eberle và gia đình đã mua một ngôi nhà mới và chuyển đến đó.
Cho đến một ngày tháng 3/2021, một năm sau khi mọi chuyện diễn ra, Eberle một lần nữa lại bắt đầu bị tấn công bởi các cuộc gọi từ các nhà hàng.
Ai đó đã tìm thấy số điện thoại mới của anh và họ đang đặt một lượng lớn các đơn đặt hàng mới, mặc dù chúng gửi đến địa chỉ cũ. Trong nhiều ngày, họ đã tấn công Eberle, mẹ cùng vợ và cô con gái lớn với hơn 20 đơn đặt hàng thực phẩm. Các nhà hàng cũng trở nên thất vọng. "Nó không hay ho đâu", một chủ nhà hàng bực tức nói với Eberle. "Bạn đang khiến tôi tốn hơn 100 USD. Bạn cần phải cắt bỏ thứ rác rưởi này."
Eberle không có bất kỳ nghi ngờ nào về lý do của cuộc tấn công mới, bởi một tin nhắn đã được gửi tới để lý giải mọi thứ: "Bạn muốn cung cấp cho tôi tài khoản Instagram và Twitter bây giờ không?", người nhắn tin hỏi. "Mọi chuyện sẽ không dừng lại."
Eberle đã nhắn tin cho các thành viên khác trong nhóm, nhưng không ai trong số họ đang bị nhắm mục tiêu lần nữa. Hickman, đặc vụ FBI, nói với anh rằng cô nghi ngờ đó là một kẻ quấy rối mới, kẻ có quyền truy cập vào danh sách tống tiền. Hoặc nó có thể là một trong những kẻ không liên quan đến Shane Sonderman.
Nhưng có thể vẫn còn một nghi phạm khác, chính là Sonderman. Vào thời điểm đó, trong khi các luật sư của thanh niên này đang bàn bạc với các công tố viên về vụ án dẫn đến cái chết của Mark Herring, Sonderman đã được tại ngoại. Cuối cùng cậu ta đã nhận tội trong vụ án vào tháng 3/2021, một tuần sau khi vụ tấn công mới nhằm vào Eberle bắt đầu. Ngay sau đó, các công tố viên kinh ngạc phát hiện ra rằng Sonderman đã tiếp tục quấy rối một số chủ sở hữu các tài khoản OG trong khi được tại ngoại. Có nghĩa là có thể thanh niên này đứng sau vụ tấn công thứ hai nhằm vào Eberle.
Vào tháng 4/ 2021, Sonderman bị bắt trở lại. Hai tháng sau, cậu bị kết án 5 năm tù vì tội âm mưu. Trong luật hình sự, âm mưu là sự thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều người nhằm thực hiện một hành động tội phạm vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Thanh niên này hiện đang bị giam giữ tại FCI Texarkana, một viện cải huấn an ninh thấp ở biên giới Texas.
Cái chết của Herring không được công khai cho đến khi Sonderman bị tuyên án, và các thành viên của Handle Heroes vô cùng kinh hoàng trước tin này. Nhưng nó cũng đại diện cho một sự chấm hết. Trong khi các vấn đề của họ không được trích dẫn trong hồ sơ tòa án liên quan đến cáo buộc của Sonderman, Hickman đã cố gắng nói với Ana về Sonderman, và cách thức tấn công giống hệt như những gì các thành viên trong nhóm đã trải qua.
Ireland, người đã truy tố Sonderman, nói rằng cô không thể trói buộc nghi phạm vào các vấn đề mà nhóm đã trải qua. Hồ sơ tòa án đề cập đến hai thủ phạm giấu tên, một trong số đó là trẻ vị thành niên ở Vương quốc Anh. “Để làm được điều này - đó không phải là một nhóm vững chắc”, Ireland giải thích. "Đó là một nhóm linh hoạt. Đôi khi đó là những người tình cờ có mặt khi ai đó muốn làm điều gì đó. Đôi khi đó là một cặp đôi tin tưởng để làm việc cùng nhau thường xuyên, nhưng họ cũng sẽ làm việc với những người khác. Chúng ta có thể nói là có một kế hoạch tổng thể và mô hình này có thể có một số người tham gia chung."
Nói cách khác, một số người có liên quan đến việc quấy rối vẫn có thể đang ở ngoài đó.
Chiến dịch xử lý hành vi quấy rối đã biến đổi suy nghĩ của nhiều thành viên trong nhóm về mối quan hệ của họ với sự nổi tiếng trên internet. "Tôi từng rất tự hào vì có những tên người dùng này nổi tiếng này và được nhiều người biết đến", một nạn nhân nói. "Tôi sẽ đến những sự kiện lớn, mọi người sẽ biết tên tôi và họ sẽ nhận ra tôi. Bây giờ tôi muốn điều hoàn toàn ngược lại."
Một số thành viên trong nhóm đã tìm kiếm các thư mục trực tuyến để xóa thông tin cá nhân và thông tin liên hệ của họ, đồng thời tự kiểm duyệt những gì đã đăng về bản thân và gia đình lên mạng. Mặc dù nhận ra rằng Facebook và Twitter có những giới hạn để hạn chế việc quấy rối ngoài nền tảng, nhưng họ vô cùng thất vọng vì sự thất bại của các nền tảng này trong việc cung cấp các hỗ trợ có hiệu quả cho những người là mục tiêu lạm dụng.
Một đại diện của Facebook cho biết công ty đã làm việc với Bộ Tư pháp Mỹ về vụ Sonderman và đã tham gia vào một cuộc chiến kéo dài với những người bán tài khoản OG, thậm chí vô hiệu hóa các tài khoản bị đánh cắp và đe dọa kẻ phạm tội bằng hành động pháp lý.
Tuy nhiên, bất chấp những gì đã gặp phải, hầu hết các thành viên trong nhóm đều quyết định giữ lại tên người dùng OG của họ. Josh Williams nói: “Nó giống kiểu: Tôi sẽ không để bọn khủng bố chiến thắng”.
Nhưng với Chris Eberle, sau khi đối mặt với đợt quấy rối thứ hai, anh đã liên hệ với một công ty khởi nghiệp về sức khỏe tâm thần có tên Ginger và đạt được một thỏa thuận để công ty này tiếp quản tài khoản @ginger. Anh hi vọng điều đó sẽ là dấu chấm hết cho mọi chuyện. Anh sau đó cũng rời Netflix để quay lại với lĩnh vực blockchain, rồi đăng ký tên @DeFiGinger trên Instagram và Twitter.
Nhưng vào một buổi tối thứ Sáu mát mẻ vào cuối tháng Tư, hơn hai năm sau khi mọi chuyện bắt đầu, Eberle nhìn thấy một tin nhắn từ mẹ anh trên điện thoại.
"Vừa từ chối một giao hàng lớn của Domino", mẹ anh viết. "Mẹ ghét phải hỏi, nhưng con có biết gì về nó không?"
Tham khảo BI
Trí Thức Trẻ