Nóng: Tàu thăm dò của Trung Quốc phát hiện bằng chứng bất ngờ về nước trên Mặt trăng

09/01/2022 10:43 AM | Xã hội

Tàu đổ bộ mặt trăng Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã tìm thấy và gửi về bằng chứng tại chỗ đầu tiên chứng minh sự tồn tại của nước trên bề mặt Mặt trăng, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Cụ thể, SCMP tối 8/1 đưa tin, Mặt trăng vốn được cho là hoàn toàn khô, nhưng sau đó các nhà khoa học đã xác nhận sự hiện diện của nước trên bề mặt của vệ tinh của Trái đất chỉ hơn một thập kỷ trước.

Tuy nhiên, sự hiện diện của nước trên bề mặt Mặt trăng trước đó chỉ được xác nhận bằng cách quan sát từ xa.

Còn tàu đổ bộ Hằng Nga 5 của Trung Quốc đã phát hiện "bằng chứng tại chỗ" cho thấy dấu hiệu của nước trong đá và đất trên Mặt trăng.

 Nóng: Tàu thăm dò của Trung Quốc phát hiện bằng chứng bất ngờ về nước trên Mặt trăng  - Ảnh 1.

Tàu thăm dò của Trung Quốc từng thu thập và gửi đá Mặt trăng về Trái đất để nghiên cứu. Ảnh: Tân Hoa xã

Cụ thể, nghiên cứu mới nhất, được công bố trên Science Advances hôm 7/1 cho biết, tàu đổ bộ Hằng Nga 5 đã phát hiện dấu hiệu của phân tử nước (H2O) hoặc một chất hóa học gần hydroxyl (OH) trong đá và đất trên Mặt trăng.

Sau đó, tàu đổ bộ đã gửi về Trái đất các mẫu đá của Mặt trăng để phân tích. Sau đó tàu đổ bộ tiếp tục tiến hành các quan sát sâu hơn, bao gồm phân tích các đặc điểm của nước Mặt trăng.

Lin Honglei, tác giả chính của nghiên cứu làm việc tại Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc tiết lộ với China Science Daily rằng, phần lớn nước trong đất Mặt trăng được cho là kết quả của “gió mặt trời” đưa các nguyên tử hydro lên bề mặt của Mặt trăng, nơi chúng phản ứng với oxy trong các khoáng chất trên bề mặt để tạo thành nước và hydroxyl.

Tàu đổ bộ Hằng Nga 5 đã sử dụng quang phổ kế để phân tích thành phần hóa học của đá và đất tại bãi đổ bộ, từ đó, phát hiện thấy nồng độ nước dưới 120 phần triệu (ppm) hoặc gần tương đương với 120g nước trong một tấn, trong đất trên bề mặt Mặt trăng.

Trong khi đó, nồng độ nước trong đá của Mặt trăng là khoảng 180 ppm. Sự khác biệt này được các nhà nghiên cứu giải thích là có thể là do đá có nguồn gốc từ bên dưới bề mặt Mặt trăng, nơi có thể có nhiều nguồn nước hơn.

Thực tế, khi các phi hành gia Apollo lần đầu tiên trở về từ Mặt trăng vào năm 1969, vệ tinh của Trái đất được cho là hoàn toàn khô.

Mãi đến năm 2007, các nhà khoa học mới lần đầu tiên phát hiện ra phân tử nước trong đá Mặt Trăng bằng quan sát từ xa.

Năm 2018, NASA chính thức xác nhận sự hiện diện của băng nước trong các miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn xung quanh các cực của Mặt trăng và hai năm sau đó, cơ quan này thông báo rằng, H20 phân bố rộng rãi trên bề mặt Mặt trăng.

Phát hiện về nước trên Mặt Trăng của NASA được thực hiện từ Đài thiên văn hồng ngoại tầng bình lưu viết tắt là SOFIA.

Trung Quốc đang lên kế hoạch cho 2 sứ mệnh tiếp theo trên Mặt trăng - Hằng Nga 6 và 7 bắt đầu từ năm 2024 - để kiểm tra hàm lượng và sự phân bố của nước mặt trên Mặt trăng tại cùng một địa điểm, ông Lin Yangting, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Theo SCMP

Bảo Tuấn

Từ khóa:  tàu thăm dò
Cùng chuyên mục
XEM