Nóng lên toàn cầu khiến bệnh đau nửa đầu trầm trọng hơn
Nếu như bạn bị đau nửa đầu hoặc gặp các vấn đề về thần kinh, rất có thể bạn đã bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu.
Theo nghiên cứu của Viện Thần kinh học Hoa kỳ, biến đổi khí hậu hay cụ thể là sự nóng lên toàn cầu có liên tới các bệnh liên quan tới thần kinh như bệnh đau nửa đầu, bệnh Parkinson, chứng mất trí nhớ và bệnh đa xơ cứng.
Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng nhiệt độ nóng lên làm tăng sự lây lan của cá bệnh nhiễm trùng do vi trùng gây ra, nhấn mạnh đến tác động tàn phá lớn của việc nóng lên toàn cầu. Trước đó, cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ cũng tuyên bố nhiệt độ tại đây đã tăng 0,32 độ mỗi thập kỷ kể từ năm 1980.
Cụ thể, với nghiên cứu này, các nhà khoa học xem xét hàng trăm nghiên cứu khác nhau về các chất gây ô nhiễm, sự thay đổi khí hậu và sự liên quan tới bệnh thần kinh ở người trưởng thành từ năm 1990 đến nay. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng khi thời tiết trở nên nóng hơn, các điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn, tim của con người buộc phải làm việc nhiều hơn để bơm máu và làm mát cho cơ thể. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu được cho là một trong những nguyên nhân khiến các căn bệnh về thần kinh như đau nửa đầu trở nên nghiêm trọng hơn. (Ảnh: UCSB Current)
Một loạt tình trạng y tế khác cũng bị ảnh hưởng trầm trọng do nhiệt độ cao gây ra cơ thể mất nước. Việc mất nước này có thể khiến mô não của con người bị teo lại, gây áp lực lên các dây thần kinh.
Nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng nitrat trong không khí và các hạt ô nhiễm mịn do biến đổi khí hậu gây ra cũng bị hấp thụ vào máu, làm tăng nguy cơ rối loạn não và gây ra nhiều bệnh thần kinh.
"Khi những tác động của việc nóng lên toàn cầu ảnh hưởng tới sức khỏe con người, các nhà thần kinh học buộc phải dự đoán về bệnh thần kinh sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai", tác giả Andrew Dhawan nói về mục đích của nghiên cứu lần này, "Có thể thấy biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức cho nhân loại, một số trong đó vẫn còn chưa được nghiên cứu kĩ lưỡng".