Nỗi thống khổ của người trẻ tại thành phố ở Trung Quốc: Nỗi ám ảnh mang tên ''mua nhà'' và thảm kịch "con nợ" núp bóng đại gia
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, người trẻ ở đô thị đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và gánh nặng chi tiêu.
“Ngồi trên ngôi nhà triệu đô nhưng không có tiền ăn tối”
Một thanh niên mua nhà ở Bắc Kinh cho biết: “Tôi hiện đang chịu một khoản thế chấp với lãi suất hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng”. 26 tuổi, chàng trai trẻ sở hữu ngôi nhà trị giá cả triệu đô la nhưng lương mỗi tháng chỉ mấy chục ngàn nhân dân tệ. Thoạt nhìn, anh ấy đích thực thuộc tầng lớp thượng lưu, nhưng trên thực tế, không ai ngờ rằng đó là một “con nợ”.
Một trường hợp khác là anh Đường, 26 tuổi, đã làm việc ở Bắc Kinh được một thời gian và năm nay mới đăng kí kết hôn. Để mua được một căn nhà ở Bắc Kinh, người đàn ông này đã vay ngân hàng 1,95 triệu nhân dân tệ, và hàng tháng anh phải trả hơn 10.000 tiền lãi. Riêng số tiền lãi này đã chiếm 60% tiền lương của anh.
Anh Đường chia sẻ: "Tôi và vợ phải cùng nhau làm việc cật lực để trả nợ, nếu không sẽ không thể chi trả cho khoản vay này. Tiền lương của một người không thấm vào đâu, thậm chí hai người đã rất nỗ lực vẫn còn chật vật trong việc chi tiêu các khoản phí sinh hoạt khác".
Ngay cả khi có sự giúp đỡ của cha mẹ, cuộc sống của họ vẫn còn rất eo hẹp. Anh cho biết: “Bạn bè rủ đi ăn tối nhà hàng còn không dám đi cùng vì không đủ tiền. Chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến lối sống xa hoa như vậy.”
Tôn Triết cũng rơi vào trường hợp tương tự. Anh hiện đang ở Thượng Hải, 31 tuổi và đã mua một miếng đất ngoài kế hoạch vào tháng 6 năm 2018. Hàng tháng anh phải trả hơn 20.000 nhân dân tệ tiền lãi.
Tôn Triết cho biết ban đầu thu nhập của anh là một con số đáng hài lòng, anh có thể tự do mua sắm, chi tiêu. Tuy nhiên từ khi có khoản vay thế chấp, cộng thêm việc giá cả hàng hóa thị trường tăng lên chóng mặt, lối sống thay đổi như việc mua sắm đồ hiệu, gọi đồ ăn sẵn... khiến cuộc sống của gia đình anh biến chuyển hoàn toàn.
Số lương của anh đã không thể chi trả đủ các nhu cầu cơ bản của gia đình. Anh nói: “Tôi đã làm việc chăm chỉ và cật lực. Nhưng tiền lương nhận được không thể đảm bảo cuộc sống cơ bản”.
Cô gái họ Vương đến từ Thâm Quyến cho biết, khi lương hàng tháng của cô chỉ hơn 10.000 nhân dân tệ vào năm 2017, cô đã bị bố mẹ thúc giục mua nhà.
Hình minh họa. Ảnh: FreePik
"Từ khi mua nhà, cuộc sống của tôi áp lực bội phần. Vì tôi còn độc thân, số tiền tiết kiệm không đủ mua nên tôi phải đi vay ngân hàng với lãi suất hàng tháng là 12.000 nhân dân tệ. Điều đó thực sự khó khăn", cô cho biết.
Vì tiền lương hàng tháng không đủ vừa trả nợ, vừa chi tiêu nên ngay sau khi có giấy sở hữu căn nhà, cô cho thuê phòng ngay lập tức. Giá thuê phòng khoảng 6.500 nhân dân tệ/tháng và chi phí điện nước, phát sinh khoảng 2000 nhân dân tệ/tháng. Nhờ vào khoản tiền này mà cô có thể chi trả chi phí sinh hoạt của bản thân.
“Có lẽ cha mẹ thúc giục mua nhà để nhắc nhở chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa”. Để cải thiện tình hình tài chính, cô buộc phải tìm kiếm công việc mới với mức lương cao hơn.
Người thành phố tưởng “ngồi mát ăn bát vàng” nhưng thực ra không có lựa chọn nào khác
Nhiều người cho rằng những người vốn sinh ra ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến sẽ được hưởng nhiều lợi thế. Nhưng điều bất ngờ là, rất nhiều bạn trẻ tại đô thị đã chia sẻ nhiều khó khăn, trở ngại đến mức đắng cay.
Anh Lâm, năm nay vừa tròn 30 tuổi, cho biết, mọi người đều cho rằng người Bắc Kinh không cần lo nhà cửa, tài chính chắc hẳn sẽ dư dả. "Đây hoàn toàn là một quan niệm sai lầm. Người Bắc Kinh không phải ai cũng giàu có. Những người khác có thể lựa chọn về quê để sinh sống nếu cảm thấy cuộc sống ở thành thị quá đắt đỏ và khó khăn. Nhưng những người sinh ra ở đô thị như tôi không thể có lựa chọn nào khác, buộc phải gắn bó cả đời ở nơi đông đúc và khắc nghiệt này".
Vì gia đình không quá dư giả, cha mẹ cũng không hỗ trợ được nhiều, anh Lâm đành tự mua cho mình một căn nhà tầm trung. "Hóa ra đó là một quyết định sai lầm. Tôi không muốn sống ở đây. Đây là vùng đất ngoại ô rất khó cho thuê. Nó thật ảm đạm và vô vị".
Anh còn cho biết thêm trong thời kỳ dịch bệnh, giá nhà đất giảm xuống rất nhiều, anh có ý định bán nhà để mua một căn mới. Tuy nhiên anh đã không thể toại nguyện vì đã đăng bán trên Internet một thời gian dài mà không có ai mua.
Nhiều người dân khác sống ở đô thị cũng chia sẻ khó khăn tương tự khi phải thắt chặt chi tiêu ở thành phố. Mặc dù nơi đây cung cấp nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp, nhưng áp lực tài chính cho nhà ở, sinh hoạt phí khiến họ cảm thấy áp lực và không hài lòng về cuộc sống.
Dẫu sống tại một trong những nước có các thành phố đô thị hóa nhanh nhất thế giới trong những thập kỷ qua, người dân Trung Quốc đang phải đối mặt với không ít hệ luỵ kéo theo.
Theo Abolouwang