Nói thật đi: Bạn đang nỗ lực thực sự, hay chỉ giả vờ cố gắng?
“Nỗ lực thực sự, không phải để cho người khác nhìn thấy và ghi nhận. Giả vờ cố gắng để gạt người thì rất dễ, nhưng rất khó để có thể phỉnh lừa được chính bản thân mình.”
Cách đây không lâu, tôi có hẹn Kiều Oanh đi ăn tối. Trong bữa, Oanh có kể cho tôi nghe câu chuyện sau: Trước kỳ nghỉ lễ một ngày, Oanh cùng đồng nghiệp còn một hạng mục báo giá, vì vậy họ phải ở lại công ty để làm nốt phần công việc dang dở. 8 giờ tối hôm ấy, Oanh cùng người cộng sự trình lên cấp trên bản báo giá của mình, sau đó cùng nhau đi ăn tối, khoảng hơn 11 giờ đêm mới chia tay nhau đi về.
Kết quả, sau khi Oanh về đến nhà, cô ấy thấy dòng cập nhật trạng thái trên trang Facebook của người đồng nghiệp, kèm theo ảnh minh hoạ là bàn làm việc tại văn phòng công ty, đại ý ghi: "Nỗ lực làm việc, bây giờ mới về đến nhà này".
Sau khi đọc xong, Oanh cảm thấy người đồng nghiệp này thật kì cục. Khoảng 8 giờ đã xong xuôi hết công việc để về nhà rồi, vậy mà người đồng nghiệp này vẫn khoe mẽ với bạn của mình rằng cô ấy đã phải vất vả làm việc tới tận đêm khuya.
Bản thân tôi cũng đã từng trải qua một tình huống tương tự.
Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi quen thân một cô bạn và thường rủ bạn ấy học nhóm. Ấn tượng trong tôi về khoảng thời gian ấy đến giờ vẫn không hề bị phai nhạt. Trung bình mỗi lần học nhóm, tôi cùng cô bạn ấy dành 3 tiếng để ôn tập.
Trong 3 tiếng đó, cô ấy mất 2 tiếng dùng điện thoại để giải quyết nốt việc riêng; dùng nửa giờ để ăn món ăn tẩm bổ, tiếp sức cho quá trình học nhóm; nửa giờ còn lại cô ấy mở sách ra để học, không quên chụp ảnh quyển sách để lưu lại khoảnh khắc học nhóm này.
Kết quả, chờ kì thi tới gần, cô bạn ấy mới tá hoả học bài, rồi buồn rầu than thở: "Ngày nào tôi cũng chăm chỉ học bài, tại sao không vào đầu chữ nào, thế này biết thi làm sao đây!!!"
Bạn biết không? Rất nhiều người trong chúng ta, thực chất chỉ giả vờ cố gắng, giả vờ chăm chỉ trước mặt người quen của mình.
Bao nhiêu người trong chúng ta. Sau khi mua một quyển sách, việc đầu tiên trước khi mở sách ra để đọc là chụp bức ảnh gửi cho bạn của mình, khoe với họ rằng mình đã đọc xong và thu nạp được nhiều điều sâu sắc từ quyển sách đó?
Bao nhiêu người trong chúng ta, nửa đêm mất ngủ, khi được người khác hỏi lý do, không ngần ngại trả lời vì mình đang bận việc, trong đầu còn nhiều toan tính nên chưa thể nhắm mắt?
Bao nhiêu người trong chúng ta khi đi tham quan quyết định ngồi chờ dưới chân núi, khi về nhà lấy ảnh chụp của người khác, chỉ để khoe là mình đã lên đỉnh?
Nỗ lực thực sự, không phải để cho người khác nhìn thấy và ghi nhận. Giả vờ cố gắng để gạt người thì rất dễ, nhưng rất khó để có thể phỉnh lừa được chính bản thân mình.
Khoảng thời gian thực tập, tôi có làm việc trong một doanh nghiệp nước ngoài. Nhân viên trong công ty đó, đầu tóc gọn gàng, mặc trang phục chỉnh tề, phong thái chuyên nghiệp, ngày ngày đều đến công ty từ rất sớm, sau khi tan ca vẫn ở lại làm thêm giờ.
Thực ra, rất nhiều người trong công ty đó đến công ty không làm được việc gì, làm việc với hiệu quả rất thấp. Họ không có ý định tìm ra những giải pháp để nâng cao hiệu suất làm việc của mình, bằng lòng với việc ngồi trong các buổi họp hàng giờ chỉ để giải quyết những vấn đề rất nhỏ, không đáng để họp.
Họ ở lại công ty muộn chỉ để gây ấn tượng tốt với cấp trên. Ngồi ở công ty, họ liên tục nhìn màn hình, liên tục gõ bàn phím, khoác lên mình vẻ bề ngoài chăm chỉ, với hi vọng một ngày sẽ được cấp trên chú ý.
Tại doanh nghiệp này nói riêng hay nhiều doanh nghiệp khác nói chung, xuất hiện một tôn chỉ nổi bật: "Không quan tâm bạn làm gì, chỉ cần ngồi lâu tại công ty, bạn là một nhân viên cần cù, chịu khó".
Đây là điển hình của sự giả vờ cố gắng, một sự cố gắng không đem lại hiệu quả hay lợi ích gì cho ta cũng như cho người khác.
Nỗ lực thực sự không thể đong đếm bằng khoảng thời gian chúng ta bỏ ra, mà được cân đo bằng sự toàn tâm toàn ý, bằng sự nhiệt tình, chuyên tâm giải quyết công việc để đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh những người giả vờ cố gắng kể trên, cũng tồn tại một kiểu người. Họ nỗ lực thực sự, nhưng thật đáng tiếc, họ đã chọn sai phương pháp để cố gắng.
Năm ngoái, sau khi được bạn bè khích lệ, tôi quyết định làm một tấm thẻ tập gym. Thời gian ở đó, tôi nhận thấy rằng, rất nhiều người đến tập chỉ lựa chọn máy chạy bộ, điên cuồng chạy để giảm cân, những người này thường có vóc dáng mập mạp, và sau một thời gian vóc dáng của họ vẫn gần như không có biến chuyển.
Mặt khác, những người có vóc dáng đẹp, thường thích ở khu có nhiều dụng cụ, tập đa dạng nhiều bài tập khác nhau. Không những vậy, thời gian tập của họ thường không quá dài, bao gồm các công việc sau: Khởi động làm nóng người, sau đó tập phần bài tập cho bộ phận mình muốn cải thiện, cuối cùng giãn cơ rồi đi về.
Huấn luyện viên phòng gym bảo tôi: "Xét tổng thể phòng tập gym này, những người bền bỉ, nỗ lực nhất chính là những người chạy bộ; nhưng đồng thời họ cũng chính là người thu được hiệu quả chậm nhất".
Những người siêng năng cần cù sai cách, họ là những người khi làm việc không nhìn tổng thể. Họ là những người theo tư tưởng cứ làm đã, sau đó mới suy tính tại sao mình lại làm điều đó. Bọn họ không lười làm việc, nhưng lại lười tìm ra giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề.
Nỗ lực thực sự, siêng năng cần cù không chỉ thuần tuý biểu hiện ở vẻ bề ngoài. Cần suy nghĩ, tìm ra phương pháp tối ưu, khi ấy những nỗ lực chúng ta bỏ ra mới thực sự đem lại hiệu quả.