Nội thắng ngoại trên thị trường bia

27/07/2016 15:30 PM | Kinh doanh

Sản lượng tiêu thụ bia ở VN năm 2015 đạt 3,4 tỉ lít, tăng 10% so với năm trước và hiện nay VN trở thành quốc gia tiêu thụ bia dẫn đầu khu vực ASEAN và đứng thứ 3 ở Châu Á.

Điều này đã hấp dẫn được hàng loạt các thương hiệu lớn trên thế giới có mặt như hãng bia lớn nhất thế giới là AB-Inbev. Sự có mặt của hãng bia lớn nhất Thái Lan Singha Beer (thông qua việc mua cổ phần của Masan)… càng khiến thị trường cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết.

Nội dẫn đầu

Trong cuộc chiến khốc liệt này, theo số liệu của Euromonitor, hơn 80% thị phần toàn thị trường hiện nằm trong tay của Sabeco, VPL (chủ Heineken, Tiger, Larue) và Habeco.

Trong đó riêng Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chiếm hơn 40% thị phần. Nếu như Sabeco vẫn là vua của phân khúc phổ thông thì VPL vẫn dẫn đầu ở phân khúc cao cấp.

Vì vậy cạnh tranh của Sabeco là rất lớn khi gần như tất cả các hãng trong và ngoài nước đều coi Sabeco là đối thủ lớn nhất trên tất cả các phân khúc của thị trường. Dự báo sự cạnh tranh của thị trường sẽ tăng hơn nữa khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Theo ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN, ngành bia có lợi nhuận cao nên sự xuất hiện của hàng loạt doanh nghiệp trong nước lẫn ngoài nước là tất yếu.

Tuy nhiên, không phải cứ thương hiệu ngoại khi vào VN là sẽ thành công. Sản phẩm bia vừa mang yếu tố địa phương nhưng cốt lõi nhất vẫn là chất lượng thỏa mãn được người dùng và được duy trì ổn định.

Vì vậy các doanh nghiệp muốn có chỗ đứng trên thị trường thì phải tập trung xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối ngay từ đầu song song với việc đảm bảo được chất lượng của sản phẩm theo đúng khẩu vị truyền thống.

Và tăng tốc

Trong sự cạnh tranh khốc liệt với những tên tuổi lớn đó, Sabeco vẫn chiếm được thị phần lớn nhất với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng qua các năm. Cụ thể theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, trong Top 5 nhà sản xuất bia lớn chiếm 93% trên thị trường hiện nay, gồm Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), VBL (chủ sở hữu Heineken, Tiger, Larue), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty Bia Huế, Nhà máy Bia Dung Quất, Sabeco là nhà sản xuất nội địa duy nhất có mức tăng trưởng về sản lượng trong giai đoạn 2015 – 2016 so với thời điểm trước đó.

Cụ thể, sản lượng của Sabeco trong năm 2015 đạt hơn 1,52 tỉ lít bia các loại, tăng được 9% so với năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng của Sabeco đạt 770 triệu lít bia các loại, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Để làm được điều này, theo ông Vũ Quang Hải, Phó tổng giám đốc Sabeco, lợi thế của công ty là có thương hiệu lâu đời với những nhãn bia truyền thống như 333, Saigon đỏ, Saigon Special… đã ăn sâu với người tiêu dùng VN.

Nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, dường như việc đó không còn quá nhiều lợi thế nữa mà lợi thế lớn nhất của Sabeco chính là con người, là cả hệ thống từ cán bộ nhân viên đến người sản xuất trong các phân xưởng. Do đó, trong những năm gần đây, chính sách trẻ hóa cán bộ rất được Sabeco quan tâm và triển khai trên các đơn vị toàn hệ thống.

Còn ngược lại, điểm yếu nhất của Sabeco là vẫn bị nhiều quy định ràng buộc, chưa tạo được sự chủ động cao cho doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh hiện nay. Hiện nay, công ty đã đưa ra chiến lược dài hạn nhằm hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn kinh doanh đồ uống, nước giải khát lớn nhất VN và vươn ra khu vực.

Không chỉ kinh doanh bia mà về lâu dài, công ty sẽ còn mở rộng kinh doanh sang nhiều mảng đồ uống khác. Đặc biệt, bên cạnh việc giữ vững và tăng trưởng tại phân khúc phổ thông, Sabeco sẽ tập trung nguồn lực để cạnh tranh tại phân khúc cao cấp và cận cao cấp, trong đó hướng vào tầng lớp khách hàng trẻ và năng động bằng việc đa dạng hóa các dòng sản phẩm.

Điểm then chốt của chiến lược này là đầu tư cho công nghệ nhằm bảo đảm, duy trì chất lượng sản phẩm và gìn giữ hương vị truyền thống của Bia Sài Gòn. Bên cạnh đó là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của toàn hệ thống.

“Hàng năm Sabeco đã chi hàng chục tỉ đồng để đào tạo cán bộ nhân viên tại trong và ngoài nước nhằm xây dựng đội ngũ kế cận. Còn điểm yếu nhất của Sabeco là mặc dù đã cổ phần hóa nhưng cơ chế hoạt động của Sabeco vẫn tuân theo các quy định nhà nước, điều này phần nào đã hạn chế sự linh hoạt của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh hiện nay”, ông Vũ Quang Hải nhấn mạnh.

Trước đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, Sabeco đã tiến hành đổi mới nhận diện các sản phẩm của mình với hình ảnh tươi mới, hiện đại và trẻ trung hơn. Điều này giúp công ty gia tăng được sự cạnh tranh ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp, đặc biệt là khu vực thành thị khi đạt 10,9% thị phần vào 5 tháng đầu năm 2016 (trong khi mức thị phần năm 2014 là 9,2%).

A.D

Cùng chuyên mục
XEM