Nỗi sợ suy thoái của nhà đầu tư

27/05/2022 20:32 PM | Kinh doanh

Từ tháng 1 đến tháng 5, chứng khoán Mỹ giảm có thể được lý giải bởi đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ.

Thời gian qua, diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ khó lường đến nỗi khó có một ai có thể đoán đúng xu hướng thị trường tăng hay giảm điểm sau một tuần giao dịch dù đã là trưa ngày thứ 6.

Sau khi thị trường đóng cửa phiên 26/5, chúng ta vẫn chưa thể xác định được chỉ số này sẽ chấm dứt chuỗi giảm điểm 7 tuần liên tiếp hay tiếp tục kéo dài sang tuần thứ 8. Điều mà chúng ta có thể khăng định là chỉ số này đã lùi xa hơn khỏi “bờ vực” thị trường giá xuống.

Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ đang bước vào một “chương” mới, đáng lo ngại hơn.

Trong giai đoạn từ tháng 1 tới đầu tháng 5, giá cổ phiếu giảm có thể được lý giải bởi đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ, trong bối cảnh Fed liên tục phát tín hiệu sẽ tăng nhanh và mạnh lãi suất.

Nhưng trong vài tuần gần đây, giá cổ phiếu tiếp tục giảm dù lợi suất trái phiếu giảm theo. Điều này xuất phát từ tâm lý quan ngại suy thoái của nhà đầu tư.

Nỗi sợ suy thoái của nhà đầu tư - Ảnh 1.

Cổ phiếu của Snap Inc bị bán tháo sau khi công ty này cảnh báo kết quả kinh doanh ảm đạm. Reuters. 

Quá trình siết chính sách của Fed, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và tình trạng gia tăng chi phí sản xuất chính là những “điềm báo” báo hiệu một quãng thời gian khó khăn sắp tới. Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ trong gần 2 năm qua. Và nhà đầu tư quan ngại rằng lợi nhuận doanh nghiệp đang bị đe dọa. 

Nền kinh tế thế giới đang bị bủa vây bởi một vài cú sốc lớn. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm trong quý hiện tại, vì những đợt phong tỏa dưới chiến lược zero Covid. Người tiêu dùng châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mức sống nghiêm trọng trong bối cảnh giá khí đốt liên tục tăng sau khi xung đột Ukraine nổ ra.

Nền kinh tế Mỹ vẫn cho thấy sức kháng cự tốt. Nhưng nhiều lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu chững lại, dù Fed mới chỉ bước những bước đầu tiên trên “con đường” tăng lãi suất của mình. Dữ liệu công bố ngày 24/5 cho thấy doanh số nhà ở mới tại Mỹ giảm gần 17% trong giai đoạn giữa tháng 3 và 4 năm nay. 

Nhà đầu tư cũng phản ứng mạnh sau khi nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo lợi nhuận cho thấy nhu cầu thị trường đang giảm xuống. Sau khi Snap Inc, công ty sở hữu nền tảng mạng xã hội Snapchat, cảnh báo doanh thu thấp hơn dự kiến, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này giảm 43%. Giá cổ phiếu của Walmart và Target cũng giảm sau khi hai ông lớn bán lẻ này công bố báo cáo lợi nhuận “đáng thất vọng” trước áp lực chi phí lớn và tồn kho nhiều do dự báo sai nhu cầu thị trường.

Tăng trưởng chậm thường phản ánh rủi ro giảm lợi nhuận. Đối với các doanh nghiệp lớn, khi doanh thu tăng hoặc giảm, lợi nhuận thậm chí tăng, giảm mạnh hơn. Đà phục hồi của nền kinh tế là bước đệm để nhiều doanh nghiệp thu về lợi khoản nhuận khổng lồ trong năm 2021, nhưng một khi tăng trưởng GDP chậm lại, mọi thứ sẽ đảo chiều.

Một yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận khác là chi phí lao động. Khó khăn xuất hiện liên tục khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp liên tục tăng cao, đặc biệt là chi phí năng lượng. Chi phí tài chính cũng tăng lên cùng lãi suất.

Nhưng điều đáng lo là lương trả cho người lao động. Thị trường lao động Mỹ hiện đang rất “nóng”. Nhiều doanh nghiệp phải tăng lương để giữ chân hoặc tuyển dụng thêm nhân sự.

Giới doanh nghiệp Mỹ rơi vào tình thế “tiến thoái, lưỡng nan”. Nếu như họ chuyển phần chi phí tăng thêm đó vào giá thành sản phẩm, lạm phát sẽ tiếp tục tăng, buộc Fed tăng mạnh lãi suất hơn nữa. Nhưng nếu không làm gì cả, lợi nhuận sẽ bị bào mòn.

Có thông tin tích cực nào đối với nhà đầu tư? Những người nhận định thị trường sẽ đảo chiều sau một thời gian dài giảm điểm. Lý thuyết là khi có quá nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong thời gian qua, sẽ có ít khả năng cổ phiếu bị bán tháo mạnh trong thời gian tới. Nhưng phiên tăng điểm gần đây sẽ không thể giúp thay đổi bức tranh kinh tế vĩ mô đằng sau thị trường chứng khoán.

Sự an ủi có thể đến từ việc các thị trường tài chính đã “tiêu hóa” quá nhiều những gì mà Fed đã làm và những thông tin mà Fed đưa ra. Từ đầu năm 2022, lợi suất trái phiếu, lãi suất thế chấp, đồng USD liên tục tăng, trong khi giá cổ phiếu thì ngược lại. Nếu không có hai lần tăng lãi suất gần dây, rủi ro nền kinh tế Mỹ “hạ cánh cứng” còn lớn hơn nhiều.

Áp lực lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, lãi suất có thể sẽ không tăng quá cao như dự báo trước đó. Giữa những ngày thị trường chứng khoán giảm điểm, đó không phải là một lời an ủi quá xuất sắc. Nhưng vẫn tốt hơn là chẳng có gì!

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM