Nỗi lòng trong từng cây bút của Thiên Long: Vừa an toàn để phòng khi học sinh "cắn bút" vì không nghĩ ra bài, vừa bền để thoải mái "quăng quật", vừa thân thiện với môi trường
"Nhiều lúc học sinh nghĩ bài không ra bỏ bút vào miệng cắn, nên sản phẩm phải an toàn. Không những thế còn phải đảm bảo giá thành thấp và giúp bảo vệ môi trường", CEO Thiên Long Trần Phương Nga chia sẻ.
Mới đây tại Hội nghị Phát triển bền vững 2023 do Forbes Việt Nam tổ chức, CEO Thiên Long Trần Phương Nga cho biết từ một doanh nghiệp văn phòng phẩm, Tập đoàn đang vươn tới tầm nhìn mới là “truyền cảm hứng, cung cấp giải pháp cho việc học hỏi, hạnh phúc trọn đời”.
“Chính vì vậy, việc học hỏi để bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển bền vững cho toàn xã hội cũng chính là điều Thiên Long đang theo đuổi”, bà Nga chia sẻ, nói thêm rằng bên cạnh công việc sản xuất, sứ mệnh quan trọng nhất của doanh nghiệp là giáo dục cho học sinh sử dụng sản phẩm của họ một cách trách nhiệm.
Lấy ví dụ về nỗ lực bảo vệ môi trường, bà Nga kể lại rằng đội ngũ của Thiên Long từng nghĩ không thể sản xuất được bút viết từ những chai nhựa PET, nhưng cuối cùng đã làm được. Thêm vào đó, Tập đoàn đầu tư ngay từ khâu thiết kế để loại bỏ những chi tiết thừa, đồng thời làm sản phẩm mỏng lại một chút để tiết giảm lượng nhựa.
“Chúng tôi chi li trong từng chi tiết như vậy, và tích lũy từ 42 năm kinh nghiệm để truyền tải thông điệp vào trong từng sản phẩm và bao bì”, vị CEO bày tỏ.
Ngoài ra, bà cho hay Thiên Long đang cố gắng kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm. Ví dụ như bút viết bảng thay vì dùng một lần rồi bỏ thì có giải pháp thay ruột hết sức đơn giản.
Đối với bút viết – sản phẩm quen thuộc nhất của Thiên Long, bà Nga chỉ ra rằng học sinh thường “quăng lên quật xuống” trong quá trình sử dụng, nên trước hết cây bút phải có độ bền cao.
“Nhiều lúc học sinh nghĩ bài không ra lại bỏ bút vào miệng cắn, nên sản phẩm cũng phải an toàn. Như vậy, một cây bút vừa phải bền, vừa phải an toàn, lại đảm bảo giá thành thấp và giúp bảo vệ môi trường. Đây là bài toán thực sự cần cân đo đong đếm”, CEO của Thiên Long trăn trở.
Do nguyên vật liệu tái chế đắt hơn, quy trình sản xuất cũng khác, giá thành sản phẩm có thể bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, bà Nga khẳng định Thiên Long rất cố gắng kiểm soát giá thành, chỉ tăng khoảng 25-30% so với sản phẩm thông thường. Thêm vào đó, tình hình có thể thay đổi khi sản lượng cao hơn, thị trường đón nhận nhiều hơn trong tương lai.
“Những doanh nghiệp có trách nhiệm bao giờ cũng phải đầu tư trước, hy sinh trước. Không chỉ là chuyện tiền bạc, giá thành, quá trình R&D (nghiên cứu và phát triển) là công sức mồ hôi nước mắt mà chúng tôi nghĩ rằng thực sự xứng đáng”, bà Nga nhấn mạnh.
Với tầm nhìn Net-Zero vào năm 2050, Việt Nam đang tăng tốc trên hành trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, tức là xây dựng những chu trình sản xuất khép kín. Các chất thải của chu trình này quay lại trở thành nguyên liệu sản xuất cho chu trình khác, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Nền kinh tế này được dự đoán sẽ đóng góp hàng nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030, đồng thời dần trở thành xu hướng tất yếu khi tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt.
Đề cập tới mục tiêu phát triển bền vững của Thiên Long, bà Nga cho biết trong 5 năm tới doanh nghiệp chắc chắn sẽ mở rộng dòng sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp đó, họ sẽ chuẩn hóa lại từng hoạt động, nhìn nhận lại xem còn chỗ nào có thể tối ưu thiết kế để giảm thiểu lượng nhựa hay không.
“Thứ ba, chúng tôi đưa ra tiêu chí quyết tâm về việc truyền tải thông điệp đến các học sinh. Chúng tôi nghĩ rằng việc đó sẽ đem lại những giá trị bền vững nhất”, CEO Thiên Long chia sẻ.