Nỗi lòng thành phần “thấp cổ bé họng” bị chèn ép trong các công ty cổ phần
Né tránh thay đổi hệ thống quản trị, nhiều công ty vẫn cho tồn tại hình thức quản trị theo kiểu phân cấp, phân quyền. Cổ đông lớn chèn ép cổ đông nhỏ, nhiều nhóm lợi ích chèn ép nhà đầu tư và kể cả nhân viên của họ.
Nỗi lòng của các cổ đông, nhân viên “thấp cổ bé họng”
Tại các Công ty Cổ phần (CTCP) ở Việt Nam vẫn ghi nhận tình trạng các cổ đông lớn thường sử dụng quyền của mình để trục lợi, gây nên những thiệt hại cho cả công ty và cổ đông nhỏ. Điều đáng lo ngại là những vụ việc như vậy đang xảy ra ngày càng phổ biến. Đáng nói là các cổ đông nhỏ thường không có tiếng nói. Họ phải chấp nhận chịu sự ấm ức, người càng ít tiền thì càng “thấp cổ bé họng”. Nhiều nhà đầu tư, nhân viên tại các CTCP cho biết, họ thường xuyên bị cổ đông lớn, ban lãnh đạo doanh nghiệp chèn ép dưới nhiều hình thức.
“Là nhà đầu tư, tôi nhận thấy, các cổ đông nhỏ bị chèn ép dưới nhiều hình thức như cổ đông lớn không lắng nghe, không tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cổ đông nhỏ, dù có khả năng mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp. Cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp qua mặt cổ đông nhỏ trong các quyết định về sáp nhập doanh nghiệp, mua lại cổ phiếu của công ty với lãi suất thấp, phân phối lợi nhuận; lãnh đạo doanh nghiệp không cung cấp thông tin trước các nghi ngờ về sự điều hành bất minh, trục lợi của một số nhân sự chủ chốt tại doanh nghiệp…”, ông Lê Thanh An, nhà đầu tư ở Tp.HCM chia sẻ.
Ảnh minh họa
Một nhà đầu tư khác, ông Phạm Văn An cũng cho biết việc nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ ở Việt Nam không được đối xử công bằng, bình đẳng là điều thường gặp.
“Tôi có cảm nhận, việc nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bị cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp thiếu coi trọng là đương nhiên và bình thường, trong khi đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp, vào thị trường chứng khoán. Điều đáng nói là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bị chèn ép đủ đường, nhưng bản thân họ cũng như các cơ chế chưa có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng”, ông An nói.
Có thể nói, tình trạng này kéo dài làm tổn thương nhà đầu tư, khiến họ mất niềm tin vào doanh nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này là ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp còn hạn chế, người quản lý, điều hành doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp, vẫn còn thói làm ăn chộp giật, ỷ quyền cậy thế…
Trong khi đó, nhiều nhân viên ở các công ty Cổ phần cũng tiết lộ rằng họ bị các nhóm lợi ích do HĐQT chi phối chèn ép với các lợi ích, không được tham gia đóng góp ý kiến, chỉ làm theo những gì mà lãnh đạo cho phép làm.
Chị L.T.M, một nhân viên làm việc tại một doanh nghiệp tầm trung ở Tp.HCM bày tỏ sự bức xúc về cách hành xử của các thành viên trong ban lãnh đạo công ty.
“Tôi nhận thấy ở Việt Nam nhiều lãnh đạo vẫn còn có tư tưởng cổ hủ. Họ xem công ty như gia đình, nhân viên giống như con của họ nên muốn mắng chửi lúc nào thì mắng chửi. Ví dụ như Sếp tôi, nhiều người thường ví ông ấy là “phát xít” vì bất kể một sai phạm nào của nhân viên cũng bị dọa trừ lương, bị la mắng thậm tệ. Thậm chí, đôi khi chỉ vì nhân viên đi trễ 10 phút thôi mà ông ấy bắt chúng tôi phải bước ra khỏi công ty, nghỉ việc không lương luôn ngày hôm đó. Khi nhân viên làm sai, mặc cho nhân viên có giải thích ra sao thì các Sếp cũng mặc kệ”, chị M. nói.
Tương tự, anh Trần Văn K., một nhân viên làm việc tại một công ty bất động sản cho biết tình trạng các thành viên trong ban lãnh đạo công ty lợi dụng quyền hành để chèn ép nhân viên là rất nhiều. Bản thân anh K. cũng nhiều lần ức chế với các hành xử như vậy.
“Tôi nhiều lần bức xúc, muốn nghỉ việc vì cảm thấy không được tôn trọng khi đến công ty. Nhiều người lãnh đạo chỉ xem nhân viên là công cụ tạo ra lợi nhuận cho họ nhưng quên mất rằng nhân viên cũng cần có lòng tự trọng, cần được quan tâm, động viên tinh thần trong công việc chứ không phải chỉ cần đến tháng trả lương là nhận được cống hiến”, anh K. nói.
Những dẫn chứng trên cho thấy các cổ đông nhỏ và nhiều người lao động tại Việt Nam vẫn đang phải chịu cảnh “ấm ức” vì những khoản thiệt hại do các cổ đông lớn chèn ép vì lợi ích nhóm. Các cổ đông lớn có thể đồng thời là những thành viên quản lý của công ty và họ dễ dàng lợi dụng chức quyền để trục lợi, đẩy phần thiệt hại về phía cổ đông nhỏ.
Làm sao để cân bằng quyền lợi giữa các nhóm trong một công ty?
Nhiều chuyên gia đã nghiên cứu về hiện tượng lạm dụng giám sát của sếp với nhân viên để tìm ra lý do tại sao. Hành vi này được thể hiện ở các hành động như buộc tội họ thiếu năng lực, đổ lỗi, nói dối, hoặc không tin tưởng họ trong công việc.
Việc lạm dụng giám sát này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhân viên và người lao động như gây căng thẳng tâm lý, nảy sinh tâm lý bất mãn trong công việc, khiến họ mệt mỏi và thiếu động lực cống hiến. Do đó, điều quan trọng là ông chủ phải thay đổi nhận thức đầu tiên.
Về cổ đông và nhà đầu tư, cổ đông lớn lại càng phải thể hiện sự minh bạch. Công ty phải thực hiện chính sách chi trả cổ tức tiền mặt cao để chi trả lại cho cổ đông dòng tiền thặng dư này. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện tại Việt Nam khi các cổ đông lớn sử dụng quyền hạn để giữ lại những khoản tiền mặt, từ đó trục lợi. Do đó, việc tăng cường hoạt động kiểm soát tại công ty đại chúng có một ý nghĩa rất lớn. Để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của CTCP, cần phải cải thiện hoạt động kiểm soát ở cả bên trong lẫn bên ngoài.
Có lẽ đã đến lúc các ông chủ doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, thay đổi cách quản trị thì mới có thể đưa công ty phát triển bền vững và nâng tầm trên TTCK. Ảnh: Minh họa
Trong khi đó, Theo ý kiến của Luật sư Kim Hoa (Tp.HCM), khung pháp lý cho cả hai dạng kiểm soát này ở Việt Nam đang có nhiều hạn chế. Một số quy định về quyền cổ đông chưa phù hợp, khiến cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ khó có thể tiếp cận thông tin về hoạt động của công ty và tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty.
Ví dụ, Khoản 2, Điều 114 và Khoản 4, Điều 149, Luật Doanh nghiệp yêu cầu cổ đông phải có thời gian sở hữu tối thiểu từ 10% cổ phần trong 6 tháng liên tục mới có quyền đề cử người vào hội đồng quản trị. Yêu cầu, điều kiện này là cao hơn so với thực tế đã dẫn đến khó khăn cho cổ đông, đặc biệt cổ đông mới của công ty thực hiện quyền đề cử.
Bên cạnh đó, các cổ đông chưa thực sự thuận lợi trong khởi kiện người quản lý vi phạm trong điều hành công ty, hoặc ngăn ngừa người quản lý ký kết, thực hiện giao dịch gây thiệt hại cho công ty. Văn bản Luật doanh nghiệp văn bản nói rõ, điều khoản chưa quy định rõ ràng cho các cổ đông.
Về quyền quản trị công ty, theo quy định tại khoản 1 Điều 114 LDN 2014, cổ đông phổ thông có các quyền sau đây: Tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết”.
Theo đó, cổ đông được tham dự và thực hiện quyền biểu quyết của mình, có thể thông qua “các hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định” như họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử… Điều này có thể đảm bảo được quyền lợi cho những cổ đông thiểu số. Ngoài ra, tại điều luật này cũng có thêm một số điều khoản bảo vệ quyền lợi của họ mà không phân biệt ai nhiều tiền, ai ít tiền.. Tuy nhiên, để quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư được quan tâm đúng mực hơn thì vị luật sư cho rằng cần phải thay đổi một số điều trong Luật doanh nghiệp, quy định rõ ràng hơn để bảo vệ tối đa quyền lợi cho họ.
Để khắc phục các hạn chế trên, có lẽ đã đến lúc các ông chủ doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, thay đổi cách quản trị thì mới có thể đưa công ty phát triển bền vững và nâng tầm trên TTCK.