Nơi không khí chẳng khác gì thuốc độc, mà hàng triệu người chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc hít nó vào
Ô nhiễm không khí đang là thứ đày đọa người dân đất nước tỉ dân mỗi năm. Dù các chiến dịch đã được triển khai, nhưng mọi chuyện chỉ ngày càng tệ hơn với họ.
Gulpreet Singh quỳ gối xin ăn trên chiếc thảm cáu bẩn đặt bên vệ đường, phía bên ngoài trạm tàu hỏa South Campus ở Delhi. Giống như hàng triệu người Ấn Độ đang tìm cách mưu sinh với số tiền ít ỏi, ông lão 84 tuổi cũng chẳng còn cách nào khác ngoài việc phải ra đường kiếm sống. Và điều đó đồng nghĩa với việc ông chấp nhận hít thứ không khí dày đặc khói bụi ở thủ đô của Ấn Độ.
Từ nhiều năm nay, Delhi đã luôn nằm trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với độ ô nhiễm không khí năm nay ở mức "nguy hiểm" từ đầu tháng 11 - theo chỉ số chất lượng không khí quốc gia Ấn Độ (AQI). Nhưng đa số người Ấn Độ, họ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thứ không khí ấy là một phần của cuộc sống thường ngày. Cho dù, nó đang dần giết chết họ.
Gulpreet Singh - cụ ông ăn xin trên đường phố của Delhi
Phát nghẹn vì khói
Một cảnh sát giao thông tại tuyến đường đông đúc nhất Delhi cho biết, ô nhiễm không khí đang ở mức "không thể chịu nổi" vào mùa đông năm nay.
"Tôi phải gỡ khẩu trang vì cần thổi còi điều tiết giao thông, nhưng mọi chuyện thật kinh khủng," - vị cảnh sát giấu tên cho biết. Tên của ông không được tiết lộ vì không có đủ thẩm quyền phát biểu với truyền thông.
Khói bụi từ xe cộ vây quanh, nhiều đến mức mỗi lần hít thở là phải nuốt hàng "ngụm" khói. "Mắt đau, mà thở cũng khó nữa."
Neelam Joshi - nhân viên công tác xã hội 39 tuổi cũng có trải nghiệm tương tự. Cô cảm thấy không khí ô nhiễm thực sự mỗi khi ra ngoài đi làm.
"Buổi sáng khi rời nhà, nó (ô nhiễm không khí) là thứ đầu tiên bạn cảm nhận được," - Joshi chia sẻ. Tới cuối ngày, cơ thể của cô phần nào thích nghi được. Nhưng sáng hôm sau thì đâu lại vào đấy.
"Suốt 6 năm sống ở Delhi, chưa có khi nào ô nhiễm giảm xuống cả. Chỉ có tệ hơn, mỗi năm lại nặng nề hơn, và trong các lễ hội thì thật là kinh khủng."
Tiếp viên hàng không Amanpreet Kaur (28 tuổi) thì chia sẻ một trải nghiệm khác. Sau khi từ Mỹ trở về, cô thấy choáng ngợp vì chất lượng không khí 2 bên quá khác biệt.
"Khi mới hạ cánh xuống Ấn Độ sau chuyến bay từ Mỹ, cảm giác thật sự kinh khủng. Tôi ho liên tục," - cô cho hay. Khói bụi nhiều đến mức khi đêm xuống, ánh đèn từ xe cộ và đèn đường trở nên hư ảo.
"Sống ở Delhi lúc này là quá nguy hiểm," - Kaur nhận xét.
Đi tìm... quyền được thở
Nhà hoạt động môi trường Aditya Dubey (18 tuổi) đã dành 2 năm trời để vận động hành lang, nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn nạn ô nhiễm tại Delhi. Năm nào cũng vậy, thành phố này bị đày đọa bởi khói bụi dày đặc đến rát cổ họng. Tình hình thậm chí còn tệ vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống lẫn tốc độ gió đều xuống thấp khiến các phân tử bụi bị kẹt lại trong thành phố.
"Mùa đông trở thành giai đoạn tra tấn," - Dubey cảm thán. "Mắt tôi đau rát, chảy nước liên tục. Gần như chẳng thể thở được."
Tháng 10/2021, Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal đã cố gắng kiểm soát mức ô nhiễm bằng cách cấm đốt pháo trong thời gian diễn ra lễ hội ánh sáng Diwali. Nhung thực tế thì lễ hội vẫn diễn ra một cách bình thường, chẳng khác gì mọi năm. Những đám khói từ Diwali được khuếch đại "nhờ" việc đốt bỏ rơm rạ từ các nông trại xung quanh thành phố.
Tính đến ngày 5/11, hầu như mọi địa điểm tại Delhi đều ghi nhận chỉ số AQI hơn 500 - mức cao nhất trên thang đo chất lượng không khí. Và với Dubey, như vậy là quá đủ rồi. Nhà hoạt động trẻ tuổi đã gửi đơn kiến nghị đến Tòa án Tối cao, nhằm đòi lại "quyền được thở" cho người dân và chính bản thân anh.
Ngày 15/11, tòa án chấp thuận tờ đơn, ra lệnh cho chính quyền địa phương phải hành động. Sau đó, các trường học đóng cửa, những phương tiện giao thông không thiết yếu đều ngưng hoạt động. Công trường xây dựng tạm hoãn, và 6 trên tổng số 11 nhà máy nhiệt điện phải dừng lại cho đến hết tháng 11.
Một số công trường được tiếp tục hoạt động vào đầu tuần qua, sau khi chất lượng không khí ở Delhi có sự cải thiện. Tuy nhiên, mọi thay đổi đều đã muộn, khi những tổn hại chúng gây ra là không thể đảo ngược.
Sát thủ vô hình
Delhi chẳng phải là thành phố duy nhất tại Ấn Độ đang chết ngạt vì khói bụi. Năm 2020, 9 trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều là của Ấn Độ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí chịu trách nhiệm cho 7 triệu người chết sớm mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu là do tỉ lệ tử vong từ bệnh tim mạch, ung thư và viêm hô hấp tăng lên.
Một nghiên cứu gần đây từ ĐH Chicago thậm chí còn cho rằng ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ của hàng trăm triệu người Ấn Độ, ít nhất là mất 9 năm. Nghiên cứu cũng xác nhận rằng gần như toàn bộ dân số Ấn Độ (1,3 tỉ người) đang phải chịu đựng sự ô nhiễm trung bình vượt khuyến cáo của WHO.
Năm 2019, chính phủ Ấn Độ thông báo chiến dịch "tẩy rửa không khí" toàn quốc, với mục tiêu giảm tới 30% các phân tử gây ô nhiễm vào năm 2024. Kế hoạch cụ thể được phân ra từng thành phố. Như tại Delhi, nó bao gồm giảm lượng phương tiện giao thông, khí thải, bụi đường, và tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch.
Chất lượng không khí tại Ấn Độ chỉ ngày càng tệ đi
Nhưng sau 2 năm, tình hình ô nhiễm chỉ thêm tệ hơn, một phần là do sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nhiên liệu hóa thạch - chủ yếu là than đá. Trong hội nghị khí hậu COP26 vừa diễn ra tại Glasgow, Ấn Độ nằm trong nhóm những quốc gia ủng hộ việc "giảm" than đá, thay vì "cắt giảm hoàn toàn".
Hằng năm, ô nhiễm không khí cướp đi hàng vạn sinh mạng riêng tại Delhi. Nhưng bất chấp chất lượng không khí ngày càng tệ, người dân dường như đã học cách chấp nhận nó. Rất nhiều người đi lại trên đường mà chẳng cần khẩu trang, và họ cũng chẳng quan tâm đến câu chuyện này.
Omprakash Mali, người làm vườn 50 tuổi cho biết ô nhiễm không khí không ảnh hưởng gì đến công việc của ông.
"Tôi đã quen làm việc với bùn đất nên chẳng cảm thấy gì khác biệt," - ông chia sẻ. "Tôi nghĩ ưu tiên của chính phủ nên là Covid-19. Còn ô nhiễm ư? Năm nào chẳng có?"
Shesh Babu, công nhân 18 tuổi thì bảo rằng anh "chẳng mấy bận tâm" về làn khói đang đày đọa người dân Delhi. Nó chẳng thể quan trọng bằng việc kiếm tiền được.
Đó là lý do vì sao Dubey cho rằng vấn đề ô nhiễm không khí nên được đặt lên hàng đầu. "Nó là kẻ giết người thầm lặng. Không phải ai cũng nhận ra, và cũng chẳng biết được sự nghiêm trọng của nó."
Nguồn: CNN