Nỗi đau giới siêu giàu thời đại dịch Covid-19: Thuế cư trú
Những người giàu có đang bị mắc kẹt bởi tình trạng đóng cửa sẽ tiếp tục hứng chịu thêm một nỗi đau khác khi phải đối mặt với nguy cơ nộp thuế nhiều hơn.
Mark Davies thường bay vòng quanh thế giới, đến Geneva và Monaco mỗi tháng để làm công việc cố vấn thuế cho giới siêu giàu. Bay giờ, người đàn ông này mắc kẹt tại nhà ở phía tây nam London khi Covid-19 đang tàn phá công việc kinh doanh cũng như kế hoạch thuế mà Davies làm cho những người giàu có khắp hành tinh.
"Dịch bệnh khiến nhiều người mắc kẹt ở Vương quốc Anh dù họ không muốn. Ở chiều ngược lại, có những người muốn trở về nhưng không thể. Nó gây ra tác động cả hai chiều", Davies cho biết.
Khi các nước đóng cửa biên giới, một số cá nhân đang phải đối mặt với những tình huống thuế phức tạp bất ngờ. Nó sẽ khiến một người phải nộp thuế nhiều hơn vì dành quá nhiều thời gian tại một quốc gia hoặc ai đó sẽ phải từ bỏ kế hoạch giảm thuế bằng cách di chuyển sang một nước khác.
Nó không chỉ là đi lại toàn cầu mà còn rủi ro về thuế. Không chỉ ở Anh, vấn đề này xuất hiện trên khắp thế giới với hàng nghìn trường hợp ở Mỹ, nơi đang tiến hành các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn Covid-19 lây lan.
Australia, Anh và Singapore đã ban hành hướng dẫn để giảm bớt những lo ngại về thuế cư trú với các cá nhân bị mắc kẹt vì virus. Tuy nhiên, điều này không làm họ cảm thấy an toàn. Ngay cả khi Mỹ, châu Âu và châu Á cũng đang giảm dần việc đóng cửa, việc đi lại toàn cầu sẽ còn lâu mới có thể đạt được tới ngưỡng trước dịch.
Simon Goldring, đối tác tại công ty luật McDermott Will & Emery có trụ sở tại London, nói rằng: "Không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ sớm kết thúc. Việc mắc kẹt trong các khu vực pháp lý khác nhau biến nhiều người vô tình trở thành cư dân của khu vực đó kèm theo những diễn biến phức tạp đầy bất ngờ về thuế".
Việc dành quá 6 tháng ở một quốc gia thường khiến một người trở thành đối tượng phải nộp thuế dù có một số yếu tố khác liên quan đến nơi định cư và các nguồn thu nhập. Xác định cư trú thuế thường rất phức tạp nhưng việc mỗi quốc gia áp dụng một tiêu chí khác nhau biến điều này trở nên vô cùng khó khăn.
Các nước cũng có những hiệp định về thuế với các quốc gia khác và sẽ áp dụng luật pháp của mình với những tranh chấp cư trú trong trường hợp không có đại dịch. Tuy nhiên, giải quyết các vấn đề về thuế liên quan tới virus corona sẽ là một quá trình căng thẳng và tương đối tốn kém với một số người. Goldring cho biết ông đã chuyển khách hàng đi khắp Italy và Pháp trong năm nay để đảm bảo rằng họ sẽ không vượt quá ngưỡng cư trú của Vương quốc Anh.
Paul Sczudlo, luật sư nhóm khách hàng tư nhân của Withersworldwide, cho biết, có hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng chục nghìn người mắc kẹt ở Mỹ đang phải đối mặt với sự kiểm tra thuế bổ sung từ Sở Thuế vụ Mỹ. Thông thường, người nước ngoài có thể dành 183 ngày ở Mỹ mỗi năm trước khi bị yêu cầu nộp thuế thu nhập.
Tháng trước, Sở Thuế vụ Mỹ mở rộng thời hạn thêm 60 ngày. Tuy nhiên, điều này dường như vẫn không đủ bởi nhiều người có thể sẽ mắc kẹt ở Mỹ lâu trước khi có thể trở về nhà. Nhiều chủ doanh nghiệp không thể rời nước Mỹ và nhận thấy mình sẽ trở thành cư dân thuế bất đắc dĩ và phải nộp thuế theo quy định của người Mỹ.
Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí đảo lộn các kết hoạch của họ với tài chính gia đình, thậm chí là số tiền hưu trí hoặc các loại tài sản khác. Cùng với đó là một núi giấy tờ cần bổ sung để đảm bảo không bị phạt tiền vì trốn thuế.
New York là một ví dụ. Người lưu trú ở bang này hơn 183 ngày sẽ phải trả thuế thu nhập tương đối cao. New York đang ban hành hướng dẫn chính thức với những người mắc kẹt vì virus corona nhưng hy vọng rất mong manh. Năm 2012, khi những người tới New York cư trú để chờ tái thiết sau khi siêu bão Sandy tàn phá nước Mỹ, họ vẫn bị đánh thuế.
Đại dịch cũng cản trở kế hoạch của những người siêu giàu muốn tới một quốc gia khác định cư để có thể hưởng mức thuế thấp hơn. Các ông trùm vẫn thường dùng cách này để né thuế. Mark Davies giúp các cá nhân giàu có thực hiện việc này. Tuy nhiên, công việc kinh doanh của anh đang bị đình trệ.
Ngay cả khi các nước mở cửa biên giới trở lại, những người giàu có lẽ vẫn chưa thoát khỏi những rắc rối từ thuế. Dịch bệnh qua đi, các chính phủ sẽ tìm cách thu thêm tiền để giảm thiểu thiệt hại kinh tế vì virus. Trong bối cảnh lo ngại bất bình đẳng toàn cầu gia tăng, giới siêu giàu sẽ không dễ để tránh phải nộp thuế.
"Thuế sẽ chỉ đi theo một con đường là lên. Một số người sẽ phải trả tất cả các khoản thuế", Menna Bowen, chuyên gia tư vấn thuế tại Blu Family Office và đối tác của công ty luật Gunnercooke, cho hay.
Tham khảo: Bloomberg