'Nội chiến' bên trong gia tộc sở hữu Louis Vuitton: 5 người con chạy nước rút giành ‘ngai vàng’, mỗi bữa ăn đều được cha âm thầm đánh giá
Người con nào sẽ vinh dự được tiếp quản cơ ngơi đồ sộ của tỷ phú giàu nhất thế giới Bernard Arnault?
Dành 4 thập kỷ gây dựng công ty thừa kế từ cha trở thành đế chế hàng đầu LVMH, Bernard Arnault được coi là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Tỉ mỉ, khắt khe và đôi khi tàn nhẫn, người đàn ông 75 tuổi này hiện vẫn tham gia điều hành tập đoàn và thể hiện rõ quan điểm không cho người ngoài kế vị.
Đằng sau mong muốn đó, Bernard Arnault âm thầm đặt nền móng cho 5 người con trong LVMH, để một ngày nào đó chúng có thể lãnh đạo khối gia tài khổng lồ trị giá gần 400 tỷ euro (hơn 400 tỷ USD). Hai người con trai sẽ gia nhập hội đồng quản trị LVMH.
Erwan Rambourg, người đứng đầu bộ phận tiêu dùng toàn cầu cho biết: “Năm năm trước, nếu có chuyện gì xảy ra với ông Arnault, ngay lập tức sẽ có một giám đốc điều hành tạm thời không phải thành viên gia đình thế chỗ trong lúc đợi những con người trưởng thành và có kinh nghiệm hơn. Bây giờ, không cần người giám đốc đó nữa. Họ đã đạt đến trình độ đó”.
Kế hoạch ‘sao đổi ngôi’ diễn ra vào đúng thời điểm tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, trải dài từ các hãng thời trang như Dior, Louis Vuitton đến khách sạn và thương hiệu trang sức, đang phải vật lộn đối mặt với suy thoái. Thông tin nội bộ cho rằng vẫn còn quá sớm để chắc chắn cái tên nào sẽ nắm vị trí đứng đầu. Hai hoặc nhiều người thừa kế có thể cùng nhau điều hành công ty.
Quy mô và thị phần LVMH đồng nghĩa với việc thế hệ dẫn dắt tiếp theo phải sáng tạo hơn để duy trì tốc độ tăng trưởng vốn không còn có thể dựa vào Trung Quốc - quốc gia vốn đã thúc đẩy sự mở rộng của toàn ngành trong phần lớn thập kỷ. Ông Arnault, người hiện sở hữu 48% vốn cổ phần của LVMH và 64% quyền biểu quyết, đang tìm cách giúp LVMH không đi vào vết xe đổ của các triều đại kinh doanh khác tại Pháp - nơi người kế thừa yếu kém có thể nhấn chìm vận may của cả gia tộc. Trong thế giới tinh hoa của giới thượng lưu Pháp, sự sụp đổ của Lagardères - tập đoàn tên lửa-truyền thông dưới tay người con trai thừa kế chính là lời cảnh tỉnh.
Theo FT, tất cả con cái của ông Arnault đều làm việc tại tập đoàn, dưới sự dẫn dắt của những người cố vấn hàng đầu. Họ, ngay từ khi còn nhỏ, cũng đã cùng cha đến thăm cửa hàng mỗi dịp cuối tuần hoặc công tác học hỏi kinh nghiệm.
“Đối với ông Arnault, gia đình là thiêng liêng nên mọi thứ đều được sắp xếp xoay quanh điều đó”, một người thân cận cho biết.
Sắp tới đây, cổ đông sẽ bỏ phiếu bổ nhiệm Alexandre Arnault, giám đốc điều hành cấp cao 31 tuổi tại Tiffany và anh trai Frédéric, 29 tuổi, người đứng đầu thương hiệu đồng hồ LVMH. Delphine hiện là giám đốc điều hành 48 tuổi của Christian Dior và Antoine, 46 tuổi, hiện là người đứng đầu bộ phận hình ảnh và truyền thông của tập đoàn. Người con trai út Jean, 25 tuổi, giám đốc thương hiệu đồng hồ Louis Vuitton, sẽ tham gia hội đồng quản trị vào thời điểm thích hợp.
Theo cơ cấu mà ông Arnault thiết lập để củng cố sự thống nhất và kiểm soát lâu dài, mỗi thành viên trong gia đình đều có phiếu bầu ngang nhau. Tất cả cần phải cùng nhất trí các quyết định quan trọng liên quan đến LVMH, chẳng hạn như thay đổi cổ phần hoặc chiến lược tập đoàn.
“Ông ấy tin rằng những đứa con của mình sẽ trở thành cổ đông tốt nếu chúng hiểu biết sâu sắc về hoạt động kinh doanh. Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận nhưng tôi hy vọng công đức sẽ chiến thắng cảm xúc”, một người thân cận cho biết.
“Bernard Arnault rõ ràng không còn trẻ nữa, vì vậy điều quan trọng là phải có một nhóm người thừa kế mới với tầm nhìn dài hạn mới”, một nhân viên nói.
Theo FT, thành tích lựa chọn lãnh đạo của LVMH rất cao và Arnault nổi tiếng là người tàn nhẫn trong việc loại bỏ những người không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, động lực đó có thể sẽ thay đổi khi thế hệ tiếp theo của gia đình lên ngôi.
“Rủi ro bây giờ là ông ấy có thể bị gia đình làm cho mù quáng”, một người cho biết.
Trong hơn 30 năm, Bernard Arnault đã đưa LVMH trở thành tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Hầu hết các thương hiệu đều được coi là ‘ngôi sao’ và tất cả điều này giúp Bernard Arnault có cơ hội tiếp cận những lãnh đạo đứng đầu nước Pháp.
Ở ngưỡng cửa U80, ông Arnault đang cố gắng đảm bảo rằng tập đoàn LVMH sẽ nằm chắc trong tay gia đình mình. Năm ngoái, ông đã phải thuyết phục hội đồng quản trị tăng tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với giám đốc điều hành và chủ tịch từ 75 lên 80, đồng thời cơ cấu công ty nhằm đảm bảo quyền kiểm soát LVMH. Con ông cũng được đảm nhận những vị trí cấp cao, có thể đưa ra những quyết định quan trọng.
“Người tài giỏi nhất sẽ là người kế vị. Trong tương lai gần, tôi hy vọng đây sẽ không trở thành một cuộc chiến quá tàn khốc”, ông Arnault nói.
Được biết, ông Arnault lớn lên ở Roubaix, nơi từng được coi là trung tâm dệt may lớn nhất nhì miền bắc nước Pháp và đã chứng kiến rất nhiều các gia tộc sụp đổ vì con cháu phung phí tài sản thừa kế. “Sai lầm đó tôi sẽ không phạm phải. Tôi không cho phép các con phung phí tham dự các bữa tiệc xa hoa. Tôi phải khiến chúng làm việc chăm chỉ”.
Hàng tháng, năm anh chị em sẽ gặp bố tại trụ sở LVMH. Trong suốt một tiếng rưỡi đó, họ cùng thảo luận về công việc kinh doanh và đồng thời cũng được ông Arnault âm thầm theo dõi và đánh giá sự tiến bộ.
Tốt nghiệp trường École Polytechnique ưu tú của Pháp, ông Arnault truyền lại kiến thức cho con mình gần như mỗi tối trước giờ ăn. Antoine nhớ lại rằng việc đạt điểm thấp trong các kỳ thi quan trọng là “không thể chấp nhận được”, trong khi Jean nói đùa về việc có “24 năm kinh nghiệm” vì bữa ăn nào cũng luôn xoay quanh công việc”.
“Việc học kinh doanh của Alexandre bắt đầu từ năm 9 tuổi, trên bàn ăn sáng”, Ian Rogers, cựu giám đốc kỹ thuật số của LVMH, kể lại.
“Sự khao khát” chính là cụm từ miêu tả rõ ràng nhất động lực phát triển của LVMH. Câu hỏi đặt ra là người con nào có thể duy trì những khát khao đó, bất chấp sự bất ổn kinh tế toàn cầu.
Theo: FT, The New York Times