Nở rộ phong trào nhờ huấn luyện cuộc đời: Rốt cuộc Gen Z đang phải sống trong xã hội áp lực đến mức nào?

07/11/2023 14:35 PM | Sống

Không chỉ là tìm đến bác sĩ tâm lý, Gen Z bây giờ cần cả người hướng dẫn cuộc đời cho mình.

Chỉ vài năm trước, huấn luyện cuộc sống (life coaching) là một ngành công nghiệp nhỏ và còn nhận nhiều ánh mắt hoài nghi ở Trung Quốc. Nhưng nghề này hiện đang nhanh chóng trở thành xu hướng và "ăn nên làm ra".

Khi chuẩn bị tốt nghiệp vào tháng 5 năm nay, Zhao Xinli nhớ lại cảm giác "rất bối rối" về kế hoạch nghề nghiệp của mình.

Là một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử, cô đã phải đưa ra một số quyết định khó khăn: Cô nhận được lời mời làm việc, nhưng nó "hoàn toàn không liên quan" đến ngành học của cô ấy. Mặc dù ghét ý tưởng phải làm một công việc nhàm chán, trái đam mê nhưng Zhao cũng biết rằng thị trường việc làm đang cạnh tranh khốc liệt nên việc chờ đợi một lời đề nghị tốt hơn có thể là một sai lầm lớn.

Zhao nói với Sixth Tone: “Tôi không biết phải quyết định, phải làm gì và tôi sợ sẽ lựa chọn sai lầm”.

Cô gái 22 tuổi đã cố gắng tìm đến các bạn cùng lớp, giáo viên và hàng loạt trang web để xin lời khuyên nhưng không có cách nào có vẻ hữu ích. Sau đó, một ngày nọ, khi lướt ứng dụng xã hội Xiaohongshu, cô tình cờ thấy một quảng cáo về một dịch vụ mà cô chưa từng gặp trước đây: huấn luyện cuộc sống.

Nở rộ phong trào nhờ huấn luyện cuộc đời: Rốt cuộc Gen Z đang phải sống trong xã hội khó khăn đến mức nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tò mò, Zhao đã đăng ký một buổi tư vấn và nó là một "sự khai sáng" đối với cô. Thay vì đưa ra lời khuyên trực tiếp, huấn luyện viên cuộc sống giúp cô hiểu được những góc nhìn sâu sắc hơn và thúc đẩy cô đưa ra quyết định. Sau một vài buổi học, Zhao quyết định nhận công việc mà cô được đề nghị và tập trung vào việc tạo nên thành công cho nó.

Zhao nói: "Tôi nhận ra rằng mình không nên cố định vào cái gọi là sự nghiệp lý tưởng. Thay vào đó, tôi nên nhìn công việc đầu tiên của mình từ góc độ tích cực, tích lũy kinh nghiệm, khám phá điểm mạnh của bản thân và chuẩn bị cho công việc tiếp theo".

Zhao không hề đơn độc. Chỉ cách đây vài năm, khái niệm huấn luyện viên cuộc sống gần như chưa từng được biết đến ở Trung Quốc. Nhưng điều đó đang thay đổi nhanh chóng khi hàng triệu sinh viên tốt nghiệp bước vào một trong những thị trường việc làm khắc nghiệt nhất trong lịch sử.

Cần hướng dẫn trong một cuộc sống áp lực

Trung Quốc đặt mục tiêu đào tạo gần 11,6 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào năm 2023 - một kỷ lục đối với đất nước - nhưng những vị trí nhân viên văn phòng được trả lương cao đang ở mức thấp kỷ lục trong một nền kinh tế vẫn đang vật lộn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Trong môi trường cạnh tranh cao này, việc có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng là một lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, nhiều sinh viên Trung Quốc phàn nàn về việc các trường đại học trong nước thiếu hướng dẫn nghề nghiệp chất lượng. Trên nền tảng mạng xã hội, sinh viên hầu hết nhận xét các lớp lập kế hoạch nghề nghiệp ở trường "không hữu ích" và "siêu nhàm chán".

Điều này đã mở ra cánh cửa cho ngành huấn luyện cuộc sống, ngành đang bắt đầu tạo ra tiếng vang lớn trên mạng xã hội. Trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu có rất nhiều bài đăng của những người trẻ chia sẻ kinh nghiệm tư vấn đi "huấn luyện cuộc sống" cũng như hành trình trở thành huấn luyện viên cuộc sống của họ.

Không rõ chính xác có bao nhiêu huấn luyện viên cuộc đời ở Trung Quốc, nhưng ngành này dường như đang phát triển nhanh chóng. Số lượng huấn luyện viên cuộc sống từ Trung Quốc đăng ký với Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế, một cơ quan trong ngành, đã tăng gấp 4 lần từ năm 2017 đến năm 2022, tăng từ 346 lên 1.383. Trên thực tế, số lượng huấn luyện viên hành nghề có thể còn lớn hơn nhiều vì ngành này được quản lý lỏng lẻo và hầu hết các chuyên gia đều hành nghề mà không có giấy phép.

Chloe Chan, huấn luyện viên cuộc sống đến từ Hong Kong (Trung Quốc) cho biết số lượng khách hàng trẻ tìm đến cô để xin lời khuyên đã liên tục tăng kể từ khi cô bắt đầu hành nghề vào năm 2021. Sự gia tăng này không chỉ do thị trường việc làm khó khăn; Chan cảm thấy sinh viên tốt nghiệp ngày nay thường bị đè nặng bởi vô số ý tưởng nghề nghiệp mà họ nhìn thấy trên mạng xã hội.

Nở rộ phong trào nhờ huấn luyện cuộc đời: Rốt cuộc Gen Z đang phải sống trong xã hội khó khăn đến mức nào? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Chan nói: "Họ nhìn thấy nhiều khả năng hơn, họ có nhiều ý tưởng hơn. Vì vậy, họ cần ai đó hướng dẫn hoặc truyền cảm hứng cho họ".

Chan nói, vấn đề là nhiều khách hàng của cô không quen với huấn luyện cuộc sống đến mức họ hiểu sai những gì cô có thể - và không thể - làm để giúp họ. Cô nói rằng 8 trong số 10 người đang phải vật lộn với chứng trầm cảm và cần gặp một bác sĩ tâm lý hơn là một huấn luyện viên cuộc sống.

Chan thường nhắc nhở khách hàng: "Nếu bạn lo lắng, tâm trạng của bạn rất tiêu cực. Khi bạn trở lại bình thường, bạn ở mức 0. Tôi không thể giúp bạn đi từ âm về 0, nhưng tôi có thể đưa bạn từ 0 lên 1".

Jiang Zhou, 26 tuổi, mới chuyển nghề sang lĩnh vực huấn luyện cuộc sống. Anh đã đến buổi tư vấn đầu tiên vào đầu năm nay, sau khi kế hoạch cuộc đời của anh ấy tan vỡ. Ban đầu, anh hy vọng được định cư lâu dài ở Hà Lan - nơi anh học thạc sĩ tài chính - sau khi tốt nghiệp, nhưng anh không tìm được công việc phù hợp và cuối cùng phải quay trở lại Trung Quốc.

Trở về nhà, Jiang cảm thấy "lạc lõng" và không biết phải làm gì tiếp theo, và đó là lúc một người bạn đề nghị anh thử nói chuyện với một huấn luyện viên cuộc sống. Jiang quyết định rằng việc này đáng để thử.

Jiang nói: "Có cảm giác như tôi lẽ ra phải làm rất nhiều thứ, nhưng thực tế thì không. Tôi cảm thấy bế tắc và thiếu động lực, nhưng trong tiềm thức, tôi không cho phép mình nghỉ ngơi".

Cuối cùng, Jiang đã nói chuyện với không phải một mà là 4 huấn luyện viên cuộc sống khác nhau. Anh thường chỉ tham gia một cuộc trò chuyện "thử" miễn phí thay vì trả tiền cho một buổi tư vấn chính thức, thường có giá lên tới 500 nhân dân tệ (1,8 triệu đồng) mỗi giờ.

Jiang kể: "Đó là một trải nghiệm tâm linh tuyệt vời". Hiện anh đang làm việc với tư cách là một nhà trị liệu nghệ thuật.

Huấn luyện viên cuộc đời không phải bác sĩ tâm lý

Tuy nhiên không phải ai cũng bị thuyết phục. Các huấn luyện viên cuộc sống mà Sixth Tone nói chuyện nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp này ở Trung Quốc vẫn còn non nớt: Quy định lỏng lẻo, huấn luyện viên thường thiếu kinh nghiệm và khách hàng thường không chắc chắn họ muốn đạt được gì từ buổi tư vấn. Trong nhiều trường hợp, điều này hạn chế những gì huấn luyện viên có thể làm được.

Zeng Jiaqi, 25 tuổi đến từ Bắc Kinh, đã có trải nghiệm đáng thất vọng với huấn luyện viên cuộc đời vào đầu năm nay. Cô đang tìm kiếm lời khuyên về cách phát triển sự nghiệp của mình, nhưng cô cảm thấy như huấn luyện viên không thể cung cấp hướng dẫn thực tế mà cô cảm thấy cần thiết.

Zeng nói: "Huấn luyện viên cuộc sống đã hỏi tôi những câu hỏi sâu sắc nhưng cô ấy thực sự không thể giúp tôi trả lời những câu hỏi của mình".

Zeng đã không tiếp tục tập luyện với huấn luyện viên nữa và hiện muốn tự mình giải quyết mọi vấn đề. Cô cho biết, bất cứ khi nào cô phải đối mặt với một quyết định lớn trong cuộc đời, cô sẽ vẽ sơ đồ tư duy để phân tích vấn đề. Cô cũng thích tham khảo ý kiến của những người bạn lớn tuổi vì họ hiểu cô sâu sắc và có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích.

Đối với các huấn luyện viên cuộc sống, thế hệ sinh viên mới tốt nghiệp Trung Quốc thường là nhóm khách hàng khó phục vụ. Scarlett Huo, một huấn luyện viên cuộc sống được chứng nhận có trụ sở tại Bắc Kinh, nói rằng hầu hết khách hàng của cô đều ở độ tuổi từ 25 đến 30 và muốn được giúp đỡ trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp.

Nở rộ phong trào nhờ huấn luyện cuộc đời: Rốt cuộc Gen Z đang phải sống trong xã hội khó khăn đến mức nào? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Nhóm này có xu hướng cảm thấy bối rối hơn so với các thế hệ trước. Họ không chỉ đang cố gắng đối phó với một nền kinh tế hậu đại dịch phức tạp hơn mà cũng hoang mang trước hàng loạt lời khuyên nghề nghiệp - thường khó hiểu hoặc mâu thuẫn - mà phải nghe trên mạng mỗi ngày.

Huo nói:"Một trong những vấn đề mà giới trẻ ngày nay phải đối mặt là họ có quá nhiều thông tin. Họ có những kế hoạch lớn lao nhưng lại có rất ít kỹ năng".

Huo nêu ví dụ về một khách hàng 26 tuổi bị ám ảnh bởi ý tưởng phải độc lập về tài chính ở tuổi 35 vì chịu ảnh hưởng của phong trào Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm (FIRE) rất nổi trên mạng xã hội gần đây. Huo nói rằng nghỉ hưu sớm là một mục tiêu tích cực cần đặt ra, nhưng cam kết thực hiện nó mà không suy nghĩ kỹ thường dẫn đến sự thất vọng: "Khi bạn đặt mục tiêu quá quyết liệt và không đạt được kết quả nhanh chóng, bạn rất dễ nản lòng".

Nguồn: Sixth Tone

Theo Chi Chi

Cùng chuyên mục
XEM