img
Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 1.

Giống như nhiều khách hàng của Shein, Jaleesa King không kỳ vọng quần áo của hãng thời trang Trung Quốc đang nổi đình, nổi đám sẽ tồn tại lâu hơn thời gian đăng một bức ảnh tự sướng đẹp mắt trên Instagram. Cô gái 26 tuổi này tính toán rằng cứ 2 lần mỗi tháng, cô ấy sẽ chi tới 500 USD cho khoảng 20 đến 30 món đồ mà sẽ hầu như không mặc tới nhiều. "Có thể chỉ một hoặc hai lần, vậy thôi", cô nói và cười khi lướt qua pop-up store (một cửa hàng bán lẻ được mở tạm thời) của Shein tại San Francisco. "Nếu tôi có được một bức ảnh đẹp, chắc chắn món đồ đó sẽ được mặc ít nhất một lần".

Mô hình kinh doanh thời trang "mì ăn liền", thời trang nhanh (fast-fashion) nổi lên nhanh chóng đã biến Shein trở thành gương mặt nổi bật trong ngành và là một trong những công ty khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Nhưng khi các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với các nhà đầu tư, việc quảng bá thời trang dùng một lần của nhà bán lẻ này có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sự thành công lâu dài của họ. Một mạng lưới rộng lớn các nhà sản xuất theo hợp đồng cho phép Shein tung ra hàng nghìn kiểu dáng thân thiện với giới trẻ hàng ngày với mức giá khó tin - chỉ vài USD cho một chiếc váy và thậm chí ít hơn cho một chiếc quần đùi.

Với doanh thu ít nhất 16 tỷ USD vào năm 2021, tăng từ 10 tỷ USD vào năm 2020 và định giá khoảng 100 tỷ USD, Shein đã vươn lên ngang hàng với SpaceX của Elon Musk và ByteDance - công ty mẹ TikTok. Các nhà đầu tư vào công ty gồm rất nhiều tên tuổi lớn như Tiger Global Management , IDG Capital, và Sequoia Capital.

Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 2.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Shein cũng là nguồn gốc của một số vấn đề độc hại tiềm ẩn như các cáo buộc phá hoại môi trường, bóc lột công nhân và ăn cắp bản quyền. Đại học Indiana - nơi vừa công bố quan hệ đối tác với Shein chỉ vài tháng trước hiện đã hoãn các kế hoạch mới do lo ngại về công ty này. Trong khi nhiều khách hàng trẻ tuổi của họ dường như không quan tâm, những cá nhân và tổ chức có quyền lực thực sự đối với tương lai của Shein như các nhà đầu tư, nhà quản lý và chính trị gia buộc phải để tâm tới vấn đề này.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, là một phần của vòng gọi vốn mới nhất vào đầu năm nay, Shein nói với các nhà đầu tư hiện tại rằng họ hy vọng sẽ IPO ở Mỹ sớm nhất là vào năm 2024. Với hy vọng chứng minh mình xứng đáng với mức định giá khổng lồ, nhà bán lẻ này đang vội vã muốn rũ bỏ tiếng xấu là hung thần của Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Được biết, một nhóm các giám đốc điều hành mới đang tập trung vào việc thay đổi hình ảnh của công ty.

Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 3.
Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 4.

Động lực hiện tại để cải thiện hiệu suất ESG của Shein phản ánh sự chuẩn bị của họ cho một vụ niêm yết khả thi. Nguồn tin giấu tên tiết lộ, trong khi nhiều nhà đầu tư ban đầu vào công ty coi trọng tăng trưởng hơn tính bền vững, thì hiện tại, Shein muốn giảm thiểu rủi ro các hoạt động kinh doanh có thể cản trở việc IPO thành công.

Trên thực tế, các đối thủ của Shein cũng chịu những chỉ trích tương tự. Thời trang "mì ăn liền"  là một ngành kinh doanh lãng phí cực kỳ lớn, làm trầm trọng thêm tác động môi trường của ngành thời trang. Một báo cáo năm 2019 của Ngân hàng Thế giới cho biết số lượng hàng may mặc mới được sản xuất đã tăng gấp đôi so với con số 50 tỷ chiếc sản xuất vào năm 2000. Nhưng do nhận thức về ESG của công chúng đã tăng lên, những gã khổng lồ trong lĩnh vực may mặc của phương Tây như Zara của Inditex SA và Hennes & Mauritz AB đã nỗ lực làm sạch hình ảnh của họ thông qua các hoạt động tái chế, các bộ sưu tập quần áo "thân thiện với môi trường" và các sáng kiến ​​tương tự. Để tồn tại trong nhóm những công ty lớn nhất, Shein có thể cần phải thực hiện một cuộc đại tu tương tự.

Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 5.

Ở Mỹ, các nhà quản lý tiền tệ đang gây áp lực nhiều hơn lên các công ty do lo ngại về ESG. Các nghị quyết về môi trường và xã hội đã nhận được 33% sự ủng hộ trong mùa đại hội cổ đông gần đây nhất, tăng so với mức 22% của 5 năm trước đó. BlackRock, Vanguard và State Street Global Advisors đều đã cam kết bỏ phiếu chống lại giám đốc của các công ty không hành động trong các vấn đề như biến đổi khí hậu. Jenny Davis-Peccoud, người đứng đầu toàn cầu về tính bền vững tại Bain & Co., cho biết kết quả hoạt động của một công ty về tính bền vững có thể có tác động lớn đến khả năng thu hút vốn của công ty.

Shein vướng vào nhiều vấn đề. Các tổ chức phi chính phủ cáo buộc rằng một số mặt hàng do Shein bán được làm bởi những người lao động được trả lương thấp với thời gian làm việc quá dài và điều kiện làm việc nguy hiểm. Trong khi đó, các nhà quản lý và nhà hoạt động cho rằng thời trang mì ăn liền lãng phí đến mức không ai quan tâm đến môi trường có thể xác nhận được. Garik Himebaugh, người sáng lập Eco-Stylist, một nhóm doanh nghiệp xã hội có trụ sở tại Austin, cho biết: "Shein giống như một 'lá cờ đỏ' đáng lưu tâm đối với bất kỳ ai tập trung vào tính bền vững. Họ cho Shein đạt 0 trong thang điểm 100 trong phân tích gần đây nhất. Zara và H&M mỗi công ty được khoảng 30 điểm. Trong số khoảng 300 công ty được Eco-Stylist khảo sát, Shein là thương hiệu lớn duy nhất nhận được điểm 0".

Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 6.

Những cáo buộc về ăn cắp bản quyền cũng trở thành một vấn đề khác đối với Shein. Kể từ đầu năm 2021, công ty đã phải hứng chịu ít nhất 40 vụ kiện của Mỹ với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty khác. Theo dữ liệu của Bloomberg, con số này gấp hơn ba lần so với Urban Outfitters, H&M và Zara cộng lại. Adam Whinston, giám đốc ESG toàn cầu mới của Shein thì cho biết các nhà cung cấp của họ chứng nhận rằng họ không vi phạm IP của bên thứ ba.

Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 7.

Là một phần của chiến dịch phản công, Shein năm ngoái đã bổ sung các giám đốc điều hành, đáng chú ý nhất là Whinston. Các mục tiêu của ông bao gồm tăng cường tính bền vững và biến Shein trở thành một "nhà vô địch xanh" bị hiểu lầm.

Theo Whinston, việc giới thiệu hàng nghìn mặt hàng mới mỗi ngày là một tính năng chứ không phải lỗi trong mô hình bền vững của công ty. Trong một hội nghị vào tháng 6 vừa qua, ông Whinston nói Shein giảm thiểu lãng phí bằng cách sản xuất hàng hóa của mình theo từng lô nhỏ và sau đó chờ xem người tiêu dùng phản ứng như thế nào trước khi tăng cường sản xuất. Ông cho rằng chiến lược này khiến Shein trở thành hình mẫu cho các nhà sản xuất quần áo khác.

Ông nói tại hội nghị: "Chúng tôi tin rằng nếu phần còn lại của ngành theo mô hình này, sẽ gần như ngay lập tức dẫn đến sản lượng ít hơn 20%. Cách tiếp cận này là một phần của "cách tiếp cận mô hình kinh doanh sáng tạo và độc đáo đã cho phép chúng tôi trở thành một công ty bền vững hơn kể từ khi thành lập".

Samantha Sharpe, phó giáo sư và giám đốc nghiên cứu tại Viện Tương lai bền vững của Đại học Công nghệ Sydney thì nhìn nhận điều đó theo cách khác. "Vẫn còn nhiều hoạt động sản xuất quần áo không thực sự dành cho việc mặc trong thời gian dài". Ủy ban châu Âu cũng có quan điểm tương tự. Vào tháng 3, họ đã công bố các tiêu chuẩn sản xuất mới để đảo ngược tình trạng sản xuất thừa và tiêu thụ quá mức, các yêu cầu thiết kế để làm cho quần áo bền lâu hơn và các yêu cầu tối thiểu bắt buộc đối với việc bao gồm các loại sợi tái chế.

Các chính sách lao động của Shein cũng đang được xem xét kỹ lưỡng. Vào tháng 11, một cuộc điều tra của tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ Public Eye đã phát hiện ra rằng một số nhà sản xuất cung cấp sản phẩm của công ty buộc nhân viên phải chịu những điều kiện làm việc nguy hiểm tại nơi làm việc và tuần làm việc kéo dài 75 giờ.

Công ty đã đưa ra các yêu cầu của riêng mình đối với các nhà sản xuất, nói rằng họ sẽ không chấp nhận lao động trẻ em hoặc tù nhân hoặc việc trả lương thấp cho người lao động. Một số chuyên gia trong ngành ở Trung Quốc cho biết việc thực hiện các chính sách này có thể khó khăn trừ khi Shein trả thêm tiền cho các nhà cung cấp của mình để tuân thủ - một động thái khó có thể xảy ra đối với một doanh nghiệp được xây dựng quanh tiêu chí mức giá thấp nhất.

Lin Feng, cố vấn chung của Hiệp hội chuỗi cung ứng tối ưu Quảng Đông cho biết: "Với sự cạnh tranh gay gắt hơn và nhu cầu yếu hơn, nhiều nhà sản xuất hàng may mặc đang phải vật lộn để tồn tại. Các thương hiệu may mặc đang nỗ lực thuyết phục các nhà máy nâng cao chứng chỉ ESG của họ, nhưng chủ nhà máy và công nhân không có động lực mạnh để làm điều đó. Những gì họ muốn bây giờ chỉ là duy trì công việc và giữ nhiều tiền hơn".

Shein cho biết họ coi trọng tất cả các vấn đề của chuỗi cung ứng và ký hợp đồng với các công ty bên thứ ba để kiểm tra cơ sở vật chất của các nhà cung cấp. "Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ thực hiện hành động khắc phục", công ty cho biết trong một phản hồi qua email với Bloomberg.

Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 9.

Mô hình kinh doanh bên thứ ba của Shein cũng góp phần vào vấn đề bản quyền của thương hiệu. Magdalena Mollmann là một trong nhiều nghệ sĩ và nhà thiết kế đã kiện Shein trong năm nay. Người nghệ sĩ vẽ tranh minh họa tuyên bố Shein đã sao chép một tác phẩm nghệ thuật của cô là hình ảnh một người phụ nữ có mái tóc đen dài và chiếc mũi góc cạnh và bán với giá chỉ 4 USD. Các luật sư của cô ấy tại Holland & Knight LLP cho rằng Shein có một hình thức lạm dụng mà họ cho rằng trong quá khứ đã đổ lỗi cho các nhà cung cấp bên thứ ba vì bị cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đơn khiếu nại tại tòa án của Mollmann cho biết "các hoạt động kinh doanh khét tiếng và được ghi chép rõ ràng" của Shein là cố tình vi phạm quyền và lợi ích của các nghệ sĩ độc lập". Cô ấy đang đòi bồi thường ít nhất 100 triệu USD.

Whinston nói Shein xem xét tất cả các khiếu nại về vi phạm một cách nghiêm túc. "Chúng tôi không có ý định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hợp lệ của bất kỳ ai và mô hình kinh doanh của chúng tôi cũng không phải đi theo hướng như vậy", ông viết trong một email. "Các nhà cung cấp được yêu cầu tuân thủ chính sách của công ty và chứng nhận sản phẩm của họ không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba".

Whinston cho biết, Shein yêu cầu các nhà cung cấp phải tuân theo một quy tắc ứng xử nghiêm ngặt và trải qua quá trình giám sát. Ông nói: "Chúng tôi yêu cầu các biện pháp khắc phục khi phát hiện vi phạm. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, nếu những vi phạm đó không được khắc phục ngay lập tức có thể dẫn đến việc bị cấm trở thành nhà cung cấp cho Shein".

Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 10.
Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 11.

Năm ngoái, công ty đã ra mắt Shein X, một chương trình giới thiệu tác phẩm của các nhà thiết kế độc lập cho cơ sở khách hàng khổng lồ của mình. "Shein X cho phép các nhà thiết kế làm những gì họ giỏi nhất - sáng tạo" trang web của công ty cho biết, "trong khi chúng tôi xử lý sản xuất, tiếp thị và bán hàng".

Các sáng kiến ​​khác mà công ty đã bắt đầu trong năm qua bao gồm quỹ cho các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các cộng đồng chưa được phục vụ và các hoạt động khác, cũng như hợp tác với trường kinh doanh của Đại học Indiana để cung cấp học bổng cho những sinh viên muốn tìm hiểu về chuỗi cung ứng toàn cầu. Shein năm nay đã mở một trung tâm phân phối gần Indianapolis mà công ty cho biết sẽ tạo ra khoảng 1.100 việc làm.

Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác với Đại học Indiana, được công bố vào tháng 3, đã bị đình trệ, trong khi nhà trường xem xét kỹ hơn về Shein. George Vlahakis, phó giám đốc phụ trách truyền thông cho biết: "Ban quản trị của Trường Kinh doanh Kelley và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục trong Bán lẻ đã đưa ra đánh giá kỹ lưỡng về công ty, các hoạt động của công ty và phản hồi đối với những mối quan tâm được nêu ra. Khi quá trình xem xét này hoàn tất, các hành động và phản hồi thích hợp sẽ được thực hiện. Trong thời gian chờ đợi, các sáng kiến ​​mới sẽ được tạm dừng để cho phép chúng tôi có thời gian thực hiện đánh giá dựa trên thực tế này".

Shein cho biết họ liên tục xem xét các mối quan hệ đối tác tích cực của mình và sự tham gia của họ với IU đã mang lại cho công ty "thông tin có giá trị" về các mối quan hệ đối tác học thuật trong tương lai ở Indiana. Người phát ngôn của Shein cho biết: "Chúng tôi sẽ đánh giá mọi cam kết mới cùng với IU".

Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 12.

Các thông báo của Shein vẫn chưa khiến các nhà phê bình hãng này im lặng. Sau khoản quyên góp 15 triệu USD của Shein vào tháng 6 cho Or Foundation — một tổ chức từ thiện hỗ trợ công nhân phế thải dệt may ở Ghana, công ty đã bị chỉ trích là không thành thật với tính bền vững. "Không có bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ nào đối với mô hình thời trang siêu nhanh của họ. Đây thực tế không hơn gì một màn 'tẩy xanh' - khoác lên vỏ bọc thân thiện với môi trường".

Whinston hứa hẹn nhiều hành động hơn. Ông cho biết, để giảm phát thải khí nhà kính, Shein sẽ cố gắng vận chuyển nhiều sản phẩm của mình bằng tàu biển hơn là đường hàng không. Công ty cũng đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các nhà máy và sử dụng nhiều sợi tái chế hơn. Ông nói, một tập hợp các mục tiêu bền vững mới sẽ sớm được công bố mà không chia sẻ chi tiết. "Chúng sẽ rất tham vọng và khó đạt được", ông nói. "Nhưng đều rất thực tế". Không chắc rằng những nỗ lực đó có thể làm hài lòng những người hoài nghi, những người nói rằng vấn đề thực sự của thời trang nhanh chính là sự tồn tại hay không: Mô hình kinh doanh của Shein phụ thuộc vào việc tiêu thụ quá nhiều quần áo giá rẻ trên quy mô lớn.

Đối với khách hàng của Shein, điều này dường như không quan trọng lắm. Và đối với một số nhà đầu tư, tiềm năng phát triển của thương hiệu sẽ vượt qua những tai ương về danh tiếng. Phong trào ESG đã đạt được tốc độ chóng mặt trong những tháng gần đây, khi nhiều nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi về việc điều gì tạo nên đầu tư bền vững và điều đó thực sự tốt đến mức nào. Tuy nhiên, đối với các tổ chức nói riêng, tính bền vững có thể trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng. Sharpe, thuộc Viện Tương lai Bền vững cho biết: "Tôi không nghĩ rằng thời trang nhanh hoặc thời trang cực nhanh có thể thực sự bền vững. Để duy trì được hoạt động của máy móc cần các tiêu chuẩn lao động hoặc tiêu chuẩn môi trường".

Nỗ lực ‘tẩy xanh’ của gã khổng lồ thời trang Shein - Ảnh 13.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Whinston vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn trong việc cải thiện hình ảnh của Shein. Ngay cả Or Foundation, tổ chức từ thiện châu Phi nhận hàng triệu USD từ Shein, cũng cảnh giác về việc liên kết quá chặt chẽ với công ty. Trong cuộc thảo luận đầu tiên của cô với Whinston, Giám đốc Liz Ricketts nói với anh rằng cô phản đối mô hình kinh doanh của Shein khi khuyến khích tiêu dùng quá mức.

Nhiều tháng sau, Ricketts vẫn nhanh chóng làm rõ rằng tổ chức này không thuộc về đội ngũ của Shein. "Đó chỉ là chuyển tiền", bà nói về thỏa thuận. "Đó không phải là quan hệ đối tác, không phải là sự hợp tác". Tuy nhiên, bà vẫn ghi nhận công ty với sự sẵn sàng hiếm hoi nhận một số trách nhiệm về vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng chất thải. Whinston "đã nghe thấy lập trường cứng rắn của tôi. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu làm được điều đó".

Theo: Bloomberg BusinessWeek

Vân Đàm
Hà Mĩ

Nhịp sống kinh tế