Nikkei: Châu Á đối mặt nguy cơ vỡ nợ sau hàng loạt gói kích thích kinh tế thời dịch Covid-19
"Chẳng có cái gì là miễn phí mà không có hậu quả đi kèm cả", Chuyên gia trưởng về kinh tế và chiến lược Vishnu Varathan của ngân hàng Mizhuho Bank nhận định.
Chính phủ hàng loạt nước Châu Á đã tung ra các gói cứu trợ khổng lồ nhằm kích thích nền kinh tế cũng như hỗ trợ người dân trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, động thái này đang gia tăng thâm hụt ngân sách cũng như kéo theo khoản nợ khổng lồ phải trả cho tương lai.
Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình với việc tung tiền cứu trợ người dân cũng như kích thích thị trường trước ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng nhiều hãng xếp hạng tín dụng lại cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần khôn ngoan trong việc chi tiêu cũng như vay nợ.
Hiện cả 3 hãng xếp hạng tín nhiệm là Standard&Poor, Moody’s và Fitch đều chưa hạ bậc với bất kỳ nền kinh tế lớn nào ở Châu Á nhưng những thị trường nhỏ hơn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines lại đang bị đánh giá khá tiêu cực.
Trong khi xếp hạng tín nhiệm thường dựa trên yếu tố ổn định của nền kinh tế, chính trị cũng như ngân sách của mỗi nước thì việc thất bại khi sử dụng các gói cứu trợ khổng lồ để cứu nền kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng đến chi phí vay vốn, khiến toàn thị trường chìm sâu hơn vào khủng hoảng.
Các gói cứu trợ ở Châu Á tính theo % GDP năm 2019
Bung tiền nhiều, nợ càng sâu
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 tại Châu Á sau Trung Quốc đã bơm khoảng 1 nghìn tỷ USD, tương đương 20% GDP vào thị trường. Mới đây, Thủ tướng Shinzo Abe còn tuyên bố sẽ bơm tiếp khoản cứu trợ thứ 2 với tổng giá trị tương đương trước tình hình nền kinh tế này đã rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi có 2 quý giảm GDP liên tiếp.
Tương tự, láng giềng Hàn Quốc cũng đã tung gói cứu trợ tương đương 13,3% GDP nhằm cứu nền kinh tế.
Tại Đông Nam Á, Malaysia đã chi tới 15% GDP, Singapore là 13% còn Philippine và Indonesia tương ứng là 7,8% và 3,9%. Khoản cứu trợ của Thái Lan cũng có tổng giá trị khoảng 67 tỷ USD, tương đương 12% GDP.
Thái Lan hiện là nền kinh tế có tổng GDP lớn thứ 2 tại Đông Nam Á sau Indonesia. Tuy nhiên ngành du lịch lại là một trong những mảng kinh tế chính đóng góp cho tăng trưởng nước này những năm gần đây và hiện đang bị tổn hại nặng nề do dịch Covid-19.
"Hệ lụy của dịch Covid-19 đến nền kinh tế sẽ còn tồn tại trong ít nhất 9 tháng nữa", Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan Ocha thừa nhận vào ngày 5/5/2020.
Đầu tháng 4/2020, Thái Lan đã thông qua khoản cứu trợ 1,9 nghìn tỷ Bath, tương đương 59 tỷ USD để chống dịch Covid-19 cũng như cứu trợ người dân. Trong đó, khoảng 16 triệu người thất nghiệp và làm nghề tự do sẽ được nhận 5.000 Bath/tháng. Bên cạnh đó, Thái Lan còn phát thêm 1 nghìn tỷ Bath tiền mặt cho 10 triệu người nông dân đang chịu thiệt hại vì dịch.
Trước động thái tung tiền mạnh mẽ do chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19, cả 3 hãng xếp hạng tín nhiệm đã hạ bậc với nền kinh tế Thái Lan từ tích cực (Positive) xuống ổn định (Stable).
Bảng xếp hạng tín nhiệm của một số nước Châu Á
Trong khi đó, nền kinh tế Malaysia cũng đã bơm 2 đợt tiền cứu trợ thị trường với tổng giá trị 270 tỷ Ringgit, tương đương 62 tỷ USD. Nguồn tiền được cung cấp dưới dạng các gói hỗ trợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng Malaysia Nuhyiddin Yassin cho biết việc cách ly sẽ khiến nền kinh tế này thiệt hại khoảng 2,4 tỷ Ringgit mỗi ngày và mọi thành quả xây dựng được trong hơn 60 năm sẽ bị sụp đổ nếu không có chính sách khôi phục kinh tế hợp lý.
Hiện hãng Fitch đã hạ bậc tín nhiệm của Malaysia từ ổn định xuống tiêu cực (Negative), phản ánh sự bất ổn của hệ thống xuất nhập khẩu cũng như tài chính công của nước này sau dịch Covid-19.
Cũng trong khu vực, Philippines đã tung 1,4 nghìn tỷ Peso, tương đương 28 tỷ USD để cứu nền kinh tế và Fitch cũng đã hạ bậc tín nhiệm của thị trường này từ tích cực xuống ổn định.
Tại nền kinh tế có GDP lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia, gói cứu trợ của nước này chỉ vào khoảng 641,17 nghìn tỷ Rupiah (43 tỷ USD) nhưng chính phủ đã mạnh tay quyết định chấp nhận thâm hụt 3% GDP ngân sách cho tới tận năm 2023 để cứu thị trường. Hiện ngân sách của Indonesia đã thâm hụt tới 6,27% GDP.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trấn an người dân rằng tình hình thâm hụt ngân sách sẽ không kéo dài mãi và tối đa là đến năm 2023 với 3% GDP thâm hụt. Ngân hàng trung ương của nước này cũng đã mua vào trái phiếu chính phủ 2 lần trong tháng 4/2020 nhằm ổn định thị trường.
Ngay sau đó, hãng S&P đã hạ bậc tín nhiệm của Indonesia từ ổn định xuống tiêu cực và tuyên bố có thể tiếp tục hạ bậc tín nhiệm nếu tăng trưởng của nền kinh tế này chậm hoặc bị suy giảm trong 2 năm tới. Thậm chí nếu tình hình tài khóa của nước này tiếp tục tệ đi, S&P cũng xẽ xem xét hạ tiếp bậc tín nhiệm của nền kinh tế này.
Tương tự tại Singapore, nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á, chính phủ cũng đã chi tới 64 tỷ SGD, tương đương 45 tỷ USD để cứu nền kinh tế.
Tỷ lệ nợ công theo % GDP
Hệ quả thâm hụt ngân sách
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại Châu Á sẽ chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay, dựa chủ yếu vào tăng trưởng của các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó những nền kinh tế khác nhiều khả năng sẽ giảm tốc hoặc thậm chí suy giảm.
Cụ thể, kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ suy giảm 6,7% trong năm nay, trái với dự báo tăng trưởng 2,5% trong tháng 1/2020. Những nền kinh tế khác như Malaysia và Singapore cũng sẽ suy giảm tương ứng 1,7% và 3,5%, trái ngược với các dự báo tăng trưởng 4,5% và 1,2% trước đó. Tăng trưởng giảm tốc cũng là những dự báo mà IMF đưa ra cho Indonesia và Philippines.
Với các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, IMF dự báo suy giảm 5,2%, trái với mức tăng trưởng 0,7% trong tháng 1/2020. Nền kinh tế Hàn Quốc cũng được cho là sẽ suy giảm 1,2% trong năm nay.
Điều đáng lo hiện nay là ký ức về khủng hoảng thập niên 1990 và 2008 vẫn còn, khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hơn sau dịch Covid-19 do lo ngại suy thoái. Hệ quả là nhiều gói kích cầu, cứu trợ thị trường được tung ra nhưng có thể không đạt được hiệu quả mong muốn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn, vay nợ nhiều nhưng không thúc đẩy được nền kinh tế trở lại.
Tại Thái Lan, bộ tài chính nước này đặt mục tiêu nợ công không vượt quá 60% GDP, trong khi con số này đã là 42% GDP năm 2019. Trong tình hình dịch Covid-19, Thái Lan chắc chắn sẽ phải vay nợ nhiều hơn để có tiền cứu trợ nền kinh tế lẫn người dân, qua đó tạo nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính.
Nước láng giềng Malaysia cũng chẳng khá hơn khi số liệu của các chuyên gia ngân hàng Maybank Kim Eng cho thấy nợ công của nền kinh tế này đã đạt 52% GDP, tiệm cận mức trần 55%.
"Cái giá cho chính sách bung tiền cứu nền kinh tế sẽ được thanh toán thông qua tăng trưởng nhờ hồi phục sau dịch Covid-19 hoặc các quốc gia sẽ phải tăng lạm phát, hạ giá đồng nội tệ để giảm giá trị các khoản nợ thực phải trả. Chẳng có cái gì là miễn phí mà không có hậu quả đi kèm cả", Chuyên gia trưởng về kinh tế và chiến lược Vishnu Varathan của ngân hàng Mizhuho Bank nhận định.