"Kìa mây mây ngang đầu
Kìa núi, núi lô nhô
Cùng em trên con đường
Đường bé xíu quanh co"
Những lời bài hát "Nấu ăn cho em" liên tục vang lên trên hành trình hơn 6 tiếng di chuyển bằng ô tô từ Hà Nội đến Bắc Kạn. Bài hát nổi tiếng của Đen Vâu là một dự án kết hợp của anh với nhóm Nuôi em, do Hoàng Hoa Trung khởi xướng. Sau 6 tháng, bài hát đã đạt gần 40 triệu view và mang lại doanh thu hơn một tỷ đồng. Số tiền này đã giúp xây trường và mang lại hàng chục nghìn bữa ăn cho trẻ em vùng cao.
Vừa xếp cả đống đồ lỉnh kỉnh từ truyện tranh, đồ chơi cho đến các thiết bị điện làm quà cho học trò vùng núi, Hoàng Hoa Trung rửa vội cái mặt đã bạc trắng vì bụi. Bên chén trà nóng, anh kể về năm 2009, dự án "Ánh Sáng núi rừng" được khởi xướng với mục tiêu mỗi năm xây một ngôi trường cho trẻ em vùng cao.
Nhưng rồi anh nhận ra rằng, trẻ em chỉ đi học buổi sáng, bỏ buổi chiều do không được ăn trưa. Từ đó, "Nuôi em" đã ra đời. "Nuôi Em" hướng tới mô hình một người nuôi ít nhất một bé với 150.000 đồng/tháng/bé. Các em học sinh sẽ được nuôi cơm trưa từ thứ Hai tới thứ Sáu, với giá mỗi bữa hỗ trợ là 8.500 đồng. Chỉ với 13 nhân sự nòng cốt và 300 tình nguyện viên, Nuôi em đã giúp 95.000 học sinh được tới trường.
Để làm được điều đó, Hoàng Hoa Trung luôn cảm thấy biết ơn những người đồng hành chủ chốt như anh Xuân Nam. Sau hơn 10 năm tham gia tình nguyện, năm 2019 anh cảm thấy hoang mang, không biết nên làm tiếp như thế nào vì nhiều chương trình anh thấy không thiết thực. Nhưng khi biết đến nuôi em, anh cảm nhận được dự án không chỉ giúp cho những em nhỏ được nhận nuôi, mà còn mang lại niềm vui cho những người tham gia. Anh quyết định gác lại công việc, lùi lại các dự định cá nhân để dồn toàn sức cho dự án.
Dự án còn là sự chung sức của cả những thầy cô giáo bám bản, những cán bộ địa phương. Tiền hỗ trợ sẽ gửi về các điểm trường và chính các thầy cô giáo sẽ là người nấu cho các em ăn. Qua đó, các em có thể "no cái bụng về chiều", "lấy sức nhặt từng con chữ".
Cô giáo Hoàng Thị Thơ, người dân tộc Tày, là giáo viên tại điểm trường Lủng Phặc (Cổ Linh, Pác Nặm, Bắc Kạn) từ năm 2005. Khi ấy, mái trường mới chỉ được dựng nên bằng tre, nứa. Những ngày mưa, nước dội xuống xối xả còn những ngày mùa đông thì gió lùa rét run. Cô đã nhiều năm vượt núi, vượt đồi, lên nương để đến từng nhà từng hộ để vận động gia đình đưa con đến trường. Nhưng các gia đình nghèo cho con đi học đã khó, lo cho con ăn trưa tại trường lại càng khó hơn.
Khi biết đến dự án "Nuôi em", cô Thơ cảm thấy hạnh phúc khi mình có thể trở thành cầu nối, có thể nấu cho các em ăn dù biết mình không là đầu bếp giỏi. Nhưng chừng đó cũng là đủ để cô thêm chân cứng đá mềm đi vận động học sinh tới trường. Cô mong tất cả học sinh miền sơn cước sẽ đều nhận được hỗ trợ từ "Nuôi em" để các em có cơ hội đổi đời qua con đường tri thức.
Để "Nuôi em" được thực hiện, không thể không kể đến công sức của các anh, chị nuôi - những người đã góp tiền cho dự án. Nguyễn Phương Thảo (20 tuổi) là một cô giáo ở vùng xuôi đã biết đến dự án được nhiều năm "nhưng vẫn còn nhiều lấn cấn vì sợ đặt tình cảm và niềm tin sai chỗ". Đến khi nghe được bài hát "Nấu ăn cho em" của Đen Vâu (Cũng là một anh nuôi được 6 năm), Thảo quyết định nhận mã nuôi em. Sau nửa năm, đây là lần đầu Thảo có dịp đi lên trường tiểu học Cổ Linh thuộc huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn để thăm "em nuôi" của mình.
Lần đầu tiên gặp "em nuôi" Hầu Anh Quốc, Thảo đã dạy cho em đọc thơ, chia kẹo cho em và các bạn cùng lớp. Đi lên nhà Quốc ở trên lưng núi, cô giáo trẻ thở phì phò vì những con dốc đứng. Thảo vừa cảm thấy thương, vừa cảm phục cậu học sinh lớp 3 đã vượt qua chặng đường này mỗi ngày để tới trường. "Quốc có tinh thần hiếu học và sức sống thật mãnh liệt", Thảo cảm thán.
Đồng hành bên cạnh Thảo, hành trình đến với Pác Nặm có "chị nuôi" Nguyễn Thùy Dung, công tác tại trường đại học Hồng Đức (Thanh Hoá). Chị nhận nuôi bé Hầu Quốc Gia, con trai thứ trong gia đình có 2 người con của chị Hoàng Thị Phênh. Mãi đến năm nay, khi nhà có ngô tích trữ, đến lớp có dự án "Nuôi em" nên Gia mới được ăn no và biết đến trứng, thịt. Chị Dung tặng 2 chị em vài món đồ chơi đã mang theo hơn 400 km từ Thanh Hoá lên Bắc Kạn. 2 chị em Gia mê tít nhưng hứa với chị Dung chỉ chơi ở nhà, không mang đến lớp để tập trung học, còn ngoắc tay hứa với chị sẽ cố gắng học thật giỏi. 2 chị em cùng cười giòn tan như cái nắng vùng cao.
Và hơn hết, dự án "Nuôi em" mang đến niềm vui cho các em. Vợ chồng chị Hoàng Thị Tinh và anh Hầu Văn Tài ở gần điểm trường Lủng Phặc (Cổ Linh, Pác Nặm, Bắc Kạn) có 2 con nhỏ. Do kinh tế khó khăn, anh chị chỉ lo cho các con được đến trường nhưng bữa cơm thì chẳng bao giờ có chất đạm.
"Mình là mẹ, thương con mà không biết làm thế nào nhưng vẫn cố gắng cho con được đến trường, phải cố có cơm rồi cố có một chút rau. Từ ngày có các anh chị giúp đỡ, con về kể mẹ ơi hôm nay con được ăn trứng, ăn thịt,…" nói đến đây chị Tinh không cầm được nước mắt.
Bên cạnh những bữa cơm no, dự án Nuôi em cũng góp phần xây trường vì nó là "một món quà to lớn", có thể dùng chung, dùng lâu dài và rất thiết thực. Trong ảnh là lớp học được dự án xây tặng ở điểm trường Nặm Nhì (Pác Nặm, Bắc Kạn). Từ khi có lớp học mới, vào mùa mưa các em có một nơi khô ráo để học, mùa đông cũng ấm áp và ngăn cơn gió lùa.
Hành trình của "Nuôi em" đến với những điểm trường xa, những hoàn cảnh đầy khó khăn để trao đi những tình cảm, những bữa cơm no, áo ấm là hành trình tràn đầy niềm vui. Đó là niềm vui từ đôi mắt và nụ cười thơ ngây của các bé, từ sự thỏa lòng với ước nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của Hoàng Hoa Trung, những người cộng sự và anh chị nuôi. Và còn là niềm vui của các thầy cô nơi bản xa trong nỗ lực giúp những bạn nhỏ miền sơn cước vươn tới tương lai tươi sáng và đủ đầy.
Bên cạnh giúp đỡ những bữa cơm có thịt, từ năm 2018, "Nuôi em" cũng đã có bước chuyển mình lớn khi mở rộng việc hỗ trợ khác như : Dự án lọc nước bằng bình gốm Unicef đã và đang triển khai tại hơn 500 điểm trường. Dự án tủ đồ chơi cũ đã phủ hơn 100 điểm. Dự án tủ sách vùng cao cũng đã được triển khai bắt đầu từ năm học 2019-2020… Tính đến năm 2023, dự án "Nuôi em" đã xây dựng được trên 500 điểm trường tại các bản cao nhờ số tiền đóng góp xây dựng từ số tiền 50.000-100.000 đồng/năm của những "anh,chị nuôi", những khoản hỗ trợ và tài trợ từ các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, và cả từ nguồn tiền của dự án"Sức mạnh 2000". Chính những ngôi trường cũng là món quà to lớn và có thể dùng chung, dùng lâu dài và rất thiết thực mà dự án và các "anh, chị nuôi" muốn đóng góp và dành tặng cho các em nhỏ, dành tặng cho bản làng và cả một tương lai của những vùng đất này ở phía trước.
"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Trong khuôn khổ vòng chung kết của Giải thưởng, Triển lãm Hành động vì cộng đồng 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 24/11 - 3/12 Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, và Gala trao giải sẽ được diễn ra vào 12/12 tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org/