img
“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 1.

Thanh An: Xin chào Chris! Tôi rất tò mò muốn biết lý do nào có thể khiến một người sinh ra và lớn lên trong gia đình tỷ phú của nước Mỹ lại đến Việt Nam và lựa chọn sống ở đất nước này suốt hơn 30 năm qua?

Chris Freund: Chắc bạn đang nhìn tôi với tư cách là một người Mỹ. Thực ra chỉ dáng vẻ, màu da nói lên rằng tôi giống người nước ngoài thôi, còn về cốt cách, tôi Việt Nam hơn bạn tưởng rất nhiều.

Năm nay tôi tròn 50 tuổi thì đã có hơn 30 năm sống ở Việt Nam. Rõ ràng tôi đã sống ở Việt Nam nhiều hơn mọi thời gian tôi thực sự sống ở Mỹ. Vậy phải nói thế nào nhỉ - về lý do cho lựa chọn này?

Ngay khi vừa sinh ra tôi đã biết rất nhiều người rất giàu có ở quanh mình. Bạn biết đấy, rất nhiều tỷ phú. Cuộc sống của tỷ phú nước Mỹ có thể khiến cả thế giới tò mò hay thèm muốn nhưng sự thật không phải ai cũng hạnh phúc hơn những người bình thường.

Bằng những trải nghiệm của mình tôi tự tin chắc chắn với bạn, người bình thường ở Việt Nam hạnh phúc hơn nhiều so với người bình thường ở Mỹ! Bất luận Việt Nam được biết đến như là một nước nghèo và kém phát triển hơn Mỹ rất nhiều.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 2.

Thanh An: Từ từ đã nào, nhận định của anh khiến tôi băn khoăn, từ trải nghiệm như thế nào khiến anh đưa ra nhận định bất ngờ vậy?

Chris Freund: Vấn đề là, nếu bạn lớn lên ở thế giới tôi đã lớn lên, bạn sẽ không thấy bất ngờ chút nào luôn.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc tôi sinh ra trong một dòng họ Do Thái chính thống ở nước Mỹ, nơi các bố mẹ luôn cố gắng thuyết phục con cái rằng Do Thái giáo là có thật. Ngay từ lúc 10 tuổi người thân đã gửi tôi đến Tu viện để học về giáo lý và trải nghiệm đức tin Do Thái. Nhưng không hiểu sao tất cả những câu chuyện trong Thánh kinh Torah đến với tôi chỉ đơn thuần "có vẻ như kỳ lạ", "nghe như thần thoại". Nó không có ý nghĩa hay gợi cảm xúc gì lay động tôi. Tại thời điểm đó, lúc còn là một cậu bé, tôi đã biết: Ồ, tôn giáo này không dành cho mình.

Vì trải qua áp lực "phải tin vào niềm tin của người khác" nên tôi đã phản ứng bằng việc nỗ lực tìm hiểu các tôn giáo khác. Các trung tâm Thiền, các nhà thờ Hồi giáo, các thánh đường của Kito giáo... tôi đều đến trải nghiệm. Một lần nọ tôi còn thực hành thiền định cùng những người Sikh giáo. Đơn giản, tôi chỉ muốn tìm hiểu xem mình thực sự quan đến tâm tôn giáo nào. 

Ngày còn học Trung học, một giáo viên dạy văn ở trường đã say mê kể với chúng tôi về nơi thầy thực hành Thiền Tông Phật giáo. Tôi tò mò lắm nên đã đến đó vào kỳ nghỉ hè. Những ngày hè sống trong thế giới của Phật giáo, tôi phát hiện ra tôn giáo này đặc biệt như thế nào với mình. May mắn hơn nữa khi quay lại trường để bắt đầu năm học mới, tôi được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một vài lần ông đến dẫn dắt các buổi hội thảo và nhiều hoạt động khác ở trường.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 3.

Thanh An: Ấn tượng ban đầu của anh về Thiền sư thế nào?

Chris Freund: Chà, Thiền sư hiện diện rất nhẹ nhàng.

Ý tôi là, tác động lớn nhất Thích Nhất Hạnh mang đến cho bất kỳ ai ông ấy gặp chính là Thiền sư luôn cho mọi người rất nhiều không gian để được là chính mình. Cảm giác như ông ấy không ép buộc hay áp đặt bất cứ điều gì lên bạn, dù chỉ một cử chỉ nhỏ nhất. Ông ấy ở đó mời gọi bạn hít thở, mỉm cười và trân trọng mọi thứ bạn trải nghiệm. Ở một góc độ nào đó, rất khác với cách bố mẹ đã đưa tôi đến với Do Thái giáo.

"Mưa dầm thấm lâu" - Phật giáo dần dần trở nên hấp dẫn tôi đến mức, tôi đã tìm đến Ấn Độ tham gia chương trình nghiên cứu Phật học ở Bodh Gaya, nơi Đức Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề. Đó là một nơi tuyệt vời! Tôi còn đến cả Thái Lan để học Phật pháp. Nhưng sau cùng, tôi vẫn luôn tò mò về đất nước của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 4.
“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 5.

Thanh An: Vậy ra Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lý do để anh đến Việt Nam?

Chris Freund: Thích Nhất Hạnh và Phật giáo có thể là một phần lý do khiến tôi đến Việt Nam khi còn là một sinh viên. Nhưng 7 ngày tiếp xúc với người đàn ông bị cụt chân ở Nha Trang, những câu chuyện đã có với họ... khiến tôi quyết định phải lên kế hoạch rõ ràng cho việc chuyển đến Việt Nam sinh sống như là một phần của đất nước này, ngay từ năm 1992.

Thanh An: Năm 1992 - thời điểm 2 nước chúng ta còn chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao?

Chris Freund: Chính xác.

Hồi đó là năm thứ ba đại học, tôi cho rằng đã đến lúc dành trọn vẹn một khoảng thời gian cần thiết để bước ra thế giới. Sau 6 tháng tham gia các khóa Phật học ở nhiều quốc gia, tôi dành thêm 6 tháng nữa để du ngoạn và khám phá vòng quanh Châu Á. Hành trình bắt đầu với 1 tháng trải nghiệm ở Việt Nam.

Ngày đầu tiên tôi đến Nha Trang, đang ăn trưa ở khu chợ bình dân thì một người đàn ông cụt chân, chống nạng tiến về phía tôi. Thời gian anh ấy di chuyển từ bên kia đường sang và ngồi cạnh mình, tôi đã nghĩ đến những bi kịch không hay ho gì cho một chuyến du lịch bụi. Như mọi người Mỹ chưa từng đến Việt Nam, chúng tôi cho rằng người Việt Nam hẳn sẽ ghét người Mỹ vì chiến tranh.

Nhưng hóa ra anh ấy là một giáo viên tiếng Anh ở Nha Trang. Anh ấy muốn chào hỏi và mời tôi đến lớp học, gặp gỡ học sinh của mình. Đương nhiên rồi, tôi nhận lời theo anh sau bữa trưa. Và suốt tuần đó, tôi dành mọi thời gian ở cạnh họ. Sự thật là họ chẳng cần gì ở tôi ngoài việc trò chuyện bằng tiếng Anh. Tôi cũng chẳng biết làm gì hơn điều đó.

Ngược lại, cách họ đối xử với tôi mới thực sự tuyệt vời. Họ quan tâm đến cảm xúc của tôi, sẵn sàng đưa tôi đi chơi mỗi tối, giới thiệu nhiều điểm đến ý nghĩa nhất cho tôi. Vào đêm 31/12/1992 họ còn tổ chức một cuộc đi chơi nhằm giúp tôi có khoảnh khắc giao thừa ý nghĩa. Tôi không nghĩ có ai ở Mỹ sẵn sàng làm điều đó vì mình. Trải nghiệm này quá bất ngờ với tôi. Những người Việt Nam bình thường ấy mang đến cho tôi cảm giác ấm cúng rất đặc biệt.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 6.
“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 7.

Thanh An: Nhìn lại hành trình 30 năm qua, điều gì khiến anh thấy thực sự ý nghĩa khi chọn sống ở Việt Nam?

Chris Freund: Tôi có được tất cả những điều ý nghĩa trong cuộc sống ở Việt Nam. Một gia đình hạnh phúc với vợ là người Việt Nam, các con gái là người Việt Nam; một công ty hoạt động nhằm mục đích thúc đẩy tầm nhìn người Việt Nam.

Rõ ràng sống ở Việt Nam tôi đã và đang làm được nhiều điều giá trị. Ngược lại, sự thân thiện, nhân hậu và xu hướng lạc quan hướng tới tương lai của người Việt luôn mang đến cho tôi những trải nghiệm đặc biệt ý nghĩa, hoàn toàn khác với khi còn sống ở Mỹ.

Thanh An: Có quá chung chung không cho quyết định chọn Việt Nam để phát triển quỹ đầu tư tư nhân vào thời điểm đó? Ý tôi là, anh phải nhìn thấy điểm mạnh hay cơ hội phát triển gì đó của Việt Nam, của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chứ?

Chris Freund: Tháng 2 năm 1994, khi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại và đầu tư lên Việt Nam, cửa ngõ để các dòng chảy đầu tư, thương mại và cơ hội sự nghiệp cho người nước ngoài vào Việt Nam thực sự rộng mở. Lúc đó tôi đã hào hứng đến mức tạm ngưng học đại học để đến thành phố Hồ Chí Minh tham gia chương trình thực tập, nghiên cứu các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Cùng thời điểm ấy, tập đoàn Templeton của ngài John Templeton - một trong những "người khởi xướng đầu tư toàn cầu" cũng là nhà đầu tư được kính trọng bậc nhất trên toàn thế giới - ra mắt quỹ đầu tư vào Việt Nam và niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE, nhưng chưa có nhân sự làm việc tại Việt Nam. Đầu năm 1995, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã ứng tuyển và trở thành nhân viên đầu tiên của công ty tại Việt Nam. Việc của tôi là giúp Templeton mở văn phòng, đào sâu thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 8.

Ngay từ lúc đó tôi đã nhìn thấy điểm chung rất đặc biệt giữa nước Mỹ và Việt Nam trong chủ đề đầu tư. Sức mạnh của nước Mỹ nằm ở đâu? Rất dễ để chỉ ra - sự tự do. Trong khi đó ở Việt Nam, tôi nhìn thấy sức mạnh cho mọi sự đổi thay và phát triển đang nằm ở khu vực tư nhân. Thích thành lập doanh nghiệp, thích thử cái gì đó mới mẻ và chấp nhận rủi ro - chắc chắn là điểm chung của người Mỹ và người Việt Nam. Bạn nên nhớ, tinh thần kinh doanh là loại đặc điểm không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có.

Chính vì vậy tôi đã tham vấn, nghiên cứu và đề xuất mô hình quỹ đầu tư mang tính thực tiễn nhằm gia tăng giá trị cao hơn so với cách làm trước nay của nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Tháng 3 năm 2001, Mekong Capital - Quỹ Đầu tư Tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được công bố với phương châm chỉ đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân, thay vì doanh nghiệp nhà nước, để giúp họ gia tăng giá trị và tăng trưởng, phát triển.  

Đây có thể coi là giải pháp phù hợp cho cả 3 mối quan tâm chính của tôi: Được ở Việt Nam - đất nước tôi yêu thích; Đóng vai trò tiên phong thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân mới nổi ở Việt Nam; Và tìm ra cách tăng thêm giá trị cho danh mục đầu tư của chúng tôi so với các nhà đầu tư khác.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 9.

Thanh An: Có điều gì khó khăn trong quá trình vận hành Mekong Capital và thực hiện ước mơ của anh ở Việt Nam không?

Chris Freund: Đây là câu hỏi tuyệt vời và tôi đã rất mong có người hỏi mình sớm hơn.

Trước đây, giống như số đông tôi không nghĩ nhiều về sứ mệnh hay lý tưởng sống. Nhưng hãy quan sát mà xem! Doanh nghiệp ra đời luôn lấy tăng trưởng là động lực phát triển; người lao động đi làm thường nhìn vào chế độ lương và thưởng. Đúng nhỉ?

Vậy tại sao kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp vẫn thất bại? Tại sao chế độ lương, thưởng cao chót vót nhưng người lao động vẫn không đạt hiệu suất cao? Tại sao Mekong Capital với nguồn vốn dồi dào, dự án đầu tư đầy tiềm năng, mục tiêu và giải pháp rất cụ thể… nhưng hiệu quả vẫn không như kỳ vọng? Nhân viên của tôi không đủ tài năng à? Hay tôi là một CEO tồi?

Mâu thuẫn được đẩy lên căng thẳng vào giữa năm 2007 khi tôi muốn đội ngũ của mình cùng đồng lòng hướng tới mục tiêu chung nhưng dường như mọi người lại đối đầu nhau. Nhiều nhân viên đổ lỗi cho tôi vì những kết quả chưa tốt của công ty. Cảm giác của tôi khi ấy luôn nặng nề như bị chôn vùi dưới chân núi vậy.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 10.

Từ chỗ đổ lỗi cho chính bản thân, rằng mình thiếu khả năng lãnh đạo, rằng tôi sẽ không thể nào thu hẹp khoảng cách văn hóa của một người Mỹ làm việc tại Việt Nam, tôi quay sang đổ lỗi cho tất cả phần còn lại của công ty. Rằng tôi chẳng khác gì nạn nhân của chính nhân viên mình. Nhưng tình hình không hề thay đổi. Trông đợi họ đi theo sự dẫn dắt của tôi dường như ngày một vô vọng.

Tháng 6 năm 2007, tôi sang Singapore tham gia khóa học 3 ngày về chuyển hóa cá nhân với tên gọi Landmark Forum. Ngày đầu tiên của khóa học diễn ra khá tẻ nhạt. Tôi đã định không tiếp tục tham gia nữa và sẽ thăm thú Singapore trong hai ngày còn lại. Nhưng thật may là tôi đã ở lại khóa học. Sau ngày thứ hai tôi bắt đầu nhận ra nhiều vấn đề chưa hiệu quả tại công ty bắt nguồn từ tôi. Vấn đề không phải cái gì đúng, cái gì sai. Vấn đề là tôi đã né tránh đương đầu với những bất cập xảy ra - mỗi khi tôi không biết phải xử lý thế nào.

Từ đây tôi dần học cách đối diện và thay đổi chính bản thân. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc cần làm gì để mình và nhân viên cùng đạt được ước mơ ở Mekong Capital? Làm thế nào để kết nối được đồng lương, áp lực tăng trưởng với với lý tưởng sống trong mỗi con người?

Thật hài hước! Khi tôi dừng đòi hỏi mọi người phải mang về thành tích tăng trưởng cụ thể thì nhân viên lại mang về thành tựu. Người lao động của chúng tôi kiếm được nhiều tiền hơn mặc dù tiền chưa bao giờ là lý do lớn nhất để họ gắn bó với công ty như thế này.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 11.

Thanh An: Nghĩa là khi thay đổi cách tiếp cận từ chỗ "ý muốn của ông TGĐ người Mỹ là quan trọng nhất công ty" sang "mọi cá nhân đều có thể hiện thực hóa lý tưởng sống với công ty" thì Mekong Capital ăn nên làm ra?

Chris Freund: Không chỉ dừng lại ở bản thân, sự thay đổi đã đến với cả 9 doanh nghiệp Mekong Capital đang đầu tư.

Tiêu chuẩn và dịch vụ khiến hệ thống nhà thuốc truyền thống của Việt Nam buộc phải thay đổi tốt hơn để cạnh tranh với hơn 1.000 cửa hàng của Pharmacity ở khắp cả nước. F88 trở thành công ty cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu cho khách hàng không có khả năng tiếp cận ngân hàng. Marou thì từ ngày thành lập cho đến nay luôn khiến cả thế giới ngưỡng mộ và nâng giá trị hạt ca cao của Việt Nam lên tầm rất cao. Pizza 4P’s luôn giữ vững cam kết mang niềm vui đến khách hàng bằng trải nghiệm tốt nhất với nguyên liệu nông sản chất lượng cao của Việt Nam…

Con đường những doanh nghiệp này đang đi có thể còn dài và rất khó khăn, nhưng rõ ràng mở ra hướng tiếp cận mới về tầm nhìn cao hơn để khối tư nhân Việt Nam học hỏi. Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam ngày một tự tin hơn khiến cho tốc độ đầu tư và sinh lời của Mekong Capital trở nên tốt hơn bao giờ hết. Chắc chỉ khoảng hơn 1 năm nữa thôi, chúng tôi sẽ giải ngân hết 246 triệu USD cho những doanh nghiệp xứng đáng.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 12.

Thanh An: Anh nói về quyết định đầu tư hay giải ngân hàng trăm triệu đô có vẻ đơn giản nhỉ. Vậy các công ty của Việt Nam cần lưu ý những gì để nhận được những đồng Đô la dồi dào từ Mekong Capital?

Chris Freund: Chúng tôi đã từng rất nhanh chóng quyết định đầu tư 58 tỷ đồng vào Vua Nệm. Lý do rất cụ thể, tôi nhìn thấy doanh nghiệp này luôn tận tâm với tầm nhìn giúp mọi gia đình Việt Nam có một đêm ngon giấc. Tầm nhìn đó hoàn toàn phù hợp với lý tưởng của Mekong Capital. Vậy là đầu tư thôi.

Sẽ có rất nhiều lưu ý và tiêu chí cho các công ty trong danh mục tìm kiếm đầu tư của Mekong Capital, tuy nhiên, tôi muốn lưu ý một điểm thôi, doanh nghiệp nên có một vài đồng sáng lập.

Thực tế cho thấy các khoản đầu tư khó khăn nhất chúng tôi đã thực hiện là đầu tư vào công ty gia đình. Quá khó để xây dựng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và cân bằng trong một công ty gia đình ở Việt Nam. Ngay bây giờ có thể bạn cảm thấy khó tin, nhưng tôi chắc chắn như vậy đấy. Trong khi đó, những khoản đầu tư tốt nhất cả về sinh lợi lẫn tạo tác động thúc đẩy hệ sinh thái ngành nghề phát triển thường nằm ở những doanh nghiệp có từ 2 - 5 người đồng sáng lập. Đừng sợ "lắm thầy nhiều ma", chính mỗi một đồng sáng lập sẽ mang lại điều cực kỳ khác biệt cho doanh nghiệp.   

Tiếp sau đó, chúng tôi tìm hiểu xem họ có tư duy cởi mở như thế nào về Việt Nam và thế giới. Một số doanh nhân rất thích giữ quan điểm "đã biết mọi thứ". Với chúng tôi những công ty như vậy chưa hẳn là khoản đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, khi họ cởi mở, sẵn sàng khám phá cái mới để thay đổi bản thân theo một cách nào đó, thay đổi khả năng lãnh đạo... Đó sẽ là những công ty dễ dàng nhất để chúng tôi hợp tác.

Thanh An: Tôi được thông báo lịch làm việc của anh chỉ kéo dài từ ngày thứ Hai đến thứ Năm trong tuần. Lý do gì khiến anh quyết định chỉ làm việc 4 ngày trong 1 tuần?  

Chris Freund: Bản thân tôi rất kỷ luật về việc làm việc 4 ngày trong 1 tuần. Đồng thời tôi cũng rất kỷ luật trong việc giới hạn thời gian làm việc, thời gian dành cho cuộc sống cá nhân và gia đình.

Ngay cả khi nhân viên đề xuất cuộc họp có vẻ như rất quan trọng vào ngày thứ Sáu, tôi cũng không thỏa hiệp. Rất bất thường hoặc hiếm khi tôi làm việc muộn hơn 5 giờ 30 phút chiều. Lịch về nhà của tôi luôn dao động trong khoảng từ 17h00 - 17h30 mỗi ngày. Vậy tôi có phải là người ít chăm chỉ lao động hay cống hiến chưa hết sức không?

Tôi không nghĩ vậy. Cho đến tận lúc này, tôi và mọi người ở Mekong Capital đang đánh giá cách sử dụng thời gian tác động như thế nào lên công việc và đời sống của mỗi người. Đồng thời chúng tôi cũng tìm hiểu mình lãng phí thời gian ở những đâu? Khi đã nhìn ra vấn đề, chúng tôi lựa chọn chỉ dành thời gian cho những gì thực sự tạo ra hiệu quả.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 13.

Thực ra người lao động tại Mekong Capital đều có quyền chọn phương án 1 tuần làm việc 4 ngày. Mặc dù không phải ai cũng làm được điều này nhưng tôi nhớ chắc chắn đã có 1 nhân viên thực sự làm được. Trong khi đó, vài tỷ phú Mỹ mà tôi biết, họ làm việc rất nhiều nhưng như ngay từ đầu tôi nói với bạn, đa phần không hạnh phúc hơn người bình thường ở Việt Nam! Ở đây mọi người sống hạnh phúc hơn, một phần bởi vì họ có những mối quan hệ tuyệt vời. Người Việt đang có những mối quan hệ chất lượng cao hơn nhiều so với ở Mỹ.

Vì vậy, tôi nghĩ có thể bạn nên nghĩ xa hơn một chút về đồng tiền, xem nó thực sự có ý nghĩa gì? Cuối cùng tiền chỉ là giấy và nhựa.

Chính vì lẽ đó tôi đã xây dựng tầm nhìn riêng cho bản thân, bao gồm cả nội dung không làm việc quá nhiều trong quỹ thời gian mình có. Dành thời gian gắn bó với vợ và hai cô con gái nhỏ có giá trị tương đương với thời gian tôi làm việc. Thật trùng hợp, tôi vừa lên lịch hẹn con gái mình cùng đi mua sắm một vài bức tượng Phật vào thứ Bảy này.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 14.

Thanh An: Tôi chỉ thường thấy bố mẹ hẹn con gái đi mua váy áo hay đồ chơi gì đó. Anh và con gái lại có sở thích cùng đi mua sắm tượng Phật! Vậy là tôi đang ngồi đối diện ai đây? Chris Freund - nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc quỹ đầu tư có số vốn hàng trăm triệu USD ở Việt Nam hay một chuyên gia về hành Thiền, một nhà sưu tập tượng Phật theo đuổi lối sống cân bằng trong thế giới đầy biến động?

Chris Freund: Tôi không phải chuyên gia cho bất kỳ chức danh nào bạn vừa nhắc đến nhưng tôi đang làm mọi việc bạn liệt kê một cách rất tập trung.

Chẳng hạn như việc sở hữu tượng Phật. Thật may mắn, đó là niềm yêu thích cũng như tự hào của cả gia đình tôi. Lời dạy của Đức Phật rất quan trọng nhưng tôi không xem nó như một tôn giáo. Tôi chỉ đơn thuần học tập, ghi nhớ và thực hành giáo lý nhà Phật vào cuộc sống của mình.

Ngay ở không gian chúng ta ngồi đây, nơi bạn được chào đón, hãy thử quan sát những bức tượng Phật được trưng bày. Không rõ cảm giác của bạn như thế nào nhưng chúng rất thu hút tôi. Khi ngắm chúng, tôi luôn có cảm giác như được sống trong trường năng lượng Phật giáo. Nó tạo ra trải nghiệm nhất định về sự hiện hữu, sự bình tĩnh và thực hành chánh niệm cho khoảnh khắc hiện tại.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 15.

Bạn biết không? Trong suốt 10 năm qua, đường Lê Công Kiều ở thành phố Hồ Chí Minh từng là con phố tôi qua lại thường xuyên. Ở đấy có rất nhiều loại tượng Phật và cổ vật hết sức đặc biệt. Thật tiếc, Covid-19 tràn qua đã khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa.

Mỗi lần đi ngắm tượng Phật, chúng tôi lại có những trải nghiệm thú vị. Lâu lâu tôi cũng bất ngờ với giá niêm yết của những bức tượng đang được bày bán ở Việt Nam. Khoảng 50 - 60 triệu đồng là giá của bức tượng đắt nhất tôi đã từng mua ở Việt Nam. Nguyên tắc chi tiêu của tôi là không bao giờ mua một món hàng nào đó với giá quá đắt so với giá trị thực của nó.

“Những tỷ phú Mỹ tôi biết, không hạnh phúc hơn người Việt Nam bình thường” - Ảnh 16.

Thanh An: Ngoài việc mua tượng Phật về sưu tầm, anh còn làm gì nữa không? Ví dụ thờ cúng, giống như đa số người Việt Nam chẳng hạn?

Chris Freund: Ý bạn là tôi có thắp hương hay cầu khấn điều gì đó không hả? Không.

Tôi thậm chí còn chẳng nghiên cứu về điều đó. Mặc dù tôi biết nhiều về lịch sử và văn hóa Việt Nam hơn cả vợ mình - một người phụ nữ Việt Nam. Tôi biết người Việt thường chắp tay cầu xin Thần và Phật phù hộ trước mọi vấn đề. Riêng tôi lại chỉ có niềm tin vào những thứ như sức mạnh của giấc ngủ và năng lượng của ánh sáng mặt trời.

Ngủ đủ giấc, dành thời gian vận động hợp lý dưới ánh sáng mặt trời sẽ cho bạn sức khỏe, sự minh mẫn. Chẳng việc gì tôi phải cầu xin ai hay thế lực nào đó khi đối diện với những vấn đề trong cuộc sống. Việc cần làm của tôi chỉ là đi ngủ sớm thức dậy sớm và làm việc hiệu quả để biến ước mơ thành sự thật.

Thanh An: Rất cảm ơn Chris Freund với những chia sẻ hết sức chân thành anh đã dành cho chúng tôi!

Chris Freund: Tôi đang băn khoăn một chút, qua bài báo của bạn liệu có điều kỳ diệu nào xảy ra không?

Thanh An: Ý của anh là?

Ông Chris Freund: Về Lê Trung Hưng, người bạn Việt Nam đầu tiên của tôi, chính là người đàn ông cụt chân tôi đã gặp ở Nha Trang, người đã thúc đẩy mong muốn chuyển đến Việt Nam của tôi.

Tôi rất muốn tìm lại anh ấy, nếu có thể.

Khi chia tay nhau vào năm 1992, tôi đã xin địa chỉ và số điện thoại để bàn của Hưng. Vài năm sau khi quay trở lại Việt Nam lần thứ 2, tôi tiếp tục đến Nha Trang và gặp được Hưng. Nhưng có vẻ như sau lần ấy anh đã chuyển nhà đi nơi khác. Từ đó, chúng tôi mất liên lạc với nhau.

Thanh An: Sao lại không nhỉ. Chúng ta luôn có quyền hy vọng về tương lai, ở đó, hai người bạn sau bao năm thất lạc sẽ tìm và gặp được lại nhau.

Chris Freund: Tôi cũng rất hy vọng về điều đó. Cảm ơn An rất nhiều!

https://soha.vn/nhung-ty-phu-my-toi-biet-khong-hanh-phuc-hon-nguoi-viet-nam-binh-thuong-20220727093603206.htm

Tổ Quốc