Trận lũ lụt lịch sử mới đây tại châu Âu đã khiến nhiều người cảm thấy lo sợ. Số người thiệt mạng đã tăng lên, tới con số 170 ở Đức và Bỉ, trong khi 1500 người vẫn đang mất tích. Nhà cửa bị tàn phá, đường sá ngập lụt, cầu đường và nhiều tòa nhà bị phá hủy. Nhiều nơi ngập chìm trong biển nước.
Một phần thủ đô Prague của CH Czech chìm trong biển nước vào tháng 8/2002
Nhưng đây cũng chẳng phải lần đầu tiên người châu Âu phải hứng chịu bão lũ. Đặc biệt là trong thế kỷ 21, họ đã nhiều lần phải chịu đựng những trận lũ chết chóc, được liệt kê trong danh sách dưới đây.
Tháng 2 và tháng 5/2014 Trong vòng vài tháng của năm 2014, ít nhất 5000 ngôi nhà tại Anh bị phá hủy nặng nề, bởi một trong những mùa mưa kinh hoàng nhất trong suốt 250 năm. Nhiều ý kiến tỏ ra chỉ trích hệ thống chống lũ dưới thời của David Cameron - Thủ tướng Anh ở thời điểm đó. Tuy nhiên, các nhà khoa học biết nguyên nhân là gì: Biến đổi khí hậu.
Trong tháng 5/2014, một trận mưa kéo theo cơn lũ mạnh nhất trong suốt 120 năm đã quét vào Bosnia và Serbia, khiến 33 người thiệt mạng, đẩy hàng ngàn người vào cảnh mất nhà cửa và làm 100.000 hộ gia đình không có điện để dùng. Đó cũng là trận mưa trút toàn bộ số nước của nhiều tháng xuống đất trong vòng vỏn vẹn vài ngày.
Tháng 6/2013 Căn nhà gần Deggendorf, Đức bị bao vây bởi nước lũ vào tháng 6/2013
Bản thân nước Đức - nơi vừa diễn ra trận lũ lịch sử - cũng chẳng mấy xa lạ với lũ lụt.
Ở Bitterfeld phía đông nước Đức, khoảng 10.000 người đã phải đi sơ tán vào tháng 6/2013 sau khi một con đê trên sông Mulde bị vỡ, tạo ra trận lũ kinh hoàng nhất khu vực trong suốt nhiều thế kỷ. Hơn 600 cư dân tại Dresden được đưa đi trú ẩn, trong khi hệ thống điện nước tại trung tâm thành phố bị cắt hoàn toàn.
Tháng 1/2007 Trận bão quét qua cảng Wimereux phía bắc nước Pháp vào năm 2007
Trận bão được các nhà khí tượng Đức đặt tên là Kyrill. Nó càn quét không khoan nhượng với những trận mưa không ngớt tới Anh, Ireland, Pháp, Bỉ và Hà Lan. Những cơn gió gào rú điên dại tràn lên khắp Bắc Âu, nhổ bật gốc cây cối, phá vỡ tan từng ô cửa sổ, khiến các bãi biển ngập trong biển nước và buộc hàng trăm chuyến bay từ London tới Frankfurt phải hoãn lại.
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, bão Kyrill đã giết chết 46 người, gây ra tổng thiệt hại lên tới 8 tỉ euro. Ở thời điểm ấy, nó là một trong những hiện tượng thời tiết cực đoan kinh hoàng nhất từng được ghi nhận tại châu Âu.
Bản thân cái tên Kyrill cũng ẩn chứa một sự thật khá thú vị. Ở Đức, hệ thống đặt tên cho bão lũ được áp dụng cho tất cả mọi người. Ai cũng có thể đặt tên cho bão, và 3 anh em nhà nọ quyết định tặng cho người bố 65 tuổi một món quà ý nghĩa bằng cách đưa tên ông vào một trận bão. Điều họ chẳng ngờ tới là trận bão ấy lại phát triển thành một thảm họa.
Tháng 8/2005 Một người phụ nữ đang rửa chiếc xô bằng dòng nước lũ trước cửa nhà tại khu vực sông Aare ở Thun, Thụy Sĩ vào năm 2005
Trận lũ tại Trung và Nam Âu vào năm 2005 cũng là một sự kiện kinh hoàng. Quanh vùng núi Alps, trực thăng quân đội được điều động để chu cấp nhu yếu phẩm, giải cứu các du khách bị mắc kẹt, và thậm chí là giải cứu những đàn bò đang bị làn nước lũ đe dọa.
Trận lũ năm ấy cũng để lại hàng chục thi thể. Tại Romania - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, người dân thậm chí bị chết đuối ngay trong chính ngôi nhà của mình. Áo, Bulgaria, Đức và Thụy Sĩ, nhiều nơi cũng bị ngập lụt trầm trọng.
Những người sống sót kể lại, cảnh tượng nước lũ tràn đến thực sự rất đáng sợ. Con sông Aare phá vỡ cửa sổ của một cửa hàng thời trang trẻ em tại Bern, nhấn chìm xe đẩy và đồ chơi trong làn nước lũ đục ngầu. Thành phố cổ Lucerne gần như chìm hoàn toàn trong biển nước. Còn ở phía nam Ba Lan, những con sông tràn bờ khiến ít nhất 7 cây cầu sụp đổ.
Tháng 8/2002 Bè cứu hộ bơi dọc dòng nước lũ tại Prague (2002)
Năm 2002, những cơn mưa kinh hoàng nhất kể từ năm 1890 đã xảy ra với CH Czech, khiến một phần của trung tâm lịch sử thành phố Prague ngập trong biển nước, buộc 50.000 cư dân phải đi sơ tán khi các con sông dâng lên quá cao.
Tổng cộng đã có 110 người chết vì trận mưa này, tính cả các khu vực Đông và Trung Âu - gồm Đức, Áo - và phía nam nước Nga. Thiệt hại tổng cộng lên tới hàng tỉ đô la.
Tại Áo, sông Salzach vỡ bờ ở phía nam Salzburg, buộc chính quyền địa phương phải chặn hầu hết các tuyến đường chính và cầu băng sông. Hungary, Đức và khu vực phía bắc nước Áo cũng phải giảm một nửa lưu lượng giao thông đường thủy trên sông Danube.
Nguồn: NY Times
JD
Theo Pháp luật và bạn đọc
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nhung-tran-lu-kinh-hoang-trong-the-ky-21-tung-xay-ra-voi-chau-au-hoa-le-hang-thap-ky-bi-lu-lut-tan-pha-tang-thuong-tai-luc-dia-gia-162211807151438978.htm