Những toan tính của Elon Musk khi muốn thâu tóm Twitter

18/04/2022 09:14 AM | Kinh doanh

Twitter là một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới với số lượng người dùng khổng lồ chỉ thua kém Facebook và rất được yêu thích tại Mỹ cùng các nước phương Tây. Bên cạnh những thông tin mới và cập nhật nhất, Twitter cũng giúp nhiều kẻ xấu phổ biến nhiều nội dung xấu, gây ra rất nhiều hậu quả với xã hội. Với mong muốn thay đổi cách thức vận hành của Twitter để biến mạng xã hội này trở nên tốt đẹp hơn, tỷ phú nổi tiếng với công ty xe điện Tesla là Elon Musk đã mua lại cổ phần và thậm chí mong muốn sở hữu Twitter trong thời gian tới thông qua thương vụ mua bán lên tới 43 tỷ USD.

Được tạo nên bởi 4 nhà sáng lập là Jack Dorsey, Noah Glass, Biz Stone và Evan Williams, Twitter chính thức ra mắt người dùng vào tháng 6 năm 2003. Mạng xã hội này cho phép người dùng viết những câu ngắn giới hạn trong 140 ký tự (gọi là tweet) nhằm thông báo về sự việc, cảm xúc cá nhân.... Đi kèm với đó là các hashtag giúp mọi người có thể chia sẻ các chủ đề với nhau một cách dễ dàng. Người dùng Twitter chủ yếu tập trung tại Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ (với lần lượt 77, 59 và 23.6 triệu người sử dụng mạng xã hội này tại các quốc gia nêu trên, theo số liệu tới tháng 1 năm 2022).

Những toan tính của Elon Musk khi muốn thâu tóm Twitter - Ảnh 1.

Số lượng người dùng Twitter trên các nước tính tới tháng 1/ 2022 (Ảnh: Statista)

4 năm sau khi được phát triển, Twitter mới thực sự nổi lên như một thế lực khi số lượng tweet của họ tăng gấp 3 lần (từ 20.000/ ngày lên thành hơn 60.000/ ngày) sau sự kiện South by Southwest, nhờ vào việc quảng cáo vô cùng tài tình của công ty trong lễ hội kể trên. Sau thành công này, Twitter có sự phát triển một cách phi mã trong những năm tiếp theo, với việc đạt 140 triệu tweet mỗi ngày vào năm 2011 (so với con số chỉ 400.000 mỗi quý năm 2007). Trong các sự kiện lớn, số lượng tweet cũng có sự tăng trưởng đột biến, với hàng nghìn câu chia sẻ mỗi giây tại World Cup 2010 – sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh. Tháng 3 năm 2012, Twitter chạm mốc 100 triệu người dùng mỗi tháng với 340 triệu dòng tweet được viết hàng ngày, trở thành một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới. Twitter dần trở thành địa chỉ cập nhật những thông tin thể thao và chính trị, xã hội mới nhất được nhiều người dùng tin tưởng.

Sau thời gian này, Twitter vẫn tiếp tục phát triển, song số lượng người dùng thua kém khá nhiều so với Facebook. Mặc dù việc sử dụng Twitter khá đơn giản, tuy nhiên việc giới hạn ký tự cũng phần nào làm hạn chế ảnh hưởng của mạng xã hội này so với Facebook. Tính tới hết tháng 1 năm 2022, có gần 3 tỷ người sử dụng Facebook, trong khi con số này với Twitter chỉ khiêm tốn ở mức 436 triệu người, tức chỉ bằng khoảng 14% so với người dẫn đầu. Mặc dù dịch Covid – 19 cũng giúp cho mạng xã hội này thu hút thêm khá nhiều người sử dụng, song mức độ phổ biến của Twitter là chưa cao. Hơn nữa, nếu như Facebook có thêm Instagram và Messenger để tăng số lượng người dùng, thì các ứng dụng đi kèm với Twitter vẫn chưa thực sự nổi bật và hấp dẫn.

Những toan tính của Elon Musk khi muốn thâu tóm Twitter - Ảnh 2.

Lượng người dùng của Twitter là khá khiêm tốn khi so sánh với Facebook (Ảnh: Statista)

Bên cạnh việc là một mạng xã hội nổi tiếng trong việc đăng tải những nội dung mới và nhiều thông điệp tố đẹp, Twitter cũng là địa chỉ mà nhiều kẻ xấu tận dụng để tuyên truyền nhiều thông tin sai lệch. Nhiều thông tin không chính xác về vaccine, những câu chuyện không có thực... được đưa lên mạng xã hội này với mục đích xấu. Đặc biệt trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đưa ra những thông tin dẫn đến vụ bạo loạn ở Đồi Capitol. Điều này đã dẫn đến việc ông bị cấm hoàn toàn khỏi Twitter cho đến tận ngày này (và cũng là lý do Donald Trump lập nên mạng xã hội Truth Social). Không chỉ Trump mà ngay cả tỷ phú Elon Musk cũng từng bị cấm tweet trong một khoảng thời gian do những phát ngôn không phù hợp của ông này. Sau những sự kiện này, Twitter đã đưa thêm điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với những thông tin sai lệch trên mạng xã hội của họ.

Kết thúc năm 2021, Twitter đạt doanh thu 5,08 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó. Mức lỗ sau thuế của họ cũng giảm mạnh từ 1.14 tỷ USD năm 2020 chỉ còn 221 triệu USD 1 năm sau đó, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của mạng xã hội này. Với kết quả tương đối ấn tượng năm 2021, Twitter đặt mục tiêu doanh thu 7.5 tỷ USD với 315 triệu người dùng thường xuyên vào năm 2023.

Những toan tính của Elon Musk khi muốn thâu tóm Twitter - Ảnh 3.

Doanh thu của Twitter tăng dần qua các năm (Ảnh: Statista)

Bên cạnh quảng cáo, Twitter đang cố gắng đa dạng hóa nguồn thu của mình khi gần đây nhất, mạng xã hội này đưa ra tính năng cho phép người dùng tiếp cận những tin tức độc quyền với tên gọi Super Follows. Người dùng có thể trả mức phí từ 2,99 đến 9,99 USD/ tháng để truy cập nhiều thông tin mới và cập nhật nhất từ những người nổi tiếng. Tính năng này hiện mới chỉ khả dụng tại Mỹ và áp dụng với cá nhân có trên 10.000 người theo dõi; tuy nhiên trong tương lai, Twitter sẽ đưa nó ra toàn cầu bởi nhu cầu cập nhật thông tin từ những người nổi tiếng trên mạng xã hội là rất lớn, đặc biệt là từ khán giả của họ.

Những toan tính của Elon Musk khi muốn thâu tóm Twitter - Ảnh 4.

Tính năng Super Follows của Twitter (Ảnh: Twitter, Business Insider)

Chính vì tiềm năng cũng như mong muốn thay đổi mạng xã hội này, ít ngày trước, tỷ phú Elon Musk đã bỏ ra gần 3 tỷ USD để mua lại 9% cổ phần của Twitter, đồng thời được mời vào Hội đồng Quản trị. Việc mua lại này của tỷ phú người Nam Phi đang bị điều tra, do nghi vấn ông này mua lượng lớn cổ phiếu mà không báo cáo theo luật.

Dù vậy, sau khi việc mua bán được xác nhận, Musk đã tuyên bố sẽ xây dựng một Twitter hoàn toàn mới, ủng hộ nhiều hơn đối với việc tự do ngôn luận. Sau những gì Elon Musk đã làm cho Tesla và SpaceX, người ta kỳ vọng sẽ có một sự đột phá tốt đẹp hơn với Twitter, đặc biệt trong công cuộc phòng chống những tin tức sai lệch. Vì vậy, giá trị cổ phiếu của Twitter đã tăng tới 2% sau khi thông tin này được đưa ra, đóng cửa ở mức 53.84 USD/ cổ phiếu.

Mới nhất, tỷ phú Musk đã từ chối lời mời vào ban lãnh đạo của Twitter đồng thời đưa ra đề nghị trị giá tới 43 tỷ USD để mua đứt mạng xã hội này. Lời đề nghị này tương đương với hơn 54 USD/ cổ phiếu, tức cao hơn gần 10 USD/ cổ phiếu so với mức giá đóng cửa vào ngày 14/4 vừa qua. Điều này cho thấy Elon Musk muốn toàn quyền quyết định ở Twitter, chứ không chỉ là một thành viên trong HĐQT của doanh nghiệp này.

Trải qua hành trình gần 20 năm, ngày nay Twitter là một trong những mạng xã hội nổi tiếng nhất thế giới. Với việc có được Elon Musk trong ban Giám đốc, cơ hội để mạng xã hội này có một cú bứt phá cực mạnh trong thời gian tới là rất cao, khi mà trong quá khứ, tỷ phú này đã biến Tesla và SpaceX trở thành hai biểu tượng của ngành xe điện và hàng không vũ trụ. Bên cạnh đó, người ta cũng kỳ vọng Musk sẽ dẹp bỏ những tin tức sai lệch và tăng thêm quyền tự do ngôn luận cho Twitter trong tương lai không xa.

Theo Phạm Tiến Đạt

Cùng chuyên mục
XEM