Những tác nhân virus gây bệnh mới nổi
5 loại tác nhân virus gây bệnh mới nổi thật sự có khả năng liên quan đến biến đổi khí hậu ở nước ta và một số vùng trên thế giới.
Cúm A: H1N1, H5N1, H5N6, H7N9
Virus cúm là thành viên của họ Orthomyxoviridae. Các virus này là những tác nhân gây bệnh cúm ở người và động vật. Các virus gây bệnh cho người được phân biệt thành 3 type A, B và C.
Có nhiều tác nhân virus khác nhau như virus cúm, virus á cúm, virus hợp bào hô hấp, virus adeno… đều có thể gây ra hội chứng giống cúm. Nhưng chỉ có virus cúm mới là thủ phạm gây ra bệnh cúm thật sự.
Virus cúm hình cầu đường kính từ 80 - 120 nm, cấu trúc capsid kiểu đối xứng xoắn ốc, chứa RNA một sợi có trọng lượng phân tử khoảng 4×106 daltons kèm theo enzyme RNA polymerase phụ thuộc RNA. Cấu trúc ARN của virus cúm A và B phân làm 8 đoạn gen, còn ở virus cúm C phân làm 7 đoạn, trên mỗi đoạn gen virus có thể ghi dấu cho nhiều mật mã di truyền.
Các biến chủng mới, khác với chủng cũ là nó có những thành phần kháng nguyên mới, thay thế cho những thành phần kháng nguyên cũ, do đó những kháng thể miễn dịch cũ không còn tác dụng với kháng nguyên mới.
Bệnh cúm lây trực tiếp qua đường hô hấp, thường gây dịch lớn, nhất là type A. Dịch cúm thường xảy ra vào mùa đông xuân. Ổ chứa tự nhiên của virus cúm là các loài chim hoang dại, gia cầm.
Sự biến đổi khí hậu làm thay đổi tập quán di trú, di cư mà các loài chim mang mầm bệnh có thể mang đến gần người. Biến đổi khí hậu cũng có thể là nguy cơ gây cho virus tăng nhanh quá trình biến đổi cấu trúc di truyền qua hoán vị hay đột biến nên tăng nguy cơ gây bệnh, gây dịch của tác nhân này.
Coronavirus: SARS, MERS, Covid-19
Coronavirus là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Ngoài chủng Coronavirus 2019-nCoV mới phát hiện này, đã có 6 chủng Coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.
Coronavirus có cấu trúc capsid đối xứng xoắn ốc, chứa RNA chuỗi đơn với chiều dài trình tự ARN khoảng chừng là 30.000 nucleotit. Coronavirus có bao ngoài và có khả năng ngưng kết hồng cầu, với hình thái đa dạng, có đường kính từ 60 - 130nm trên bề mặt của virus có các gai glycoprotein như hình vương miện (corona), các gai này giúp cho virus bám vào các receptor của tế bào vật chủ và xâm nhập vào tế bào.
Virus Corona gây SARS và các Corona người lây truyền bệnh chủ yếu qua đường hô hấp từ các giọt chất tiết, ngoài ra còn có thể truyền qua tiếp xúc trực tiếp, các dụng cụ khí dung, nội soi phế quản. Người bệnh virus thải ra trong phân kéo dài nhiều tuần lễ, có thể là nguồn lây bệnh qua đường phân miệng.
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh. Phát hiện sớm và cách ly bệnh nhân bị bệnh là biện pháp hữu hiệu để phòng lây nhiễm cho người xung quanh, nhân viên y tế và người tiếp xúc với bệnh nhân cần phải đeo khẩu trang, áo quần bảo vệ đúng quy định, xử lý tốt chất thải người bệnh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, Coronavirus là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của virus.
SARS, một loại Coronavirus khác xuất hiện lây nhiễm cho người năm 2002 được cho là bắt nguồn loài từ cầy hương, trong khi MERS, một loại Coronavirus khác lây nhiễm cho người từ 2012 lại bắt nguồn từ lạc đà. Đã có chứng cứ cho rằng 2019-nCoV có nguồn gốc từ loài tê tê.
Rõ ràng, các Coronavirus đều có nguồn gốc từ động vật, lây sang người có thể do nhiều nguyên nhân như sử dụng thực phẩm, lây qua tiếp xúc hay hô hấp do tiếp cận với chúng (hay bằng cách nào đó).
Nipahvirus
Virus Nipah (NiV) là một tác nhân gây bệnh mới nổi, được coi là lây truyền từ động vật sang người ở vùng Nam Á và Đông Nam Á. Virus Nipah thường được truyền qua tiếp xúc với nước bọt hoặc phân từ dơi ăn quả Pteropus hoặc tiếp xúc trực tiếp với vật chủ trung gian, chẳng hạn như lợn.
Nhiễm NiV gây ra viêm não với triệu chứng sốt cao, kéo dài và có thể kèm theo triệu chứng bệnh lý ở đường hô hấp. Tỷ lệ tử vong cao và nếu được cứu sống thì bệnh nhân có thể kèm theo nhiều di chứng nặng nề về thần kinh trung ương.
Nhiễm NiV thường biểu hiện dưới dạng viêm não do sốt hoặc viêm phổi, và có thể khó phân biệt với các bệnh sốt khác. Suy hô hấp là một dấu hiệu điển hình trong khoảng 20% các trường hợp trong vụ dịch Malaysia, Singapore và 70% các trường hợp ở Bangladesh, Ấn Độ.
Vật chủ của virus Nipah là loài dơi ăn quả Pteropus thuộc họ Pterepadidae, loài dơi Pteropus sống ở khắp châu Á và Đông Phi, chúng virus NiV trong nước bọt, nước tiểu, tinh dịch và chất bài tiết của chúng, nhưng không triệu chứng.
Hantavirus
Hantavirus là một giống thuộc họ Bunyamviridae, nhưng virus này không truyền bệnh qua côn trùng tiết túc mà qua đường hô hấp do hít chất tiết ở đường hô hấp, nước tiểu, nước bọt của chuột. Virus có hình cầu đường kính 100nm, bao ngoài là hai lớp lipid và trên bề mặt có các gai glycoprotein (G1 và G2) dài khoảng 5 - 10 nm, nucleocapsid chứa 3 đoạn ARN có kích thước khác nhau.
Người không phải là túc chủ tự nhiên của Hantavirus, người bị nhiễm virus này qua đường hô hấp do hít không khí có mang các hạt bụi chứa virus được thải ra từ chuột bị nhiễm trùng, ngoài ra nhiễm trùng do chuột cắn khi tiếp xúc trực tiếp như bẫy chuột, hay nuôi chuột trong phòng thí nghiệm.
Sự nóng lên toàn cầu, thiên tai, lũ lụt nhiều, đô thị hoá và ô nhiễm môi trường có thể là nguyên nhân làm gia tăng số lượng chuột, nguy cơ tiếp cận của chuột với người nhiều hơn, sử dụng thực phẩm từ chuột… làm tăng nguy cơ mắc bệnh do Hantavirus.
Virus Dengue (Virus gây bệnh sốt xuất huyết)
Virus Dengue là tác nhân gây ra bệnh sốt Dengue cổ điển và bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Bệnh do virus Dengue gây ra có ở nhiều nơi trên thế giới.
Virus Dengue thuộc họ Flaviviridae, gồm có 4 type huyết thanh virus Dengue gây bệnh cho người. Virus Dengue chứa RNA một sợi, capsid đối xứng hình khối, có một vỏ bao bọc capsid. Hạt virus hoàn chỉnh có đường kính khoảng 50nm.
Ổ chứa virus Dengue chủ yếu là người, động vật linh trưởng (khỉ, vượn, hắc tinh tinh) và muỗi Aedes. Muỗi Aedes có thể bị nhiễm virus khi đốt bệnh nhân ở giai đoạn nhiễm virus huyết, virus vào nhân lên ở ống tiêu hóa trong cơ thể muỗi và cư trú ở tuyến nước bọt để lan truyền cho người và động vật.
Nhiều lí do của biến đổi khí hậu tác động lên hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nơi cư trú, di cư… mà trực tiếp hay gián tiếp gây ra những biến đổi về bệnh tật của con người. Đó cũng là lời cảnh báo cho sự tác động của biến đổi khí hậu đến bệnh tật của con người do những tác nhân gây bệnh mới hay những bệnh lây truyền từ động vật sang người mà trước đây chỉ là đơn lẻ.