Những sự thật ít ai biết về tấm bia "Hạ Mã" trước cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều sĩ tử Hà Nội và các vùng lân cận tìm về bia 'Hạ Mã' ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cúng lạy, khấn vái, quỳ sụp để cầu may.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám vốn là điểm đến quen thuộc của các sĩ tử Hà Nội mỗi độ mùa thi về. Văn Miếu - Quốc Tử Giám thờ Khổng Tử, là công trình mang tính biểu tượng được xây dựng từ thời nhà Lý. Không chỉ là nơi sản sinh ra nhiều bậc kỳ tài cho đất Việt xưa , Văn Miếu dần trở thành một phần không thể tách rời của Thủ đô, nơi mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa, gửi gắm tâm tư của biết bao thế hệ học sinh.
Kể cả trong những năm dịch bệnh căng thẳng, việc cúng bái ở Văn Miếu trước ngày thi vẫn được đông đảo học sinh và phụ huynh duy trì. Nhiều người thậm chí không cần vào trong, mà chọn bày lễ, xin khấn ngay ở tấm bia có khắc 2 chữ bằng tiếng Hán - "Hạ Mã" phía ngoài cổng. Chẳng ai bảo ai, người ta cứ thế vây kín tấm bia này, không đến sớm có khi phải xếp hàng dài mới chen chân vào đặt lễ được.
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Văn Miếu vẫn có rất đông sĩ tử từ khắp nơi tìm về khấn vái, cầu may. Tấm bia đặc biệt trước cổng Văn Miếu lại một lần nữa được nhắc tới. Tấm bia này có thực sự đặc biệt như những gì người ta nói?
“Hạ Mã” (下馬) nghĩa là gì?
“Hạ Mã” hiểu nôm na là xuống ngựa. Theo Từ điển Tiếng Việt, Hồ Ngọc Đức trích rằng "Bia hạ mã: Tấm bia đề chữ “hạ mã” để trước dinh thự những quan to hoặc miếu đền linh thiêng cho người qua đường biết mà xuống ngựa, tỏ ý kính sợ".
Thời xưa, bốn chữ “Khuynh Cái Hạ Mã” thường được dựng bia ở những nơi linh thiêng, đặc biệt là trước các Văn Miếu, Văn Thánh. Đây là nơi thờ tự và tôn vinh những người cả đời hiến thân cho sự nghiệp giáo dục.
Chẳng thế mà, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cạnh Phu Văn Lâu ở kinh thành Huế hay ở dinh trấn Thanh Chiêm (Quảng Nam), người xưa đều cho dựng bia đá có bốn chữ này. "Nghiêng lọng xuống ngựa” để tỏ lòng tôn kính những bậc hiền tài, các bậc đáng kính có công dạy nên nhân kiệt.
Ở thời hiện đại ngày nay, tấm bia “Hạ Mã” tương đương với các tấm biển dựng trước các cơ quan, trường học thông báo “Xuống xe, tắt máy, dắt bộ”.
Bởi vậy, việc bày biện hương hoa, lễ quả rồi khấn vái sì sụp dưới tấm biển “Xuống xe, tắt máy”, quả nhiên có nét vừa bi vừa hài.
Nhiều ý kiến cho rằng, hành động này của những thí sinh và người nhà không hiểu biết chẳng khác nào đang linh thiêng hóa, thần thánh hóa... cái biển báo cả.
Theo lý giải của đại diện Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hai tấm bia đề chữ “Hạ Mã” - có nghĩa là xuống ngựa nằm hai bên khu Tiền án trước khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Bia Hạ Mã không phải là không gian thờ tự, thờ cúng, thắp hương. Các tấm bia này là một trong những hạng mục của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần được gìn giữ, bảo vệ”.
Vào đầu tháng 7 năm 2021, khi dịch Covid-19 còn căng thẳng, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ với các cơ quan báo chí rằng Trung tâm đã phối hợp với chính quyền phường quây hàng rào quanh hai bia “Hạ Mã”, đồng thời di chuyển bát hương, đồ lễ khỏi khu vực hai tấm bia này.
Đến hẹn lại lên, khi mùa thi 2022, những tấm bia “Hạ Mã” vẫn có người đến thắp hương, chiêm bái, vái vọng.
Ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có 2 tấm bia "Hạ Mã", bên cạnh tứ trụ (nghi môn) nằm phía trước Văn Miếu. Khoảng cách giữa 2 tấm bia "Hạ Mã" tương ứng với chiều ngang của cổng. Bia "Hạ Mã" do Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771. Thời xưa, dù là người đức cao vọng trọng, công hầu khanh tướng, ngồi lọng hay ngựa xe áo quần là lượt đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ, ít nhất từ tấm bia “Hạ Mã” bên này sang hết tấm bia “Hạ Mã” bên kia mới được lên xe ngựa đi tiếp.
Điều này thể hiện, từ bậc tôn nghiêm đến người thường dân, Văn Miếu có vị trí quan trọng như thế nào. Việc xuống ngựa đi bộ thể hiện lễ nghĩa, giữ được thuần phong mỹ tục thời bấy giờ.
Bia "Hạ Mã" hay “Khuynh Cái Hạ Mã” (傾蓋下馬) còn có ở đâu?
HUẾ - Phu Văn Lâu (lầu Phu Văn)
Phu Văn Lâu là một tòa lầu nằm trên trục chính của Hoàng thành Huế. Hiểu đơn giản, Phu Văn Lâu là cái lầu trưng bày văn thư của triều đình. Lầu Phu Văn xưa kia dùng làm nơi niêm yết chỉ dụ của nhà vua và triều đình, đồng thời nơi này cũng lưu trữ kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
Nguồn ảnh: Internet.
Triều đình dưới thời Minh Mạng cho xây dựng hai bên hai tấm bia đá khắc bốn chữ “Khuynh Cái Hạ Mã”(傾蓋下馬). Bốn chữ này có nghĩa là người đi qua đều phải cởi mũ, nghiêng nón, kéo lọng và xuống ngựa. Bốn chữ trên như nhắc nhở mọi người đi ngang qua Phu Văn Lâu phải “nghiêng mình xuống ngựa” để tỏ lòng kính cẩn, tri ân.
QUẢNG NAM - Văn Thánh dinh trấn Thanh Chiêm
Ở vùng đất Quảng Nam, tại đất dinh trấn Thanh Chiêm xưa kia thuộc phủ Điện Bàn cũng có hai tấm bia khắc bốn chữ “Khuynh Cái Hạ Mã”. Nơi đây có Văn Thánh thờ đạo Nho (Khổng Tử, Mạnh Tử,..) và có trường học là nơi sĩ tử học hành, thi cử. Cách thành Thanh Chiêm xưa chưa đầy 100m là hai tấm bia “Khuynh Cái Hạ Mã”(nghiêng lọng xuống ngựa) để tỏ lòng thành kính với những nhà nho nổi tiếng, suốt đời vì sự nghiệp giáo dục trồng người.
Nguồn ảnh: Internet.
Không chỉ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phu Văn Lâu của đất Việt, kiến trúc truyền thống của nhiều nước phương Đông cũng dùng loại bia này. Bia "Hạ Mã" thường được dùng ở cổng chính (cổng phía Nam) hai bên tả và hữu của các khu đền thờ, lăng mộ hay cung điện.
Dưới thời xã hội phong kiến xưa, tấm bia này tựa như một sắc lệnh truyền khẩu của nhà vua. Trước tiên, đến nơi dựng bia "Hạ Mã" thường phải xuống ngựa, đi bộ hoặc phải chuẩn bị trang phục tươm tất để vào diện kiến.
HÀN QUỐC - Đền thờ Jongmyo
Ở Hàn Quốc, tại điện thờ Jongmyo, cũng có tấm bia "Hạ Mã" yêu cầu người dân xuống ngựa để thể hiện sự tôn kính đối với các vị vua và hoàng hậu kế vị của Joseon - những người được thờ trong đền Jongmyo.
Nguồn ảnh: Internet.
NHẬT BẢN: Chùa Nishi Honganji
Tại ngôi chùa Nishi Honganji ở Nhật Bản cũng sử dụng bia "Hạ Mã" để yêu cầu những người tới thăm chùa chuẩn bị trang phục tươm tất trước khi vào chiêm bái.
Nguồn ảnh: Internet.
NHẬT BẢN - Sùng Nguyên tự
Tại Okinawa, Nhật Bản cũng có một ngôi chùa cổ gọi là Sùng Nguyên tự sử dụng tấm bia "Hạ Mã" đã bị thời gian làm mờ phần chữ.
Nguồn ảnh: Internet.
TRUNG QUỐC - Khổng miếu Khúc Phụ
Ở Trung Quốc, có một ngôi miếu cổ tọa lạc tại Khúc Phụ, Sơn Đông thờ Khổng Tử. Ngôi miếu này là một phần của quần thể đền thờ, nghĩa trang của gia tộc họ Khổng tại Khúc Phụ. Tại đây, người ta cũng dùng những tấm bia "Hạ Mã".
Nguồn ảnh: Internet.
***
Dẫu biết việc chiêm bái, cầu may là để giải tỏa áp lực và thêm một điểm tựa tinh thần, nhưng việc đến khấu đầu, xin lạy một tấm bia mà bản thân không hiểu trên đó viết gì và có ý nghĩa gì thì quả thật hời hợt.
Nhiều người cho rằng vái lạy tấm bia “Hạ Mã” là một điều bất thường nhưng đã được bình thường hóa trong nhiều năm. Đây là biểu hiện của việc chạy theo trào lưu mà thiếu đi ý thức về đức tin thực sự.
Việc tìm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu may của sĩ tử là một nét đẹp tinh thần hiếu học và trân trọng lịch sử của cha ông. Trước áp lực căng thẳng của kỳ thi đánh dấu mốc thay đổi lớn của đời người, tìm đến nơi theo học của những bậc kỳ tài đất Việt để "lấy vía" không phải là hành động mê tín, đơn giản là muốn được tiếp bước thể hiện tài năng và tin tưởng vào một tương lai được ghi danh bảng vàng.
Hơn nữa, truyền thống xin chữ cũng là một lời chúc cho chính mình của mỗi sĩ tử trước khi bước vào thử thách lớn của cuộc đời. Từ đây, khi tìm lại được sự bình tâm, bước ra khỏi cổng Văn Miếu chính là sự tự tin nỗ lực hết mình để viết nên tương lai tươi sáng.
Hôm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT - kỳ thi quan trọng bậc nhất trong đời học sinh, chúc các sĩ tử giữ được tâm thế ấy mà làm bài thi thật tốt!