Những sai lầm sơ đẳng khiến bạn không bao giờ trở thành triệu phú

01/06/2017 14:40 PM | Kinh doanh

John Rampton, doanh nhân, nhà đầu tư, một người đam mê khởi nghiệp với tài sản triệu đô đã có những chia sẻ trên trang Business Insider về những sai lầm khiến chúng ta không bao giờ trở thành triệu phú.

Tôi đã trở thành triệu phú 3 lần trong cuộc đời. Trong lần đầu tiên khi tôi thấy 1 triệu USD trong tài khoản ngân hàng, tôi đã suýt ngất đi. Sau những trải nghiệm, tôi nhận ra rằng, trở thành triệu phú không xa vời như chúng ta tưởng. Với sự cống hiến, kiên nhẫn và tập trung, giấc mơ triệu phú hoàn toàn là điều có thể nắm lấy được. Nếu tôi làm được, tất cả mọi người điều làm được.

Vậy, phần nào là khó nhất? Là sở hữu 1 triệu USD đầu tiên. Bởi, sau đó tất cả những thứ khác sẽ rơi vào đúng quỹ đạo của nó. Nghe có vẻ dễ dàng nhưng tại sao nhiều người lại không thể thực hiện được? Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận ra rằng đa số mọi người đều đã tiến đến rất gần đích nhưng đều bị chùn bước vì những tính cách sau đây:

1. Không nghĩ đúng hướng

Napoleon Hill trong cuốn sách “Nghĩ giàu, làm giàu” (Think and grow rich) quan niệm rằng: Những cá nhân giàu có thường có lối suy nghĩ khác người bình thường. Suy nghĩ này ban đầu không đạt được sự đồng tình của mọi người, đặc biệt là với tầng lớp trung lưu. Còn triệu phú Steve Siebold, sau khi phỏng vấn 1.200 người giàu nhất trên thế giới, ông đã phải gật gù đồng ý với những phát hiện của Hill. Nó bao gồm:

• Người giàu tin nghèo đói là gốc rễ của mọi tội ác

• Ích kỉ có thể là một đức tính

• Tinh thần hành động luôn được nêu cao

• Người giàu có kiến thức chuyên ngành

• Họ mơ ước về tương lai

• Sẵn sàng theo đuổi đam mê của mình

• Và luôn hướng mình đến những thử thách

• Họ sử dụng tiền của người khác

• Triệu phú tập trung vào việc kiếm tiền chứ không phải tiết kiệm

• Luôn ý thức khi nào nên chấp nhận rủi ro

Nói tóm lại, nếu bạn muốn trở thành một triệu phú, hãy thay đôi suy nghĩ của mình về tiền bạc và sự thành công.

2. Dành thời gian với những người không cần thiết

Những người giàu thường không phí phạm thời gian bằng cách xây dựng quan hệ với những đám đông phiền phức. Tôi đang nói về những người mang suy nghĩ tiêu cực, không những không giúp bạn đạt được ước mơ mà còn kéo bạn xa rời với thành công. Và một khi bạn đã thành công, trở thành một triệu phú thực thụ thì đó cũng chỉ là những người có tư tưởng lợi dụng, sử dụng thành công của bạn để đạt được mục đích của họ.

Thay vào đó, những người giàu thường kết bạn với những người đồng quan điểm, những người đang bị thúc đẩy, đam mê và đang nghĩ về tương lai tuyệt vời của họ. Kết nối với những người bạn cùng chung chí hướng sẽ giúp bạn chinh phục được những mục tiêu lớn hơn trong sự nghiệp của mình.

Cả thế giới nghiêng mình kính phục trước tình bạn 25 năm của 2 tỉ phú bậc nhất là Bill Gates và Warren Buffett. Bản thân nhà sáng lập Microsoft cũng chia sẻ: “Một số người bạn giúp bạn tìm ra những điều tốt nhất của bản thân mình. Vì vậy, đầu tư vào bạn bè là khoản đầu tư xứng đáng". Bạn thường có xu hướng kết nối với những người mà bạn muốn trở thành, vì vậy hãy đầu tư vào bạn bè khôn ngoan như đầu tư vào tiền bạc.

3. Tận hưởng những gì bạn làm ra

Bạn vừa nhận được một khoản lợi nhuận 6 con số đầy béo bở. Điều này có nghĩa là hãy đi ra ngoài và sắm một chiếc xe sang trọng. Điều này trái ngược với quan điểm thông thường, khi những người giàu thường sống tiết kiệm, không tiêu pha cái gì quá xa xỉ. Điển hình như Warren Buffett, sống trong một ngôi nhà bình thường và lái một chiếc xe tầm trung.

4. Trông chờ vào những hi vọng không thực tế

Những người giàu luôn có những ước mơ lớn lao, và điểm chung của những ước mơ ấy là tính thực tế. Họ nhận thức rõ rằng không thể trở thành triệu phú trong một sớm một chiều được. Nó đòi hỏi xương máu, sự kiên nhẫn để tạo dựng thành công.

Hãy thử hỏi những VĐV marathon, bạn không thể chạy 26 dặm mà không có sự huấn luyện hợp lí và các chế độ nghỉ ngơi điều độ.

Bây giờ, ngay tại đây, hãy xem lại tiến độ làm việc của mình để biết mình còn cách điểm dừng chân mang tên “Thành công” bao xa và quan trọng hơn là đang đứng ở đâu trong bản phác thảo cuộc đời bạn.

5. Học theo hướng đi của người khác

Mặc dù không có gì sai trái khi thuê cố vấn đã từng làm việc cho những người giàu để học được những bí kíp đầu tư khôn ngoan. Nhưng những kinh nghiệm khi cộng tác với những triệu phú kia đôi khi lại không phù hợp với hướng đi của bạn. Ví dụ, cho ra đời những công ty về công nghệ như Apple, Microsoft, có thể không còn hiệu quả trong thời đại ngày nay.

Vì vậy nếu bạn muốn học hỏi bí quyết thành công của Steve Jobs và Bill, rồi áp dụng từng bước một vào tiệm giặt khô - là hơi của mình ở đầu ngõ, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ thành công.

Điều duy nhất có thể khiến bạn thành công là hiểu rõ bản thân và công ty của mình. Từ đó, nghĩ xem hướng đi nào là phù hợp khi bạn muốn tiến sâu hơn vào thị trường. Đừng bao giờ bắt chước hay áp đặt tư tưởng của người khác lên bộ não của mình. Nó ngăn cản bạn phát huy “năng lực xám” vốn có và là hòn đá cản trở bạn đến đích.

6. Dựa dẫm quá nhiều vào thẻ tín dụng

Cùng với thời đại phát triển của công nghệ số, thẻ tín dụng (Credit card) đang ngày càng phổ biến hơn bao giờ hết. Đối với các hoạt động của doanh nghiệp, thẻ tín dụng mang đến sự thuận tiện và nhanh chóng trong các khoản giao dịch hoặc đầu tư.

Tuy nhiên, lạm dụng thẻ tín dụng có nghĩa rằng, bạn sẽ không còn thời gian tìm kiếm các khoản đầu tư thông minh mà thay vào đó tốn rất nhiều thời gian tìm cách trả các hóa đơn, trả nợ cho thẻ tín dụng với lãi suất cao ngất ngưởng.

7. Đặt các kế hoạch dài hạn

Như đã nói ở trên, những người giàu thường có một điểm chung là luôn tìm kiếm và lên kế hoạch cho tương lai. Họ hiểu nơi họ muốn đi và sẽ mất gì để đến đích. Điều này giúp họ phân tích kĩ lưỡng các trở ngại và chủ động đối mặt với những thách thức ấy.

Khi bạn bắt đầu với một dự án kinh doanh mới, bạn cần hoạch định rõ một kế hoạch dài hạn để thu hút và giữ lại các khách hàng thân thiết, tiềm năng. Và tất nhiên, kế hoạch đó phải khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.

8. Quá chú trọng đến sự hoàn hảo

Đây là một trong những bài học quan trọng và giá trị nhất tôi tích lũy được trong cuộc đời - không có gì hoàn hảo. Bạn càng sớm chấp nhận điều này, bạn càng sớm tiến lên, thay vì bị kẹt mãi một chỗ.

Ví dụ, khi bạn bắt đầu kinh doanh, bạn dành nhiều thời gian cho việc hoàn thiện và cho ra mắt sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, thì đó cũng là lúc càng có nhiều đối thủ cạnh tranh tiếp cận, khai thác vào thị trường của bạn và lấy đi khách hàng tiềm năng. Đừng ngần ngại trải nghiệm. Tiếp cận, va chạm thị trường càng sớm càng tốt. Trên con đường tạo nên lợi nhuận, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy những mối quan hệ mới, có ích cho sự phát triển công ty sau này.

9. Tự làm tất cả mọi việc

Giả sử khi bạn bắt tay vào làm một chương trình kinh doanh, bạn cần phải thuê những nhân viên tài năng - Những người sẽ nâng cao điểm mạnh và loại bỏ điểm yếu của bạn. Ngay cả những ngành nghề kinh doanh đơn giản như làm nón lá, tất cả mọi thứ đều không thể tự làm được.

Học cách ủy thác những công việc không phải chuyên môn của bạn. Đây là một bí mật mà các doanh nhân hiếm khi chia sẻ, nhưng lại là yếu tố quan trọng nếu bạn muốn doanh nghiệp phát triển.

10. Không ở đúng chỗ tại đúng thời điểm

Dù bạn đang đầu tư hay “chập chững” kinh doanh thì việc quan tâm đến thời gian và vị trí vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu.

Lấy ví dụ Ryan Graves. Ông chỉ nhắn một dòng tweet đơn giản: “Thuê tôi” (Hire me) cho Travis Kalanick vào năm 2010. Ông trở thành nhân viên đầu tiên của Uber và sau đó là giám đốc về mảng hoạt động toàn cầu. Ước tính hiện tại Ryan Graves đang nắm giữ 1,4 tỷ USD vốn cổ phần.

11. Không tin vào chính mình

Điều nghiêm trọng nhất khiến bạn chưa thể chạm tới thành công là gì? Đó rất có thể là vì bạn không thực sự tin tưởng vào bản thân. Thay vì đoán trước đoán sau kết quả, tính toán thiệt hơn, hoặc chờ đợi những lời khuyên từ người khác, tại sao bạn không tin tưởng bản thân và thử làm theo trực giác của mình một lần?

Như Dale Carnegie đã từng nói: “Không hành động tạo ra sự nghi ngờ và sợ hãi, hành động tạo nên sự tự tin và can đảm, nếu bạn muốn chinh phục nỗi sợ hãi, đừng ngồi ở nhà và nghĩ về nó. Hãy đi ra ngoài và trở nên bận rộn”.

Châu Anh

Cùng chuyên mục
XEM