Những ông lớn địa ốc muốn đưa cổ phiếu lên sàn hút vốn

11/02/2021 10:27 AM | Kinh doanh

Trong bối cảnh ngân hàng ngày càng siết chặt cửa vay vốn, niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán để huy động vốn là phương án khả dĩ với các doanh nghiệp địa ốc. Đặc biệt, trong trường hợp niêm yết thành công lên HoSE, cổ phiếu các doanh nghiệp này sẽ càng trở nên hấp dẫn.

Sự bùng nổ của TTCK, cùng những triển vọng lĩnh vực bất động sản hậu COVID-19 được coi là thời cơ để nhiều doanh nghiệp niêm yết chào sàn chứng khoán, IPO và bán cổ phần cho cổ đông chiến lược để giảm bớt sự phụ thuộc tài chính vào ngân hàng. Ngoài ra, đây cũng là thời cơ để các công ty bất động sản có quy mô tương đối có thể tăng vốn điều lệ vươn mình phát triển.

So với thời điểm trước đây, trào lưu IPO lên sàn chứng khoán đã không rầm rộ bằng, một phần lý giải cũng có thể do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 từ đầu năm. Dù vậy, không thiếu các doanh nghiệp có tham vọng đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch.

Một số tên tuổi nổi danh có thể kể đến như CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco, CTCP Hưng Thịnh Land, CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes, CTCP Sunshine Homes, hay Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Sungroup đều quyết định hoặc thể hiện mong muốn lên sàn.

Có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp này sở hữu quỹ đất rất ấn tượng. Đơn cử, FLCHomes vào ngày 23/12/2020 đã nộp hồ sơ lên HoSE đăng ký niêm yết 416 triệu cổ phần. FLCHomes là thương hiệu bất động sản chủ lực đến từ hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. Doanh nghiệp gây chú ý bởi đặc quyền kinh doanh, phân phối hơn 300 dự án do FLC xúc tiến đầu tư trên khắp các tỉnh thành Việt Nam.

CTCP Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, mảng đầu tư phát triển dự án của FLCHomes có tiềm năng lớn với khoảng 10 dự án cao cấp đang được xúc tiến, tổng doanh thu ước tính trên 28.000 tỷ đồng. Điểm chung của các dự án là đều nằm ở vị trí đắc địa, đang hoàn thiện pháp lý và sở hữu tiềm năng sinh lời ngay từ 2020.

Ở mảng vật liệu, thiết bị xây dựng, doanh nghiệp này có công ty con chuyên trách với doanh thu ước tính gần 2.000 tỷ/năm. FLCHomes có thể tận dụng quan hệ mật thiết với hệ sinh thái của FLC để thúc đẩy các mảng kinh doanh này.

Ngoài ra, đó còn là Hưng Thịnh Land - thành viên chủ lực thuộc Hưng Thịnh Corp của ông Nguyễn Đình Trung. Đây là đơn vị đầu tư, phát triển bất động sản với hàng trăm dự án và quỹ đất trên 4.500 ha. Được biết, danh mục dự án của Hưng Thịnh Land tập trung chủ yếu tại TP.HCM, ngoài ra còn Đồng Nai, Vũng Tàu, Khánh Hoà, Bình Thuận, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn như Q7 Saigon Riverside (gần 4.000 căn), Biên Hoà New City (1.600 nền), Lavita Charm Thủ Đức (hơn 1.000 căn); Richmond City Bình Thạnh (1.200 căn); Golden Bay 602 Cam Ranh hơn 2.000 nền...

Lãnh đạo Hưng Thịnh Corp từng tính toán để thực hiện niêm yết cổ phiếu Hưng Thịnh Land nhằm hướng tới dòng vốn khổng lồ trên sàn chứng khoán. Cuối năm 2018, Hưng Thịnh Corp đã thí điểm khi cho CTCP Hưng Thịnh Incons có vốn 250 tỷ đồng niêm yết trên sàn HoSE. Tuy nhiên, ban lãnh đạo tập đoàn cũng xác định, việc niêm yết Hưng Thịnh Land sắp tới nếu có sẽ chỉ thực hiện khi đạt đủ điều kiện chín muồi.

Đáng chú ý, không thể không nhắc đến Taseco Land - thành viên Taseco Group (doanh nghiệp được biết đến chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ hàng không). Dù mới lấn sân sang mảng địa ốc trong 2 năm trở lại đây, Taseco Land đã nhanh chóng phát triển nhiều dự án lớn tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Một số dự án tiêu biểu của Taseco Land như: Khu đô thị Startlake Tây Hồ Tây (Hà Nội); dự án Tòa nhà hỗn hợp Alacarte Hạ Long (Quảng Ninh); 4 dự án tại Thanh Hóa, 4 dự án tại Khu đô thị Đoàn ngoại giao (Hà Nội).

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến CTCP Tập đoàn Sunshine – tập đoàn bất động sản mới nổi trong vài năm gần đây. Sunshine Group đã và đang phát triển một loạt dự án bất động sản căn hộ trên quỹ đất hàng trăm ha từ Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang….

Được biết, ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunshine, cũng đang nắm vị trí cấp cao tương tự tại CTCP Xây dựng SCG. Theo tìm hiểu, SCG vào ngày 19/11/2020 đã được Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp mã chứng khoán cho công ty và ngày 20/11/2020 bắt đầu nhận lưu ký cổ phiếu SCG. Đây là thủ tục quan trọng để SCG có thể niêm yết cổ phiếu trên thị trường Upcom theo đăng ký trước đó.

Cũng sở hữu quỹ đất khổng lồ, Ecopark từng được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những cổ phiếu hấp dẫn đầu tư khi đã có kế hoạch IPO giữa năm 2019. Dù vậy, do nhiều lý do, kế hoạch này vẫn chưa triển khai.

Hiện, tập đoàn đang sở hữu quỹ đất lớn tại Hải Dương, Quảng Ninh và đại bản doanh Hưng Yên. Đại diện Ecopark cho biết, với hàng loạt dự án triển khai, kế hoạch IPO tăng vốn của Ecopark nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho dự án xây dựng một thành phố xanh ở phía Đông Hà Nội trị giá 8 tỷ USD kéo dài 2 thập kỷ.

Động lực là vốn ngoại?

Với việc ngân hàng ngày càng siết chặt cửa vay vốn, niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán để huy động vốn là phương án khả thi với các doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt, trong trường hợp niêm yết thành công lên HoSE – sàn giao dịch với nhiều quy định và tiêu chuẩn khắt khe, cổ phiếu các doanh nghiệp sẽ càng trở nên hấp dẫn, đặc biệt với dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể thấy, sự hiện diện của các quỹ đầu tư nước ngoài ngày càng phổ biến trong cơ cấu cổ đông doanh nghiệp địa ốc trên sàn, và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây.

Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có sự quan tâm lớn đối với thị trường bất động sản Việt Nam khi thị trường được hỗ trợ bởi tăng trưởng GDP cao, hệ thống tài chính tiền tệ tương đối ổn định, nhân khẩu trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng… Một số liệu cho thấy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài năm 2020 vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,88 tỷ USD. Giới chuyên gia nhận định, một trong những điểm tích cực thu hút nhà đầu tư ngoại là những rào cản trước đây đang dần được tháo gỡ. Mặt khác, thông tin trên thị trường đã phong phú, đa dạng và minh bạch hơn rất nhiều.

Nắm nhiều thiên thời địa lợi là vậy, nhưng bản thân doanh nghiệp địa ốc khi lên sàn hoặc IPO phải đảm bảo các điều kiện đủ như minh bạch tài chính và các vấn đề quản trị,….

Mặt khác, niêm yết không phải chiếc chìa khóa vạn năng giải quyết bài toán vốn. Có thể thấy nhiều trường hợp doanh nghiệp địa ốc niêm yết lên sàn chứng khoán, nhưng phần lớn thời gian giao dịch với khối lượng thấp, thị giá giảm mạnh.

Đơn cử, cuối tháng 4/2020, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital, đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu CTCP Bất động sản Thế Kỷ (HOSE: CRE), qua đó chỉ còn nắm 3,52% vốn công ty.

Vào tháng 5/2019, Dragon Capital cũng đã tiến hành thoái 1,5 triệu cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát. Sau giao dịch, nhóm quỹ còn nắm giữ hơn 27,4 triệu cổ phiếu HPX, tương ứng tỷ lệ sở hữu 13,71% vốn.

Đan Huy

Cùng chuyên mục
XEM