Những ông chủ nhà băng Việt trở về từ Đông Âu (Kỳ 2)

02/02/2017 11:21 AM | Kinh doanh

Làn sóng các doanh nhân thành đạt ở khu vực Đông Âu trở về nước đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều doanh nghiệp nổi tiếng, có quy mô lớn và những sản phẩm mang tầm vóc quốc tế.

Đó là giai đoạn khi đất nước mở cửa cho tới đầu những năm 2000, khi những doanh nhân ở Liên Xô cũ âm thầm trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn. Họ là những người trẻ tuổi, sinh từ năm 1960 đổ về, khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với tài năng và nguồn vốn lớn gây dựng được ở Nga và Ukraina, rất nhanh sau đó họ tạo dựng được tên tuổi và vị thế cho bản thân.

Bên cạnh sự nổi tiếng nhờ kinh doanh thực phẩm, nhóm doanh nhân Đông Âu này tham gia rất đáng kể vào hoạt động ngành ngân hàng. Trải qua những biến động tài chính lớn, hầu hết các ngân hàng TMCP quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay đều có sự góp mặt của những doanh nhân trở về từ Đông Âu, một đặc điểm rất khác biệt so với những doanh nhân gốc Hoa.

Dưới đây là một số gương mặt nổi bật nhất.

(Phần trước: Từ VIB, Techcombank đến VPBank)

MaritimeBank – Trần Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Ông Trần Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là cặp vợ chồng rất nổi tiếng ngành ngân hàng Việt Nam.

Ông Tuấn hiện là chủ tịch HĐQT của Maritimebank, trong khi bà Hường là Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Trước khi về MartimeBank, bà Hường cũng từng có vị trí quan trọng tại Techcombank.

Ông Trần Anh Tuấn sinh năm 1969, có bằng Cử nhân khoa học địa chất của Học viện Địa chất Quốc gia Moscow và sau này bổ sung thêm tấm bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh của Đại học Griggs, Mỹ. Ông từng học tập và khởi nghiệp tại CHLB Nga 10 năm trước khi trở về nước vào năm 1996 để tham gia kinh doanh và đầu tư khi Việt Nam mở cửa, hội nhập với quốc tế. Trước khi hình thành nên VID Group (hiện giờ được đổi tên thành TNG Holdings Việt Nam), ông Tuấn nắm vai trò lãnh đạo tại CTCP Nam Thắng.

Còn bà Nguyệt Hường, sinh năm 1970 (cùng học tại CHLB Nga cùng thời gian với ông Tuấn) là kế toán của công ty chuyên sản xuất giày da xuất khẩu này. Có thể thấy cặp đôi này luôn song hành trong các thương vụ.

Tại VIDGROUP, vợ chồng ông Tuấn đã thay nhau đảm nhiệm những chức vụ quan trọng nhất khi hoán đổi vị trí CEO và Chủ tịch HĐQT. Ông Tuấn làm Tổng Giám đốc VIDGROUP từ năm 2006 và chính thức thôi chức vụ này để làm Chủ tịch từ ngày 18/10/2014. Khi rời vị trí Tổng Giám đốc, ông Trần Anh Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị VIDGROUP thay vợ – bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Bà Hường đồng thời là Chủ tịch Hội đồng sáng lập của Marime Bank, nơi ông Tuấn chồng bà làm Chủ tịch HĐQT.

Ông Trần Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Ông Trần Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Ban đầu, VID Group có 6 công ty thành viên, cho đến nay, tập đoàn này được giới thiệu là có 12 công ty thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng các dịch vụ và thực hiện các dự án bất động sản.

Nếu như trước đây, hoạt động của VID Group chỉ gói gọn trong phạm vi thành phố Hà Nội thì đến năm 2007, các công ty con của VID Group đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Trong đó nổi bật là việc tập đoàn này đầu tư và quản lý 9 khu công nghiệp lớn ở miền Bắc như: Quang Minh, Đài Tư (Hà Nội); Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách (Hải Dương); Minh Quang, Cụm Công nghiệp Lifan (Hưng Yên) và Đồng Văn II (Hà Nam). Bên cạnh mảng hoạt động chính là đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, Tập đoàn đã mở rộng thêm hoạt động sang lĩnh vực cung cấp các dịch vụ phụ trợ bao gồm dịch vụ tư vấn hỗ trợ đầu tư, dịch vụ tư vấn thiết kế và dịch vụ bảo vệ nhằm cung cấp cho các khách hàng và các dự án do tập đoàn đầu tư.

Năm 2007, VID Group mua cổ phần tại Maritime Bank từ Vinalines và các cổ đông khác, ông Trần Anh Tuấn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Tháng 10/2008, ông trở thành Tổng Giám đốc Maritime Bank. Tới đầu năm 2012, ông trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.

Một trong những biện pháp mạnh tay nhất của ông Tuấn tại Maritime Bank là việc cắt giảm nhân sự và giải quyết nợ xấu. Đến năm 2015, theo báo cáo của ngân hàng này, nằm trong tốp đầu các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu về dưới mức 3% theo yêu cầu của NHNN.

Năm 2015, ngân hàng này mua lại Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may Việt Nam và nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kong (MDB). Sau thương vụ sáp nhập MDB, vốn chủ sở hữu của Maritime Bank tăng 44% so với đầu năm 2015, đạt 13.616 tỷ đồng.

HDBank – Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà chủ Vietjet Air đang kinh doanh rất thành công trong lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên, trước khi Vietjet Air bùng nổ, cặp vợ chồng Nguyễn Thanh Hùng - Nguyễn Thị Phương Thảo đã kịp ghi dấu ấn của mình trong ngành ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Nguyễn Thanh Hùng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Nguyễn Thanh Hùng.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (46 tuổi) là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank. Trước đây, bà Thảo nổi danh ở nhà băng này với vị trí TGĐ (từ 2003-2010), tuy nhiên vài năm gần đây tên tuổi của bà ở HDBank bị lu mờ bởi Vietjet Air.

Trên cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị HDBank, bà Thảo ghi nhiều dấu ấn thông qua các thương vụ M&A như sáp nhập DaiABank vào HDBank hay mua công ty tài chính SGVF rồi bán 49% cổ phần cho đối tác Nhật và đổi tên công ty tài chính thành HD Saison. Nhưng, như bà thừa nhận, có lẽ hàng không phát triển nhanh và mạnh quá nên người ta chú ý nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thanh Hùng hiện là Chủ tịch Hội đồng Sáng lập của Sovico Holdings, còn bà Thảo hiện là Chủ tịch HĐQT công ty này. Ông Hùng, bà Thảo, cùng với ông Nguyễn Cảnh Sơn (thành viên HĐQT), cả 3 đều từng học đại học ở Nga, chính là 3 người sáng lập và xây dựng Sovico từ những ngày đầu thành lập.

Sovico tham gia vào lĩnh vực đầu tư tài chính, thành lập ngân hàng, tham gia vào các chương trình tài chính quốc tế ngay từ những năm 1993 - 1996. Cho tới thời điểm này, Tập đoàn đã hiện diện ở trên 10 quốc gia. Chủ trương đầu tư trực tiếp vào thị trường Việt Nam giai đoạn từ 2004 đến nay trong ba lĩnh vực chính là Bất động sản; Đầu tư tài chính - ngân hàng; Điện - năng lượng và gần đây là Hàng không.

Tương tự như MSB, HDBank cũng đã nhận sáp nhập 1 ngân hàng (Đại Á) và mua lại 1 công ty tài chính (SGVF, nay là HD Saison). Những thương vụ này đã giúp quy mô của HDBank tăng lên nhanh chóng. Công ty tài chính HD Saison hiện cũng là một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

VietABank – Phương Hữu Việt

Từng là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội, ông Phương Hữu Việt còn là một “banker” khi bước chân vào lĩnh vực ngân hàng với VietABank từ tháng 03/2011 và đảm nhận vị trí Chủ tịch sau đó hơn 1 năm – vào tháng 08/2012.

Ông Phương Hữu Việt.
Ông Phương Hữu Việt.

Ông Phương Hữu Việt, sinh năm 1964, từng có thời gian học Đại học Hàng Hải Odessa tại Nga giai đoạn 1982-1988.

Giai đoạn 1989-1995, ông Việt về nước công tác tại Bộ Công An, được biệt phái làm Chủ tịch Công ty Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương - nay là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (đến tháng 3/2011). Năm 1996, ông học quản trị kinh doanh cao cấp tại Hoa Kỳ.

Ngoài vai trò Chủ tịch VietABank và Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, ông Việt còn đảm trách các chức vụ Chủ tịch Hội các nhà DN trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ucraina...

Tập đoàn Việt Phương hiện đầu tư đa ngành nghề ở Việt Nam và nước ngoài, với quy mô trên 20 công ty thành viên. Bất động sản và khoáng sản là hai trong những ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn.

Trước đó, từ năm 2010, Tập đoàn Việt Phương đã mua 51 triệu cp VietABank khi ngân hàng gặp áp lực tăng vốn. Từ đó, cơ cấu sở hữu của VietABank có thay đổi lớn khi Tập đoàn Việt Phương và Chủ tịch Phương Hữu Việt nắm tỷ lệ lớn nhất tại ngân hàng, đánh dấu công cuộc đổi chủ tại Ngân hàng này.

Mặc dù vậy, hiện tại VietABank vẫn đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và nghiên cứu phương án hợp nhất/sáp nhập với tổ chức tín dụng khác.

Mặc dù quy mô liên tục tăng lên qua các năm nhưng hiện VAB vẫn là một trong những ngân hàng có quy mô vốn vào loạt nhỏ trong ngành. Đến 30/9/2016, tổng tài sản của ngân hàng này mới đạt 50.000 tỷ đồng.

Lan Chi

Cùng chuyên mục
XEM