Những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất trên thế giới: Từ công nhân, người thu mua phế liệu đến “nữ tướng” trên thương trường
Khởi đầu là công nhân, giáo viên hay chỉ là người đi mua phế liệu, nhưng với quyết tâm và tài năng, họ đã gây dựng sự nghiệp và trở thành những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới.
Zhou Qunfei – nữ công nhân thành công từ 22 tuổi
Theo CNBC, Zhou Qunfei là một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới, ít ai biết bà Zhou Qunfei từng phải bỏ học, làm công nhân trong nhà máy.
Bà Zhou sinh năm 1958 trong một gia đình nông thôn nghèo có 3 anh chị em. Từ nhỏ, bà cùng các anh chị em đã phải chăn nuôi vịt, heo để phụ giúp gia đình kiếm tiền. Bà có tuổi thơ đầy bi kịch khi mẹ qua đời năm 5 tuổi, còn cha bị mất thị lực và một ngón tay vì tai nạn lao động.
Năm 16 tuổi, bà phải bỏ học để làm công nhân cho một nhà máy sản xuất mặt kính đồng hồ. Bà được trả lương 1 USD/ngày và học những kiến thức cơ bản về mặt kính đồng hồ. Tuy nhiên, bà sớm chán nản với những ca làm việc dài đằng đẵng và khắc nghiệt từ 8h đến 0h, thậm chí có hôm đến 2h hôm sau.
Năm 2003, ở tuổi 22, với 3.000 USD tiết kiệm được từ những năm lao động cực khổ, bà cùng một số người thân thành lập công ty sản xuất mặt kính đồng hồ của riêng mình Lens Technology đặt trụ sở tại tỉnh Hồ Nam.
Khi ngành công nghiệp điện thoại di động bùng nổ, Lens Technology trở thành nhà cung cấp mặt kính cho nhiều hãng điện thoại lớn như HTC, Nokia, Samsung. Năm 2007, công ty này trở thành nhà cung cấp mặt kính cho phiên bản iPhone đầu tiên của Apple.
Đầu năm 2015, Lens Technology chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán đưa bà Zhou trở thành tỷ phú.
Bà hiện sở hữu đế chế với hơn 30 nhà máy và đội ngũ công nhân lên tới 75.000 người. Ở tuổi 47, bà Zhou nắm giữ tài sản ròng ước tính 12,5 tỷ USD, là tỷ phú giàu thứ 13 Trung Quốc, cũng là một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước này, theo xếp hạng của tạp chí Forbes.
Nữ giáo viên dạy hóa vụt sáng thành chủ tịch
Giữ vị trí nữ tỷ phú giàu xếp hạng thứ 2 đất nước tỷ dân Trung Quốc chính là là bà Zhong Huijuan, 60 tuổi, hiện tại đang là Chủ tịch của Tập đoàn dược phẩm Hanshoh, sở hữu khối tài sản ròng có giá trị lên đến 18 tỷ USD. Bà Zhong từng là một người giáo viên dạy hóa trước khi bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 34 với một CTY chỉ 10 nhân viên.
Bà Zhong là nhà sáng lập, cổ đông lớn và chủ tịch của nhà sản xuất thuốc Trung Quốc Hansoh Pharmaceutical, chuyên nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị các bệnh hệ thần kinh trung ương, ung thư, nhiễm trùng, tiểu đường, cũng như các vấn đề về tiêu hóa và tim mạch.
Trước đó, bà Zhong lấy bằng hóa học từ Đại học Sư phạm Giang Tô và tham gia giảng dạy tại một trường trung học cơ sở ở Liên Vân Cảng sau khi tốt nghiệp. Chồng bà, ông Sun Piaoyang, làm việc tại một nhà máy dược phẩm nhà nước trong cùng thị trấn.
Vào năm 1995, bà Zhong nghỉ dạy học và thành lập Hansoh Pharmaceutical Giang Tô với chỉ 10 nhân viên. Công ty phát triển nhanh chóng và đạt doanh thu 4,5 triệu USD vào năm 1997. Sau đó, công ty mở nhà máy sản xuất thuốc đầu tiên vào năm 2000. Đến năm 2016, Hansoh nhận được vốn đầu tư từ Hillhouse Capital Group, một trong những công ty tư nhân nổi tiếng nhất tại châu Á.
Công ty huy động được 1 tỷ USD khi ra mắt trên sàn chứng khoán Hong Kong vào mùa hè năm 2019, nâng mức định giá lên 10 tỷ USD. Sau ngày giao dịch đầu tiên của Hansol, bà Zhong trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất châu Á với tổng tài sản 10,5 tỷ USD.
Diane Hendricks - nữ tỷ phú từ trại bò sữa
Sở hữu tài sản 11,6 tỷ USD, bà Diane Hendricks – nữ tỷ phú tự thân giàu nhất tại Mỹ theo xếp hạng của Forbes, không được thừa kế tài sản từ thế hệ trước. Thay vào đó, bà trải qua tuổi thơ trên một trang trại sữa ở bang Wisconsin, nơi bà được tôi luyện phẩm chất lao động chăm chỉ để sau này xây dựng cả “đế chế” kinh doanh.
Năm 2021, bà Hendricks giữ danh hiệu phụ nữ tự thân giàu nhất tại Mỹ của Forbes 5 năm liên tiếp. Tài sản của bà chủ yếu đến từ ABC Supply – công ty vật liệu do bà và người chồng quá cố xây dựng. Hiện bà giữ chức chủ tịch công ty này.
Chia sẻ với Forbes năm 2017, bà Hendricks cho biết, việc quan sát cha mẹ làm việc trên trang trại 24/7 đã giúp hình thành cho bà phẩm chất làm việc chăm chỉ - điều vô cùng quan trọng từ những năm tháng tuổi trẻ.
Bà Hendricks chia sẻ rằng một số giấc mơ của bà rất đơn giản, như chuyển tới một thành phố và mặc quần áo vest đi làm mỗi ngày. Hành trình thực hiện những ước mơ này có bước ngoặt lớn khi bà gặp và kết hôn với một người chuyên thầu lắp mái nhà Ken Hendricks vào những năm 1970. Cùng nhau, hai người đã tập hợp các tài năng và đồng sáng lập công ty ABC Supply, đặt trụ sở tại Beloit, Wisconsin.
Vào năm 1994, công ty này có 100 chi nhánh. 4 năm sau đó, lần đầu tiên doanh thu năm của công ty vượt 1 tỷ USD.
Kể từ khi chồng qua đời vào năm 2007, bà Hendricks đã một mình điều hành ABC Supply. Theo website chính thức, công ty này hiện có hơn 840 chi nhánh và là công ty chưa niêm yết lớn thứ 23 tại Mỹ, theo Forbes. Trong vòng 5 năm qua, ABC Supply đã mua lại tài sản của 18 công ty khác – dấu hiệu cho sự thống lĩnh thị trường.
CEO “gã khổng lồ sợi hóa học Trung Quốc”
Nữ tỷ phú Fan Hongwei bắt đầu sự nghiệp với nghề kế toán và đến với ngành công nghiệp hóa sợi nhờ vào sự dẫn dắt của chồng, ông Chen Jianhua. Vợ chồng bà khởi nghiệp từ những năm đầu thập niên 1990, buôn bán nguyên liệu thô.
Năm 1994, vợ chồng Fan quyết định mua lại một nhà máy dệt đang thua lỗ. Họ tiến hành cải cách nhà máy, thuyết phục công nhân cũ ở lại làm việc và đã phục hồi sản xuất chỉ trong một năm. Vợ chồng Fan sau đó mở rộng quy mô sản xuất, đến đầu những năm 2000, Hengli trở thành một trong những công ty dệt lớn nhất thế giới.
Mới đây, bà Fan Hongwei đã chuyển quyền sở hữu một công ty đầu tư, Hengneng Investment (Dalian), với số cổ phiếu tương đương 3,8 tỷ USD cho chồng bà, tỷ phú Chen Jianhua.
Ông Chen hiện điều hành Hengli Group có trụ sở chính tại Tô Châu, một công ty cổ phần của Hengli Petrochemical. Ông hiện sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 8,3 tỷ USD. Hengli Group được thành lập năm 1994, hiện có ba công ty niêm yết là Hengli Petrochemical, Guangdong Songfa Ceramics và Suzhou Wujiang Tongli Lake.
Sau khi chuyển nhượng cho chồng số cổ phiếu khổng lồ trên, Fan vẫn là một trong những phụ nữ giàu nhất thế giới với khối tài sản khoảng 4,4 tỷ USD.