Những người phụ nữ "còng lưng" lội ruộng cấy thuê kiếm nửa triệu mỗi ngày
Từ mờ sáng, trên khắp các cánh đồng xứ Nghệ đã râm ran tiếng trò chuyện, cười đùa. Họ là những người đi cấy thuê thời vụ để mưu sinh trong những ngày mùa cuối đông.
Những ngày giáp Tết, trái ngược với cảnh tấp nập đi sắm Tết ở các ngõ phố thì trên những cánh đồng là những dáng người gầy gò, nhỏ bé nhấp nhô cấy lúa cho mùa vụ mới. Đa số những người có mặt trên đồng ruộng đều là những người đi cấy thuê kiếm thêm thu nhập thời vụ.
Thời điểm cuối tháng 1/2022, thời tiết ấm dần lên nên các địa phương ở Nghệ An , Hà Tĩnh tranh thủ để gieo, cấy cho kịp vụ Đông Xuân. Mỗi vụ gieo cấy chỉ diễn ra trong vòng vài ba tuần nên những gia đình có ruộng nhiều nhưng ít người đành phải thuê đội ngũ đi cấy thuê cho kịp.
Những ngày cận Tết, người dân ở nhiều huyện nông thôn của Nghệ An, Hà Tĩnh lại nhộn nhịp xuống đồng để làm mùa vụ Đông Xuân 2022.
Hơn 1 tuần nay, bà Nguyễn Thị Thanh (51 tuổi, trú xã Quang Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã đi cấy thuê cho hết gia đình này đến gia đình khác. Bà Thanh tính qua loa cũng đã cấy thuê cho hơn chục nhà. Có nhà chỉ cấy 1 buổi là xong, nhưng có nhà cũng phải cấy từ sáng đến tối mịt.
Công việc liên tục lội ruộng bùn và cúi gập người để cấy nên khá vất vả. Nhiều người sau vài ngày đi cấy thuê đã trở chứng đau lưng, xương khớp. Nhiều người khỏe hơn thì có thể trụ được cả tuần mới đau.
Bà Thanh cho hay, mỗi ngày bà có thể kiếm được 300-400 nghìn đồng từ nghề cấy thuê.
"Chúng tôi thành lập 1 đội chuyên đi cấy thuê, 1 người đứng ra nhận rồi phân công nhau đi cấy. Cứ tờ mờ sáng là chuẩn bị thức ăn rồi gọi nhau đến ruộng đã nhận để làm. Vì mùa vụ ngắn nên phải cấy nhanh cho kịp còn đi làm ruộng khác, chứ không thì không có thu nhập nhiều", bà Thanh chia sẻ.
Theo bà Thanh, mùa này đi cấy thuê chỉ bị đau lưng chứ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi thời tiết không lạnh cũng không nắng. Mỗi ngày đi cấy thuê bà nhận về được 300 nghìn đồng. Có ngày cấy được nhiều hay ruộng khó, ruộng xa thì nhận được 400-500 nghìn đồng.
Người dân ra đồng nhổ mạ để cấy lúa.
Đang tranh thủ nghỉ tay ăn miếng bánh lót dạ, chị Trần Thị Hoành (37 tuổi, trú xã Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho hay, do lội ruộng nước, cúi cả buổi nên bụng nhanh đói.
Vì thế nên mọi người đi cấy thường phải mang thêm ít bánh, hoa quả để ăn lót dạ giữa buổi nghỉ giải lao. Có nhiều gia đình thuê cấy cũng mang bánh, hoa quả ra để những người cấy thuê bồi bổ sức khỏe.
Tranh thủ ăn miếng bánh lót dạ nghỉ ngơi sau nhiều giờ đồng hồ cúi mặt cấy lúa.
Chị Hoành cho hay, gia đình chị cũng làm nông nghiệp, nhưng ruộng nhà ít nên chị đã tranh thủ cấy sớm từ trước. Sau khi xong việc nhà, chị cùng mọi người lại đi nhận ruộng cấy thuê.
Công việc chỉ tạm thời nhưng chị Hoành cũng kiếm được ngày từ 300-400 nghìn/ngày. Xong mùa vụ, chị Hoành cũng có thêm ít tiền để sắm Tết cho các con, cho Tết thêm tươm tất.
Mỗi ngày đi cấy, người dân thường mang theo những giỏ đồ gồm đầy đủ thức ăn trưa, ăn dở buổi và nước uống để cả ngày có thể làm việc ngoài đồng mà không cần về nhà.
"Đợt vừa rồi tôi đi cấy được 1 tuần, tính ra gom góp cũng được hơn 2 triệu. Tết này về mua cho mấy đứa nhỏ ít đồ mới, ít bánh kẹo cho chúng mừng", chị Hoành chia sẻ.
Nghề "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" tuy vất vả, lấm lem bùn đất cả ngày nhưng trên ánh mắt những người thợ cấy vẫn luôn nở nụ cười tươi vào cuối ngày. Bởi lúc đó là kết thúc một ngày làm việc vất vả để nhận được những đồng tiền công quý giá.
Rời cánh đồng ruộng đầy bùn đất, những người thợ cấy lại trở về bên mái ấm gia đình, lo cho các con.
Nhiều cụ ông không thể đi cấy cũng tranh thủ mang ghế ra những cánh đồng để nhổ mạ cho mọi người cấy.