Những người đi làm cả năm không tiết kiệm được đồng nào
Dù vậy, những người trẻ này vẫn không cảm thấy quá nuối tiếc khi không có tiền tích luỹ trong năm nay.
Cuối năm cận kề, nhiều bạn trẻ chia sẻ đầy tự hào hoàn thành các mục tiêu tài chính trong năm nay. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những người không có khoản tiền tiết kiệm sau 1 năm làm việc, học tập chăm chỉ. Vì đâu nên nỗi?
Chi tiêu du lịch trả thù
Hạ Vy (26 tuổi, nhân viên văn phòng) mỗi năm đều đặt ra mục tiêu tiết kiệm, tuy nhiên không có con số cụ thể. Bởi vì cô bạn cho rằng mọi sự kiến biến động có thể xảy ra, chẳng hạn nền kinh tế biến động, thất nghiệp, khoản chi lớn bất ngờ. “Năm vừa rồi, thu nhập tăng, mình kỳ vọng sẽ tích lũy nhiều hơn năm ngoái, tầm 20-30% thu nhập. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này khi nhìn lại, mình gần như không tiết kiệm được gì”.
Những khoản chi tiêu lớn cuối năm đã khiến cô tiêu hết tiền tích luỹ trong đầu năm. Năm qua, Hạ Vy cũng giống như nhiều người khác đã “du lịch trả thù”, cô bạn đã mua vé xem concert ở Singapore của thần tượng sau 2 năm bị “bó chân” ở nhà. Tổng chi phí chuyến đi rơi vào khoảng 30 triệu đồng, gần 2 tháng lương. Ngoài ra, năm qua cô bạn 26 tuổi chuyển ra ngoài ở riêng, mua một số món đồ có giá trị lớn như điện thoại. Thêm vào đó, đợt cuối năm này có rất nhiều khoản phải chi, đi chơi lễ tết mừng năm mới, sắm Tết,....
Chuyến concert của Hạ Vy - Ảnh: NVCC
“Mình đã tăng được thu nhập lên một mốc mới nên cảm thấy tự tin hơn khá nhiều trong vấn đề tài chính, nhất là với một người còn độc thân chưa vướng bận gì nhiều. Ngay cả khi không tiết kiệm được như mong muốn, mình vẫn thấy ổn vì quan điểm cá nhân là kiếm tiền quan trọng hơn tích luỹ”, Hạ Vy chia sẻ.
Dù không đạt được mục tiêu đề ra, cô bạn không cảm thấy quá buồn cũng như tiếc nuối. Bởi vì Hạ Vy đã có được những trải nghiệm đáng giá cũng như nâng cao chất lượng đời sống, kỷ niệm vui vẻ khi đi du lịch. “Đó đều là những khoản tiền lớn mình bắt buộc phải tiêu và không hề hối hận vì đã bỏ ra. Sau tất cả, chúng vẫn đáng giá”.
Không đạt được mục tiêu tiết kiệm
Ngọc Trân (20 tuổi, sinh viên) chia sẻ: “Năm nay, mình đặt mục tiêu tiết kiệm tầm 10 triệu đồng và số tiền đầu tư trước đó có thể sinh lời”. Tuy nhiên, kế hoạch này đã “đổ bể” do cuối năm dồn tiền chi tiêu quá nhiều. Dù đang đi học, Ngọc Trân làm thêm một vài công việc giúp cô bạn có nguồn thu nhập khá tốt.
Ngọc Trân đã bắt đầu sắm Tết các dụng cụ máy móc phục vụ để làm công việc nhà dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cô bạn đầu tư sức khỏe mua thực phẩm chức năng, đồ tẩm bổ, quần áo, gói tập gym.
Bên cạnh đó, đầu năm nay, khoản đầu tư của Ngọc Trân có sinh lợi, nhưng về sau nó bị ảnh hưởng bởi tình hình chung không khả quan của thị trường. Tuy nhiên, với những khoản đầu tư cho sức khoẻ và học tập, Ngọc Trân luôn cảm thấy xứng đáng.
Dồn tiền đi học để chuyển sang lĩnh vực mới
Trước đó, Thuỳ Linh (25 tuổi) làm trong ngành kế kiểm, có công việc với mức thu nhập khoảng 25-30 triệu đồng. Song, do mong muốn sang một lĩnh vực mới để trải nghiệm nhiều hơn, Thuỳ Linh đã bỏ việc. “Mình nghỉ việc từ tháng 5 để tập trung học về phân tích dữ liệu - một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam nhưng rất có tiềm năng trong tương lai. Đây là một ngành cần phải có kiến thức chuyên môn mới có thể xin việc nên mình đã rút tiết kiệm ra để đi học”.
Năm nay, Thuỳ Linh không tiết kiệm được đồng nào, hơn thế nữa, cô bạn còn phải dùng đến khoản tích luỹ trong những năm qua. Tuy nhiên, cô bạn 25 tuổi cho rằng đây là một khoản đầu tư đúng đắn. Chấp nhận thất nghiệp một thời gian để học tập, có bàn đạp hướng tới thu nhập tốt hơn trong tương lai là một quyết định khó khăn. “Đôi lúc, tưởng chừng như bản thân chậm lại nhưng thật ra chỉ đang chờ để bứt tốc, do vậy, mình thấy không có gì để nuối tiếc”.
Bên cạnh đó, trong năm nay, Thuỳ Linh cũng hiểu được tầm quan trọng của khoản tích luỹ. Để có thể đưa ra lựa chọn thất nghiệp nửa năm, học bộ môn mới, điều kiện tiên quyết là phải có đủ tiền để chi trả trong khoảng thời gian đó. Vì vậy, có tiền tích luỹ giống như một tấm đệm an toàn giúp cô bạn thỏa sức lựa chọn cuộc sống bản thân muốn.