Những “mạnh thường quân” của nông dân trong mùa dịch Corona: Người giải cứu nông sản rồi phát miễn phí, bán với giá vốn; doanh nghiệp hỗ trợ kho bãi và truyền thông để nông dân tự bán nông sản

14/02/2020 08:51 AM | Kinh doanh

Với nhiều cá nhân và tổ chức ở miền Nam, sức người là có hạn, họ không thể mua hết tất cả dưa của nông dân Tây Nguyên và miền Trung để đi bán hoặc biếu tặng. Thế nên, họ nghĩ ra một cách hết sức thông minh và thiết thực: hỗ trợ các nguồn lực như kho bãi và truyền thông, để nông dân thuận lợi tự đi bán dưa.

Chưa bao giờ, phong trào giúp đỡ người nông dân tiêu thụ nông sản khi họ gặp khó khăn lại lan nhanh và sâu rộng như trong mùa đại dịch Corona. Trong khoảng 1 tuần nay, cư dân các tỉnh thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương dễ dàng bắt gặp cảnh “mạnh thường quân” nào đó bán/cho/hỗ trợ nông sản cho bà con nông dân, tiêu biểu là dưa hấu và thanh long.

Đó có thể là một quầy hàng bán thanh long/dưa hấu dọc đường của một đám bạn nào đó, hoặc một xe tải dưa hấu của chính người nông dân trồng dưa từ Ninh Thuận hoặc Gia Lai, có thể nữa là cảnh nhiều doanh nghiệp mang ra đường phát miễn phí cho khách đi đường….

Tuy nhiên, lần này, công cuộc hỗ trợ đã có rất nhiều bước phát triển tích cực và hiệu quả. Với nhiều cá nhân và tổ chức ở miền Nam, sức người là có hạn, họ không thể mua hết tất cả dưa của nông dân Tây Nguyên và miền Trung để đi bán hoặc biếu tặng. Thế nên, họ nghĩ ra một cách hết sức thông minh và thiết thực: hỗ trợ các nguồn lực như kho bãi và truyền thông, để nông dân thuận lợi tự đi bán dưa.

Các doanh nghiệp TP. HCM đang tích cực vào cuộc

Nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với nông dân tỉnh Đắc Lắc trong giai đoạn khó khăn do thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, ngày 10/2/2020, chi nhánh Thành Phố Mới của Kim Oanh Real (thành viên Kim Oanh Group) đã chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ 10 tấn dưa hấu.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 1.

Các nhân viên của Kim Oanh đang bốc vác dưa từ trên xe xuống mặt đất.

Từ sáng sớm, nhận được thông tin, hàng trăm người dân đã đến văn phòng trụ sở Kim Oanh Group tại thành phố mới Bình Dương để nhận dưa hấu miễn phí. Đây là dưa do nông dân ở huyện Krông Ana - tỉnh Đắc Lắc trồng và nhiều ngày qua không thể xuất qua Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch virus Corona. Nhiều nông dân rơi vào cảnh khốn khó vì dưa hấu rớt giá thê thảm, từ 8.000-10.000 đồng/kg xuống chỉ còn vài ngàn đồng/kg, thậm chí nhiều hộ không bán được phải vứt bỏ tại vườn.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 2.

Ngoài cán bộ công nhân viên, họ còn tặng dưa cho những người đi đường.

Để giúp bà con nơi đây vượt qua khó khăn, nhân viên chi nhánh Thành Phố Mới đã đến tận các nhà vườn mua 10 tấn dưa hấu để vận chuyển xuống Bình Dương phát miễn phí.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc chi nhánh Thành Phố Mới, cho biết: "Qua các phương tiện truyền thông, biết được nông dân trồng dưa hấu đang gặp khó khăn về đầu ra nên chúng tôi phát động phong trào trong nhân viên để chia sẻ với bà con. Chi phí này chúng tôi thống nhất trích ra một phần từ quỹ của chi nhánh. Ngày 13/2 tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mua và phát miễn phí 10 tấn dưa nữa".

Xem thêm các tác động kinh tế của dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) tại ĐÂY.

Một ngày sau, đến lượt Tập đoàn Thành Thành Công thể hiện nghĩa cử của mình với người nông dân.

Ngày 11/02/2020, 20 tấn dưa hấu đầu tiên đã được vận chuyển từ Gia Lai đến đến trụ sở của Thành Thành Công trên đường Hoàng Văn Thụ - quận Tân Bình. Hành động này như là cách đồng hành cùng người nông dân của cán bộ công nhân viên Thành Thành Công giúp nông dân thu hồi vốn, trước tác động của đại dịch Corona (2019-nCoV) gây ra.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 4.

Các nhân viên của TTC Sugar đang nhận dưa từ công ty.

Ban đầu, Thành Thành Công dự tính mang dưa hấu tặng cán bộ công nhân viên công ty cũng như mang đi tặng những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng sau đó có nhiều người dân bình thường thấy dưa để đầy ngoài trụ sở, họ có hỏi thăm và tha thiết muốn mua để góp phần trợ giúp nông dân, nên Thành Thành Công có bán một ít với giá 10.000 đồng/trái khoảng 3kg đến 5kg, như cách vừa bán vừa tặng.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 5.

Trong vài ngày gần đây, trước trụ sở của Thành Thành Công luôn có rất nhiều dưa và thanh long.

Sáng 13/2, 20 tấn thanh long từ Bình Thuận cũng đã về đến trụ sở Tập đoàn; sau đó, Thành Thành Công đã phối hợp với các cơ quan và tổ chức khác trên địa bàn quận Tân Bình để phân phát 10 tấn thanh long đến bà con nghèo trên địa bàn quận và 10 tấn gửi đến các chùa làm từ thiện cũng như tặng cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 6.

Nhân viên của Thành Thành Công đang bốc xếp thanh long lên xe đến tặng các bà con nghèo trên địa bàn quận Tân Bình.

"Động thái này tuy nhỏ nhưng tôi hy vọng sẽ phần nào giảm nỗi lo âu, giúp bà con nông dân giải phóng bớt hàng tồn", bà Hồ Thị Phương Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công, nêu vấn đề. Kinh phí mua 20 tấn dưa hấu và 20 tấn thanh long đều được Thành Thành Công tự bỏ tiền túi ra mua, không huy động từ cán bộ công nhân viên.

Cũng trong vài ngày gần đây, trụ sở của công ty bất động sản Phúc Khang cũng ngập ngụa dưa, khi doanh nghiệp này đã quyết định mua 70 tấn dưa hấu để hỗ trợ người nông dân qua cơn khốn khó.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 7.

Phúc Khang đã giúp bà còn Gia Lai tiêu thụ khoảng 80 tấn dưa hấu.

"Sau khi Giám đốc của chúng tôi đề nghị công ty mua khoảng 70 tấn dưa hấu để hỗ trợ nông dân, tôi đã liên hệ với Ninh Thuận trước tiên, nhưng được báo là dưa không còn vì thương lái đã quay lại thỏa thuận với mức giá như nông dân kỳ vọng. Nông dân đã chọn thương lái vì mối làm ăn lâu dài, nhưng họ cũng đã gửi lời cảm ơn chúng tôi.

Sau đó, chúng tôi quay sang liên hệ với Gia Lai, lần này Giám đốc muốn mua 80 tấn và Gia Lai thông báo là đủ hàng. Chúng tôi muốn mang số dưa hấu này đi biếu tặng các mái ấm cũng như viện dưỡng lão, các cơ quan Nhà nước trên địa bàn cũng như nhân viên, đối tác và khách hàng của công ty", anh Trương Đăng Khoa - đại diện truyền thông của Phúc Khang cho biết.

Cá nhân và các tổ chức cũng hỗ trợ hết sức hiệu quả

Không như doanh nghiệp, với nguồn lực hạn chế, các cá nhân và tổ chức nhỏ cũng có những cách riêng của mình, hết sức sáng tạo, thiết thực và hữu hiệu.

Mới đây, nhờ có cách làm thông minh, dù với nhân lực và tài lực không nhiều, anh Nguyễn Quang Thịnh cùng các bạn bè của mình trong JCI – trực thuộc YBA đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoảng hơn 100 tấn dưa hấu.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 9.

Một địa điểm bán lẻ được quản lý bởi nhóm của anh Thịnh.

"Đầu tiên, chúng tôi chỉ làm cho vui, khi một chị trong nhóm đứng ra hỗ trợ mua về khoảng 2 tấn dưa hấu. Sau đó, trước tình hình ngày càng ảm đạm của thị trường, chúng tôi đã quyết định làm lớn, với mục tiêu hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoảng 100 tấn dưa hấu. Hiện tại, mục tiêu của chúng tôi đã hoàn thành, chưa kể 500 đơn lẻ.

Với giá dưa tại ruộng Gia Lai khoảng 2.000 đồng/kg (cập nhật ngày 1/2/2020), bốc xếp khoảng 500 đồng/kg, logistic thêm 1.000 đồng/1kg nữa; theo đó, các nông dân sẽ chủ động 3 mục này, rồi giao dưa hấu cho chúng tôi tại Sài Gòn với giá khoảng 3.500 đồng/kg. Người nông dân cũng sẽ chịu thêm các phí nếu có như bến bãi, truyền thông, nhân sự bán dưa (lương hỗ trợ)…

Còn chúng tôi sẽ hỗ trợ khâu bán lẻ online - vận chuyển, kể cả cho những điểm mà chúng tôi không quản lý. Giá bán ra đang là 5.000 đồng/kg", anh Nguyễn Quang Thịnh chia sẻ.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 10.

Một địa điểm được nhóm anh Thịnh kết nối cho người dân bán dưa.

Họ hỗ trợ theo những ưu tiên như sau: kết nối với các điểm bán hàng để người nông dân tự bán hàng với mức giá họ mong muốn; kết nối trực tiếp với những cá nhân/tổ chức chung suy nghĩ muốn hỗ trợ cho người trồng dưa đang khó khăn, nếu họ cần hỗ trợ bán lẻ online + giao hàng thì họ sẽ tổ chức giúp; bán lẻ online và tổ chức giao dưa; bán lẻ tại các điểm cho khách vãng lai; cuối cùng là cố gắng tiếp cận với 1 vài hướng xuất khẩu cho các thị trường khác.

Còn theo chia sẻ khác của chị Nguyễn Kim Hảo, thành viên trong nhóm, thì dưa trồng ở Gia Lai không chỉ xuất khẩu đi Trung Quốc mà cả đi Brunei và Malaysia. Nhưng không hiểu vì lý do gì, cả hai thị trường này cũng từ chối nhập khẩu dưa Việt Nam, có lẽ họ muốn hạn chế dịch bệnh và không tiếp nhận nông sản ở các nước liên đới, sát cửa khẩu, chưa cách ly kịp thời.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 11.

Dưa Gia Lai không chỉ trồng để xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc mà cả Brunei và Malaysia.

Hiện tại, nhóm của anh Thịnh đang quản lý 3 điểm bán trực tiếp ở Thích Quảng Đức, Hồ Hảo Hớn và nha khoa Apona; các điểm còn lại tại quận 7, quận 10 và Tân Tạo họ không quản lý, chỉ kết nối để cung cấp cho nông dân trồng dưa địa điểm thuận lợi để bán hàng. Nguyên do là họ không có đủ lực để quan tâm tất cả các điểm bán. Ví dụ như tại Tân Tạo, họ kết nối với ban quản lý của một chung cư rồi tặng cho nhà nông 1 cái băng rôn tươm tất, sau đó nhà nông dùng bãi này để tập kết và chủ động bán hàng.

"Mục tiêu của chúng tôi là không tập trung lợi nhuận và không quan tâm lợi nhuận (cho những điểm chúng tôi không quản lý), làm sao để hỗ trợ kết nối cho người trồng dưa bán được dưa trước khi dưa bị hư. Riêng những điểm chúng tôi quản lý: nếu lợi nhuận có được đáng kể, có thể tính toán để quay lại gửi thêm cho người trồng dưa.

Bản thân tôi cũng xuất thân từ gia đình nông dân, nên hiểu khó khăn của nhà nông. Chúng tôi biết là sẽ không làm được gì nhiều, nhưng giúp được bao nhiêu trong khả năng của mình thì giúp thôi.

Hiện thương lái ở Gia Lai đã bắt đầu mua dưa lại với giá khoảng 3.000 đồng/kg đến 3.500 đồng/kg nhưng vẫn khá dè dặt nên không đủ để hấp thu tất cả sản lượng hiện nay, khi dưa đã phải thu hoạch, không thể chờ", anh Nguyễn Quang Thịnh khẳng định.

Không chỉ tập thể, mà cá nhân cũng kết nối theo cách rất dễ thương của riêng họ; như chị Đỗ Thu Hiền vừa lên lên Facebook để bán hàng và truyền thông giúp vườn thanh long của thầy dạy bơi con gái mình.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 12.

Status trên FB để hỗ trợ thầy giáo con gái bán thanh long của chị Đỗ Thu Hiền.

"Lần đầu làm chuyện ấy: Giải cứu nông sản Việt. Mình đang có kế hoạch giải cứu vườn thanh long đỏ của nhà thầy giáo dạy bơi cho con gái mình. Do người dân bị vỡ trận đơn hàng từ thương lái Trung Quốc, nên hiện tại vườn thanh long tại Long An với khối lượng khoảng 5 tấn ruột đỏ, quả to và rất ngon, ngọt ( 2 mùa gần đây nhất mình đã được thầy tặng và cả nhà đã rất ưng ý) hiện tại đến ngày thu hoạch mà không được thu mua.

Rất mong mọi người, bạn bè, đồng nghiệp, cùng chung tay với mình để giúp cho người nông dân lấy lại được chút vốn tiếp tục duy trì công việc trồng trọt cho năm sau", status của chị Thu Hiền có đoạn.

Sau đó, trên Facebook của chị Hiền đã nhận được rất nhiều ủng hộ từ bạn bè và người quen, có người mua 5kg có người mua 7kg đến 10kg. Thậm chí có người còn than thở, mua 10kg về vẫn chưa biết làm gì nhưng vẫn cứ mua.

Muôn kiểu hỗ trợ nông dân trong mùa đại dịch Corona của doanh nghiệp và người dân miền Nam: Ngoài mua lại rồi phát miễn phí hoặc bán với giá vốn, còn giúp nông dân kết nối các nguồn lực để họ tự thân vận động - Ảnh 13.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM