Những lãnh đạo nổi tiếng nhất thế giới đều áp dụng 3 bước sau để đạt được thành công
Từ Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Jack Ma hay Martin Luther King Jr. đều áp dụng 3 bước để đạt được thành công với khởi đầu khiêm tốn nhất.
Những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Martin Luther King Jr., Steve Jobs, Mark Zuckerberg hay Bill Gates đều có những khởi đầu vô cùng bình thường.
Mặc dù vậy, họ đều có đặc điểm chung là thuyết phục người khác tham gia trên con thuyền đầy mạo hiểm của mình nhưng họ cũng có sức mạnh để đẩy lùi nỗi sợ hãi của nhân viên và cùng xây dựng một tương lai hoàn hảo.
Mô hình thường thấy trong thời điểm gần đây giống với những nhà lãnh đạo trên có thể kể tới... bán hàng đa cấp, tại sao chỉ với lời nói cùng một số bước thực hiện có thể khiến nhiều người bị thuyết phục và sẵn sàng dấn thân vào con đường mạo hiểm?
Hai nhà nghiên cứu tại Harvard là Nancy Duarte và Patti Sanchez đã công bố 3 bước để dẫn tới thành công của những người nổi tiếng trên thế giới, cách thức để xây dựng nên một đế chế vững mạnh bằng khởi đầu tưởng chừng như khiêm tốn nhất.
Tất nhiên, nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu nói trên không có mấy liên quan tới... bán hàng đa cấp, thế nhưng nếu bạn đang có một ý tưởng lớn và không ngại đi trên con thuyền khởi nghiệp đầy gian nan, đây là những bước bạn có thể bắt đầu công cuộc khởi nghiệp của mình.
Nghiên cứu của Nancy Duarte và Patti Sanchez chia ra làm 3 giai đoạn chính, tất nhiên mỗi giai đoạn sẽ có những khó khăn và vinh quang khác nhau nhưng cách tiếp cận và triển khai chúng có rất nhiều điểm tương đồng.
Đặt niềm tin vào vô định
Ban đầu khi mà mọi thứ mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng sẽ rất khó để thuyết phục một người khác cộng tác cùng mình xây dựng nên tương lai. Trong giai đoạn đầu tiên, hai nhà nghiên cứu cho hay điểm chung của những dự án thành công là người khởi xướng (founder) chia sẻ ý tưởng của mình, giấc mơ của mình với những người khác để thuyết phục họ cùng tham gia vào một tương lai chưa ai rõ.
Những người khởi xướng sẽ giống với người cầm đuốc dẫn đầu soi sáng đường hầm tối dẫn tới một cánh cửa sáng hơn. Trong giai đoạn đầu tiên, họ sẽ đưa ra những viễn cảnh tương lai tươi đẹp, các dự án và chiến dịch thành công để lấy niềm tin của người tham gia sau đó đưa họ vào một tương lai có sự đóng góp của họ để tạo thêm sự thuyết phục nhất định.
Đây cũng là lý do mà nhiều CEO hay chủ tịch các công ty, tập đoàn hay đưa ra những bài phát biểu về tầm nhìn mỗi khi năm mới tới. Đây là cách thức để huy động số đông cùng đi tới một cái đích cố định và cùng phấn đấu để tập thể vững mạnh hơn.
Sau đó những người khởi xướng sẽ tạo cảm hứng cho mọi người về những cái đích tiếp theo, những trách nhiệm mà họ cần thực hiện để đạt được mục đích này, đây không phải là điều đơn giản vì bản thân mỗi người đều dị ứng với những thứ họ bị ép buộc phải làm.
Đây cũng là lý do tại sao người khởi xướng hay đưa ra những phần thưởng hấp dẫn nếu người tham gia đạt được thành quả nhất định, cách thức đánh vào tâm lý ăn thua, chấp nhận "cố đấm ăn xôi" để mang hiệu quả cao nhất trong công việc.
Vào năm 2005 tại mội hội nghị lập trình viên của Apple, Steve Jobs công bố một thay đổi lớn trong nền tảng máy tính của Apple khiến các lập trình viên điêu đứng vì họ cần phải thay đổi chính mình để phù hợp với những gì mà Apple hướng tới.
Thế nhưng, Steve Jobs đã khéo léo nhắc họ về những gì mà Apple đã làm được, tương lai của Apple hay nhiều lời gợi mở về việc chung tay thay đổi thế giới, phá vỡ giới hạn bản thân.
Đây cũng là điểm kết thúc của giai đoạn đầu khi mà các công ty đi vào giai đoạn vận hành, tiến tới quá trình duy trì, phát triển đầy rủi ro nhưng cũng nhiều hứa hẹn.
Những cú vấp đầu tiên
Giống với nhiều bộ phim hay các tiểu thuyết nổi tiếng, phần giữa luôn là nơi để những mâu thuẫn, căng thẳng hay kịch tính xảy ra. Điều này cũng dễ gặp phải với các công ty khi quá trình vận hành, phát triển và duy trì là giai đoạn khó khăn nhất.
Vào năm 1999, Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba, từng có phát biểu nổi tiếng: "Nếu như chúng ta là một nhóm tốt và biết chúng ta muốn làm gì thì một người cũng có thể đánh bại 10 người. Chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ hơn những công ty nhà nước hay những công ty lớn trên thế giới vì chúng ta có tinh thần bứt phá".
Đây là giai đoạn tương đối khó khăn của Alibaba khi mà tình hình hoạt động không ổn định, các đối thủ cạnh tranh ngày một mạnh mẽ hơn.
Thời điểm ấy, Jack Ma liên tục hạch sách cấp dưới của mình để đưa ra những phát kiến đột phá, mới mẻ hơn, ông bắt ép nhân viên làm việc thêm nhiều giờ để chiến thắng các đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên, Jack Ma không quên nhắc họ về những lợi ích công ty mang lại cũng như khích lệ tinh thần nhân viên để họ tiếp tục cống hiến hết mình.
Tất nhiên, không có chiến thắng dễ dàng, trải qua nhiều cú vấp ngã những nhân sự sẽ chùn bước. Lúc này những người khởi xướng cần trở thành chỗ dựa về tinh thần cho nhân viên của mình, đánh giá chính xác điểm mạnh, yếu của từng nhân sự và cho họ những phần thưởng khi họ làm tốt công việc. Những phần thưởng dù nhỏ nhưng xuất hiện với tần suất lớn vẫn tốt hơn một phần thưởng quá lớn mà chẳng ai dám mơ tới.
Cán đích
Tới giai đoạn cuối cùng, dù có thành công hay thất bại, họ cũng đạt được những mong muốn, kì vọng nhất định. Tất nhiên, chẳng ai muốn một câu chuyện đẹp có kết thúc buồn. Thế nhưng, khi tới được đích đã đặt ra ở ban đầu hoặc thất bại thảm hại, tất cả đều xứng đáng nhận được lời khích lệ hay những phần thưởng của người khởi xướng, của tập thể đã nỗ lực suốt khoảng thời gian qua.
Trong giai đoạn này, mọi thứ sẽ trở về vạch xuất phát khi mà công ty cần có định hướng mới trong tương lai. Những người khởi xướng một lần nữa vẽ ra những viễn tưởng tươi đẹp, huy động người tham gia và cùng nhau trải qua những khó khăn tưởng chừng không tưởng.