Những kiêng kỵ cần tránh khi đặt bát hương trên bàn thờ ngày Tết
Bát hương (bát nhang) là vật phẩm quan trọng không thể thiếu trong bộ đồ thờ.
Bát hương là gì?
Bát hương là một vật phẩm quan trọng trong bộ đồ thờ. Có thể nói rằng, bát hương chính là "linh hồn" tạo nên sinh khí cho bàn thờ "tụ lộc". Bát hương dùng để cắm hương (cắm nhang). Đây được coi là cách "kết nối tâm linh" giữa con cháu và ông bà tổ tiên.
Bát hương được coi là nơi giáng ngự của Thần linh và ông bà tổ tiên. Ngoài việc thể hiện tâm thành với bề trên. Bát hương còn là nơi gửi gắm những nguyện ước bình an, may mắn giúp con cháu cầu mong các cụ thương xót vuốt ve, che chở cho con cháu nơi trần thế.
Tùy theo văn hóa và quan niệm mà các gia đình có thể phụng thờ 1 hoặc 3 bát hương. Gia đình thờ 3 bát hương được đặt trên kệ, bát ở giữa có kích thước to nhất thờ Quan thần linh. Tính từ phía gia chủ hướng lên bàn thờ, phía tay phải là bát hương Gia tiên. Bát hương bên trái thờ Bà Cô, Ông Mãnh.
Trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, vào các dịp lễ Tết, ngày Sóc, Vọng thì con cháu lại dâng hương hoa, trà tửu lên bàn thờ để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ.
Bên trong bát hương có gì?
Bát hương có thể đặt trên bàn thờ để thờ cúng là bát hương được hoàn thành các thủ tục "bốc bát hương". Không phải cứ mua bát hương về đặt lên bàn thờ thắp hương là được. Bát hương cần được bốc đúng theo các nguyên tắc và có bộ cốt để trấn giữ ngôi nhà. Đồng thời, không cho âm khí, tà ma quấy phá không gian sống.
Cốt bát hương là các vật phẩm được đặt trong bát hương. Gồm: tro nếp, ngũ vị hương, bộ thất bảo, gạo vàng thần tài.
Vị trí đặt bát hương
Bát hương đặt trên bàn thờ phải tuân theo một vài nguyên tắc nhất định. Nếu coi bát hương là sợi dây kết nối tâm linh giữa hai cõi âm dương thì khi an vị cũng cần lưu ý cấp bậc.
Với gia đình có bàn thờ Phật, chỉ cần 1 bát hương là đủ.
Đối với bàn thờ Gia tiên, dùng 1 bát hương có thể sử dụng thờ Gia thần lẫn Gia tiên. Bàn thờ có 3 bát hương thì bát hương to nhất, cao nhất đặt ở vị trí trung tâm. Bát hương này thờ Gia thần. Bát hương bên phải thờ cúng Gia tiên. Bát hương bên trái thờ bà Cô, ông Mãnh.
Đối với bàn thờ dùng nhiều hơn 3 bát hương cần áp dụng nguyên tắc "Nam tả - Nữ hữu". Bát hương trung tâm vẫn thờ Thần linh. Còn hai bên áp dụng nguyên tắc nam ở bên trái, nữ bên phải.
Có những loại bát hương nào?
Trên thị trường hiện nay, bát hương có kiểu dáng và chất liệu phong phú. Chẳng hạn như bát hương bằng đồng, bát hương bằng vàng, bát hương gỗ, bát hương đá,... Nhưng được ưa chuộng nhất là bát hương gốm sứ.
Theo phong thủy thờ cúng, bát hương làm bằng chất liệu gốm sứ mang hành Thổ, rất lành, an vị trên bàn thờ sẽ tụ khí tốt hơn.
Về màu sắc, bát hương gốm sứ chủ yếu được phủ men hoặc đắp nổi màu lam. Hiện nay cũng có nhiều dòng bát hương có các màu sắc khác như vàng, đỏ, xanh.
Những kiêng kỵ cần tránh về bát hương trên bàn thờ
Tránh dịch chuyển vị trí bát hương
Theo nguyên tắc đặt bát hương đúng trên bàn thờ, bát hương cần an vị ở vị trí trung tâm. Mặt nguyệt trên bát hương quay ra ngoài. Bát hương tối kỵ bị xê dịch. Bát hương đóng vai trò là "sơn" trong phong thủy. Bởi vậy, bát hương cần cố định, thanh tịnh.
Đây là nơi ngự của Thần linh và Gia tiên. Vì thế việc dịch chuyển bát hương thường xuyên sẽ khiến bàn thờ không được yên, ảnh hưởng đến linh khí trên bàn thờ. Đặc biệt, nhiều người không hiểu nên khi lau chùi thường xê dịch bát hương là kiêng kỵ.
Không đặt bát hương sứt mẻ, vỡ góc lên bàn thờ
Bát hương trong văn hóa thờ cúng giống như là nơi tụ khí, tụ phúc, một nơi thiêng thể hiện mức độ êm ấm của gia đạo. Bát hương cần sạch sẽ, trang nghiêm. Cho nên, bát hương đặt lên bàn thờ không được nứt vỡ, sứt mẻ.
Không nên chọn bát hương chất liệu đá lên bàn thờ
Bát hương bằng chất liệu đá thích hợp với các không gian thờ cúng ở đình chùa và mồ mả. Bàn thờ trong gia đình cần sự ấm cúng, tụ khí nên cần sử dụng bát hương chất liệu khác. Trong thờ cúng, gia chủ có thể chọn bát hương gốm sứ hoặc đồng,... Tuy nhiên, bát hương gốm sứ được nung từ đất mẹ nên được thụ nhiều địa khí nhất. Chất liệu bát hương này phù hợp với mọi không gian thờ cúng.
(Thông tin mang tính chiêm nghiệm)