Những "kẻ khủng bố bán thời gian": Xu hướng lan truyền gây nhức nhối ở Nhật Bản, cố tình ngoáy mũi bôi lên đồ ăn để "câu view" bất chấp

28/02/2024 20:01 PM | Sống

Một loạt vụ việc nghiêm trọng đã khiến những nhân viên gian dối ở Nhật Bản trở thành tâm điểm chú ý nhưng các công ty đang có phương án xử lý.

Từ khoảng 1 thập kỷ trước, người Nhật đã biết đến khái niệm "baito tero" (kết hợp của "arubaito" có nghĩa công việc theo tiếng Nhật, và từ tiếng Anh "terrorism" có nghĩa là khủng bố).

Thế nhưng, thời gian gần đây, khái niệm này mới trở nên phổ biến khi một loạt vụ việc đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội.

Thông qua truyền thông, người ta dần biết đến cụm từ "part-timer terrorism" (kẻ khủng bố bán thời gian) để ám chỉ những nhân viên làm việc bán thời gian có hành vi phá hoại doanh nghiệp - chủ yếu là các nhà hàng và cửa hàng tiện lợi.

Một nhân viên tại chuỗi cửa hàng pizza nổi tiếng đã gia nhập đội "những kẻ khủng bố bán thời gian" khi có hành vi ngoáy mũi rồi chà ngón tay vào bột bánh pizza sống.

Làn sóng "phá hoại" này khác với vụ "khủng bố sushi" gây chấn động dư luận vào năm 2023. Đó là một loạt trò đùa về vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng bình dân và thủ phạm là khách hàng chứ không phải nhân viên.

Những "kẻ khủng bố bán thời gian"

Trong vụ việc nghiêm trọng nhất, một nhân viên của chuỗi cửa hàng Domino's Pizza đăng video lên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), trong đó anh ta ngoáy mũi rồi xoa ngón tay lên bột bánh pizza sống.

Sự việc này xảy ra ngay sau khi một người đàn ông làm việc bán thời gian tại một nhà hàng "gây sốt" trên mạng khi tự quay cảnh mình đang phun kem đánh bông dành cho món tráng miệng của thực khách vào miệng đồng nghiệp.

Ở một đất nước luôn tự hào về những tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất - cùng với những người tiêu dùng cũng cực kỳ kỹ tính, ngay sau khi đoạn video lan truyền, Domino's Pizza Japan đã nhanh chóng trấn an người tiêu dùng rằng tất cả bột bánh pizza của họ đã bị đổ đi.

Vụ "khủng bố sushi" từng gây phẫn nộ ở Nhật Bản.

"Chúng tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc nhất tới khách hàng vì bất kỳ sự khó chịu và bất tiện nào gây ra", đại diện thương hiệu này nói thêm trong một tuyên bố. "Kể từ bây giờ, toàn bộ công ty sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn sự việc tái diễn và khôi phục niềm tin của thực khách".

Không riêng Domino's Pizza Japan, những người sử dụng lao động ở Nhật Bản thường xuyên gặp rủi ro do một loạt các vấn đề như vậy, bao gồm cả việc một nhân viên cắn dở một món đồ ăn để bán tại cửa hàng tiện lợi.

Bảo hiểm danh tiếng

Thật khó để nghĩ ra bất kỳ biện pháp nào giải quyết triệt để cơn khủng hoảng như thế. Nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang cố gắng đấu tranh để bảo vệ danh tiếng và quan trọng là ngăn chặn dư luận xấu ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Theo tờ báo Mainichi Shimbun (Nhật Bản), một công ty bảo hiểm ở nước này đã bắt đầu bán loại bảo hiểm mới mang tên "bảo hiểm chi phí danh tiếng" từ cách đây 4 năm.

Hợp đồng bảo hiểm này giả định các rủi ro liên quan đến các bài đăng trực tuyến, bao gồm cả "khủng bố bán thời gian" và thực phẩm hay đồ uống bị làm bẩn.

Ảnh minh họa.

Tờ báo cho biết chính sách này bao gồm các chi phí phát sinh sau sự cố, bao gồm tư vấn pháp lý và xóa bỏ các nội dung đăng trực tuyến.

Công ty bảo hiểm cho biết, vào tháng 12/2023, số lượng khách hàng là các doanh nghiệp mua loại bảo hiểm này đã tăng 20% so với 1 năm trước đó. Một công ty bảo hiểm khác đã tiết lộ số lượng hợp đồng của họ tăng lên hàng năm kể từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ vào năm 2020, với khoảng 20.000 người tính đến cuối năm 2023.

Có một vài hành động cũng đang được thực hiện để chống lại thủ phạm. Một số công ty đã khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, trong khi những công ty khác đề nghị khởi tố vụ án, dẫn đến việc bắt giữ một số người với lý do "cưỡng bức cản trở hoạt động kinh doanh".

Những người bị kết án phải đối mặt với án tù 3 năm và mức phạt tối đa là 500.000 yên (82 triệu VNĐ).

Công ty Bảo hiểm Sompo Nhật Bản đã bán các gói "Business Master Plus" đặc biệt kể từ tháng 7 năm 2020. Công ty sẽ bồi thường các khoản phí pháp lý phát sinh khi giải quyết vấn đề và cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí về cách phản hồi các khiếu nại.

Đại diện của Sompo Japan cho biết: "Với nhận thức ngày càng tăng về quyền lợi của người tiêu dùng và sự bùng nổ của mạng xã hội, các công ty phải đối mặt với rủi ro thiệt hại kinh tế lớn hơn bao giờ hết. Nhu cầu bảo hiểm của các công ty, không chỉ riêng đối với "khủng bố bán thời gian", sẽ tiếp tục tăng".

Nguồn: The Guardian

Theo Minh Nhật

Cùng chuyên mục
XEM