Những hình ảnh gây sốc cho thấy sông băng ở Iceland biến mất nhanh chóng như thế nào

30/10/2019 09:11 AM | Khoa học

Có lẽ bạn đã được nghe nhiều về hiện tượng biến đổi khí hậu trong những năm qua, nhưng khi tận mắt thấy sự thay đổi ở Iceland, chắc chắn sẽ khiến bạn phải sốc.

Một dự án mới của các nhà nghiên cứu từ Đại học Dundee, Đại học Iceland và Văn phòng Khí tượng Iceland đã cho chúng ta thấy quy mô tổn thất băng mà Iceland đang trải qua bằng cách so sánh các bức ảnh chụp từ trên không vào những năm 1980 với hình ảnh chụp từ máy bay không người lái ngày nay.

Những hình ảnh gây sốc cho thấy sông băng ở Iceland biến mất nhanh chóng như thế nào - Ảnh 1.

“Chỉ ra sự thay đổi khí hậu ảnh hưởng rõ rệt đến cảnh quan khu vực là điều rất quan trọng. Để làm điều này, chúng tôi đã phát triển một quy trình mới dựa trên các nguyên tắc được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu về sông băng để đo lường khối lượng băng biến mất. Phương pháp này cho phép chúng tôi so sánh hình ảnh trên không độc đáo của các cảnh quan trong quá khứ và để xem chúng đã thay đổi như thế nào trong 30 đến 40 năm qua” Tiến sĩ Kieran Baxter từ Đại học Dundee cho biết.

Dự án này cho chúng  ta thấy sự thay đổi lượng băng ở phía nam của Vatnajökull, chỏm băng lớn nhất ở Iceland và lớn thứ hai ở châu Âu, trong ba thập kỷ qua. Bên dưới chỏm băng, bạn cũng có thể tìm thấy một vài ngọn núi lửa. Nếu những ngọn núi lửa này phun trào thì nó có thể làm vỡ băng và gây ra một trận lũ băng, người Iceland gọi loại lũ lụt gây ra bởi băng tan là “jökulhlaup”.

Những hình ảnh gây sốc cho thấy sông băng ở Iceland biến mất nhanh chóng như thế nào - Ảnh 2.

Vatnajökull có diện tích 7.700 km vuông, chiếm khoảng 8 phần trăm của đất nước Iceland. Tuy nhiên, chỏm băng đã bắt đầu cho thấy sự mong manh của nó. Trong vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã ghi nhận được độ bao phủ của băng mất đi hàng chục mét, và ở một số khu vực hàng trăm mét, mỗi năm.

“Thủ phạm” chính là sự biến đổi khí hậu. Một báo cáo gần đây của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu) của Liên Hợp Quốc đã phát hiện ra rằng các đại dương và băng quyền (các khu vực đóng băng trên thế giới) đã bị ảnh hưởng bởi nhiệt lượng từ sự thay đổi khí hậu, hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa trong hệ thống khí hậu và đến 30% lượng khí thải carbon dioxide do con người gây ra.

Như bạn có thể thấy từ các hình ảnh của dự án, Iceland có gần 400 sông băng, hầu hết trong số đó có thể biến mất vào năm 2200 nếu xu hướng ấm lên toàn cầu hiện nay tiếp tục và khí thải nhà kính vẫn không được giảm bớt. Mùa hè vừa qua, người Iceland đã tổ chức một đám tang cho Okjökull ở Borgarfjorður, sông băng Iceland đầu tiên tan băng và không còn được xem là “sông băng” nữa do biến đổi khí hậu.

Theo RyanKog

Cùng chuyên mục
XEM