img
Những đứa trẻ của Bầu Đức về nhà khi thép đã tôi - Ảnh 1.
Những đứa trẻ của Bầu Đức về nhà khi thép đã tôi - Ảnh 2.

Thần thoại phương Tây kể rằng, phượng hoàng là một loại chim lửa thần thánh. Khi chuẩn bị từ giã cõi đời, phượng hoàng sẽ dệt nên một cái tổ, rồi sau đó tự bốc cháy để lại một nắm tro tàn. Rồi cũng từ nắm tro tàn ấy, một con chim phượng hoàng mới ra đời. Phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn.

Công Phượng là chú chim phượng hoàng của bóng đá Việt Nam.

Tháng 9 năm 2013, giải vô địch U19 Đông Nam Á diễn ra tại Indonesia, đó chính là lần đầu tiên mà Học viện HAGL Arsenal JMG của bầu Đức "xuống núi". Người hâm mộ lập tức yêu lối đá kỹ thuật, đẹp mắt và cực kỳ fairplay của các cậu bé U19 ấy. 

Trong vòng hai năm 2013 và 2014, U19 Việt Nam trở thành ốc đảo mát xanh giữa sa mạc thất vọng khát khô của người yêu mến bóng đá Việt những tháng ngày ấy. Đó là lý do dù chỉ ở độ tuổi 17, 18 nhưng những cái tên như trung vệ Trần Hữu Đông Triều, tiền vệ Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, tiền vệ tấn công Nguyễn Công Phượng hay tiền đạo Nguyễn Văn Toàn đã trở thành những thần tượng mới của bóng đá Việt.

Công Phượng nổi bật lên trong nhóm những cầu thủ ấy, đỉnh điểm là bàn thắng thiên tài trong vòng vây 5 cầu thủ Australia vào tháng 9/2014. Bàn thắng ấy là đỉnh cao rực rỡ trong tuổi trẻ của anh, nhưng cũng chứa mầm mống lụi tàn của Phượng trong những năm sau đó. Vì đó còn là hiện thân của kiểu tư duy rườm rà và cá nhân, thậm chí ích kỷ khó phù hợp với bóng đá đỉnh cao. Những năm tháng tiếp theo, tư duy ấy đã hại Phượng trong ngày rời chân khỏi cái gọi là "giải đấu trẻ."

Bầu Đức, với tham vọng tạo nên một lứa bóng đá đẹp đã vội vã đôn những đứa trẻ này lên V-League, nơi chúng sẽ hiểu thế nào là bóng đá chuyên nghiệp, là trò chơi của người lớn. Chính lối đá hồn nhiên, cũng tiềm ẩn cái mất mát của lứa này. Chúng quá nhiều kỹ thuật, quá nhiều ngây thơ mà quá thiếu sức chiến đấu... 

V-League 2015 chứng kiến Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Sơn... như những chú cừu non ngơ ngác giữa đàn sói. Tuấn Anh - cầu thủ được đánh giá là tài năng nhất của lứa JMG, người được Arsene Wenger "chọn mặt gửi vàng" đã ngã xuống vì chấn thương đầu gối quái ác. Thỉnh thoảng, người ta thấy Tuấn Anh trở lại, vẫn những pha xử lý bóng thiên tài, phong cách tài hoa, mái tóc lãng tử, nhưng rồi chấn thương ập đến, và đưa anh rời xa sân cỏ. Một năm qua, bao giải đấu lớn của bóng đá Việt Nam, bao nhiêu niềm vui vỡ òa, chỉ có bóng Tuấn Anh là như cánh chim cuối trời.

Những đứa trẻ của Bầu Đức về nhà khi thép đã tôi - Ảnh 4.

Giáo án đào tạo không phù hợp với thể trạng đã khiến vấn đề thể lực trở thành điểm yếu cốt tử cho những đứa trẻ của bầu Đức, vì thể lực yếu nên thành lép vế, đẩy những cầu thủ trẻ của HAGL vào thế vô hại. Mất đi sức chiến đấu, lại đối diện với sự khắc nghiệt của bóng đá đỉnh cao, chúng thay nhau gục xuống. 

Tại SEA Games 2015, khi U23 Việt Nam gặp U23 Brunei, sau khi Công Phượng sút hỏng quả penalty, truyền thông giật tít là "đú đởn", là "trò cười". Than ôi, phận đời đen bạc. Chỉ một năm trước thôi, họ còn gọi Phượng là "niềm hy vọng mới", "thiên tài".

Những đứa trẻ của Bầu Đức về nhà khi thép đã tôi - Ảnh 5.

Tháng 10/2015, Công Phượng rời khỏi Việt Nam sang Mito Hollyhock ở J-League 2, đi cùng anh trong chuyến tàu xuất ngoại ấy còn có thêm Tuấn Anh (qua Nhật Bản) và Xuân Trường (qua Hàn Quốc). Chúng không thể hiện được nhiều, ngoài một chi tiết Công Phượng phát tờ rơi bên tàu điện ngầm ở Nhật Bản. Cậu bé vàng năm nào, được cưng chiều ngày nào, giờ mỉm cười làm công việc hạng hai. Có lẽ đời người đàn ông phải đi qua nghịch cảnh thì mới phát triển được?

Những đứa trẻ của Bầu Đức về nhà khi thép đã tôi - Ảnh 6.

Công Phượng ngày trở lại Việt Nam đã trầm lắng đi rất nhiều. Tuy nhiên lúc này, vinh quang của Hoàng Anh Gia Lai giờ đã thuộc về Lương Xuân Trường. Tiền vệ người Tuyên Quang trở thành trụ cột tuyến giữa của lứa U23 đá SEA Games đến Đội tuyển quốc gia thi đấu tại AFF Cup. Xuân Trường sát cánh bên những đàn anh như Công Vinh, Phước Tứ... mà vẫn thể hiện phong cách đĩnh đạc. Đỉnh cao của Xuân Trường đến khi anh trở thành đội trưởng U23 Việt Nam tại Thường Châu năm 2018. Giải đấu đó, những đường chuyền của tiền vệ số 6, tấm băng đội trưởng trên tay, và phong thái ngoại giao xuất sắc, đã đưa Xuân Trường trở thành niềm tự hào lớn nhất của bầu Đức, khi ông nhìn sự lép vế của mình với quân Hà Nội.

Những đứa trẻ của Bầu Đức về nhà khi thép đã tôi - Ảnh 7.

Dáng đứng Văn Thanh đầy khí phách, đầy ngạo nghễ sau cú sút penalty quyết định vào lưới Qatar.

Đó còn là Văn Thanh. "Dáng đứng Văn Thanh" đầy khí phách, đầy ngạo nghễ sau cú sút penalty quyết định vào lưới Qatar là sự cứu rỗi cho niềm tự hào của Bầu Đức và địa danh Hàm Rồng. 

Vũ Văn Thanh ngày mới xuất hiện không nổi bật với những đồng đội cùng lứa tuổi, thậm chí còn lép vế hơn so với Văn Sơn. Vậy nhưng chậm mà chắc, chính Văn Thanh lại thành cầu thủ lì đòn nhất của HAGL, và là người đặt nét chấm phá đẹp nhất, tự hào nhất cho lứa này. Chấn thương khiến Văn Thanh không thể tham gia AFF Cup và Asian Cup, nhưng không ai nghi ngờ về sự trở lại của chàng hậu vệ đa năng này. 

Cùng với Văn Thanh, còn là Văn Toàn, Hồng Duy, những con người dẫu bị coi là kép phụ từ ngày xuất hiện, nhưng luôn luôn miệt mài, luôn luôn chạy, và mỗi lần vào sân là một lần nhuốm lên hy vọng về hai chữ "đột biến". Nếu Văn Thanh là cú đấm ở Thường Châu, thì bàn thắng của Văn Toàn vào lưới Syria, cú sút phạt đẹp như mộng của Minh Vương vào lưới Hàn Quốc, lại chính là hiện thân của đêm điên cuồng tại Asiad 2018. 

Những con người như Văn Toàn, Minh Vương hay Văn Thanh, Hồng Duy là bài học lớn cho tất cả các cầu thủ về những nỗ lực đi lên dẫu xuất phát không bằng người, là lời nhắn gửi mỗi khi lâm vào nghịch cảnh, thì thay vì trách móc đời hãy nên coi là sự trui rèn.

Những đứa trẻ của Bầu Đức về nhà khi thép đã tôi - Ảnh 8.

Công Phượng, người được kỳ vọng năm nào, thể hiện vai trò mờ nhạt từ Á Vận Hội 2018 cho đến AFF Cup 2018. Bao nhiêu giải đấu, bấy nhiêu lần người ta cười mỉa và soi mói xem Phượng làm được cái gì. 

Ngày xuống sân bay sau vinh quang Thường Châu, trong khi người hâm mộ réo vang tên Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Xuân Trường, thì bóng Công Phượng chìm khuất, cô đơn. Thời điểm ấy, có lẽ Phượng đã hiểu thế nào là "nhân tình thế thái", cũng đã hiểu sâu sắc câu mang tính châm biếm: "Lúc khó thì chẳng ai nhìn / Phất lên một cái mấy nghìn anh em". Trong khi các đồng đội U23 xem mạng xã hội là nơi để giao lưu, thì Công Phượng đóng mạng xã hội của mình. Có ai nhớ chăng, tên anh từng hot nhất mạng xã hội?

Những đứa trẻ của Bầu Đức về nhà khi thép đã tôi - Ảnh 9.

Nhưng rồi trong tàn tro, Phượng hồi sinh!

"Cái gì không giết được bạn, thì chỉ làm bạn mạnh mẽ hơn", những ngày thất bại ở V-League không giết được Công Phượng, cú đá hỏng phạt đền ở SEA Games 2017 không làm Phượng quỵ ngã, cuộc tình với Hòa Minzi không ảnh hưởng đến màn trình diễn trên sân cỏ... Bao nhiêu lần phải câm lặng nhìn những cầu thủ khác giành hết vinh quang, chỉ khiến Phượng thêm quyết tâm đòi lại cho mình.  

Giữa nắng vàng UAE, như chim phượng hoàng hồi sinh từ tro tàn, Công Phượng vùng lên ghi dấu ấn 4 trên 5 bàn thắng của Việt Nam tại giải. Dấu chân của Công Phượng đưa Việt Nam tiến vào bát hùng, qua đó trở thành lứa cầu thủ hay nhất lịch sử nền bóng đá Việt Nam tính từ ngày hội nhập. Đi qua bao nhiêu ngọt bùi lẫn cay đắng, Phượng không còn sợ hãi!

Anh vẫn chơi với trái bóng nhưng theo cách hiệu quả nhất. Bóng đến chân anh tạo cảm giác yên tâm hơn, và chỉ có Công Phượng mới xử lý được những trái bóng như trận gặp Jordan. 

Trong trận gặp Nhật Bản, dẫu cô đơn một mình bên trên giữa vòng vây những hậu vệ thi đấu ở Châu Âu, thì Công Phượng vẫn đi bóng và giữ bóng đầy tự tin, biết cách tạo nên đột biến. Công Phượng trở thành cầu thủ Việt Nam hay nhất trong giải đấu danh giá nhất, mà Đội tuyển quốc gia Việt Nam từng tham dự.

Những đứa trẻ của Bầu Đức về nhà khi thép đã tôi - Ảnh 12.

Và thép cũng đã tôi luyện cả Lương Xuân Trường. Người hùng của Thường Châu suốt 5 tháng đã thành kẻ thừa tại Asiad 2018 và AFF Cup 2018, nhưng chưa bao giờ biết nói hai từ "bỏ cuộc". Mỗi phút, mỗi giây được HLV Park Hang-seo đưa ra sân, là bấy nhiêu lần trân trọng và cố gắng lấy lại hình ảnh của chính mình. Những phút cuối trận gặp Nhật Bản, ta như tìm lại Xuân Trường của hôm nào với những đường chuyền xẻ nách đầy tinh tế. Trước đó, là bản lĩnh sút penalty trong loạt đấu súng với Jordan, đôi môi hôn lên ngực áo và ngón tay chỉ lên bầu trời. Sau cùng, Trường không thể chết, vì thép cũng đã hun đúc nên em.

Những đứa trẻ đã lớn rồi. Ngày trở về sau nắng vàng Ả Rập, HAGL chỉ còn đợi Tuấn Anh đến nhập cuộc nữa mà thôi...

Dũng Phan
Tuấn Mark, Tùng Lê, Hiếu Lương
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ28/01/2019

Trí thức trẻ