Những dự đoán cực chính xác của Steve Jobs về tương lai của công nghệ máy tính thế giới từ cách đây hơn 30 năm
Từ hơn 30 năm trước, khi máy tính mới ở thời kỳ sơ khai, Steve Jobs đã đưa ra những dự đoán về "sự thống trị" của cỗ máy này đối với thế giới trong tương lai. Hiện nay, hầu hết dự đoán của Steve Jobs đã trở thành sự thật.
Trong quý đầu tiên của năm 2018, Apple đã xuất xưởng 16 triệu chiếc iPhone X của mình trong ba tháng. Theo một nghiên cứu của Strategy Analytics, Apple đã trở lại ngôi đầu trong khi iphone X trở thành chiếc điện thoại bán chạy nhất thế giới.
Nhưng từ hơn 30 năm về trước, người đồng sáng lập Apple là Steve Jobs đã giải thích và dự đoán được tính hữu ích của máy tính đối với cuộc sống của con người trong tương lai.
“Nó có thể là một dụng cụ tính toán, một trung tâm liên lạc, một siêu máy tính, một nhà thiết kế, một file lưu trữ dữ liệu và công cụ nghệ thuật tích hợp. Cỗ máy tích hợp đó chỉ cần dựa trên các chỉ dẫn hoặc các phần mềm để làm việc”, Jobs nói với tạp chí Playboy trong một cuộc phỏng vấn năm 1985.
Vào thời điểm đó, máy tính là một thứ vô cùng đắt đỏ và khó sử dụng. Tuy nhiên, với tầm nhìn vượt thời đại, Jobs đã nhìn trước được tương lai của công nghệ. Dưới đây là ba dự đoán của ông đưa ra từ giữa những năm 80 của thế kỉ XX và ngày nay 2 trong 3 dự đoán đã trở thành hiện thực:
1. Máy tính có thể được sử dụng ngay tại nhà, cho mục đích giải trí
Đến năm 1985, Apple đã phát hành bốn máy tính: Apple I vào năm 1976, Apple II năm 1977, Lisa năm 1983 và Macintosh năm 1984. Các mô hình này được sử dụng sơ bộ trong các văn phòng cho mục đích kinh doanh hoặc giáo dục.
“Với chiếc máy tính, bạn thực sự có thể chuẩn bị các tài liệu nhanh hơn, nhiều hơn và chất lượng hơn. Nó giúp giải phóng con người khỏi các công việc chân tay, đồng thời nâng cao năng suất lao động”, Jobs nói.
Nhưng tại thời điểm đó không có nhiều lí do để bạn sử dụng máy tính trong thời gian rỗi. Jobs đã mô tả về ý tưởng máy tính gia đình là một thị trường mang tính khái niệm nhiều hơn là thực tế. “Những lí do chính để bạn mua một chiếc máy tính cho gia đình lúc bấy giờ chỉ là vì bạn muốn kinh doanh tại nhà hoặc bạn muốn chạy phần mềm giáo dục cho con bạn”, Jobs giải thích.
Tuy nhiên Jobs cũng khẳng định điều này sẽ thay đổi khi dự đoán tương lai của công nghệ, máy tính sẽ trở nên phổ biến trong mọi ngôi nhà. Trên thực tế theo điều tra của cục dân số Mỹ, năm 1984 chỉ có 8% hộ gia đình ở Mỹ sở hữu máy tính, đến năm 2000 tăng lên 51% và đến năm 2015 con số này là 79%. Đến đầu năm 2017, trung bình mỗi hộ gia đình ở Mỹ sở hữu 2 sản phẩm của Apple. Ngày nay, người tiêu dùng dành thời gian rảnh để tương tác với công nghệ và mạng xã hội nhiều hơn, đến nỗi theo một số chuyên gia nhận định rằng chúng ta đang đối mặt với bệnh nghiện công nghệ.
2. Chúng ta sử dụng máy tính để tương tác với nhau
Steve Jobs dự đoán ngoài lí do kinh doanh ra, điều làm cho máy tính trở nên hữu ích hơn đó chính là sự kết nối. “Lí do thuyết phục nhất để mọi người mua một chiếc máy tính về nhà đó là nó được kết nối trong một mạng liên lạc toàn quốc”, Jobs nói với tạp chí Playboy.
Khi đưa ra dự đoán đó vào năm 1985, ông đã đi trước phát minh được gọi là hệ thống World Wide Web của Tim Berners-Lee năm 1989. Berners-Lee viết trình soạn thảo trang web đầu tiên và trình duyệt web trong văn phòng của mình tại CERN (Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu) và đến cuối năm 1990 trang web đầu tiên được đăng tải trực tuyến.
Việc tạo ra một mạng lưới thông tin liên lạc đường dài cho các máy tính đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước đó như một dự án nghiên cứu khoa học gọi là ARPANET, được tài trợ bởi quân đội Mỹ.
ARPANET đã trở thành nền tảng cho Internet hiện đại khi các kỹ sư Vint Cerf và Bob Kahn bắt đầu xây dựng các tiêu chuẩn mới cho mạng, được gọi là TC/IP. ARPANET đã chuyển sang tiêu chuẩn đó vào ngày 1 tháng 1 năm 1983, mở đường cho một mạng toàn cầu mở. Bây giờ, mọi thứ từ khoảng không đến công tắc đèn đều được kết nối với internet – và đó cũng chính là xu hướng chính trong thời kì công nghệ 4.0.
3. Máy tính sẽ có chuột
Thật khó có thể tưởng tượng, máy tính không phải lúc nào cũng hoạt động bằng chuột. Trước khi Apple giới thiệu Lisa và Macintosh (trong đó có một chuột máy tính và một giao diện người dùng đồ họa), hầu hết các máy tính cá nhân khi bán ra thị trường cần phải có hướng dẫn và các lệnh được gõ bằng bàn phím.
Jobs nói: “Chuột máy tính cho phép người dùng thực hiện các thao tác nhanh hơn, bao gồm cả việc cắt và dán dữ liệu. Do đó, nó không chỉ dễ sử dụng hơn mà còn hiệu quả hơn. Chuột, kết hợp với giao diện người dùng đồ họa, cho phép người dùng nhấp qua các biểu tượng và hình ảnh trực quan trên máy tính như cửa sổ và trình đơn thả xuống. Đó là một "tiến bộ vượt bậc giúp cho những người không qua đào tạo đặc biệt cũng có thể sử dụng máy tính".
Trớ trêu thay, chính sự phổ biến của Apple về công nghệ màn hình cảm ứng thông qua iPhone và iPad có thể một ngày nào đó sẽ đặt "dấu chấm hết" cho chuột máy tính.
4. Phần mềm sẽ có sự cạnh tranh trong khi phần cứng được độc quyền
Năm 1985, Jobs dự đoán rằng sẽ chỉ có một vài công ty máy tính sản xuất phần cứng trong khi sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phát hành các phần mềm. Dự đoán này hóa ra lại sai.
“Trong lĩnh vực cung cấp máy tính, thực chất chỉ có hai nhà sản xuất là Apple và IBM. Và tôi không nghĩ sẽ có thêm một công ty thứ ba tham gia vào lĩnh vực này. Hầu hết các công ty mới sẽ tập trung vào sáng tạo các phần mềm. Máy tính rồi đây sẽ có nhiều đổi mới, nhưng là đổi mới về phần mềm chứ không phải phần cứng”, Jobs dự đoán.
Trên thực tế, mọi việc lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Cho đến năm 1998, Microsoft gần như nắm giữ độc quyền thị trường phần mềm đến nỗi nước Mỹ đã phải đệ đơn kiện chống độc quyền. Ngày nay, ngoài phần mềm Windows của Microsoft ra cũng chỉ có macOS của Apple và Chrome của Google tham gia thị trường phần mềm.
Trong khi đó một loạt các thương hiệu phần cứng như Samsung, Dell, Lenovo, Acer và HP đang nổi lên và tranh giành gay gắt để có được thị phần.