Những điều ít biết đằng sau cuộc sống hào nhoáng của tiếp viên hàng không

20/03/2023 08:35 AM | Sống

Nhắc đến tiếp viên hàng không, hầu hết mọi người đều nghĩ đến cuộc sống hào nhoáng mà nghề này mang lại. Nhưng thực tế để có được điều đó, họ phải mất hàng chục năm cống hiến.

Kat Kamalani, 30 tuổi, là một tiếp viên hàng không có nhiều năm kinh nghiệm, sống tại thành phố Salt Lake, bang Utah, Mỹ. Cô trở thành nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội với những bài viết và video chia sẻ về cuộc sống của tiếp viên hàng không. Kamalani có gần 300.000 người theo dõi trên TikTok.

Những điều ít biết đằng sau cuộc sống hào nhoáng của tiếp viên hàng không - Ảnh 1.

Ảnh: IStock

Thâm niên sẽ quyết định mọi thứ

Trong một chia sẻ với Insider, Kamalani cho biết nhắc đến tiếp viên hàng không, hầu hết mọi người đều nghĩ đến cuộc sống hào nhoáng mà nghề này mang lại. Nhưng thực tế để có được điều đó, họ phải mất hàng chục năm cống hiến.

Kamalani cho biết, mọi người nghĩ rằng các tiếp viên hàng không được trả tiền để du lịch miễn phí, tới những điểm đến đáng mơ ước như Hawaii hay Paris. Song thực tế, phần lớn tiếp viên mới vào nghề phải làm quen với các chuyến bay “mắt đỏ”. Đó là những chặng bay khởi hành từ đêm hôm trước và hạ cánh vào sáng sớm hôm sau. Đây là thời điểm mọi người nghỉ ngơi, do đó làm việc trong thời gian này thường mệt hơn các giờ bay khác.

Các tiếp viên mới vào nghề cũng phải quen với việc đi làm cả những ngày nghỉ, bay nhiều chặng ngắn mỗi ngày và có thể làm việc 15 tiếng liên tục.

Hầu hết mọi người nghĩ rằng một tiếp viên hàng không có thể liên tục bay trên cùng một tuyến, nhưng thực tế thâm niên sẽ là yếu tố quyết định.

Các tiếp viên hàng không phải phấn đấu, nỗ lực để đạt được mục tiêu, từ những thành phố họ muốn bay đến, khoảng thời gian nghỉ ngơi bao lâu và loại máy bay mà họ mong đợi.

“Bạn thực sự không có được cuộc sống hào nhoáng đó cho đến khi bạn có thâm niên”, Kamalani nói và cho biết thêm điều này có thể mất từ 20-30 năm làm việc tại hãng hàng không của cô. Tuy nhiên, không phải hãng nào cũng thế.

Các tiếp viên hàng không có thâm niên cao là những người có được giờ bay và điểm đến tốt nhất, cũng như thời gian nghỉ ngơi lâu hơn. Họ cũng có thể tránh phải làm việc vào các ngày lễ - điều mà hầu hết các tiếp viên hàng không mới vào nghề không thể.

Bên cạnh sự hào nhoáng, nghề này cũng phải đối mặt với sự cô đơn.

“Bạn bay đến những nơi tuyệt vời, được nhìn ngắm những điều tuyệt vời nhưng bạn tận hưởng các trải nghiệm đó một mình. Sẽ không có ai ở đó để trải nghiệm cùng bạn”, nữ tiếp viên chia sẻ.

Không chỉ là phục vụ đồ uống trên máy bay

Theo Kamalani, công việc của tiếp viên khó hơn những gì mọi người nghĩ, và không đơn giản chỉ là phục vụ đồ ăn, thức uống.

“Được nhận vào Havard còn dễ hơn trở thành một tiếp viên hàng không”, Kamalani nói.

Kamalani cho biết, cô phải tham gia một khóa đào tạo 8 tuần, học 6 ngày một tuần, 15 giờ mỗi ngày trước khi đạt điều kiện lên máy bay phục vụ khách. Để được vào học lớp này, cô phải vượt qua nhiều bài kiểm tra và phỏng vấn trước đó. Điều kiện để thi đỗ các bài kiểm tra là bạn phải trả lời đúng ít nhất 90% câu hỏi.

Mặc dù nhiều người nghĩ rằng phục vụ đồ ăn, thức uống là nhiệm vụ chính của một tiếp viên hàng không, nhưng quá trình đào tạo cho công việc mà cô mô tả là “dịch vụ khách hàng” chỉ kéo dài một ngày duy nhất. Thời gian còn lại, họ phải học rất nhiều nghiệp vụ khác như cách sơ tán khách, đối phó hành khách say xỉn hay kẻ khủng bố, dập lửa, sơ cứu y tế...

“Các tiếp viên hàng không ở đó không phải chỉ để phục vụ bạn, chúng tôi ở đó vì sự an toàn của bạn trước tiên”, Kamalani nói.

Bên cạnh đó, tiếp viên hàng không cũng có rất nhiều quyền hạn trên máy bay, và điều này không phải ai cũng biết. Họ có quyền mời ai đó rời khỏi cabin, nếu hành khách không chịu hợp tác.

Theo Kamalani, đó là bởi vì nếu điều gì đó có thể xảy ra trên mặt đất thì nó cũng có thể xảy ra ở độ cao hơn 10.000 mét. “Vì vậy nếu chúng tôi không cảm thấy thoải mái với điều gì đó hoặc ai đó, chúng tôi có toàn quyền yêu cầu họ không lên máy bay”.

Các tiếp viên cũng có thể mở cửa buồng vệ sinh từ bên ngoài, dù khách chốt bên trong. Nhưng họ chỉ làm thế trong trường hợp khẩn cấp y tế hoặc hành khách đang vi phạm an toàn bay.

Quan sát và đánh giá mỗi hành khách

Khi chào đón khách lên máy bay, các tiếp viên hàng không cũng được đào tạo để quan sát và đánh giá mỗi hành khách. Họ xác định được người nào cần để mắt tới trong suốt chuyến bay, người nào cần chăm sóc đặc biệt và cần nhờ đến ai đầu tiên khi phát sinh sự cố.

“Mỗi người khi lên máy bay, chúng tôi đều chào đón họ nhưng chúng tôi cũng đang phân tích họ", Kamalani lý giải.

“Chúng tôi cũng phải quan sát xem có gì bất thường không, xem có ai đó đang cầm một chiếc hộp bị rò rỉ hoặc có mùi nhất định hay không…”. Trên thực tế, các tiếp viên hàng không được đào tạo về cách phát hiện nạn buôn người.

Ghét bị làm phiền trước khi cất cánh

Các tiếp viên ghét bị làm phiền trước khi cất cánh là điều Kamalani nhấn mạnh.

“Chúng tôi gần như sẽ không bao giờ cung cấp nước uống, chăn hoặc tai nghe cho hành khách trước khi cất cánh”, Kamalani nói, giải thích rằng đó là khoảng thời gian các tiếp viên hàng không rất bận rộn để kiểm tra mọi thứ sẵn sàng hay chưa.

Những điều ít biết đằng sau cuộc sống hào nhoáng của tiếp viên hàng không - Ảnh 2.

Các tiếp viên ghét bị làm phiền trước khi cất cánh. Ảnh: Getty

“Chúng tôi sẽ bắt đầu phục vụ sau khi cất cánh thành công”, Kamalani cho biết. Ngoại lệ duy nhất để bạn được phục vụ đồ uống, đó là khi cần nước để uống thuốc.

Kamalani cũng tiết lộ một mẹo nhỏ để hành khách có thể được phục vụ chu đáo tốt hơn trên chuyến bay là thái độ hòa nhã với phi hành đoàn, tặng họ một món quà nhỏ như một chiếc bút, một thanh kẹo nhỏ.

“Nếu bạn mang cho phi hành đoàn của mình một số loại thẻ quà tặng nhỏ hoặc thanh kẹo, đồ ăn vặt hoặc bút, tổ bay sẽ hỗ trợ mọi thứ bạn muốn và bạn sẽ được quan tâm suốt chặng bay đó. Một cử chỉ nhỏ như vậy sẽ khiến phi hành đoàn cảm kích, đặc biệt là khi bạn bay chặng dài và phải đối phó với những người khó chịu suốt cả ngày”, Kamalani chia sẻ.

Bí mật về khoang hạng nhất

Kamalani tiết lộ, làm việc trong khoang hạng nhất trên máy bay cũng không hào nhoáng như mọi người thường nghĩ. Có những đặc quyền khi làm việc trong khoang hạng nhất, chẳng hạn như mức lương cao hơn, nhưng theo cô, không ai muốn làm điều đó.

Một số hãng hàng không yêu cầu các tiếp viên hàng không phải hoàn thành khóa đào tạo bổ sung để có thể phục vụ trong khoang hạng nhất bất cứ lúc nào, những cũng có hãng không yêu cầu điều đó.

“Ở hãng của tôi, mọi người đều đủ tiêu chuẩn để làm tiếp viên hàng không ở khoang hạng nhất trên các chuyến bay nội địa (ở Mỹ)”, Kamalani nói, đồng thời cho biết, những tiếp viên hàng không ít tuổi nhất thường được giao nhiệm vụ này vì đó là công việc mà không nhiều người thích.

Tuy nhiên, với các chuyến bay quốc tế, tiếp viên hàng không phải trải qua khóa đào tạo, có chứng chỉ đặc biệt và phải là người được chọn./.

Hoàng Phạm

Cùng chuyên mục
XEM