Những Chủ tịch chơi bóng đá để làm ăn và cái kết

13/12/2019 14:41 PM | Kinh doanh

Điểm chung giữa các ông bầu này là: Vung tiền cho các đội bóng ở những địa phương có dự án làm ăn; thường làm mình làm mẩy dọa “bỏ bóng đá”; và cuối cùng là họ... ra đi khi bóng đá đã hết giá trị lợi dụng.

Sự phát triển được coi là đỉnh cao của bóng đá Việt Nam với một thế hệ cầu thủ xứng đáng được gọi là “thế hệ vàng mới" có đóng góp không nhỏ của những ông bầu làm bóng đá . Trong đó phải kể đến bầu Đức, bầu Hiển, bầu Thắng,...

Tuy nhiên bóng đá Việt Nam cũng đã phải trải qua giai đoạn vàng thau lẫn lộn giữa những ông bầu làm bóng đá. Đó là giai đoạn bong bóng bất động sản được đẩy lên cao kéo theo sự xuất hiện của những đại gia mới nổi, họ hăm hở nhảy vào làm bóng đá như một thứ trào lưu nhằm đánh bóng tên tuổi với cách làm bóng đá được cựu HLV đội tuyển quốc gia Việt Nam Alfred Riedl mô tả: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.

Điểm chung giữa các ông bầu này là: Chỉ vung tiền tài trợ cho các đội bóng ở những địa phương nơi doanh nghiệp của mình có dự án làm ăn; họ thường làm mình làm mẩy dọa “bỏ bóng đá” khi đội bóng của mình gặp những quyết định bất lợi từ trọng tài hay Ban Kỷ luật của VFF; và cuối cùng là họ... ra đi khi bóng đá đã hết giá trị lợi dụng.

Với cách làm bóng đá kiểu ăn xổi, họ vung tiền mua cầu thủ đã thành danh, thậm chí mua cả một đội bóng rồi “chuyển khẩu” cho đội bóng mà không hề quan tâm đến công tác đào tạo trẻ. Cùng với đó là những khoản lót tay tiền tỷ cho các cầu thủ mà trước đó giới cầu thủ Việt có nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ đến.

Cũng bởi việc dùng tiền để thao túng V-League mà không chú trọng giáo dục nhân cách cho cầu thủ, nên bầu Đức (Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức) – một ông bầu làm bóng đá sạch - đã từng phải ngao ngán thốt lên: “Cầu thủ bây giờ càng lớn càng mất dạy”.

Những Chủ tịch chơi bóng đá để làm ăn và cái kết - Ảnh 1.
Bóng đá Việt Nam sẽ không thể thăng hoa nếu không có những ông bầu làm bóng đá sạch.

Nổi lên trong số những ông bầu này chính là bầu Thụy (Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành). Đại gia Ninh Bình giờ đã đổi tên tập đoàn Xuân Thành sang cái tên mới cho bớt “quê” hơn là Thaigroup. Không chỉ nổi tiếng với thú chơi siêu xe và lâu đài “siêu ngông”, doanh nhân sinh năm 1976 còn từng sở hữu cùng lúc hai đội bóng Xuân Thành Sài Gòn và Thái Sơn Quảng Nam.

Cuối mùa bóng 2010, sau khi không thể đưa Xuân Thành Hà Tĩnh thăng hạng Nhất bằng cửa chính, tập đoàn Xuân Thành đã mua lại suất chơi giải hạng Nhất mùa tới của Hòa Phát. Đội bóng này đổi tên thành Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, rồi cũng một tay bầu Thụy “bốc” cả đội bóng này vào TP.HCM làm đại bản doanh.

Tại đây, bầu Thụy bỏ ra hàng chục tỷ đồng chiêu mộ những ngôi sao đình đám đang chơi ở V-League về đầu quân cho đội bóng hạng Nhất của mình. Mùa giải sau đó, Xuân Thành Sài Gòn giành quyền lên chơi ở V-League, đó cũng là mùa giải người ta biết đến đội bóng này không phải ở chuyên môn mà bởi những hoạt động kiểu tay chơi Nguyễn Đức Thụy bày ra như: thuê ca sỹ, người mẫu, PG về làm hoạt náo viên bên ngoài đường pitch, chiêu đãi bia hơi miễn phí cho khán giả đến xem đội bóng thi đấu,...

Những Chủ tịch chơi bóng đá để làm ăn và cái kết - Ảnh 2.
"Tay chơi" Nguyễn Đức Thụy trên khán đài sân Thống Nhất.

Trước khi về với thành phố Hồ Chí Minh, cái tên Xuân Thành từng được gắn với bóng đá Quảng Nam, sau đó đội bóng này đổi tên thành Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam (Bảo hiểm Thái Sơn là một công ty thành viên của tập đoàn Xuân Thành). Đến năm 2011, Thái Sơn Quảng Nam được bàn giao lại cho Công ty khoáng sản QNK, một doanh nghiệp vừa mới thành lập ở thời điểm đó.

Những khoản lót tay cầu thủ lên đến được cho là lên tới 14 tỷ đồng mà Xuân Thành đưa ra đã khiến những ông bầu của đội bóng khác phải tức phát điên vì không giữ được chân cầu thủ trước sự cám dỗ của đồng tiền.

Thế nhưng khi đã chán bóng đá, bầu Thụy và người em trai của mình (bầu Thủy – Nguyễn Xuân Thủy) đã đưa ra một lý do rất giời ơi để giải tán đội bóng vào ngày 20/08/2013.

Đó là khi ban kỷ luật VFF quyết định trừ 4 điểm đối với Xi măng Xuân Thành Sài Gòn do thái độ thi đấu thiếu tích cực trong trận đấu với KienlongBank Kiên Giang.

Quyết định giải tán đội bóng và không tham dự hai vòng đấu cuối V-League 2013 đã khiến cả đội bóng như chết lặng. Đó cũng là thời điểm nhiều cầu thủ tỉnh ngộ về việc nên chọn cho mình một bến đỗ phù hợp còn quan trọng hơn nhiều so với một khoản tiền lót tay.

Thực chất, việc phản ứng với án kỷ luật của của Ban kỷ luật VFF chỉ là cái cớ để Xuân Thành rời bỏ cuộc chơi khi bóng đá đã hết giá trị lợi dụng và thậm chí mục đích ban đầu khi đến với bóng đá không đạt được.

Một đại gia khác của Ninh Bình là bầu Trường – Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn xi măng The Vissai – Năm 2009 doanh nhân này bỗng “nổi hứng” mua lại đội hạng Nhất Ngói Đồng Tâm Long An, chuyển “khẩu” đội bón này về Ninh Bình và đổi tên thành Vinakansai Ninh Bình (tên gọi cũ của The Vissai). Cũng từ đây, bóng đá Ninh Bình được gọi là “đại loạn” của V-League bởi thứ bóng đá “quái thai” do đại gia này thao túng bằng tiền và rất nhiều tiền.

Tuy nhiên, chỉ sau 4 năm với rất nhiều lần dọa bỏ giải, bầu Trường “bỏ giải chạy lấy người” bằng cách buông lỏng quản lý, nợ lương cầu thủ và BHL đến mức cả đội bóng phải đình công. Dường như chỉ chờ lý do đó, ông chủ doanh nghiệp xi măng The Vissai liên tuyên bố sẵn sàng giải tán đội bóng vì cầu thủ “phụ” mình.

Cuối cùng, điều gì đến tất cũng đến, vụ tiêu cực ở AFC Cup 2013 bị khui ra ánh sáng, bóng đá Ninh Bình bị xóa sổ chính thức, khép lại một thời “vàng son” bóng đá Ninh Bình “thở bằng mũi” của những đội bóng khác.

Những Chủ tịch chơi bóng đá để làm ăn và cái kết - Ảnh 3.
Ông bầu Hoàng Mạnh Trường sớm nói lời chia tay với bóng đá. Ảnh: VNE.

Sau bầu Thụy và bầu Trường, năm 2013, đúng vào thời điểm FLC chuẩn bị khởi công đại dự án FLC Sầm Sơn, tập đoàn này quyết định tiếp quản câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa và đổi tên CLB thành FLC Thanh Hóa.

Tuy nhiên, không lâu sau khi dự án FLC Sầm Sơn đi vào hoạt động, ngày 15/11/2018 ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ tuyên bố FLC dừng đầu tư và trả lại đội bóng cho tỉnh Thanh Hóa.

Ông Trịnh Văn Quyết đã kể ra ba lý do dẫn tới quyết định này, đó là:  FLC phải gánh thuế chồng thuế, khi tỉnh không thể tạo cơ chế cho nhà tài trợ; Những đóng góp của FLC không được người hâm mộ ghi nhận, ngược lại tập đoàn còn bị mang tiếng xấu; và FLC có nỗ lực thế nào cũng không thể vô địch được khi chỉ có một đội bóng.

Trong hơn 3 năm làm bóng đá, ông Quyết cũng không ít lần đăng đàn dọa bỏ giải V-League cũng với những lý do tương tự như hai đại gia của đất Ninh Bình.

Giờ đây, thật may là đã không còn ông bầu nào làm mình làm mẩy dọa bỏ bóng đá.

Và khi bóng đá liên tục mang vinh quang về cho tổ quốc, người hâm mộ chỉ nhớ đến và biết ơn những ông bầu làm bóng đá thật.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM