Những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2018
Nhìn lại thế giới khoa học năm 2018 bằng những bức ảnh ấn tượng nhất, đi cùng với đó là những câu chuyện, những đột phá khoa học, những phát hiện mới.
Năm 2018 chuẩn bị kết thúc và để lại trong chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đặc biệt là trong giới khoa học và tự nhiên. Tạp chí Nature đã tổng hợp lại những bức ảnh ấn tượng nhất, đi cùng với đó là những câu chuyện, những đột phá khoa học, những phát hiện mới để đánh dấu toàn bộ một năm 2018.
Ngôi nhà siêu nhỏ
Vào tháng 5, một nhóm nghiên cứu tại Viện Femto-ST của Pháp đã sử dụng những công cụ lắp ráp nano, bao gồm: chùm chiếu ion tập trung, hệ thống phun khí và những cánh tay robot siêu nhỏ. Để xây dựng một ngôi nhà có kích thước nhỏ nhất trên thế giới từ vật liệu nanosilica, với chiều dài chỉ 20 micromet.
Tế bào âm thanh
Các nhà sinh vật học tế bào Stephen Freeman và Laurence Delacroix đến từ Đại học Liège nước Bỉ, đã giành giải đặc biệt của cuộc thi ảnh Small World Photomicrography do Sony tổ chức. Bức ảnh đoạt giải là tế bào thần kinh cảm thụ âm thanh bên trong tai của loài chuột. Các tế bào này có thể thay đổi và kích ứng với âm thanh mà nó thu nhận được.
Cơn bão trên Sao Mộc
Tàu vũ trụ Juno của NASA đã trải qua 8 năm trong sứ mệnh thăm dò Sao Mộc. Mới đây, tàu Juno đã gửi về những ảnh chụp đáng kinh ngạc của bề mặt Sao Mộc khi nhìn từ ngoài không gian. Tuy nhiên chúng ta không thể nhìn thấy bề mặt, bởi phía trên bầu khí quyển của Sao Mộc là những cơn bão và lốc xoáy khổng lồ, không bao giờ kết thúc. Bức ảnh này trông giống như một tác phẩm hội họa thuộc trường phái trừu tượng.
Cột lửa khi SpaceX phóng thành công Falcon 9
Năm 2018 là một năm thành công của SpaceX, khi liên tiếp thực hiện thành công việc phóng và hạ cánh những tên lửa tái sử dụng Falcon 9. Vào tháng 2, SpaceX lần đầu tiên phóng một tên lửa Falcon 9 mang theo một vệ tinh radar và hai vệ tinh Starlink. Đây là bước đầu tiên để SpaceX thực hiện tham vọng phủ sóng internet vệ tinh trên toàn thế giới.
Ngày cuối cùng
Đây là bức ảnh cuối cùng chụp lại chú tê giác trắng cuối cùng trên thế giới, có tên là Sudan và đã qua đời vào tháng 3 tại Kenya. Hiện tại chỉ còn hai con cái của loài tế giác trắng còn sống, khiến cho loài động vật này đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Các nhà khoa học đang phải gấp rút tìm ra phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để cứu loài động vật này.
Hạn hán kỷ lục tại Nam Phi
Đây đã từng là một hồ chứa nước lớn tại đập thủy điện Steenbras, trên con sông Steenbras River tại Nam Phi. Tuy nhiên sau 3 năm hạn hán kỷ lục, hồ chứa nước này không còn lại gì ngoài một sa mạc cát. Bức ảnh cho thấy những dấu hiệu đáng báo động của tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái đất.
Hai con khỉ nhân bản vô tính
Zhong Zhong và Hua Hua là hai chú khỉ sinh đôi, được ra đời vào tháng 1 tại Trung Quốc. Đây là loài linh trưởng đầu tiên được sinh ra bằng kỹ thuật nhân bản vô tính, tương tự như đã được sử dụng để tạo ra chú cừu Dolly. Kỹ thuật nhân bản vô tính trên các loài linh trưởng vô cùng phức tạp, do đó đây thực sự là một bước đột phá lớn của y học.
Virus khổng lồ
Các nhà khoa học đã phát hiện chủng virus khổng lồ có tên là Tupanvirus. Nó được phát hiện bên trong trùng amip, có kích thước khổng lồ, với bộ gen lớn nhất từ trước đến nay và có liên quan đến việc tạo ra protein của bất kỳ loại virus nào chúng ta từng biết đến.
Trái đất nóng lên
Băng tại Bắc Cực đang tan chảy do tình trạng nóng lên toàn cầu. Bức ảnh này chụp lại một đoàn nghiên cứu gấu Bắc Cực đang chơi đá bóng trên một tảng băng lớn, tuy nhiên xung quanh đã không còn có nhiều những tảng băng lớn như vậy còn tồn tại.
Săn mồi
Chim ó biển tại Scotland có cách săn mồi rất đặc biệt. Bức ảnh này chụp lại được khoảnh khắc săn mồi đó, khi những con chim lao với vận tốc 100km/h từ độ cao 30m xuống mặt nước biển, để bắt cá thu và nhiều loại cá khác.
Nguyên tử đơn độc
Nếu nhìn kỹ vào trung tâm bức ảnh, bạn có thể nhìn thấy một nguyên tử duy nhất đang nằm gần như bất động. Đây là điều hiếm thấy, bởi bạn không thể nhìn được một nguyên tử bằng mắt thường, và chúng thường di chuyển với tốc độ rất lớn. Tuy nhiên các nhà khoa học tại Đại học Oxford đã bắt dính một nguyên tử bằng từ trường và các tia laser.
Hạ lưu
Đây là bức ảnh chụp hạ lưu của hai con sông Porcupine và Draanjik, tại Alaska. Chúng ta có thể thấy càng về cuối, những con sông càng chia nhánh ngoằn ngoèo và trở nên phức tạp hơn.
Bình yên trên bãi biển
Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Wally Skalij, đó là một con cú đang nằm yên trên bờ cát của một bãi biển tại Malibu. Bức ảnh có vẻ kỳ lạ, khi một con cú lại nằm trên bãi biển thay vì đậu trên một cành cây nào đó ở trong rừng.
Nhưng thực tế là khu rừng nơi con cú này sinh sống vừa bị thiêu rụi bởi một trận cháy lớn. Bang California tại Mỹ đã trải qua một năm 2018 đầy kinh hoàng, với những vụ cháy rừng lớn nhất và gây ra nhiều thiệt hại nhất trong lịch sử. Không chỉ người và của bị ảnh hưởng, hệ sinh thái thiên nhiên và những con thú hoang dạ cũng bị thiệt hại nặng nề.
Voi qua đường
Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Biplap Hazra, đoạt giải thưởng trong cuộc thi nhiếp ảnh động vật hoang dã Sanctuary 2018. Bức ảnh này cho thấy voi mẹ đang dắt voi con băng qua đường ray xe lửa, tại vùng Tây Bengal. Sự phát triển của con người đang đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái của các loài động vật hoang dã.
Gấu Bắc cực chụp ảnh
Bức ảnh này của nhiếp ảnh gia Roie Galitz, có tên là “Wildlife PhotograBear” và đã đạt giải thưởng Nhiếp ảnh động vật hoang dã hài hước 2018. Trong khi Galitz thiết lập hệ thống máy ảnh thì một chú gấu Bắc cực đã tới để “kiểm tra” và tỏ ra rất hứng thú với chiếc máy ảnh DSLR của nhiếp ảnh gia này.
Selfie trên Sao Hỏa
Một trong những sứ mệnh không gian vô cùng quan trọng của năm 2018, đó là hạ cánh tàu thăm dò InSight lên bề mặt Sao Hỏa. NASA đã thực hiện thành công việc hạ cánh vào tháng 11, và tàu thăm dò InSight đã gửi về bức ảnh chụp selfie đầu tiên được thực hiện trên Sao Hỏa. Tàu InSight sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thăm dò địa chất trên bề mặt Sao Hỏa và gửi các dữ liệu về cho NASA.