Những bài học từ cuộc đời đáng kinh ngạc của "mẹ đẻ" của công nghệ mRNA vừa đạt giải nhất VinFuture: Không bao giờ biết gục ngã; từng bị chê cười nhưng đang cứu hàng triệu mạng người
Cuộc đời của Giáo sư Katalin Kariko, người tiên phong nghiên cứu và phát triển công nghệ mRNA đang góp phần cứu hàng triệu mạng người giữa đại dịch Covid-19, là một minh chứng không thể hoàn hảo hơn cho câu nói "không gì là không thể".
Bà đã kiên định theo đuổi niềm tin của mình và vượt lên những nghịch cảnh liên tiếp đổ ập lên cuộc đời. Thành quả mà bà tạo ra trở thành cứu cánh, giúp nhân loại có công cụ tốt để vượt qua đại dịch, thoát khỏi các bệnh nan y và cứu mạng hàng triệu người.
Tình yêu khoa học bắt nguồn từ con chim, ngọn cỏ
Kariko lớn lên trong một ngôi nhà xây hai phòng lợp mái sậy ở ngôi làng nhỏ Kisujszallas, Hungary. Cha bà là một người bán thịt, mẹ là một nhân viên kế toán. Họ sống một cuộc sống không có nước máy, không có tivi hay tủ lạnh.
Gia đình bà có một khu vườn và đàn lợn. Kariko đã quan sát con bò của hàng xóm đang sinh nở và lang thang vào một khu rừng gần đó với sự tò mò về các loài chim, thực vật, thiên nhiên. Ngay từ tấm bé, bà đã thể hiện một tình yêu đặc biệt với khoa học và không ngại theo đuổi nó. Đến năm lớp tám, bà đứng thứ ba toàn quốc về môn sinh học.
Lớn lên và trở một sinh viên đại học tại Đại học Szeged, bà làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh học trong một phòng thí nghiệm tập trung vào liposome, bong bóng có thể được sử dụng để bao bọc vật chất di truyền. Hungary đứng sau Bức màn sắt (biên giới quân sự giữa Tây Âu và khối Cộng sản Đông Âu trong thời kỳ Chiến tranh lạnh), nơi việc đặt mua các nguyên liệu trong phòng thí nghiệm không hề dễ dàng. Vì vậy, các nhà khoa học đã tìm cách tinh chế các phospholipid cần thiết cho thí nghiệm của họ. Điều tra viên điều hành phòng thí nghiệm đã đạp xe đến lò mổ để nhặt não bò để chúng có thể tự tạo ra phospholipid.
"Đây là cách tôi học khoa học, luôn là như vậy. Bạn không thể mua một cái gì đó? Không thành vấn đề. Hãy làm ra nó", bà Kariko nói.
Bà gặp chồng mình, Bela Francia khi ông 17 tuổi và bà đang 22. Họ kết hôn ba năm sau đó. Tốt nghiệp đại học năm 1978, bà bắt đầu nghiên cứu RNA. Bà viết và bảo vệ luận án tiến sĩ khi đang mang thai.
Với tình yêu lớn lao dành cho khoa học, bà Kariko luôn khát khao truyền cảm hứng cho giới trẻ. Từ câu chuyện của chính bản thân mình, chia sẻ với Tri Thức Trẻ khi tới Việt Nam dự VinFutures, bà Kariko nhấn mạnh: "Không quan trọng bạn sinh ra ở điều kiện gia đình như thế nào, xuất phát điểm của bạn ở đâu, bạn có thể trở thành bất cứ điều gì bạn mong muốn, miễn là bạn toàn tâm toàn lực với điều đó. Bạn không cần phải là con của một giáo sư mới có thể trở thành một giáo sư".
Biến cố không bao giờ là nấm mồ chôn khát vọng
Tuy nhiên, khoa học không chỉ có tình yêu mà nó còn muôn và khó khăn, biến cố. Kariko không phải ngoại lệ. Năm 1985, phòng thí nghiệm nơi bà làm việc bị cắt nguồn tài trợ khiến bà trở thành người thất nghiệp. Bà quyết định tìm kiếm cơ hội ở Mỹ và bán hết những tài sản có giá trị trong nhà.
Gia đình bà phải bán xe, lén cất tiền bên trong một con gấu bông to màu nâu với đôi mắt có viền đỏ và mua vé một chiều tới Mỹ. Tới bây giờ, con gấu ấy vẫn được bà giữ trong phòng cô con gái.
Năm 1989, Kariko được nhận vào làm trợ lý cho tiến sĩ Elliot Barnathan tại Đại học Pennsylvania. Họ cùng nhau chứng minh mRNA có thể kích hoạt các tế bào của con người sản sinh ra một loại protein phức tạp theo yêu cầu. Đó là một bằng chứng về khái niệm đã mở ra cánh cửa cho một loạt các ứng dụng y tế.
Tuy nhiên, bà vẫn không có được tài trợ để tiếp tục nghiên cứu mARN. Khi Giáo sư Barnathan rời Đại học Pennsylvania, Kariko không còn tiền trợ cấp và cả công cụ nghiên cứu.
Bà vẫn theo đuổi ý tưởng và niềm tin của mình nhưng mọi đề nghị tài trợ của bà đều bị từ chối. Mọi người đều nghĩ đó là ý tưởng viển vông, những đồng nghiệp khác đều xa lánh bà.
Kariko chật vật để cân bằng cuộc sống gia đình với những khó khăn trong công việc. Bà thường nói về việc Susan - con gái bà - đã học cách đứng dậy, mặc quần áo và tự chăm sóc bản thân mình. Bà ứa nước mắt khi nhớ lại số tiền họ có ít ỏi như thế nào.
Năm 1995 là thời điểm xảy ra những khủng hoảng lớn nhất trong đời đối với Kariko. Bà bị sa thải khỏi Đại học Pennsylvania và bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Những biến cố lớn càng khiến ý tưởng vốn bị đánh giá là viển vông của Kariko càng trở nên vô vọng.
"Bạn biết gì không? Bạn sẽ thất bại hàng tá lần! Và nếu cứ mỗi lần thất bại, bạn lại ủ rũ, rồi từ bỏ, thì bạn không thể trụ nổi đâu! Bạn phải có khả năng chịu đựng thất bại. Mà tôi nghĩ là, bất kỳ bạn đang làm công việc gì, bạn cũng nên làm với niềm vui. Bạn yêu công việc, thì bạn mới vui vẻ làm việc được", Giáo sư Kariko chia sẻ tại Việt Nam.
Khát khao của một người có thể cứu hàng triệu người
Bước ngoặt với các nghiên cứu của nhà khoa học Kariko tới vào cuối những năm 1990, khi bà gặp một nhà miễn dịch học có tên là Drew Weissman, người muốn tạo ra một loại vắc-xin HIV và đang xem xét các công nghệ khác nhau. Bà nói với ông về mRNA và về tiềm năng to lớn của nó.
Kariko và Weissman đã thử sửa đổi mRNA của họ về mặt hóa học để bắt chước tRNA. Họ phát hiện ra rằng việc thay thế một chữ cái trong bảng chữ cái bốn chữ cái của nó có thể ngăn cản mRNA kích hoạt hệ thống miễn dịch và làm tăng đáng kể số lượng tế bào protein được sản xuất.
Họ đã công bố những phát hiện của mình và được cấp bằng sáng chế cho công trình này vào năm 2005. Một năm sau, Kariko và Weissman thành lập một công ty tên là RNARx để thương mại hóa RNA sửa đổi này. Họ đã giành được một khoản tài trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ từ Viện Y tế Quốc gia với ý tưởng mRNA có thể được sử dụng để điều trị bệnh thiếu máu.
Ý tưởng này đã đi trước thời đại. Hai công ty công nghệ sinh học là BioNTech ở Mainz, Đức, và Moderna ở Cambridge, Massachusetts đã nhận ra tiềm năng ngay cả khi RNARx gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư.
Khi mối quan tâm về công nghệ sinh học bắt đầu nóng lên bên ngoài phòng thí nghiệm của họ, cặp đôi tiếp tục nghiên cứu cùng nhà khoa học Norbert Pardi và đưa được loại mARN cực kỳ mỏng manh này vào cơ thể.
Hiện nay, công nghệ mRNA được các nhà nghiên cứu tại Pfizer-BioNTech và Moderna sử dụng trong việc điều chế vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, tiềm năng của mRNA sẽ không chỉ được dùng cho sản xuất vắc-xin mà còn có thể chữa các bệnh nan y như ung thư, đột quỵ, đông máu sau phẫu thuật… bằng việc yêu cầu tế bào tự tạo ra chất cần thiết.
Chính việc kiên định với nghiên cứu của mình bất chấp những lời chế nhạo, bất chấp những khó khăn, thiếu thốn và cả việc phải thường xuyên đi tìm kiếm nhà tài trợ…, bà Kariko đã tạo ra cho thế giới một công cụ tuyệt vời để chống lại dịch bệnh, mang lại cơ hội cho những người mắc bệnh nan y.
"Thú thật, tôi không dám nói với đồng nghiệp là tôi thích viết đơn xin tài trợ nghiên cứu. Tôi dành hàng giờ để đọc đi đọc lại, nghĩ đến các kết quả khác nhau có thể xảy ra. Mà cái này tôi không bao giờ nói với các đồng nghiệp khác, bởi kiểu gì họ cũng nghĩ tôi có vấn đề", Giáo sư Kariko chia sẻ sau khi được cả thế giới gọi là người hùng bởi thành tựu nghiên cứu mRNA.
Gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất
Trong một bài viết trên tờ Washington Post, cô con gái Susan của nà Kariko nói rằng cô chưa bao giờ thấy bố mẹ thư giãn. Kỳ nghỉ xuân có nghĩa là một tuần đi chơi trong phòng thí nghiệm của mẹ cô vì gia đình không có tiền cho kỳ nghỉ. Nhưng họ tận hưởng một niềm vui gắn bó với gia đình và niềm tự hào sâu sắc về công việc của nhau.
Ông Francia thường sửa sang lại ngôi nhà, đóng nhiều đồ đạc nội thất của họ sau khi ngày làm việc của ông kết thúc. Kariko bận rộn với công việc nhưng vẫn có thời gian nấu đồ ăn Hunggary và nướng bánh sô-cô-la. Susan sẽ làm bài tập về nhà của mình cho đến khi nghe thấy tiếng lạch cạch đặc biệt của mẹ cô khi đổ đậu phộng M & Ms vào đĩa. Cô ấy sẽ chạy xuống cầu thang và nghỉ ngơi cùng bố mẹ.
Vợ chồng Tiến sĩ Kariko và con gái.
Sự đầm ấm bên gia đình và ở bên nhau ngay cả vào những thời khắc đen tối nhất của cuộc đời là nguồn động lực to lớn giúp Kariko vượt qua được khó khăn và tiếp tục bước đi trên hành trình đầy gian nan của mình. Vậy nên, bạn hãy trân trọng gia đình mình và tin rằng mình không cô đơn, gia đình sẽ luôn bên bạn.
Đó là về cuộc sống sau này. Khi còn tấm bé, chính bản thân bà Kariko cũng nói rằng mình may mắn bởi có cha mẹ khuyến khích bà học. Trong bài viết này, chúng tôi đã một lần nói rằng bố cha bà là một người bán thịt, mẹ là một nhân viên kế toán. Họ sống trong một ngôi làng nhỏ, nơi mà tủ lạnh và nước máy còn chẳng có chứ đừng nói tới những nghiên cứu khoa học làm thay đổi thế giới.
Tuy nhiên, xuất thân ấy không ngăn được cha mẹ Kariko ngừng khuyến khích bà học. Và có lẽ thế giới nợ họ một lời cám ơn bởi chính sự khuyến khích của họ đã đặt nền móng cho một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới, người đã giúp việc sản xuất vắc xin, vốn kéo dài tới cả chục năm, xuống còn vài tháng.
Ai cũng có thể vấp ngã, có đứng dậy hay không là một lựa chọn
Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Những khó khăn có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng sự khác nhau giữa người thành công và thất bại nằm ở cách họ đối mặt với những khó khăn đó. Kariko đã chọn cách đứng dậy và bước tiếp, bất chấp việc bị đuổi việc, trở thành người thất nghiệp, bị từ chối, bị xa lánh và phải mang căn bệnh nan y trong người.
Nếu bà lựa chọn bỏ cuộc, có lẽ thế giới đã không có hy vọng chế tạo được vắc-xin COVID-19. Nếu bạn bỏ cuộc, có lẽ bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội tạo ra những điều lớn lao cho chính mình và cho mọi người.
Nếu bạn có đam mê và mơ ước, hãy giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết. Người khác nói họ không thể không có nghĩa là bạn cũng không thể làm. Người khác không tin bạn không có nghĩa là bạn có thể đánh mất niềm tin vào chính mình.
Katalin Kariko đã kiên định với ý tưởng và niềm tin của mình dù mọi người không tin và đã từ chối bà nhiều năm trời. Nhưng bà đã làm được và chứng minh rằng niềm tin của mình đã đúng và mang sức mạnh to lớn đến nhường nào.