Những bài học từ 3 nước "tâm dịch" của Omicron: Đã là quá muộn để ngăn chặn biến thể Covid mới
Biến thể Omicron đang lan tỏa ra toàn thế giới với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là ở 3 nước Nam Phi, Anh, và Đan Mạch.
Nam Phi, Anh Quốc và Đan Mạch là 3 quốc gia chứng kiến làn sóng biến thể Omicron mạnh mẽ nhất. Và nó chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng kể từ lần đầu được phát hiện.
Nước Anh kỳ vọng vào vaccine để thoát khỏi khủng hoảng với việc tăng tốc tiêm chủng mũi thứ 3 cho toàn bộ người trưởng thành vào cuối tháng 12. Trong khi đó tại Nam Phi, giới nghiên cứu nhận định rằng với các dữ liệu ban đầu, biến thể Omicron dường như cho triệu chứng nhẹ hơn, dù vẫn chưa có đủ thông tin về vai trò của miễn dịch cộng đồng từ vaccine cũng như các ca F0 tái nhiễm trong chuyện này. Còn Đan Mạch, họ vội vã ban hành những lệnh hạn chế mới để kiểm soát sự lây lan của Omicron.
3 quốc gia chung hoàn cảnh, nhưng có cách nhìn nhận về biến thể mới khác nhau. Thế giới thì nhìn vào họ để có được những bài học lớn.
3 đất nước "tâm dịch" của biến thể Omicron có những thái độ khác nhau
Đã quá muộn để chặn đứng Omicron
Bất chấp việc các quốc gia tiến hành siết chặt di chuyển quốc tế, biến thể Omicron vẫn đang lây lan rất nhanh trên phạm vi toàn thế giới.
Hôm 14/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết có 77 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron, đồng thời nhận định về thực tế rằng "biến thể mới dường như đã có mặt ở phần lớn quốc gia trên thế giới, dù chưa phát hiện ca nhiễm."
"Omicron đang lây lan ở tốc độ chưa từng thấy," - ông Tedros phát biểu. "Chúng tôi đang lo ngại rằng mọi người sẽ chủ quan khi Omicron chỉ gây bệnh nhẹ. Trên thực tế, chúng tôi biết chắc rằng chúng ta đang đánh giá thấp nó."
Hiện đã là quá muộn để ngăn Omicron xâm nhập - tình cảnh ở nhiều nước trên thế giới
Cũng theo ông thì kể cả trong trường hợp biến thể Omicron gây ra triệu chứng nhẹ hơn, thì "số ca nhiễm gia tăng sẽ sớm khiến các hệ thống y tế yếu gặp quá tải."
Anh Quốc đã chính thức bỏ 11 quốc gia tại phía nam châu Phi ra khỏi "danh sách báo động đỏ" hôm 14/12, do chính họ cũng đang phải đối mặt với làn sóng lây lan của biến thể Omicron. Trong khi đó tại Mỹ, ít nhất 36 tiểu bang xác nhận đã có ca nhiễm biến thể mới.
"Tôi nghĩ Omicron sẽ sớm chiếm ưu thế ở mọi nơi," - Michael Head, chuyên gia từ ĐH Southampton nhận định. "Và sẽ có nhiều ca Omicron không được phát hiện tại các quốc gia, bởi hệ thống xét nghiệm và phân tích gene còn hạn chế."
Omicron sẽ sớm thành chủng ưu thế
Anh Quốc phát hiện 2 ca nhiễm Omicron đầu tiên vào ngày 27/11. Và tính đến ngày 14, biến thể mới đã thay thế Delta, trở thành chủng ưu thế tại London theo thông báo của Cơ quan An ninh Y tế Anh.
"Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm bạn cần tiêm mũi 1, mũi 2 hoặc mũi bổ sung ngay khi có thể. Đừng đánh cược với số phận," - Giám đốc y tế khu vực tại London, ông Kevin Fenton kêu gọi.
Ngày 14/12, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid thông báo số ca nhiễm Omicron đã tăng gấp đôi sau mỗi 2 ngày, đồng thời nhận định tốc độ ấy "là tương tự với những gì được chứng kiến tại Nam Phi".
Số ca nhiễm Omicron sẽ còn tiếp tục gia tăng
Đến ngày 16/12, Anh ghi nhận 88.376 ca nhiễm mới - con số cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nam Phi cũng ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục hôm 15/12.
Tương tự, Viện Serum Statens của Đan Mạch (SSI) cũng nhận định Omicron sẽ sớm trở thành chủng ưu thế trong tuần này. Trong vòng 1 ngày qua, họ xác nhận có gần 10.000 ca nhiễm mới.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Fredricksen nhận định số ca nhiễm như vậy là rất cao, và "không nghi ngờ gì về việc các lệnh hạn chế mới được đưa ra để phá vỡ chuỗi lây nhiễm".
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) hôm 15/12 cũng cảnh báo rằng khả năng Omicron lây lan ra toàn bộ châu lục là rất cao, và sẽ dẫn đến "các ca nhập viện và tử vong tăng lên", vượt qua những gì được dự đoán từ Delta.
Tại Mỹ, chuyên gia Anthony Fauci cũng nhận định Omicron sẽ sớm trở thành biến thể chiếm ưu thế. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nó sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến số ca nghiêm trọng tại quốc gia này. Ở thời điểm hiện tại, CDC Hoa Kỳ ước tính Omicron đang chiếm 2,9% số ca nhiễm hiện hành, trong khi Delta vẫn đang là 96,8% cách đây 1 tuần.
Chưa thể khẳng định Omicron gây bệnh nhẹ
Dữ liệu từ Nam Phi đang được mổ xẻ kỹ lưỡng để tìm manh mối về những ảnh hưởng của Omicron khi lây lan ra cộng đồng.
Viện Truyền nhiễm Quốc gia (NICD) của Nam Phi đã có những nhận định lạc quan, nhưng thận trọng. "Dù các dữ liệu vẫn đang được thu thập, bằng chứng đang cho thấy làn sóng lây nhiễm mới nhất sẽ nhẹ nhàng hơn," - cơ quan này cho hay.
Theo một nghiên cứu từ công ty bảo hiểm y tế lớn nhất Nam Phi, vaccine dường như cung cấp khả năng bảo vệ thấp hơn đối với biến thể mới, dù Omicron đang mang đến các triệu chứng nhẹ hơn. Theo đó, 2 mũi vaccine của Pfizer chỉ mang lại 33% bảo vệ, nhưng vẫn giúp giảm rủi ro mắc biến chứng nặng tới 70%. Trung khi đó, rủi ro nhập viện khi mắc Omicron thấp hơn các biến thể khác khoảng 29%.
Vaccine vẫn được đánh giá là "lớp bảo vệ tốt" trước biến thể Omicron
Tuy nhiên, chuyên gia ở các nước khác thì không tự tin như vậy. Chris Whitty, giám đốc y tế Anh cảnh báo số ca nhiễm của nước này sẽ "tăng kỷ lục trong những tuần kế tiếp", qua đó khiến số ca nhập viện tăng theo và gây áp lực cho hệ thống y tế.
Tại Anh, các chuyên gia đang quan sát ảnh hưởng của biến thể mới lên cộng đồng, nơi 89% cư dân trên 12 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, và 44% đã được tiêm 2 hoặc 3 mũi. Dẫu vậy, hoàn cảnh ở những nơi khác không giống như thế.
"Có những nơi người dân vẫn chưa tiêm chủng hoặc chỉ mới tiêm 1 mũi," - Michael Head từ ĐH Southampton chia sẻ. "Nghĩa là chúng ta cần phải tìm kiếm cách để bảo vệ cư dân ở những nơi đó, như vùng hạ Sahara (châu Phi) chẳng hạn."
Vaccine là chưa đủ để chặn Omicron
Các chuyên gia y tế cho rằng khi Omicron lây lan, các quốc gia cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn như giãn cách xã hội, hoặc tăng thông khí tại môi trường trong nhà.
"Các nước cần phải chặn sự lây lan của Omicron bằng các phương pháp hiệu quả,"- Giám đốc WHO nhận định. "Không phải có vaccine là thôi khẩu trang hay giãn cách và thông khí. Phải làm tất cả cùng nhau."
Thủ tướng Anh Boris Johnson lựa chọn thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng mũi 3 để chống lại Omicron. Theo đó, ông Johnson cho rằng các dữ liệu chỉ ra "vaccine có hiệu quả chống lại các ca bệnh có triệu chứng trước Omicron với 2 mũi tiêm, nhưng sẽ tăng khả năng bảo vệ tới 70% với mũi tăng cường. "
Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla thì kêu gọi "hành động có trách nhiệm" với các lệnh hạn chế Covid-19, nhằm ngăn số ca nhiễm gia tăng trong bối cảnh mùa nghỉ lễ đang tới gần.
Khó có thêm phong tỏa
Bất chấp việc biến thể Omicron đang lây lan trên toàn cầu, rất ít quốc gia bày tỏ ý định ban hành một lệnh phong tỏa.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết thay vì đóng cửa mọi thứ, chính phủ sẽ chỉ kêu gọi người dân "thận trọng trước các hoạt động bên thềm lễ Noel sắp tới."
"Sẽ rất khác so với năm ngoái vì chúng ta đã có sự bảo vệ từ vaccine và khả năng xét nghiệm tốt."
Tuy nhiên, ông cho rằng các nước khác nên tỏ ra thực tế hơn và "cân nhắc khả năng phong tỏa nếu cần thiết" vì xét cho cùng "phong tỏa vẫn là con bài tẩy cuối cùng để chống dịch."
Nhiều quốc gia vẫn đang áp dụng các phương pháp khác nhau để chống lại sự lây lan của cả Omicron lẫn Delta. Như Na-uy đã cấm phục vụ rượu trong nhà hàng và quán bar, cũng như siết chặt phòng dịch tại các trường học và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.
Tuy nhiên, ở một vài mức độ, đã có sự đồng thuận về việc phải "học cách chung sống" với biến thể mới, khi độ phủ vaccine đang là cao. Như ở Úc, bang New South Wales - nơi 93,3% cư dân trên 16 tuổi đã tiêm chủng, các lệnh hạn chế đã được nới lỏng dù phát hiện ra Omicron.
"Virus đang ở đây, Omicron đã tới. Nhưng chúng tôi sẽ chung sống với nó, không để nó kéo mình lại," - Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu.
Nguồn: CNN