Những ai không nên ăn lẩu?

20/12/2023 11:40 AM | Sống

Lẩu là lựa chọn của nhiều người trong những ngày miền Bắc trở lạnh nhưng bạn có biết rằng không phải ai ăn lẩu cũng tốt.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, lẩu là món ăn "quốc dân" trong mùa đông, nó giống như một bữa tiệc buffet thu nhỏ với đa dạng thực phẩm để mọi người lựa chọn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn thoải mái. Một số người nên ăn có kiểm soát hoặc thậm chí không nên ăn lẩu.

Nhóm người nên tránh ăn lẩu

Bà bầu

Theo bác sĩ Hoài Thu, bản chất món lẩu không hề gây hại cho bà bầu nhưng đối tượng này tốt nhất vẫn cần hạn chế ăn.

Thói quen nhúng qua loa thức ăn, ăn thịt tái khi ăn lẩu có thể khiến bà bầu đối diện với các bệnh về ký sinh trùng như sán lá gan.

Ở bà bầu, sức đề kháng yếu đi, việc nhiễm sán hay ký sinh trùng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ lẫn bé.

Bên cạnh đó, món lẩu thường chứa nhiều gia vị, nếu không thể đảm bảo các loại gia vị này an toàn thì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Vì vậy trước khi ăn bà bầu cần cân nhắc kỹ.

Trẻ nhỏ

Đa số các món lẩu khi chế biến đều cho nhiều các loại gia vị, nhất là các gia vị cay nóng để tăng độ hấp dẫn. Không chỉ vậy, đặc trưng của món lẩu là ăn khi nóng, nhiệt độ còn rất cao nên trẻ nhỏ không nên ăn nhiều.

Độ nóng của nước lẩu, thức ăn cũng như việc sử dụng nhiều gia vị cay nóng dễ khiến trẻ nhỏ bỏng niêm mạc miệng...

Người đau dạ dày

Các loại lẩu cay như lẩu kim chi, lẩu Thái chua cay, lẩu gà ớt hiểm... dù đem lại cảm giác ngon miệng nhưng lại không phù hợp với người đang mắc bệnh dạ dày, vì có thể khiến dạ dày bị kích thích và tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Khi ăn lẩu cay, nóng sẽ khiến lớp màng nhầy trong dạ dày bị ảnh hưởng dẫn tới gây viêm loét dạ dày.

Người bị mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp

Một vấn đề nữa bác sĩ Hoài Thu cũng cảnh báo là nguyên liệu để làm ra món lẩu rất phong phú, đó là nấm, hải sản, thịt gà, nội tạng, thịt bò...

Đây đều là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, dồi dào purine, nhiều cholesterol, không phù hợp để những người bệnh gút, tiểu đường, cao huyết áp ăn nhiều vì sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Những ai không nên ăn lẩu? - Ảnh 1.

Lẩu ngon nhưng không nên ăn thường xuyên. (Ảnh minh hoạ)

Ăn lẩu thế nào để đảm bảo sức khỏe?

Bác sĩ Hoài Thu chia sẻ khi ăn lẩu bạn nên lưu ý những điều sau đây để đảm bảo sức khoẻ:

- Chỉ nên ăn lẩu trong vòng 2 giờ trở lại, ăn lâu sẽ khiến dạ dày của bạn phải làm việc liên tục, các dịch vị dạ dày, dịch mật, tụy phải tiết ra nhiều, liên tục để xử lý lượng thức ăn nạp vào cơ thể.

Nếu ăn lâu dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, chất lượng bữa ăn cũng không đảm bảo vì thực phẩm được ngâm nấu lâu sẽ biến chất, mất hết dinh dưỡng.

- Để dạ dày hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn bạn nên ăn lẩu theo thứ tự: Đầu tiên bạn nên uống một chút nước lọc, sau đó là ăn rau, cuối cùng mới đến ăn thịt.

- Bạn nên tránh ăn thịt tái sống, đặc biệt là nội tạng động vật thì càng cần nấu chín kỹ. Thực phẩm nhúng lẩu có thể khiến bạn bị nhiễm ký sinh trùng, dễ gây nhiễm trùng đường tiêu hóa.

- Khi ăn lẩu mọi người nên thái mỏng thực phẩm, nhúng kỹ để chín hoàn toàn trước khi ăn với thời gian khoảng 1 phút. Còn với các loại thực phẩm có vỏ dày như tôm, sò, ốc, hay thực phẩm dạng viên thì cần nhúng trên 5 phút khi nồi nước lẩu đang sôi.

- Tránh uống nhiều nước lẩu: Nước lẩu có thể coi là "tinh túy" của rau, thịt... cũng vì vậy mà lẩu rất giàu chất béo và cholesterol, sử dụng quá nhiều nước lẩu có thể làm tăng nguy cơ bệnh gút và tăng axit uric máu.

- Khoang miệng, niêm mạc dạ dày và thực quản chỉ có thể chịu đựng được độ nóng cao nhất là 50 - 60 độ C vì thế trong quá trình ăn, nên gắp những đồ ăn đã chín ra bát để nguội bớt rồi mới từ từ thưởng thức.

- Không nên dùng đi dùng lại nước lẩu cho những lần ăn kế tiếp bởi nước lẩu đun quá lâu sẽ khiến vitamin bị phân hủy, chất béo khi đó là bão hòa, gây hại cho cơ thể.

- Mọi người nên cân đối nhóm thực phẩm khi ăn, nên ăn nhiều rau củ quả để tăng chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, bổ sung thêm tinh bột như cơm, mì, bún, phở để giúp cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể.

- Không nên ăn lẩu liên tục, vì như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu hóa, rối loạn cân bằng dinh dưỡng. Để điều độ, chỉ nên ăn lẩu với khoảng cách thời gian từ 1 tới 2 tuần một lần.


Theo Nguyễn Ngoan/VTC

Cùng chuyên mục
XEM