Nhựa Tiền Phong báo lãi gần 150 tỷ đồng, có 1.500 tỷ đồng gửi ngân hàng

21/10/2023 22:25 PM | Kinh doanh

Doanh thu sụt giảm song lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong tăng 76%, đạt 148 tỷ đồng. Công ty hiện có khoảng 1.500 tỷ đồng gửi tại các nhà băng.

Nội dung chính:

  • Quý III, doanh thu của Nhựa Tiền Phong sụt giảm 2% song lợi nhuận tăng trưởng 76% nhờ giá vốn hàng bán giảm.
  • Công ty có 1.500 tỷ đồng gửi ngân hàng, đem về doanh thu tài chính khoảng 38 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu 1.301 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Doanh thu thấp hơn cùng kỳ song giá vốn bán hàng giảm từ 13% xuống còn 910 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận công ty tăng trưởng 76%, đạt 148 tỷ đồng.

Với kết quả này, lũy kế 9 tháng, Nhựa Tiền Phong đạt 3.931 tỷ đồng doanh thu và 465 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Nhựa Tiền Phong vừa có quý kinh doanh với lợi nhuận cao nhất trong vòng 1 năm qua.

Việc giá vốn giảm sâu giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận gộp (tăng từ mức 20% quý III/2022 lên mức 30% quý III/2023) của Nhựa Tiền Phong cũng tương tự với tình hình của người “đồng nghiệp” Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP). Cả hai doanh nghiệp ngành nhựa đang được hưởng lợi đáng kể từ việc giá hạt nhựa PVC giảm. Hạt nhựa PVC là nguyên liệu chính trong sản xuất nhựa. Loại nguyên liệu này biến động theo thị trường thế giới.

Giá hạt nhựa PVC - nguyên liệu chính sản xuất nhựa tại Nhựa Bình Minh đã giảm sâu trong năm nay (Nguồn: Statista)

Đầu năm, lãnh đạo Nhựa Tiền Phong dự báo ngành nhựa năm 2023 còn nhiều khó khăn do thị trường bất động sản chưa thể phục hồi ngay. Do đó, công ty lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu tăng 3%, lên mức 5.875 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 5%, xuống mức 535 tỷ đồng.

Như vậy, hết 3 quý, công ty đã hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu và 87% kế hoạch lợi nhuận năm 2023. Biến động giá vốn hàng bán, cụ thể là giá nguyên liệu hạt nhựa, đã giúp Nhựa Tiền Phong tiến gần tới mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tiền mặt dồi dào

Kinh doanh thuận lợi, dòng tiền từ hoạt động chính của công ty trong 9 tháng đầu năm đạt tới 1.410 tỷ đồng. Dòng tiền khả quan của Nhựa Tiền Phong không chỉ đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc, mà còn từ việc giải phóng hàng tồn kho, thu hồi các khoản nợ…

Tại thời điểm kết thúc quý III, Nhựa Tiền Phong có 950 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng tại các ngân hàng và 546 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (trong đó tiền gửi ngân hàng  không kỳ hạn là 534 tỷ đồng). Lượng tiền công ty gửi ngân hàng gần 1.500 tỷ đồng, chiếm 29% tổng tài sản. 9 tháng, công ty thu về hơn 38 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng dồi dào, Nhựa Tiền Phong vẫn có các khoản nợ vay ngắn hạn phục vụ sản xuất. Tính đến cuối quý III/2023, công ty vay nợ ngắn hạn 1.300 tỷ đồng, giảm 500 tỷ đồng so với đầu năm. Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp hiếm hoi hoàn toàn không có các khoản nợ vay hay phải trả dài hạn.

Trong 9 tháng, Nhựa Tiền Phong chi gần 74 tỷ đồng lãi vay.


Theo Lâm Tùng

Cùng chuyên mục
XEM