Nhóm Nam A Bank rút khỏi Eximbank, cổ đông mới lộ diện?

20/04/2019 12:56 PM | Kinh doanh

Từ đầu năm tới nay, hơn 350 triệu cổ phiếu EIB đã được sang tay, tương đương gần 30% số cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank, trị giá trên 5.600 tỷ đồng. Nam Á đang tiến hành thoái vốn và cổ đông mới được cho là đến từ Hà Nội.

Từ đầu năm 2019, đặc biệt là từ tháng 3 đến thời điểm này, cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chứng kiến các giao dịch thoả thuận liên tục với khối lượng rất lớn. Thống kê của chúng tôi cho thấy, hơn 3 tháng qua có tổng cộng hơn 350 triệu cổ phiếu đã được trao tay với giá trị trên 5.600 tỷ đồng, tương đương gần 30% số cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank, trong đó có những phiên giao dịch tới cả nghìn tỷ.

Câu hỏi được đặt ra là, vậy ai đã mua, ai bán số cổ phiếu nói trên?

Một nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi cho biết, nhóm nhà đầu tư liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch Nam A Bank, đã và đang thoái vốn khỏi Eximbank.

Theo nguồn tin này, nhóm nhà đầu tư liên quan đến gia đình ông chủ tịch Nam Á đã đầu tư cổ phiếu Eximbank từ năm 2014, sau khi mua lại cổ phần của ông Trầm Bê – cựu phó chủ tịch Sacombank. Thời gian nắm giữ tới nay đã được 5 năm.

Sau khi mua lại cổ phiếu từ ông Trầm Bê, nhóm này đã có kế hoạch đưa người vào Hội đồng quản trị Eximbank giai đoạn 2015 – 2016 nhưng bất thành. Mãi tới đại hội cổ đông tháng 4/2018 thì bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Nam Á – người được cho là đại diện cho nhóm Nam Á, mới được bầu vào làm thành viên HĐQT và sau đó ngày 22/3/2019 được bầu làm chủ tịch ngân hàng.

Tuy nhiên, sau khi bà Tú lên làm chủ tịch với sự đồng thuận của nhóm 7 thành viên HĐQT, trong đó có 2 thành viên đại diện cho cổ đông lớn SBMC của Nhật, thì ông Lê Minh Quốc – thành viên HĐQT độc lập đồng thời là chủ tịch ngân hàng này – lại kiện HĐQT vì cho rằng nghị quyết bầu chủ tịch mới và bãi nhiệm ông là không đúng luật. Toà án đã thụ lý vụ án và ngày 27/3 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm dừng thực hiện Nghị quyết về thay đổi chủ tịch HĐQT.

Ngay sau khi toà án ra quyết định, phía Eximbank đã khiếu nại, khẳng định những cáo buộc của ông Quốc là vô căn cứ và yêu cầu toà án huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong khi sự việc ở Eximbank về nhân sự vẫn còn xôn xao và chưa đi đến hồi kết thì những giao dịch cổ phiếu EIB được ghi nhận trên sàn chứng khoán trong thời gian qua lại thu hút sự chú ý.

Cũng theo nguồn tin xác nhận với chúng tôi, phía liên quan ông Nguyễn Quốc Toàn đang tiến hành thoái vốn và đối tác mua là một nhà đầu tư lớn kinh doanh hàng tiêu dùng nổi tiếng ở Hà Nội. Như vậy, Eximbank sẽ có "chủ mới" và không loại trừ tại đại hội cổ đông thường niên ngày 26/4 tới đây nhóm này sẽ lộ diện.

Cuộc chiến giữa các cổ đông nội bộ của Eximbank đã diễn ra trong thời gian dài tới gần 5 năm qua, khiến cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng này rơi vào trì trệ. Năm 2018, lợi nhuận đã có chút bứt phá, nhưng cuối cùng sự cố mất tiền của khách hàng VIP gửi tiết kiệm khiến ngân hàng phải đền hàng trăm tỷ (theo tuyên án của toà phúc thẩm), làm cho lợi nhuận theo đó cũng phải điều chỉnh theo giảm một nửa.

Giờ đây với sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới, nếu như tiếp tục không có sự đồng thuận của các nhóm cổ đông với nhau thì Eximbank sẽ khó có thể thoát khỏi khó khăn. Bởi vậy yêu cầu đặt ra cấp thiết lúc này là các nhóm cổ đông lớn Eximbank phải đồng thuận với nhau, ủng hộ nhau để chuyên tâm xây dựng ngân hàng nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho hàng nghìn nhà đầu tư khác, cho hơn 6.000 cán bộ nhân viên và cả cái nhìn thiện cảm, hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Có như vậy, Eximbank mới có thể hi vọng sớm trở lại "đường đua", dù rằng các ngân hàng cùng xếp hạng với Eximbank giai đoạn trước là VPBank, Techcombank, ACB... giờ đây đã bứt tốc rất xa và duy trì khoảng cách "dài bất tận" với Eximbank.

Còn về phía Nam Á, sự việc liên quan đến Eximbank đã từng được nhắc đến nhiều giai đoạn 2015 khi có 2 lãnh đạo cấp cao của nhà băng này định gia nhập Eximbank, sau đó lại rút lui. Hoạt động đã đi vào ổn định từ đó tới nay, với kết quả kinh doanh năm 2018 ghi nhận lãi cao kỷ lục với hơn 730 tỷ. Nếu như việc thoái vốn hoàn tất, nhóm cổ đông này không chỉ có lãi tới 30% (thời điểm 2014 giá cổ phiếu EIB chỉ quanh vùng 13.000 đồng, còn hiện tại là hơn 17.000 đồng), mà còn có thể tập trung vào đầu tư và xây dựng Nam Á. Năm nay ngân hàng đặt mục tiêu bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và niêm yết cổ phiếu trên HoSE.

Theo Tùng Lâm

Từ khóa:  Eximbank
Cùng chuyên mục
XEM