Nhóm hộ gia đình giàu chi tiêu vào việc học thêm cao gấp gần 5,6 lần nhóm hộ nghèo
Theo Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), các hộ gia đình giàu chi tiêu nhiều hơn vào việc học thêm tại các cấp học của con em mình.
Theo WB, tỷ lệ hoàn thành bậc học có sự khác biệt tùy theo đặc điểm hộ gia đình, đặc biệt là đặc điểm dân tộc và tình trạng kinh tế (đo lường bằng chi tiêu hộ gia đình trên đầu người theo nhóm ngũ phân vị). Chi tiêu cá nhân cho giáo dục có sự khác nhau đáng kể theo hoàn cảnh gia đình, ngay cả ở các cấp học bắt buộc trong các trường công lập.
Chi tiêu hộ gia đình cho học thêm ở các cấp học bắt buộc tại trường công lập, theo nhóm ngũ vị phân hộ gia đình năm 2020. Nguồn: World Bank
Trong năm 2020, các hộ gia đình ở nhóm ngũ phân vị giàu nhất chi tiêu cho học thêm của trẻ ở bậc tiểu học và trung học cơ sở công lập cao hơn 5,6 lần so với các hộ ở nhóm ngũ phân vị nghèo nhất. Cụ thể, các hộ gia đình thuộc nhóm giàu nhất mỗi năm bỏ ra gần 7 triệu đồng cho việc học thêm ở các cấp học bắt buộc tại trường công lập, gấp đôi nhóm 4. Nhóm hộ gia đình nghèo nhất chỉ bỏ ra hơn 1 triệu đồng/năm cho việc học thêm.
WB cho biết, người Kinh chi tiêu cho giáo dục nhiều gấp bảy lần so với người dân tộc thiểu số. Ở cấp trung học phổ thông, khoảng cách còn cao hơn nữa khi chi tiêu cho học thêm của nhóm ngũ phân vị giàu nhất cao hơn gấp 10 lần, và đến 80% trẻ thuộc nhóm này theo học đến những năm đầu của độ tuổi 20.
Giải thích về sự chênh lệch này, Báo cáo của WB cho rằng, khác biệt về tài chính hộ gia đình là cách lý giải nhất quán cho phần lớn chênh lệch về tỷ lệ hoàn thành bậc học đúng độ tuổi của trẻ em ở những hoàn cảnh khác nhau. Xét theo bậc học, tình hình tài chính hộ gia đình đóng vai trò lớn nhất đối với việc trẻ có hoàn thành các bậc học cao đúng độ tuổi hay không.
Mối liên hệ giữa việc học tập của học sinh và các đặc điểm của hộ gia đình được xác định rõ ràng ở cả các nước phát triển và đang phát triển qua chênh lệch về kết quả học tập của trẻ em giữa điều kiện kinh tế xã hội cao và thấp. Ở Việt Nam, kết quả giáo dục của trẻ so với cha mẹ của chúng dường như có sự tương đồng, điều đó cho thấy ít có sự dịch chuyển vươn lên về kinh tế giữa các thế hệ.