“Nhỏ mật lên sách” để trẻ biết sự ngọt ngào của tri thức: Bí quyết dạy con độc đáo ngay từ thuở lọt lòng của người Do Thái khiến ai cũng phải nể phục

30/04/2022 10:18 AM | Sống

Chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ đang đau đầu và bất lực khi thấy con chẳng bao giờ đụng đến quyển sách mà chỉ thích ôm TV, điện thoại. Còn người Do Thái lại có phương pháp đặc biệt khiến trẻ yêu thích sách: Nhỏ mật lên sách cho trẻ liếm để chúng thấy rằng đây là "món ăn ngọt ngào".

Người Do Thái được biết đến là dân tộc thông minh nhất thế giới. Theo số liệu thống kê thì có đến 40% giải Nobel thuộc về người Do Thái, con số này thật đáng tự hào. Như vậy, gần một nửa đóng góp cho sự tiến bộ của loài người chỉ do 0,19% dân số đảm nhiệm.

Vậy tại sao các thế hệ người Do Thái lại có được trí tuệ siêu phàm với chỉ số IQ trung bình là 110? Bên cạnh việc có nguồn gen mạnh mẽ, vai trò của người mẹ Do Thái cũng cực kỳ quan trọng.

Phương pháp dạy con từ thuở còn thơ của bà mẹ Do Thái

 “Nhỏ mật lên sách” để trẻ biết sự ngọt ngào của tri thức: Bí quyết dạy con độc đáo ngay từ thuở lọt lòng của người Do Thái khiến ai cũng phải nể phục  - Ảnh 1.

Thai giáo luôn được các bà mẹ Do Thái đặc biệt quan tâm.

Trong quá trình mang thai, các bà mẹ Do Thái thường nghe nhạc, chơi nhạc cụ, giải toán… để phát triển trí thông minh cho con ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Ngoài ra, người mẹ chọn ăn hạnh nhân, chà là, cá và uống dầu cá (nhưng tránh ăn đầu cá), bởi họ tin rằng tất cả điều đó sẽ giúp con trở nên thông thái.

Khi vừa ra đời, trẻ em Do Thái đã được tiếp xúc với sách – kho tàng tri thức của cả thế giới, theo cách rất đặc biệt: Nhỏ mật lên sách.

Đúng vậy, các bà mẹ Do Thái đã tạo cho con thói quen thích sách bằng cách nhỏ vài giọt mật lên cuốn sách và cho bé liếm. Khi đó, trong nhận thức non nớt của đứa trẻ, sách là cái gì đó rất ngọt ngào, hấp dẫn. Từ đó, khi nhìn thấy sách, trẻ sẽ tìm cách lân la lại gần. Lâu dần, sách trở thành người bạn luôn đồng hành với chúng.

Người Do Thái luôn xem tri thức là một loại vốn đặc biệt vì tri thức có thể tạo ra tài sản nhưng không ai có thể cướp đoạt. Vì vậy, đây chính là tài sản duy nhất bố mẹ muốn để lại cho con.

Bên cạnh đó, Ủy ban công nghiệp thành phố New York (Mỹ) có cuộc điều tra nguồn nhân lực vào năm 1950 và nhận thấy có sự khác biệt lớn về việc đi làm công nhân giữa phụ nữ Ý với phụ nữ Do Thái. Phụ nữ Ý thường phải đi làm và còn bắt con nghỉ học để đi làm phụ cha mẹ, còn các bà mẹ Do Thái thì ngược lại. Dù kinh tế khó khăn, họ vẫn ở nhà để nuôi dạy con, dồn hết trách nhiệm kiếm sống cho chồng. Hoặc, ban ngày, họ đi làm nhưng tối về vẫn dành chút thời gian để dạy con học.

Nhờ sự chăm sóc, động viên của cha mẹ mà học sinh Do Thái nổi tiếng trong trường về thành tích học tập và tính chuyên cần, khác hẳn với học sinh nhiều dân tộc khác. Vào năm 1954, hệ thống trường công của thành phố New York thống kê được 28 học sinh có chỉ số IQ cực cao lên tới 170 điểm, trong đó có 24 học sinh là người Do Thái.

Ngoài ra, người Do Thái còn quan niệm điểm không quan trọng bằng cách học, mà đã học thì phải hỏi. Chính vì vậy, học sinh Do Thái được khuyến khích đặt thật nhiều câu hỏi cho giáo viên. Cũng theo các nhà khoa học Do Thái, sự rung động của âm nhạc sẽ kích thích bộ não và đó là lý do vì sao có rất nhiều thiên tài người Do Thái…

Nguồn gốc của phương pháp nhỏ mật lên sách

 “Nhỏ mật lên sách” để trẻ biết sự ngọt ngào của tri thức: Bí quyết dạy con độc đáo ngay từ thuở lọt lòng của người Do Thái khiến ai cũng phải nể phục  - Ảnh 2.

Khoảng thế kỷ 12, một phong tục kỳ lạ được phát triển đầu tiên ở Đức. Đó là đưa những đứa trẻ đến giáo đường hoặc nhà của giáo sĩ Do Thái trong ngày Shavuot (Shavuot là một ngày lễ quan trọng của người Do Thái, kỷ niệm ngày Chúa ban phúc cho người Do Thái tại núi Sinai).

Đứa trẻ vẫn còn bế ngửa thì được che bằng một chiếc áo choàng. Đến nơi, cha mẹ đặt trẻ vào lòng của giáo sĩ. Còn trẻ lớn hơn một chút thì tay cầm theo một phiến đá. Trên phiến đá có viết các từ alef, bet, gimel, dalet, tav, shin, resh, kuf.

Sau đó, giáo sĩ đọc to các từ trên phiến đá và những đứa trẻ lặp lại, rồi nhỏ một ít mật ong lên đó để trẻ liếm mật từ các chữ cái bằng lưỡi của mình. Cuối cùng, trẻ ăn chiếc bánh mật ong có ghi chữ "Chúa trời đã cho tôi một chiếc lưỡi khéo léo để biết và cảm nhận".

Buổi lễ muốn nhắn nhủ ba nguyên tắc cơ bản trong giáo dục của người Do Thái.

- Trước hết, "dạy con từ thuở còn thơ", phải bắt đầu giáo dục khi trẻ còn nhỏ bởi lúc này tâm trí của chúng có thể tiếp thu nhiều thông tin.

- Thứ hai, khẳng định tầm quan trọng của các nghi lễ trong quá trình học tập. Nếu chúng ta chỉ đơn giản là bắt đầu dạy trẻ như ở trường học thì những điều đó sẽ không để lại ấn tượng lâu dài. Tuy nhiên, một buổi lễ phức tạp sẽ biến ngày đầu tiên đến trường thành một trải nghiệm đặc biệt và lưu lại trong tâm trí trẻ suốt cuộc đời.

- Thứ ba, làm cho việc học trở nên thú vị. Một đứa trẻ liếm mật ong từ một phiến đá và ăn bánh mật ong vào ngày đầu tiên đi học sẽ hình thành trong nhận thức non nớt của đứa trẻ rằng sách là một "món ăn ngọt ngào".

Coi trọng tri thức bởi tri thức là sức mạnh

 “Nhỏ mật lên sách” để trẻ biết sự ngọt ngào của tri thức: Bí quyết dạy con độc đáo ngay từ thuở lọt lòng của người Do Thái khiến ai cũng phải nể phục  - Ảnh 3.

Dân tộc Do Thái là dân tộc đầu tiên trên thế giới mà nhà thờ quy định tất cả nam giới phải biết đọc, viết và tính toán. Sang thế kỷ thứ 2, bắt buộc mọi đàn ông phải có nghĩa vụ dạy lại con trai mình những thứ này. Có thể thấy, người Do Thái từ lâu đã coi trọng việc xóa mù chữ và thực hiện phổ cập giáo dục trước các dân tộc khác mười mấy thế kỷ.

Theo thống kê, Israel cũng là nước đứng đầu thế giới về lượng dân số từ 14 tuổi đọc sách, đứng đầu về số sách xuất bản theo đầu dân. Không một người Do Thái thành đạt nào lại không giành thời gian để đọc, để học, để trau dồi kiến thức. Từ ngàn năm xưa, người Do Thái đã xem tri thức là thứ vốn đặc biệt, bởi tri thức có thể sinh ra của cải, và cũng không thể bị cướp đoạt.

Đây chính là nhân tố quan trọng giúp người Do Thái đạt được trí thông minh vượt bậc so với phần còn lại của thế giới.

Theo TheJerusalemPost và LifeHack / Ảnh: Internet

Theo Nguyễn Hồng

Cùng chuyên mục
XEM