“Nhờ” chiến tranh thương mại, bùng nổ công nghệ Trung Quốc vượt ngoài sức tưởng tượng

13/09/2019 13:45 PM | Công nghệ

Xu hướng chuyển sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất sản phẩm cao cấp của Trung Quốc là không thể ngăn cản được.

Tại Thâm Quyến, một công ty mới thành lập 5 năm tạo ra một chiếc máy ảnh thể thao 360 độ đã giành giải thưởng và được so sánh với GoPro Inc. Ở những nơi khác trong đồng bằng Châu Giang, một công ty thiết kế trong phân khúc thị trường nhỏ đang cạnh tranh với nhà sản xuất tai nghe hàng đầu thế giới. Và tại thủ đô Bắc Kinh, một startup ít ai biết đến trở thành một trong những nhà cung cấp đồng hồ thông minh lớn nhất trên toàn cầu.

Insta360, SIVGA và Huami tiếp nối DJI Technology Co. - nhà sản xuất thiết bị bay không người lái trong một làn sóng các công ty khởi nghiệp đang gỡ bỏ hình ảnh "nhà máy nhân bản" hàng chục năm của Trung Quốc cùng mối lo ngại của Washington về đối thủ quốc tế đang phát triển nhanh chóng này. Trong nền kinh tế đúng thứ 2 thế giới, chiến dịch của ông Trump nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc trên thực tế đang thúc đẩy lĩnh vực công nghệ đang phát triển nơi đây tăng tốc thiết kế và phát minh.

Mối đe dọa mà các công ty Trung Quốc tạo ra là về khoảng cách địa lý không thể so sánh được: bằng cách chuyển cơ sở nghiên cứu thiết kế và đổi mới đến nơi sản xuất các thiết bị, các công ty này có thể phát triển sản phẩm nhanh hơn và rẻ hơn.

90% tai nghe của thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, 90% tai nghe của Trung Quốc được sản xuất tại Quảng Đông và 90% tai nghe của Quảng Đông được sản xuất tại Đông Quan, ông Zhou Jian, nhà đồng sáng lập và giám đốc sản phẩm của SIVGA giải thích. Ông là một người kỳ cựu trong ngành âm thanh 18 năm đã từng làm việc cho các thương hiệu toàn cầu như Sennheiser Electronic GmbH & Co., Sony và Bose. Công ty của ông có trụ sở tại Đông Quan bởi theo ông, "chuỗi công nghiệp của Đông Quan đã gần như hoàn hảo". Ông Zhou ước tính có hàng trăm nhà máy chuyên biệt trong khu vực tập trung vào một thành phần cụ thể như ốc vít, và mạng lưới liên hệ của ông với các nhà cung cấp này là vô giá. Đó là "sự hỗ trợ từ những người bạn tốt" để tạo nên khởi đầu thuận lợi cho SIVGA.

Hiện đang cung cấp một thương hiệu cao cấp có tên Sendy Audio, SIVGA bán một cặp tai nghe cao cấp trị giá 599 USD có tên là Aiva. Với đệm tai bằng gỗ được làm thủ công và lưới tản nhiệt kim loại chi tiết phức tạp, Aiva đã đưa hơn 2.000 chiếc vào một phân khúc thị trường nhỏ, lợi nhuận cao thường dành cho các hãng của Mỹ như Audeze và Campfire Audio. "Theo như chúng tôi biết, chúng tôi là công ty duy nhất ở Đông Quan có nhà máy chế biến gỗ, ông Zhou nói, đồng thời chỉ ra rằng tại SIVGA, thời gian phát triển rất ngắn và có thể đưa ra nhiều quyết định ngay lập tức." Khả năng đáp ứng thiết kế là một đặc trưng của công nghệ mới ở Trung Quốc, ông Zhou kết luận với một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc: Thuyền nhỏ đổi hướng dễ hơn tàu lớn.

“Nhờ” chiến tranh thương mại, bùng nổ công nghệ Trung Quốc vượt ngoài sức tưởng tượng - Ảnh 1.

Tai nghe Sendy Audio Aiva

DJI là công ty tiên phong chứng minh rằng các công ty công nghệ Trung Quốc không chỉ là nhà thầu sản xuất hay "một chiếc máy photocopy". DJI dẫn đầu trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay không người lái với các tính năng như tự động tránh chướng ngại vật khi bay. Các đối thủ ở Mỹ, Pháp và Đài Loan không thể bắt kịp. Sự tiên phong của DJI dựa trên sự phối hợp địa lý tương tự như SIVGA. Khi một đối thủ của Mỹ gặp khó khăn hay sai sót trong quá trình sản xuất, khả năng xác định và phản ứng với vấn đề của họ bị cản trở bởi khoảng cách giữa các nhà thiết kế và nhà sản xuất. DJI không gặp trở ngại này, nhờ đó trở thành nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu trên thế giới.

Đây là những công ty Trung Quốc muốn trở thành những nhà tiên phong và đổi mới trong ngành. DJI và Insta360 là những ví dụ hoàn hảo cho bước chuyển dịch này, theo nhà phân tích ngành công nghiệp di động Anshel Sag cho Moor Insights & Strategy. Một phần lớn thành công đến từ tinh thần kinh doanh của Thâm Quyến.

Giống như Đông Quan, đại bản doanh mới của Huawei Technologies Co. trong năm nay, Thâm Quyến là nơi "gặp gỡ" giữa những nhà sản xuất linh kiện và nhà cung cấp mong muốn tìm kiếm khách hàng mới cho sản phẩm của họ. Tại đây, hệ thống chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, ông Liu JingKang, người sáng lập Insta360 nói. Từ góc độ nghiên cứu, nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ chiếm 60% trong việc tạo ra một sản phẩm, phần còn lại cần được hoàn thành trong các nhà máy. CEO của OnePlus, một công ty khác có trụ sở ở đây, thể hiện sự tự hào với khả năng chế tạo thử nghiệm thiết bị mới với tốc độ cao vì ông chỉ cách dây chuyền lắp ráp 45 phút lái xe.

Không cần phải là Apple Inc., các công ty Trung Quốc hiện đang chế tạo các sản phẩm cao cấp, đẳng cấp thế giới. Cho dù một công ty Trung Quốc có phải là người sáng tạo ra công nghệ hay không, nó chắc chắn sẽ là công ty đầu tiên có giá đột phá.

Được hỗ trợ bởi công ty Xiaomi vào năm 2014, Huami chịu trách nhiệm tạo ra sản phẩm Xiaomi Mi Band nổi tiếng, đã tràn ngập thị trường Trung Quốc với mức giá 20 USD. Mi Band cung cấp hầu hết các tính năng của máy theo dõi thể dục Fitbit - bao gồm đếm bước và theo dõi nhịp tim - với giá chỉ bằng một phần của Fitbit. Sau khi mở rộng kinh doanh tại Mỹ và ra mắt thương hiệu Amazfit của riêng mình, Huami hiện đang vận chuyển hơn 5 triệu thiết bị sang thị trường Mỹ mỗi quý, và giám đốc điều hành của công ty tự tin về việc loại bỏ ít nhất một số đối thủ lớn hơn, bao gồm cả Apple và Samsung.

“Nhờ” chiến tranh thương mại, bùng nổ công nghệ Trung Quốc vượt ngoài sức tưởng tượng - Ảnh 2.

Xiaomi Mi Band

Các mô hình hoạt động cho Garmin và các nhà cung cấp thiết bị thông minh khác ở châu Âu và Mỹ vẫn còn thiếu sót. Giá bán lẻ của họ rất cao, theo ông Wang Huang - Giám đốc điều hành và người sáng lập Huami. "Họ chỉ có thể bán các sản phẩm rất đắt tiền cho một nhóm khách hàng rất nhỏ bởi vì thị trường chính và thị trường cấp thấp sẽ bị xói mòn bởi các công ty như chúng tôi."

Bằng chứng cho lời nói của người đứng đầu Huami là thị trường điện thoại thông minh, nơi nhóm các nhà sản xuất hàng đầu đang ngày càng bị chi phối bởi các tên tuổi Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Huawei. Năm 2018 chứng kiến những thương hiệu này xâm nhập thị trường châu Âu, dựa vào giá cả tốt hơn và những tính năng mới.

Xiaomi liên tục sản xuất các điện thoại với công nghệ tiên phong trên thị trường. Cùng với SIVGA, Huami và Insta360, họ đang theo chân các công ty như Lenovo Group Ltd., một trong những công ty Trung Quốc thành công đột phá sau khi mua lại mảng kinh doanh máy tính cá nhân (PC) của IBM vào năm 2004. Tham vọng đổi mới và vươn ra toàn cầu của họ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự dẫn đầu của rất nhiều sản phẩm công nghệ Mỹ trong các lĩnh vực từ thiết kế đến tính năng, cho dù chúng là GoPro, iPhone của Apple hay laptop HP.

Bùng nổ công nghệ Trung Quốc

“Nhờ” chiến tranh thương mại, bùng nổ công nghệ Trung Quốc vượt ngoài sức tưởng tượng - Ảnh 3.

Các giao dịch vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc tăng vọt trong 5 năm qua, gần bằng với Mỹ. Nguồn: Preqin

Những nhà sáng tạo công nghệ Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh không phải là không có hiểu biết về thương mại. Nhiều công ty trong số đó đang lên kế hoạch tìm kiếm vốn trên sàn giao dịch mới của Thượng Hải cho các công ty khởi nghiệp, được biết đến với tên Star. Ninebot Inc., hãng được Xiaomi hậu thuẫn đã mua lại Segway vào năm 2015, nhằm mục đích huy động 300 triệu USD tại đây. Trong nhóm những "kỳ lân" (công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD) công nghệ, Mobvoi được Google hỗ trợ, tạo ra thuật toán dịch ngôn ngữ tự nhiên cho đồng hồ thông minh Wear OS, cũng được cho là đang tìm kiếm một vụ IPO có giá trị cao trên thị trường Star.

Royole, công ty khởi nghiệp nổi tiếng với việc đánh bại Samsung để bán smartphone màn hình gập đầu tiên trên thế giới vào năm 2019, đã hợp tác với Louis Vuitton để ra mắt túi xách gắn màn hình linh hoạt. Giống như Huami ban đầu dựa vào thương hiệu Xiaomi để tự lực phát triển, Royole có cơ hội trở thành công ty "chơi" hàng xa xỉ với sự giúp đỡ của một công ty lớn hơn. Sự khác biệt giữa các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, nơi có xu hướng làm tốt về mảng marketing và giao dịch, và thế hệ mới của các doanh nghiệp sản xuất trong nước của Trung Quốc đang dần biến mất.

Các nhà phê bình Mỹ, như Tổng thống Donald Trump, thường chỉ ra một hồ sơ theo dõi các công ty Trung Quốc sao chép các tính năng từ nước ngoài, và một trong những bằng chứng của họ là cách thiết kế và phần mềm của iPhone dường như được Huawei, Xiaomi và những công ty khác nhái lại "như một thói quen". Không nhiều công ty phương Tây có thể làm trong những tình huống như vậy. Khi Segway đệ đơn khiếu nại một số thương hiệu Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cuối cùng họ bị một trong các bị cáo của mình mua lại.

Sự thay đổi dễ dàng nhận thấy là thế hệ mới của các công ty sáng tạo không chờ đợi người khác cho họ xem bản thiết kế. Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong đổi mới vượt xa những dẫn chứng cụ thể từ các công ty khởi nghiệp như DJI và Huami, và các công ty của quốc gia này hiện đang xếp hạng trong số những ứng viên sáng chế hàng đầu thế giới.

Xu hướng chuyển sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất sản phẩm cao cấp của Trung Quốc là không thể ngăn cản được.

Theo Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM