Nhìn lại 1 năm kinh doanh của các doanh nhân tuổi Tuất: Người thăng hoa cất cánh, người kinh doanh trong khó khăn
Khá nhiều người tuổi Tuất thành công trên thương trường. Họ là những doanh nhân sinh năm 1946, 1958, 1970, 1982... Hãy cùng điểm lại một năm kinh doanh con giáp này trong năm 2018.
Bùi Thành Nhơn (1958, Mậu Tuất)
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va
Ông Nhơn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT tại Tập đoàn Địa ốc Nova (Novaland) và một loạt các tập đoàn, công ty khác. Năm 2018, cổ phiếu NVL tăng 38% khiến tài sản của vị chủ tịch tăng khoảng 4.000 tỷ đồng.
Ông Bùi Thành Nhơn sinh ra tại Đồng Tháp, xuất thân là một cử nhân ngành chăn nuôi thú y và tốt nghiệp khóa quản trị kinh doanh cao cấp HSB Tuck School of Business tại Darthmouth, Đức.
Ông Nhơn bắt đầu sự nghiệp bằng những công việc trong ngành thú y tại Phòng Nông nghiệp Ủy ban Nhân dân Huyện Nhà Bè, TP HCM rồi đến Công ty Vật tư Chăn nuôi Thú y cấp I, TP HCM. Sau này ông Nhơn đã tự thành lập Công ty TNHH Thương Mại Thành Nhơn chuyên kinh doanh thuốc thú y và các loại dược liệu, hóa chất. Giai đoạn 2006 khi thị trường bất động sản phát triển, ông Nhơn chuyển hướng sang ngành này và giành được nhiều thành công.
Cho đến nay tập đoàn Novaland đã cung cấp gần 26.000 sản phẩm ra thị trường từ hơn 40 dự án trải khắp Tp.HCM. Hiện Novaland đang đẩy mạnh sang phát triển các dự án BĐS du lịch ở các tỉnh, thành phố tiềm năng. Ví dụ như tập đoàn này từng tiết lộ phương án quy hoạch đại đô thị dự kiến có quy mô diện tích lên tới 1.800ha tại TP.Bà Rịa. Năm 2019, tập đoàn này đặt kế hoạch doanh thu 18.000 tỷ đồng, tăng 20% so với kế hoạch năm trước.
Lê Văn Quang (1958, Mậu Tuất)
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Ông Quang xuất thân là cán bộ kỹ thuật sở thủy sản Minh Hải từ những năm 1980. Sau này ông chuyển sang làm tại phòng thu mua rồi quản đốc phân xưởng CT XNK Thủy Sản Minh Hải. Đến năm 1992, ông Quang tự mở doanh nghiệp tư nhân Minh Phú. Từ năm 2003 ông Quang làm Tổng giám đốc CTy XNK Thủy sản Minh Phú.
Năm 2006 đánh dấu bước ngoặt của Minh Phú khi công ty đạt được quy trình nuôi trồng và sản xuất khép kín, đạt kim ngạch xuất khẩu gần 133 triệu USD, lợi nhuận sau thuế gần 109 tỉ đồng, dẫn đầu về xuất khẩu tôm cả nước. Cuối năm đó, công ty thực hiện niêm yết cổ phiếu.
Tuy nhiên, cuối tháng 3/2015, công ty hủy niêm yết. Đến năm 2017, sau 2 năm rưỡi hủy niêm yết tự nguyện, Minh Phú lên kế hoạch trở lại sàn chứng khoán với bước đệm ở sàn Upcom.
Năm 2018 cũng giai đoạn công ty này phá nhiều kỷ lục trong 26 năm hoạt động. Doanh thu xuất khẩu ước đạt 750 triệu USD, cao nhất lịch sử. Công ty đạt lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ đồng. Kế hoạch 2019-2020, Minh Phú sẽ chuyển dịch toàn bộ ao nuôi theo hướng truyền thống sang công nghệ nuôi mới với kỳ vọng lợi nhuận nuoi tôm có thể dạt tỷ suất 50%/vụ hay 150%/năm.
Hiện ông Quang sở hữu khối tài sản khoảng 1.200 tỷ đồng.
Lê Viết Hải (1958, Mậu Tuất)
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, sau một thời gian làm việc tại Công ty Quản lý nhà thuộc Sở Nhà đất TP.HCM, năm 1987, ông Lê Viết Hải quyết định thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình.
3 năm sau, Văn phòng nhỏ bé này đã hoàn thành một công trình được đánh giá là có quy mô lớn, kỹ thuật thi công khá phức tạp lúc bấy giờ, đó là khách sạn Riverside. Từ cột mốc ấy, Hòa Bình liên tục trúng thầu các dự án lớn như khách sạn International, Saigon Food Center, Tecasin Business Center…
Đầu năm 2018 tổng giá trị tài sản của ông Hải là 987,9 tỷ đồng và là người giàu thứ 60 trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên trong năm 2018, cổ phiếu HBC giảm giá tới gần 50% do xu hướng chung của thị trường xây dựng cũng như sụt giảm trong kết quả kinh doanh. Tính tới ngày 29/1/2019, giá trị tài sản chứng khoán của ông Hải đạt hơn 500 tỷ đồng.
Thái Hương (1958, Mậu Tuất)
Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa TH, TGĐ Ngân hàng Bắc Á
Bà Hương vốn là dân tài chính, nổi tiếng trên thương trường với vai trò tổng giám đốc ngân hàng Bắc Á.
Trước khi kinh doanh riêng, những năm 1990, bà Hương là một cán bộ nhà nước tại ban tài chính Hải Phòng, bà quyết định nghỉ việc nhà nước để ra ngoài kinh doanh. Nguyên nhân được bà lý giải là "cảm thấy nhiều cái mình muốn làm mà bị ràng buộc bởi cơ chế, không được tự do để phát triển."
Năm 2008 bà Hương khiến cả hội đồng cổ đồng Bắc Á Bank bất ngờ khi tuyên bố "Tôi sẽ làm sữa". Năm 2009, bà Hương chính thức nhập bò từ Newzealand về Nghệ An, áp dụng công nghệ Israel với vốn đầu từ 350 triệu USD. Trang trại của TH Milk có 45.000 con bò sữa, đây là trang trại bò sữa quy mô lớn nhất ở Việt Nam. Năm 2015, bà Hương lần đầu được tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, cùng với chủ tịch Vinamilk Mai Kiều Liên.
Tháng 9 năm 2018, tập đoàn TH tổ chức Lễ Khởi công Nhà máy chế biến sữa TH công suất 1.500 tấn/ngày- thuộc tốp đầu nhà máy có công suất chế biến sữa lớn nhất nước Nga đạt tại huyện Borovsk, tỉnh Kaluga. Nhà máy này nằm trong chuỗi sản xuất khép kín các sản phẩm sữa và đồ uống tốt cho sức khỏe thuộc Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD của tập đoàn TH tại Liên bang Nga.
Nguyễn Thị Phương Thảo (1970, Canh Tuất)
Chủ tịch tập đoàn Sovico, TGĐ hàng không VietJet
Bà Thảo vốn là sinh viên trường đại học Kinh tế quốc dân Phêklanôp, Liên bang Nga. Từ năm 1992, bà Thảo thành lập công ty Sovico rồi lần lượt thành lập hoặc là thành viên HĐQT Ngân hàng HD Bank, Techcombank, Hãng hàng không VietJet.
Hiện bà Thảo nắm giữ khối tài sản gần 33.000 tỷ đồng.
Bà Thảo đang nắm giữ 8,76% cổ phần tại Vietjet, công ty riêng của bà Thảo là công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny hiện đang nắm giữ 28,57% cổ phần của hãng hàng không này.
Bà Thảo cũng là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam do Forbes bình chọn. Mới đây bà Thảo cũng lọt vào top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới (xếp thứ 55) do tạp chí danh tiếng này bình chọn.
Năm 2018, sau hơn 6 năm kể từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, Vietjet Air đã vươn lên trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa lớn nhất, vượt qua Vietnam Airlines và Jetstar Pacific.