Nhìn du lịch Campuchia tăng trưởng 22 lần sau 2 thập kỷ, du lịch Việt Nam có thấy buồn không?

20/09/2016 15:51 PM | Kinh tế vĩ mô

Năm 2015, lượng khách du lịch đến Campuchia đạt 4,7 triệu lượt, gấp gần 22 lần so với năm 1995 trong khi Việt Nam chỉ tăng gần 6 lần.

Trong thập niên 60, Campuchia từng là điểm du lịch nổi tiếng nhất Đông Nam Á với lượng du khách hàng năm từ 50-70 nghìn người. Nhưng hàng chục năm nội chiến, đặc biệt là nạn diệt chủng Khmer Đỏ, ngành du lịch nước này gần như bị phá hủy hoàn toàn. Sau khi nội chiến kết thúc, từ thập niên 90, Campuchia bắt đầu cải cách mô hình kinh tế thành nền kinh tế thị trường với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Du lịch được Chính phủ Campuchia xem là một trong những nguồn thu hút ngoại tệ quan trọng nhất. Đồng thời ngành này được xem là công cụ giúp giới thiệu hình ảnh, văn hóa Campuchia ra nước ngoài.

Du lịch là ngành lớn thứ 3 trong nền kinh tế sau nông nghiệp và dệt may, ngành đem về nguồn thu lớn thứ hai sau dệt may. Ngành công nghiệp không khói này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách phát triển kinh tế, chính trị Campuchia. Để có được điều này, chính phủ Campuchia và bộ phận tư nhân đóng vai trò quyết định chính trong việc thúc đẩy du lịch.

Khách quốc tế đến Campuchia tăng lên đáng kể sau 20 năm. Lượng khách đến chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, châu Âu. Là nước láng giềng, ngành du lịch Việt Nam vẫn thu hút nhiều khách du lịch hơn nhưng tốc độ tăng trưởng thì thua xa. Năm 2015, lượng khách du lịch đến Campuchia đạt 4,7 triệu lượt, gấp gần 22 lần so với năm 1995 trong khi Việt Nam có 7,9 triệu lượt khách, gấp 5,8 lần.


Du lịch Campuchia tăng trưởng nhanh và đang đuổi sát theo Việt Nam

Du lịch Campuchia tăng trưởng nhanh và đang đuổi sát theo Việt Nam

So sánh những khía cạnh khác, Việt Nam cũng thua Campuchia trên nhiều khía cạnh. Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (The World Travel & Tourism Council), đóng góp trực tiếp của du lịch Campuchia vào GDP năm 2015 chiếm 13,5% trong khi Việt Nam là 6,6%. Ngành này hiện tạo ra 1 triệu làm trực tiếp trong khi mặc dù quy mô lớn hơn 5 lần nhưng du lịch chỉ tạo ra 2,8 triệu việc làm ở Việt Nam.

Đây là con số đáng suy ngẫm bởi tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam, đáng nhẽ ra có thể tăng trưởng nhanh hơn con số thực tế trên nhiều lần. Đó cũng là lý do từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh, du lịch sẽ là ngành phát triển mũi nhọn của Việt Nam trong thập kỷ tới.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây cũng đã yêu cầu Đề án phát triển du lịch phải thể hiện được đây là ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp, liên ngành, liên vùng, có dấu ấn văn hóa sâu sắc, vận hành theo đầy đủ các quy luật thị trường.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM